Chiều ngày 05/01/2020 vừa qua, Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật đã tìm về phường Tân Định, quận 1 để tri ân Ba Nguyễn Duy Phước và Má Nguyễn Thị Lang, là những người đã từng chiến đấu cho phong trào học sinh – sinh viên trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt hay còn được biết đến với tên “Ba Má phong trào” đầy gần gũi, yêu thương.
Tuy sức khỏe không còn tốt như trước, nhưng Ba Má vẫn còn minh mẫn lắm. Ba Má kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng kháng chiến cơ cực mà ngoan cường, những trận đòn đau đến chết đi sống lại, những giọt mồ hôi, nước mắt của bậc cha mẹ khi chứng kiến con mình bị giặc nhốt không biết ngày thả ra.
Ba Phước kể: “Hồi đó Ba cũng cạo đầu làm này làm kia để đấu tranh đó chớ, Ba với một nhóm người nữa, tới trước Dinh Tổng thống mà giờ là Bảo tàng Cách mạng nè, tới đó để phản đối, đòi bọn chúng bỏ lệnh bắt lính đi, không cho bọn chúng dùng người Việt đánh người Việt nữa. Bọn chúng dã man lắm, cứ thấy dân đến biểu tình là dùng vòi rồng xịt nước vào, không thì dùng hơi cay. Mà học sinh, sinh viên thì chỉ có đến biểu tình tay không chớ đâu có vũ khí gì, nên nhiều người bị thương lắm, nhưng cứ người này bị thương thì sẽ lại có người khác thay thôi”.
Ba Nguyễn Duy Phước kể về thời gian chiến đấu đầy tự hào
Má Lang cũng nghẹn ngào nhớ lại: “Hồi đó bên chỗ làm của má có cái máy in nên cứ chiều chiều sau giờ làm là Má tranh thủ in truyền đơn Cách mạng để phát với gửi sang nước ngoài. Có lần đang ở nhà cô bên trường Huỳnh Khương Ninh thì bị giặc nó vào xét, may sao má nhanh trí trốn vào nhà vệ sinh mà tiêu hủy hết tài liệu. Hồi nó bắt má ra thì nó đem về đồn tra hỏi, cũng đánh má dữ lắm, đánh cả mấy cô mà nó bắt được, nhưng mấy cô nhất quyết khẳng định má chỉ là học sinh thôi chứ không biết gì cả. Như hồi đám tang “trò Ơn”, ngày đó người dân đình công để đi đưa tang, chợ không một bóng người, ai bán bánh mì thì phát bánh mì miễn phí, phu xích lô thì chở mấy cụ già không còn sức đi bộ”. Má nói đó chính là “nhân dân”, là “đồng bào”, là “yêu nước”.
Má Lang nghẹn ngào nhớ về những kỷ niệm thời chiến
Sau những giây phút nghe kể chuyện mà như được sống lại tháng năm lịch sử, đầy xúc động và tự hào, chúng tôi đã di chuyển đến công viên Bách Tùng Diệp, nơi tượng đài anh Trần Văn Ơn sừng sững với các hình ảnh chào mừng kỷ niệm 70 năm của Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh. Từng sinh viên đã dâng lên anh Ơn những nén hương, bày tỏ sự tôn kính và biết ơn đến Anh – cánh chim dẫn đường trong phong trào đấu tranh của hàng nghìn học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định.
Là sinh viên, không chỉ nhớ về cội nguồn, chúng ta cũng cần phải ra sức học tập và rèn luyện để cống hiến cho sự phát triẻn của đất nước, như lời Má Lang đã dặn: “Các con hãy đem những gì tiếp thu được, học được ra mà giúp dân, giúp nước. Ba, Má ngày xưa đánh Tây giữ nước, các con bây giờ hãy cùng nhau giữ lấy nước”.
HSV TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ – LUẬT, ĐHQG TP.HCM