Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Archives for 22/12/2023

Phấn đấu trở thành “Sinh viên 5 tốt”, hướng đến một “cuộc đời tốt”

Ngày 19/12, tại Đại hội đại biểu Hội sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đại biểu Võ Lập Phúc – sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và đại biểu Trần Thị Kiều Anh – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đại diện đoàn đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đã có bài tham luận về Đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt”.

Dưới đây là nội dung bài tham luận của đại diện đoàn đại biểu Hội SVVN TP.HCM.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể Đại hội!

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những thành tựu của nước nhà là động lực thôi thúc thế hệ sinh viên hôm nay không ngừng nỗ lực, góp phần xứng đáng vào việc kiến thiết cơ đồ ấy của quốc gia – dân tộc.

Tôi là Võ Lập Phúc – sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Thời gian qua, tôi đã nỗ lực rèn luyện để trở thành một sinh viên 5 tốt. Trong các dịp được giao lưu với thanh niên, sinh viên các nước; tôi luôn tự hào kể điều đã giúp tôi mỗi ngày. Đó là phong trào “Sinh viên 5 tốt” của Hội Sinh viên Việt Nam; phong trào đã dẫn dắt, tạo động lực và định hình quá trình phát triển bản thân cho chính tôi và của chính các bạn.

Và để phong trào tiếp tục phát triển rộng về số lượng, sâu về chất lượng, việc đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt” là tất yếu. Yêu cầu này xuất phát từ 03 lý do:

Thứ nhất, đối tượng nào thì phong trào đó.

Phong trào là điểm hội tụ về hành động và nhận thức của một khối đông lực lượng, mà trước hết và quan trọng nhất đó là ở tính hiệu triệu. Muốn có được sự hiệu triệu, phong trào “Sinh viên 5 tốt” phải phù hợp với đặc tính của chính sinh viên. Vì vậy, đổi mới phong trào để “bắt nhịp”, “mang hơi thở” của sinh viên thế hệ Z, tiêm cận thế hệ Alpha, để phong trào luôn sức hiệu triệu và để minh chứng cho tinh thần luôn đổi mới, lấy sinh viên làm trung tâm

Thứ hai, đổi mới là tất yếu để phát triển.

Bối cảnh, tình hình có những thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới. Việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học. Theo đó, nội hàm phong trào cũng cần phải tiếp cận, bổ sung. Đổi mới phong trào là để khẳng định vai trò đồng hành của tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam với sinh viên trong học tập và rèn luyện.

Thứ ba, đặt trong bức tranh chung của phong trào sinh viên quốc tế đang không ngừng vận động và phát triển; phong trào “Sinh viên 5 tốt” với vai trò là phong trào “xương sống” của sinh viên Việt Nam phải tích cực làm mới mình để trở thành phong trào định hình bản sắc của sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

II. THỰC TIỄN ĐỔI MỚI PHONG TRÀO:

1. Những kết quả nổi bật đạt được:

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội!

Tôi là Trần Thị Kiều Anh – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nhìn lại bức tranh tổng thể đổi mới phong trào Sinh viên 5 tốt thời gian qua, chúng ta có thể khái quát qua 03 từ khóa sau:

Đầu tiên đó chính là #ĐỊNH HÌNH

– Cách đây 22 năm, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đặt ra một đề bài quan trọng là tìm kiếm một phong trào chung để sinh viên Thành phố rèn luyện, tạo ra hình mẫu sinh viên gắn với thiên niên kỷ mới. Khi đó, đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố đã chủ trì việc nghiên cứu cách làm của một số quốc gia, lựa chọn tiêu chí rèn luyện và khởi xướng nên phong trào “Sinh viên 3 tốt” cho sinh viên Thành phố và nhanh chóng lan rộng trên toàn Thành phố.

– Từ thực tiễn 08 năm triển khai, năm 2009, Trung ương Hội đã nhân rộng thành cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” trong cả nước. Đến Đại hội IX của Hội Sinh viên Việt Nam năm 2013, “Sinh viên 5 tốt” từ cuộc vận động thành phong trào. Hội đã xác lập 5 tiêu chí rèn luyện gồm: đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện và hội nhập, và vẫn còn phù hợp cho đến hiện nay. Nội hàm rèn luyện của từng tiêu chí cũng được cụ thể hóa, có tính độc lập và có sự cập nhật quy định mới.

– Qua quá trình hình thành và phát triển, phong trào đã được định hình khá rõ nét, khẳng định tính đúng đắn trong mục tiêu và sự phù hợp các tiêu chí rèn luyện của phong trào.

Kết quả đổi mới thứ hai diễn ra sôi nổi trên #MẶT TRẬN SỐ

Mặc dù chuyển đổi số trong triển khai phong trào đã được thực hiện từ lâu, nhưng phải khẳng định, việc đổi mới trên mặt trận số của các cấp bộ Hội trong nhiệm kỳ vừa qua sự phát triển vượt bậc. Tiêu biểu như việc đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng trên môi trường số giúp lan tỏa kịp thời, sâu rộng đến sinh viên hay như việc triển khai Hệ thống trực tuyến xét chọn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; qua quá trình triển khai tỷ lệ số lượng nộp hồ sơ qua hệ thống trực tuyến tăng hơn 35% so với số lượng nộp hồ sơ giấy truyền thống.

Tổng hòa chung các cách làm, giải pháp mới đã tạo nên #SỨC SỐNG MỚI của phong trào:

Chúng tôi đã tập trung đổi mới thông qua củng cố quan điểm triển khai; đa dạng giải pháp tạo môi trường; mở rộng kết nối, phát huy sau tuyên dương; liên kết quá trình từ học tập, rèn luyện đến lập thân, lập nghiệp của sinh viên.

– Đó là đổi mới, đa dạng các giải pháp tạo môi trường rèn luyện đa dạng, thực chất, thu hút, mở rộng không gian, phạm vi, chú trọng các giải pháp liên trường, liên ngành, kết nối với cộng đồng quốc tế,… Việc ghi nhận kết quả rèn luyện của sinh viên cũng đã có công cụ, phương pháp thống kê, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin.

– Đó là đổi mới công tác tuyên dương và phát huy sau tuyên dương. Tiêu biểu là mô hình Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt và Liên hoan các Câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” quy mô toàn thành, tạo tiền đề tiến tới hình thành mạng lưới phát huy Sinh viên 5 tốt.

– Đó là đổi mới từ việc mở rộng nguồn lực, xác lập cơ chế, nâng tầm phong trào. Điển hình như việc ký kết phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, giữa Hội Sinh viên với Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố. Bên cạnh đó là sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, lãnh đạo một số trường, đưa phong trào vào chiến lược phát triển nhà trường, xây dựng giá trị người học và nhiều cơ chế thi đua khác.

Minh chứng cho những đổi mới này là kết quả của phong trào sinh viên 5 tốt tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua, với 78.681 Sinh viên 5 tốt cấp trường, 1.110 Sinh viên 5 tốt cấp Thành, 470 Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương.

2. Một số vấn đề cần lưu ý:

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội!

Tôi là Mai Hải Yến – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TP.HCM.

Là một cán bộ Hội trực tiếp triển khai phong trào tại cơ sở và thực tiễn tại TP.HCM, chúng tôi nhìn nhận được rằng bên cạnh nhiều kết quả nổi bật đã đạt được, vẫn còn tồn tại những vấn đề khiến phong trào chưa tương xứng với kỳ vọng của sinh viên và tổ chức Hội.

Thứ nhất, về mức độ nhận diện phong trào

Tôi muốn đề cập liên quan đến 02 con số rất thú vị. Nếu tra cứu cụm từ “Sinh viên 5 tốt” trên Google, chỉ trong vòng 0,26 giây, chúng ta sẽ nhận được 318 triệu kết quả. Điều này cho thấy mức độ phổ biến của phong trào được lan tỏa đến xã hội.

Tuy nhiên, giữa mức độ nhận diện và sự ghi nhận, đánh giá về phong trào vẫn còn những vấn đề chưa tương xứng.

– Với sinh viên: Vẫn có bộ phận sinh viên chưa biết đến phong trào, hoặc biết nhưng chưa hiểu rõ về nội hàm “5 tốt”, chưa có cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của phong trào nên đâu đó tình trạng chạy theo thành tích, khen thưởng.

– Với nhà trường: Số lượng nhà trường đưa phong trào gắn liền với mục tiêu, triết lý giáo dục của nhà trường chưa nhiều, sự quan tâm, tạo điều kiện cho phong trào còn chừng mực, chưa đồng đều.

– Với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng: Theo khảo sát của Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng biết đến hay xem đây là điểm cộng cho nhân sự ứng tuyển còn khá ít, mặc dù khi phân tích những tiêu chí của phong trào luôn tìm được điểm chung với những yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân sự.

Cũng chính vì mức độ nhận diện vẫn còn những hạn chế nhất định nên dẫn đến việc ghi nhận, đánh giá vẫn chưa tương xứng với giá trị và chiều sâu của phong trào và danh hiệu đỉnh cao của phong trào.

Thứ hai, về công tác tuyên truyền, triển khai

– Công tác tuyên truyền, triển khai về phong trào tuy được đẩy mạnh nhưng chưa đồng đều, manh mún, chưa có một hệ dữ liệu mang tính hệ thống, tham khảo toàn quốc.

– Một số tiêu chí chưa tiệm cận đến mặt bằng chung của sinh viên, chưa bao quát đến tính đặc thù của các đơn vị.

– Việc điều chỉnh quy chế xét chọn danh hiệu ở một số thời điểm chưa có lộ trình cụ thể, khoa học.

Thứ ba, về công tác ghi nhận, tuyên dương

– Nhìn vào phong trào chung của chúng ta, trong nhiệm kỳ X, cả nước đã tuyên dương hơn 260.000 “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, hơn 18.000 “Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh và 960 “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương.

– Với kết quả này, tôi muốn đưa ra hình ảnh của một kim tự tháp. Khi hình dung một kim tự tháp nó rất to lớn, nhưng nếu đặt vào giữa sa mạc thì lại là một hình ảnh nhỏ bé. Theo đó, so với nhiệm kỳ IX, dù số lượng sinh viên được tuyên dương danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp đã tăng hơn 2,7 lần nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 12,5% trên tổng số hơn 2,1 triệu sinh viên cả nước. Ngoài ra, khi nhìn vào bức tranh chung của cả nước, chúng ta sẽ thấy những sự chênh lệch như vậy giữa các địa phương, đơn vị, các khối trường,…

III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP:

Với mục tiêu cao nhất là phát huy vai trò của tổ chức của sinh viên, do sinh viên, vì sinh viên, lấy sinh viên làm trung tâm trong đổi mới phong trào, từ thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp, tập trung vào 04 khía cạnh:

Thứ nhất, đổi mới trong tư duy về phong trào, xem đây là giải pháp tiên quyết và then chốt, làm nền tảng cho nhận thức đúng, tầm nhìn mới, hành động phù hợp.

– Với sinh viên: chúng ta cần xác lập tư duy lấy sinh viên làm trung tâm, làm sao để sinh viên “biết – hiểu – tin – yêu” phong trào, thực hành rèn luyện mình để trưởng thành từ phong trào.

– Với tổ chức Hội: Mỗi cấp bộ Hội cần quán triệt tư duy rằng hạt nhân của phong trào là con người, đội ngũ cán bộ Hội vừa là chủ thể dẫn dắt phong trào, vừa là lực lượng trưởng thành từ phong trào, đóng góp cho phong trào.

– Với nhà trường và xã hội: Chúng ta cần định hướng tư duy theo hướng tìm kiếm giao điểm giữa mục đích của phong trào “Sinh viên 5 tốt” với mục đích của nhà trường, các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp.

– Thứ hai, hiện nay chưa cần thiết phải thay đổi tiêu chí nhưng cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội hàm của từng tiêu chí, đây là giải pháp thường xuyên và quan trọng. Thực tiễn, tổ chức Hội chúng ta có triển khai hướng dẫn thực hiện phong trào trong cả nước, hướng dẫn như “ngọn hải đăng” để dẫn dắt cả một hệ thống cùng đi đúng hướng.

– Từ Trung ương đến cấp cơ sở cũng cần quan tâm rà soát, cập nhật tiêu chí, bổ sung các nội hàm mới gắn với chuẩn đầu ra sinh viên, yêu cầu của thị trường lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc thù hệ đào tạo, khối ngành đào tạo vào hướng dẫn của phong trào.

– Ngoài ra, không gian, phạm vi để sinh viên lựa chọn tham gia, rèn luyện cũng cần được mở rộng, cổ vũ sinh viên tự do lựa chọn nội dung và phương thức đa dạng, hình thành hệ sinh thái hoạt động “không có biên giới”, “không có rào cản” và ghi nhận một cách đầy đủ, khách quan, thành một hệ dữ liệu thông suốt cho các cấp bộ Hội.

Thứ ba, đổi mới trong phương thức triển khai tăng tính liên kết, tạo tính lan tỏa

– Cần mở rộng đối tượng tiếp cận là học sinh trung học phổ thông, kết nối quá trình rèn luyện từ “Học sinh 3 tốt” đến “Sinh viên 5 tốt”.

– Tiếp tục đầu tư, nâng cấp ứng dụng, chuyên trang trực tuyến trong ghi nhận quá trình rèn luyện, xét trao danh hiệu.

– Kết nối cộng đồng cựu “Sinh viên 5 tốt” thành đạt, có sức ảnh hưởng, duy trì mô hình Câu lạc bộ, phát huy gương sau tuyên dương trên môi trường trực tuyến.

– Phát huy nhiều hơn mô hình một “Sinh viên 5 tốt” hỗ trợ một hoặc nhiều sinh viên tiệm cận đạt danh hiệu.

Thứ tư, đề xuất, tham mưu cơ chế mới.

– Hội Sinh viên cấp trường cần quan tâm tham mưu, đưa nội dung phong trào vào chiến lược, kế hoạch phát triển của nhà trường.

– Tăng cường cơ chế đẩy mạnh liên tịch với Hội Doanh nhân trẻ các cấp, các tổ chức, hiệp hội để tăng cơ hội nghề nghiệp cho “Sinh viên 5 tốt.

– Tham mưu các cơ quan chức năng xem danh hiệu là một tiêu chí ưu tiên trong tuyển dụng vào hệ thống chính trị, tham gia thực hiện các đề án liên quan đến tài năng trẻ, sinh viên xuất sắc, lãnh đạo trẻ của các địa phương, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao,… và cần thiết có một liên tịch cụ thể giữa Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai phong trào một cách có hệ thống, đồng bộ.

IV. KẾT:

Thưa toàn thể Đại hội!

Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh được chọn tham luận hôm nay chỉ chia sẻ từ thực tiễn kinh nghiệm của mình trong nỗ lực đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt” của các cấp bộ Hội trong thời gian qua.

Chúng tôi tin rằng, nếu chúng ta lựa chọn đi cùng nhau, cùng trăn trở thì phong trào của chúng ta sẽ luôn luôn phát triển, gắn liền với hơi thở của sinh viên.

Để mỗi bạn khi nghĩ về quãng thời gian sinh viên tươi đẹp, luôn cảm thấy tự hào khi được rèn luyện cùng với phong trào “Sinh viên 5 tốt”, xem đó là giá trị, là minh chứng cho một quá trình hoàn thiện không ngừng nghỉ của bản thân.

* Thông điệp: Sinh viên Việt Nam phấn đấu trở thành “Sinh viên 5 tốt”, hướng đến một “cuộc đời tốt”.

Cùng nhau: VỮNG BẢN SẮC – GIÀU KHÁT VỌNG – KIẾN TẠO TƯƠNG LAI – DỰNG XÂY ĐẤT NƯỚC!

Back To Top