Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Archives for 18/06/2021

ĐH MỞ TP.HCM – KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (15/6/1990 – 15/6/2021)

Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 15 tháng 06 năm 1990 với tên gọi đầu tiên là Viện Đào tạo mở rộng. Trải qua 31 năm hình thành và phát triển, nay Trường đã là trường Đại học công lập đa ngành với nhiều bậc, hệ đào tạo và đạt được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong xã hội và cộng đồng học tập trong và ngoài nước.

[ĐH MỞ TP.HCM] KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (15/6/1990 – 15/6/2021)

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 12 khoa và 26 ngành đào tạo bậc đại học và có 10 ngành đã thực hiện đào tạo chất lượng cao, 12 chuyên ngành thạc sĩ và 05 chuyên ngành tiến sĩ ở cả ba lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và xã hội nhân văn. Gần 31.000 người học đang theo học ở các bậc với 30.000 sinh viên bậc cử nhân (bao gồm chính quy tập trung, đào tạo từ xa, vừa làm vừa học), 970 học viên thạc sĩ và 59 học viên tiến sĩ. Phương thức đào tạo linh hoạt với các hình thức như: chính quy tập trung, học từ xa tại địa phương, học từ xa qua mạng và hệ vừa làm vừa học. Đó là sự phát triển mạnh mẽ qua thời gian đúng theo sứ mạng của trường. Nhất là hệ đào tạo từ xa khởi đầu từ việc phát thanh bài giảng từ năm 1993, thực hiện triển khai bài giảng thông qua cầu truyền hình từ năm 2009 và từ 2016 đến nay đã có một hệ thống đào tạo trực tuyến hiện đại xứng tầm quốc tế. Trường đã đạt được kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo vào năm 2017.

[ĐH MỞ TP.HCM] KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (15/6/1990 – 15/6/2021)

Ngay từ đầu thành lập đến nay, Trường đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo như đối mới CTĐT, phương pháp giảng dạy, tài liệu giáo trình, phương pháp đánh giá người học; chú trọng đến kỹ năng thực hành; nhiều hoạt động ngoại khóa; và tăng cường kỹ năng và thái độ cho sinh viên trong quá trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Uy tín đào tạo của nhà trường được nâng cao. Số lượng thí sinh nộp hồ sơ và điểm chuẩn trúng tuyển ở mức khá và mức cao so với các trường ở phía Nam và ngày càng nhiều học sinh giỏi nộp hồ sơ vào trường. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp trung bình là 95%. Nhà trường đã tạo ra một đội ngũ lao động chất lượng cao cho xã hội và nhiều cựu sinh viên và cựu học viên đã thành đạt ở nhiều lĩnh vực và đóng góp rất lớn đến cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2020, trường là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách đề cử Chiến lược dạy và học của năm 2020 thuộc giải thưởng Giáo dục châu Á (THE Awards Asia 2020). Đây là giải thưởng vinh danh các trường ở mười hạng mục như Đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, Chiến lược quốc tế của năm, Chiến lược dạy và học của năm, Đổi mới công nghệ của năm, Nơi làm việc của năm, Hỗ trợ xuất sắc cho sinh viên… Ngoài ra, Trường đứng vị trí 16 trong tổng số 178 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong bảng xếp hạng WEBOMETRICS tháng 1/2021; Và vào tháng 5/2021, Trường đạt thứ hạng 13 Việt Nam và 349 Châu Á trên bảng xếp hạng SCImago; 04 Chương trình đào tạo bậc thạc sĩ các chuyên ngành Kinh tế học, Tài chính – Ngân hàng, Quản trịnh Kinh doanh, và Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh  của Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức FIBAA (Châu Âu) trao chứng nhận kiểm định chất lượng, và nhà trường đang tiếp tục thực hiện kiểm định CTĐT bậc đại học và sau đại học theo chuẩn trong nước và quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường luôn đạt thành tích cao. Đặc biệt là 5 năm trở lại đây, giảng viên và cả sinh viên khi tham dự các kỳ thi lớn, Trường luôn đứng trong top 10 các trường đạt thành tích nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số bài báo đăng ở các Tạp chí có uy tín trên thế giới của giảng viên và sinh viên đang ngày càng gia tăng. Tạp chí Khoa học của Trường được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận và đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm công trình khoa học (trong đó, có lĩnh vực kinh tế và giáo dục được tính điểm đến 0.75). Từ năm 2021, Tạp chí đã tham gia hệ thống dữ liệu quốc tế ACI (Asean Citation Index). Tháng 5/2021, Tạp chí khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở TPHCM đạt các thứ hạng 13, 36, 40, 43, 54, 76 lần lượt của các Tạp chí chuyên ngành tiếng Anh, gồm lĩnh vực Kinh tế – Quản trị kinh doanh; Kỹ thuật và công nghệ; Khoa học xã hội; Tạp chí chuyên ngành tiếng Việt, gồm lĩnh vực Khoa học xã hội; lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, trên bảng công bố xếp hạng chỉ số ảnh hường của các Tạp chí khoa học ở Việt Nam.

Để đạt được thành quả đó, phải kể đến sự phát triển nhân sự có trình độ chuyên môn cao và chuyên nghiệp. Đến nay trường đã có 650 viên chức, công chức đảm nhận các công việc của Trường. Trong đó có 06 Giáo sư, 20 Phó giáo sư – Tiến sĩ, 130 Tiến sĩ, 302 Thạc sĩ đảm nhận các vị trí quan trọng trong giảng dạy và quản trị điều hành công việc của trường. Đa phần đội ngủ giảng viên của nhà trường được đào tạo và tốt nghiệp từ các trường ở các nước tiên tiến trên thế giới.

[ĐH MỞ TP.HCM] KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (15/6/1990 – 15/6/2021)

Bên cạnh thành tích nghiên cứu khoa học, với nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế, nhà Trường cũng đã thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế và có những phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án hợp tác đào tạo như: Chương trình Việt – Bỉ (từ năm 1995 đến nay), Chương trình liên kết với ĐH USQ (Úc), Chương trình liên kết với Đại học ECU (Úc), Chương trình liên kết với ĐH Fresenius và liên kết với ĐH Kinh tế – Luật Berlin (Đức), Chương trình liên kết với Đại học Flinders và liên kết với Đại học Bonds (Úc) và Chương trình liên kết với Đại học ROENS (Pháp). Trường tiếp tục duy trì vai trò thành viên của các tổ chức quốc tế như AAOU (Asian Association of Open Universities), ICDE (International Council for Open and Distrance Education), SEAMEO SEAMOLEC (SEAMEO Regional Open Learning Centre – SEAMOLEC), SEAMEO SEPS (South East Asian Ministers of Education Organization Regional Centre for Sufficiency Economy Philosophy for Sustainability), QM (Quality Matters), AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance). Ngoài ra, còn hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên với nhiều trường trên thế giới.

Từ năm 2016, Trường bắt đầu tham gia các dự án Erasmus+, đã triển khai thành công dự án “Phát triển và nghiên cứu toàn cầu: Thúc đẩy mạng lưới kiến thức và phương pháp nghiên cứu xuyên ngành để ứng phó với những thách thức toàn cầu” (Development & Global Studies: Fostering multi-lateral knowledge networks of transdisciplinary studies to tackle global changes – KNOTS) và tiếp tục được tài trợ 02 dự án là RECOASIA (Regional cooperation in the field of recognition among Asian countries) và TRUST (Financial technology and digital innovation to modernise and develop curricula of Vietnamese and Philippines Universities). Các dự án hợp tác quốc tế này đã góp phần nâng cao năng lực (capacity building) và góp phần khẳng định việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của Trường. Nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức hàng năm và thu hút đông đảo các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước tham dự, như VBER, OpenTESOL, …

[ĐH MỞ TP.HCM] KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (15/6/1990 – 15/6/2021)

Nhắc đến trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ cũng cần nhắc đến những giá trị gắn kết cộng đồng và hoạt động thiện nguyện cho sinh viên mà trường đã thực hiện và thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nếu như trước đây mới chỉ là những dấn ấn của người học thông qua các chương trình như Ánh sáng văn hóa hè – xóa mù chữ; Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh đến các vùng sâu vùng xa như núi rừng Trường Sơn với đường Hồ Chí Minh lịch sử thì nay hoạt động tình nguyện và gắn kết cộng đồng đã là hoạt động không thể thiếu của cả viên chức, công chức và cả tập thể trường. Đó là các hoạt động do Công đoàn trường tổ chức như tặng áo dài giáo viên, áo ấm cho trẻ em vùng cao; Phát động chương trình hành động vì môi trường giảm rác thải nhựa năm 2019; thực hiện hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua phim ảnh. Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức trẻ hàng năm cũng rất tích cực trong hoạt động tình nguyện như tổ chức Lễ hội trung thu cho trẻ em, chương trình tình nguyện hè; Tổ chức chương trình tặng máy lọc nước cho vùng sâu vùng xa. Phối hợp cùng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Medic Hòa Hảo tổ chức chương trình đồng hành phòng, chống bệnh gan thông qua hoạt động xét nghiệm và tiêm phòng. Đặc biệt, Trường phát triển hệ thống các khóa học ngắn hạn miễn phí (VMOOCs) để phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục.

[ĐH MỞ TP.HCM] KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (15/6/1990 – 15/6/2021)

Không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nhiệm vụ giáo dục của mình, Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh còn là môi trường bồi dưỡng người lao động và đóng góp cùng xã hội trong công tác phát triển con người từ thực tiễn công việc. Đời sống viên chức và lao động tại Trường luôn được quan tâm và đảm bảo từ vật chất đến tinh thần. Thu nhập của viên chức và người lao động được chú trọng và phát triển trong trong những năm qua đã giúp viên chức và lao động an tâm tập trung trong công việc đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đây là thành quả của việc phát triển các nguồn thu và kế hoạch chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, với nguồn doanh thu tăng đều, số lượng học bổng dành cho người học ngày càng đa dạng hơn. Mỗi năm Trường chi gần 20 tỷ đồng học bổng cho người học ở các bậc hệ.

Với những thành quả đó, Trường đã vinh dự được nhiều đơn vị địa phương và trung ương khen tặng, nổi bật chính là Huân chương lao động hạng Nhì năm 2019. Sự ghi nhận thành quả và những phát triển vượt bậc trong thời gian qua của Trường chính là thành quả xuất phát từ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và thống nhất trong mọi hành động của từng cá nhân cho một giá trị to lớn của tập thể. Tiến tới những năm tiếp theo, Trường tiếp tục phát huy các thành quả, duy trì triết lý giáo dục với các giá trị cốt lõi bám sát sứ mạng và tầm nhìn của trường.

Với sức mạnh ý chí, tinh thần đoàn kết cao, gắn liền với nhân bản, rộng mở, thực tiễn, hội nhập, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm trở thành trường đại học công lập đa ngành hàng đầu ở Việt Nam với định hướng ứng dụng, phổ cập kiến thức và gắn kết cộng đồng; trong đó hoạt động đào tạo từ xa phát triển ngang tầm khu vực Đông Nam Á.

ĐH Kinh tế – Luật – Bí quyết vừa học tốt vừa trải nghiệm phong phú của một Cán bộ Đoàn – Hội

Biết sắp xếp thời gian hợp lý sẽ vừa học tốt mà vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ của một cán bộ Đoàn – Hội, đó là bí quyết để Phan Nhật Minh Trung (năm thứ ba , Bí thư Đoàn Khoa Tài chính – Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. HCM) ngày càng trưởng thành và tạo cảm hứng để “sống”, thay vì chỉ “tồn tại”.

Năng động ở trong lẫn ngoài giảng đường

“Mình đã từng là lớp trưởng lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt, Lâm Đồng). Ngoài ra, năm lớp 12 mình đã từng tham gia một tổ chức phi lợi nhuận có tên “Cho đi là tử tế”, tổ chức các hoạt động gây quỹ từ thiện và thực hiện các dự án từ thiện cho vùng sâu vùng xa ở Lâm Đồng. Lên Đại học mình là một sinh viên năng động trong các hoạt động và hiện tại mình đang là Bí thư Đoàn Khoa Tài chính – Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. HCM”, Minh Trung giới thiệu về mình.

Phan Nhật Minh Trung là một trong 10 cán bộ Đoàn – Hội tiêu biểu trường ĐH Kinh tế – Luật năm 2021.

3 năm ở giảng đường, anh bạn gặt hái nhiều thành quả trong học tập và công tác Đoàn: một trong 10 cán bộ Đoàn – Hội tiêu biểu trường ĐH Kinh tế – Luật năm 2021, Gương thanh niên Kinh tế – Luật làm theo lời Bác năm 2020 và 2021.. Học bổng Đồng hành vượt khó 2019 – 2020, thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường ĐH Kinh tế – Luật năm 2019 – 2020… Điểm GPA của Trung đạt 7.5/10.

Không chỉ năng động trong khuôn viên giảng đường, Minh Trung cũng chịu khó tham gia các hoạt động bên ngoài: chứng nhận Đại sứ Trẻ của NXB Trẻ, Đại sứ truyền thông của chương trình Model Asian Meeting 2021 của CLB Hợp tác quốc tế ICC (trường ĐH Ngoại Thương – FTU2), Đại sứ thương hiệu tuyển dụng Techcombank (Techcom EB’s Ambassadors)…

Minh Trung tham gia một chương trình thảo luận tại trường ĐH Kinh tế – Luật.

Ngoài giờ học hay các công tác Đoàn, Minh Trung vẫn chịu khó đi làm thêm: Gia sư, phục vụ part-time, viết content, designer, bán hàng online… Việc trải nhiều công việc làm thêm khác nhau đã giúp bạn có thêm nhiều kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế, vốn sống, ngoài kiến thức sách vở trên trường. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thích nghi với những thay đổi có được từ các công việc này sẽ góp phần xây dựng nên một chiếc CV “xịn sò”. Những công việc đó giúp cho Trung có nguồn thu nhập ổn định và đẩy đủ hơn, dần dần hình thành những thói quen tích lũy chi tiêu giúp ích cho bản thân sau khi ra trường.

Bí quyết vừa học tốt vừa trải nghiệm sâu sắc

Hầu như không để mình “rảnh rỗi” quá nhiều, dường như lúc nào Minh Trung cũng bận rộn với hàng đống công việc và nhiệm vụ. Thời gian đâu để vừa làm Đoàn, vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động bên ngoài?

Theo Minh Trung, với một sinh viên, kỹ năng quản lý và sắp xếp thời gian rất quan trọng, đã từng là một thách thức đối với cậu bạn trong những ngày đầu vào giảng đường. Bắt đầu bằng việc chủ động lên kế hoạch trong ngày, trong tuần, trong tháng. “Mình quản lý thời gian bằng việc viết ra sổ tay cá nhân, đi đâu cũng mang theo được. Mình luôn lên trước kế hoạch cho những ngày tiếp theo để hình dung được sắp tới sẽ phải làm gì, luôn chủ động để không bị quên việc”.

Một nguyên tắc mà Trung học được là “80-20”, tức 80% hiệu quả công việc chỉ đến từ 20% thời gian. Đối với những công việc cần thiết phải làm gấp thì tập trung hoàn thành, không để ý đến chuyện khác, làm việc thì không học hay tranh thủ lướt mạng xã hội. Lúc học thì không để những thông báo công việc làm xao nhãng.

Trải nghiệm cuộc sống giúp Trung trưởng thành và muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình qua các blog đa nền tảng.

“Cứ làm nhiều, lăn xả nhiều, trải nghiệm nhiều, bạn sẽ nhận ra điều bạn thật sự thích làm, muốn làm là gì. Thà là thất bại với những cơ hội của chính mình, còn hơn là ngồi đó và chả làm gì cả!. Mình luôn say “yes” với tất cả những cơ hội đến, mình thấy điều đó là cần thiết cho các bạn sinh viên”, Minh Trung chia sẻ.

Định hướng trong tương lai của Minh Trung sẽ mong muốn trở thành người có ảnh hưởng, sẽ xây dựng được blog đa nền tảng: mạng xã hội, website, youtube… để chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm của bản thân, mang đến giá trị trong cuộc sống.

 

Theo Sinh viên Việt Nam

ĐH Y Dược TP.HCM – Tiếp sức chống dịch từ những “suất ăn tử tế”

Suốt hơn 1 tuần nay, mỗi ngày đều có hơn 140 “suất ăn tử tế” được mang đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để “tiếp lửa” cho các nhân viên y tế và các tình nguyện viên của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đang tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đây.

Đúng 11 giờ trưa và 5 giờ chiều các “Suất ăn tử tế” được mang đến HCDC cho các tình nguyện viên.

Chương trình được Đồng Ngôn MT – quỹ Đáp Đền Tiếp Nối (Pay It Forward) đứng ra kêu gọi và được tổ chức thực hiện bởi Công ty Inn Saigon từ ngày 31/5/2021 đến nay.
Hơn 8000 suất ăn tử tế cho sinh viên tình nguyện chống dịch
Cầm trên tay một phần nui xào bò đầy ắp, bạn Thanh Ngân – Sinh viên năm 5 ngành Y học dự phòng cảm động cho biết: Trước đây tụi em thường đặt cơm về ăn chung, cũng có lúc công việc nhiều quá mà quên cả giờ cơm. Ngẩng mặt lên khỏi màn hình máy tính thì đã giữa buổi chiều hoặc tối mịt.
Cho biết thêm về Chương trình “Suất ăn tử tế”, Chị Ngô Đa Thiện một trong những người tổ chức chương trình nói: Mục tiêu ban đầu của Đồng Ngôn MT – quỹ Đáp Đền Tiếp Nối (Pay It Forward) là vận động 1.400 suất ăn (100 suất mỗi ngày trong 2 tuần), thế nhưng chỉ sau 1 tuần vận động số kinh phí đóng góp cho chương trình đã đạt hơn 8.300 suất. Hiện tại Ban tổ chức đã nâng số suất ăn mỗi ngày lên 140 suất. Giá trị mỗi suất ăn là 40.000 đồng gồm có cơm, cơm chiên,mì xào, nui xào, nước uống.
Các suất ăn do Công ty Inn Saigon với chuỗi nhà hàng và quán cà phê phụ trách nên luôn đảm bảo được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (Inn Saigon là đơn vị vận hành thương hiệu The Running Bean, Be An Vegetarian Bistro, Social Local – Beer N’ Bite, kem Häagen-Dazs Vietnam, kem Snowee Gelato, bánh Le Petit Bake&Cake, … ).

Suất ăn tử tế chứa đựng tình yêu thương

“Menu hôm nay có cơm, có mì, có nước ép và muôn vàn yêu thương”. Đó là câu nói vui mỗi ngày của các bạn trẻ trong đội hình sinh viên tình nguyện tham gia phòng, chống dịch khi đến giờ nghỉ trưa. Bởi lẽ ngoài thức ăn, nước uống, mỗi phần ăn còn mang theo những thông điệp yêu thương đầy ý nghĩa từ chương trình “Note yêu thương”.

Các suất ăn luôn được gửi kèm những lời chúc, lời cảm ơn ý nghĩa cho các tình nguyện viên.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn từ những việc làm nhỏ nhất, mẹ và con cùng nhau học làm điều tử tế. Bé Sony (12 tuổi) và Winnie (9 tuổi) năm nay được nghỉ hè sớm do tình hình dịch bệnh, thế là các em được mẹ “tuyển dụng” vào đội hình làm những tấm thiệp để gửi cho các cô chú tình nguyện viên chống dịch COVID-19. “Các bạn nhỏ cắt hình và trang trí, mẹ thì phụ viết chữ cho nhanh. Cứ thế mỗi ngày cả nhà làm hơn cả trăm thiệp để gửi về cho Ban Tổ chức chương trình Suất ăn tử tế” – Mẹ 2 bé chia sẻ.
Gia đình Sony và Winnie cùng làm thiệp yêu thương.
Những lời chúc trên những tấm thiệp nhỏ không chỉ xua tan sự mệt mỏi các các bạn tình nguyện viên mà còn góp phần lan tỏa những thông điệp tích cực trong cuộc sống. Bạn Thùy Dung – Sinh viên năm 4 ngành Y học dự phòng, đều đặn mỗi ngày trước bữa cơm đều chụp lại những lời chúc ý nghĩa và chia sẻ với mọi người qua mạng xã hội.
Ngoài những tấm thiệp, những bó hoa nhỏ xinh cũng được gửi đến cho các bạn sinh viên tình nguyện.
ThS. Trương Văn Đạt – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngoài hơn 8000 suất ăn tử tế cho sinh viên tình nguyện, Nhà trường đã vận động được hơn 250 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho các em trong quá trình làm việc. Đặc biệt ngày 07/6 vừa qua chúng tôi đã tổ chức ra quân chương trình Tiếp sức tình nguyện viên với nội dung xét nghiệm COVID-19 cho 1500 tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí 200 triệu đồng.

Cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 ở nước ta có thể sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa, nhưng tin chắc rằng với sự đồng lòng của toàn thể xã hội, sự lãnh đạo Nhà nước, chúng ta sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Đồng Ngôn MT – quỹ Đáp Đền Tiếp Nối (Pay It Forward), Công ty Inn Saigon và các mạnh thường quân đã ủng hộ những “suất ăn tử tế”, sát cạnh cùng Nhà trường nói riêng và Thành phố nói chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

HỘI SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP. HỒ CHÍ MINH

Back To Top