Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

[ĐH Y DƯỢC] LIÊN HOAN CÁC CÂU LẠC BỘ NGOẠI NGỮ TOÀN TRƯỜNG – LAFES 2023

Có thể là hình ảnh về 4 người và đám đông
Thiết thực thi đua lập thành tích Chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 – 2025, tiến tới Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam các cấp. Vào ngày 16/4/2023 vừa qua, Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Liên hoan các Câu lạc bộ Ngoại ngữ toàn trường với tên gọi LAFES 2023.
Có thể là hình ảnh về 9 người
Chương trình với sự phối hợp tổ chức của CLB Tiếng Anh Đại học Y Dược TP. HCM và CLB Ngoại ngữ, học thuật thuộc các Liên Chi hội cùng sự tham gia của các Trung tâm Anh ngữ uy tín tại TP. HCM. Chương trình nhằm tạo môi trường, tạo không gian giao lưu, học hỏi giữa các Câu lạc bộ Ngoại ngữ, thúc đẩy việc học Ngoại ngữ sao cho hiệu quả, bổ ích, phù hợp, tạo một sân chơi đa dạng, phát huy tinh thần hội nhập cho các bạn hội viên, sinh viên.
HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM ĐẠI HỌC Y DƯỢC TPHCM

[ĐH Y DƯỢC] Hội nghị giao ban học kỳ II và Tổng kết chiến dịch Xuân tình nguyện 2023

Vào chiều ngày 27/3 vừa qua, Hội nghị Giao ban Học kỳ II, năm học 2022 – 2023 và Tổng kết Chiến dịch Xuân Tình nguyện đã được Ban Thư ký Hội Sinh viên Trường tổ chức thành công tốt đẹp.
Có thể là hình ảnh về 9 người và mọi người đang đứng
Đến tham dự Hội nghị, Ban Tổ chức rất vinh dự được đón tiếp đồng chí ThS. BS Đoàn Duy Tân – Phó Bí thư Đoàn trường cùng đại diện Ban Thư ký Liên Chi hội các Khoa; Ban Điều hành, Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ – Đội Nhóm – Trung tâm cấp trường và các bạn sinh viên trường.
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và văn bản cho biết 'BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO SINH VIÊN HỌC KỲ NĂM HỌC 2022 2023 TP. Hồ Chí Minh, ngày 27tháng3năm2023 2023 tháng năm'
Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Dung – Chủ tịch Hội Sinh viên Trường – đã trình bày báo cáo Sơ kết chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên học kỳ I, năm học 2022 – 2023. Tiếp theo chương trình, đồng chí Trần Ngọc Bảo Huy – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường, Chỉ huy Trưởng Chiến dịch Xuân Tình nguyện năm 2023 – cũng đã báo cáo toàn thể hội nghị các kết quả xuất sắc mà tập thể Ban Chỉ huy, Chiến sĩ Chiến dịch đã thực hiện được.
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và mọi người đang ngồi
Tại khuôn khổ Hội nghị, Thường trực Hội Sinh viên Trường cũng đã điều hành phiên họp giao ban học kỳ II. Đồng chí Lưu Tấn Lực – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đã triển khai một số nội dung quan trọng trong công tác Tổ chức Đại hội, Hội nghị Hội Sinh viên các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Y Dược TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 – 2025 dự kiến diễn ra vào tháng 5.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Thùy Dung cũng đã thông qua Bảng đăng ký Mô hình, giải pháp, hoạt động chủ động năm học 2022 – 2023 và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội phối hợp thực hiện . Tiếp sau đó, đại diện Liên Chi hội các Khoa đã phát biểu, đóng góp ý kiến để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình trong khoảng thời gian sắp tới, đặc biệt trong Chiến dịch Blouse Trắng tình nguyện Mùa Hè Xanh năm 2023.
Có thể là hình ảnh về 13 người, mọi người đang đứng và trong nhà
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đoàn Duy Tân – Phó Bí thư Đoàn Trường ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn cùng với những kết quả của tập thể Hội Sinh viên trong học kỳ vừa qua. Bước vào nửa sau của năm học, đồng chí đề nghị Hội Sinh viên Trường tiếp tục giữ vững những thành tích đã đạt được, tiếp tục xây dựng, mở rộng những phong trào, hoạt động đi vào thực chất và gần hơn với sinh viên.
Nhân dịp này, Hội Sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM cũng tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc được nhận khen thưởng các cấp.
HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM ĐẠI HỌC Y DƯỢC TPHCM

[ĐH Y DƯỢC] CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU, CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TẬP VỚI HIỆP HỘI SINH VIÊN Y KHOA NHẬT BẢN

Vào ngày 11/03 vừa qua, Đoàn – Hội sinh viên Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với Hiệp hội Sinh viên y khoa Nhật Bản (thuộc Liên đoàn các Hiệp hội Sinh viên Y khoa Quốc tế – IFMSA) thông qua sự kết nối của Mạng lưới Sinh viên Khối ngành Sức khỏe Việt Nam (NOHS).

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và trong nhà

Phát biểu trong buổi gặp mặt, ThS.BS Nguyễn Ngọc Tú – Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Với xu thế hội nhập theo định hướng của Ban Giám hiệu Nhà trường, đây được xem là bước khởi đầu để sinh viên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tham gia vào các diễn đàn, sân chơi toàn cầu do Liên đoàn các Hiệp hội Sinh viên Y khoa Quốc tế tổ chức trong thời gian tới.

Đón tiếp các giảng viên và sinh viên đến từ Nhật Bản có ThS.BS Nguyễn Ngọc Tú – Bí thư Đoàn trường và Đ/c Nguyễn Lưu Ngọc Danh – Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên trường cùng các bạn trong Ban Chấp hành Đoàn – Hội Sinh viên Trường. Sau phần giới thiệu làm quen, các bạn sinh viên Nhật Bản đã được giới thiệu về Đại học Y Dược TPHCM cũng như những chương trình đổi mới đào tạo mà Trường đang thực hiện.

Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang đứng, trong nhà và văn bản cho biết 'TRUNG TÂM HUÂN LUYỆN NÂNG CAO MÃ PHỎNG LÂM SÀNG'

Các bạn sinh viên đến tham quan tại Trung tâm Huấn luyện nâng cao mô phỏng lâm sàng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện tại.

Các bạn sinh viên y khoa của 2 nước cũng đã thảo luận sôi nổi về chủ đề “Kỹ năng học tập suốt đời trong y tế”. Tiếp đến, các sinh viên đã tham quan phòng thực tập Bộ môn Giải phẫu học, Trung tâm Huấn luyện nâng cao mô phỏng lâm sàng (ATCS) và khuôn viên sân trường với những kiến trúc có lịch sử lâu đời.

Có thể là hình ảnh về 13 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Cùng chụp ảnh tại “Hồ Bao Tử”

Trong buổi chiều cùng ngày, các bạn sinh viên y khoa đến từ “đất nước mặt trời mọc” đã được các “thổ địa” dẫn đi tham quan các địa điểm nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh như Dinh Độc Lập, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Đường Sách Thành phố,…

HSV ĐH Y DƯỢC TPHCM

ĐH Y Dược TP.HCM – Tiếp sức chống dịch từ những “suất ăn tử tế”

Suốt hơn 1 tuần nay, mỗi ngày đều có hơn 140 “suất ăn tử tế” được mang đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để “tiếp lửa” cho các nhân viên y tế và các tình nguyện viên của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đang tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đây.

Đúng 11 giờ trưa và 5 giờ chiều các “Suất ăn tử tế” được mang đến HCDC cho các tình nguyện viên.

Chương trình được Đồng Ngôn MT – quỹ Đáp Đền Tiếp Nối (Pay It Forward) đứng ra kêu gọi và được tổ chức thực hiện bởi Công ty Inn Saigon từ ngày 31/5/2021 đến nay.
Hơn 8000 suất ăn tử tế cho sinh viên tình nguyện chống dịch
Cầm trên tay một phần nui xào bò đầy ắp, bạn Thanh Ngân – Sinh viên năm 5 ngành Y học dự phòng cảm động cho biết: Trước đây tụi em thường đặt cơm về ăn chung, cũng có lúc công việc nhiều quá mà quên cả giờ cơm. Ngẩng mặt lên khỏi màn hình máy tính thì đã giữa buổi chiều hoặc tối mịt.
Cho biết thêm về Chương trình “Suất ăn tử tế”, Chị Ngô Đa Thiện một trong những người tổ chức chương trình nói: Mục tiêu ban đầu của Đồng Ngôn MT – quỹ Đáp Đền Tiếp Nối (Pay It Forward) là vận động 1.400 suất ăn (100 suất mỗi ngày trong 2 tuần), thế nhưng chỉ sau 1 tuần vận động số kinh phí đóng góp cho chương trình đã đạt hơn 8.300 suất. Hiện tại Ban tổ chức đã nâng số suất ăn mỗi ngày lên 140 suất. Giá trị mỗi suất ăn là 40.000 đồng gồm có cơm, cơm chiên,mì xào, nui xào, nước uống.
Các suất ăn do Công ty Inn Saigon với chuỗi nhà hàng và quán cà phê phụ trách nên luôn đảm bảo được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (Inn Saigon là đơn vị vận hành thương hiệu The Running Bean, Be An Vegetarian Bistro, Social Local – Beer N’ Bite, kem Häagen-Dazs Vietnam, kem Snowee Gelato, bánh Le Petit Bake&Cake, … ).

Suất ăn tử tế chứa đựng tình yêu thương

“Menu hôm nay có cơm, có mì, có nước ép và muôn vàn yêu thương”. Đó là câu nói vui mỗi ngày của các bạn trẻ trong đội hình sinh viên tình nguyện tham gia phòng, chống dịch khi đến giờ nghỉ trưa. Bởi lẽ ngoài thức ăn, nước uống, mỗi phần ăn còn mang theo những thông điệp yêu thương đầy ý nghĩa từ chương trình “Note yêu thương”.

Các suất ăn luôn được gửi kèm những lời chúc, lời cảm ơn ý nghĩa cho các tình nguyện viên.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn từ những việc làm nhỏ nhất, mẹ và con cùng nhau học làm điều tử tế. Bé Sony (12 tuổi) và Winnie (9 tuổi) năm nay được nghỉ hè sớm do tình hình dịch bệnh, thế là các em được mẹ “tuyển dụng” vào đội hình làm những tấm thiệp để gửi cho các cô chú tình nguyện viên chống dịch COVID-19. “Các bạn nhỏ cắt hình và trang trí, mẹ thì phụ viết chữ cho nhanh. Cứ thế mỗi ngày cả nhà làm hơn cả trăm thiệp để gửi về cho Ban Tổ chức chương trình Suất ăn tử tế” – Mẹ 2 bé chia sẻ.
Gia đình Sony và Winnie cùng làm thiệp yêu thương.
Những lời chúc trên những tấm thiệp nhỏ không chỉ xua tan sự mệt mỏi các các bạn tình nguyện viên mà còn góp phần lan tỏa những thông điệp tích cực trong cuộc sống. Bạn Thùy Dung – Sinh viên năm 4 ngành Y học dự phòng, đều đặn mỗi ngày trước bữa cơm đều chụp lại những lời chúc ý nghĩa và chia sẻ với mọi người qua mạng xã hội.
Ngoài những tấm thiệp, những bó hoa nhỏ xinh cũng được gửi đến cho các bạn sinh viên tình nguyện.
ThS. Trương Văn Đạt – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngoài hơn 8000 suất ăn tử tế cho sinh viên tình nguyện, Nhà trường đã vận động được hơn 250 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho các em trong quá trình làm việc. Đặc biệt ngày 07/6 vừa qua chúng tôi đã tổ chức ra quân chương trình Tiếp sức tình nguyện viên với nội dung xét nghiệm COVID-19 cho 1500 tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí 200 triệu đồng.

Cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 ở nước ta có thể sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa, nhưng tin chắc rằng với sự đồng lòng của toàn thể xã hội, sự lãnh đạo Nhà nước, chúng ta sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Đồng Ngôn MT – quỹ Đáp Đền Tiếp Nối (Pay It Forward), Công ty Inn Saigon và các mạnh thường quân đã ủng hộ những “suất ăn tử tế”, sát cạnh cùng Nhà trường nói riêng và Thành phố nói chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

HỘI SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP. HỒ CHÍ MINH

ĐH Y Dược TP.HCM – “Vì ta còn trẻ nên cứ xách ba lô lên và đi”

Đó là lời chia sẻ của Triệu Đào Nguyên Tỷ (năm thứ nhất, trường ĐH Y Dược TP. HCM). Thanh xuân của cậu bạn này gắn liền với những chuyến du lịch tự túc trong và ngoài nước.
Nguyên Tỷ bắt đầu tự đi du lịch vào mùa Hè năm lớp 10. Lúc đó, cậu bạn đã có chuyến đi Đà Lạt bốn ngày ba đêm. Sau này, Nguyên Tỷ còn đặt chân đến nhiều nơi khác như Sa Pa, Y Tý, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Phú Quốc…
Chia sẻ về lý do lựa chọn đi du lịch tự túc, Tỷ nói rằng: “Có lẽ là do mình muốn tuổi trẻ trở nên khác biệt một chút. Trước mỗi chuyến đi, mình đều có cảm giác lo sợ nhưng sau khi vượt qua được nó rồi, mình càng khao khát được đi nhiều nơi hơn nữa. Và thêm một lý do khác, có một người chị mình quen đã truyền cảm hứng cho mình bằng những chuyến đi du lịch tự túc. Chị ấy là con gái mà còn can đảm như vậy thì mình cũng có thể làm được!”.
Những chuyến đi du lịch tự túc giúp Tỷ cân bằng trong việc học. (Ảnh: NVCC)
Nguyên Tỷ khẳng định mình đã chinh phục được giới hạn của bản thân hay những điều tưởng như mình không thể làm được, và sau đó cậu bạn càng muốn chinh phục thêm nhiều mục tiêu nữa.
Nói về chuyến đi để lại trong Tỷ nhiều cảm xúc nhất, cậu bạn không ngại chia sẻ về chuyến đi Y Tý (Lào Cai) của mình. “Ban đầu mình đi “trekking” (hình thức đi bộ đường dài hoặc phải đi bộ leo núi, băng qua đủ mọi địa hình) Lảo Thẩn ở Y Tý. Do ảnh hưởng của bão nên có mưa và nhờ cơ duyên này, mình được gặp gỡ hai con người rất thú vị là chú Lee và chị Vân ở Y Tý. Sau khi dùng chung một bữa cơm, mình đã rủ được họ tham gia chung cho vui. Trong chuyến đi này, mình được trải nghiệm rất nhiều thứ nào là cảnh quan của miền núi trên cao, cuộc sống trên núi thiếu thốn điện ra sao vì mình chỉ dùng điện trong lúc ăn cơm còn lại phải đốt lửa trong bếp để sưởi ấm… Và hành trình trekking Lảo Thẩn vào mùa mưa bão không dễ tí nào, mình đã trượt chân té mấy lần khi leo lên những con đường dốc trơn trượt. Dẫu vậy chuyến đi này để lại cho mình một sở thích trekking, có thể trong tương lai mình sẽ tiếp tục đi những ngọn núi cao hơn Lảo Thẩn”, Tỷ nhớ lại.
Ảnh Tỷ “Chill” tại một quán cà phê ở Đà Lạt.
Trong những chuyến du lịch tự túc như vậy, Tỷ đã mắc nhiều sai sót vì còn thiếu kinh nghiệm. Tỷ chia sẻ: “Có lần, mình đặt phòng nhầm ngày nhưng may mắn là được hỗ trợ chuyển ngày mà không tốn thêm phí. Cũng có lúc mình không xem trước dự báo thời tiết nên khi đến nơi thì không thu hoạch được gì nhiều. Và cả những lần tính toán không kĩ về mặt sức khỏe để đi thăm thú được nhiều địa điểm”.
Chuyến leo Lảo Thẩn, Y Tý đáng nhớ của Tỷ cùng những người bạn mới quen.
Cũng từ những lần sai sót ấy, Tỷ đã rút ra cho mình nhiều bài học quý giá. Từ việc lên lịch trình và sắp xếp kế hoạch hợp lý, việc quản lý chi tiêu, cách mở rộng quan hệ và kết nối với mọi người, cậu bạn còn có cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa ở nhiều vùng đất khác nhau hay trực tiếp lắng nghe câu chuyện do người bản địa kể.“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và vì thế, Nguyên Tỷ ngày càng trở nên năng động và tự tin để chinh phục những điểm đến mới mẻ trong tương lai.“Điều quan trọng nhất là phải xác định được lộ trình, tính toán và dự phòng chi phí nếu có phát sinh rủi ro. Nếu là lần đầu trải nghiệm, các bạn có thể chọn những địa điểm gần gũi một chút cho đỡ bỡ ngỡ, từ từ mới đi xa hơn nữa. Hãy hỏi những người đã từng đi du lịch một mình nhiều lần những vấn đề bạn còn thắc mắc. Theo mình, trong một thế giới mở hiện nay thì việc tra cứu chuẩn bị cho lịch trình không quá khó. Bản thân mình mỗi lần chuẩn bị đi đều lên các trang như: Skyscanner, Booking.com, Vexere, DSVN… để xem các chuyến bay, vé tàu, vé xe chỗ ở…”, Tỷ “bật mí” kinh nghiệm cho những người lần đầu đi du lịch tự túc.

Như Mai

ĐH Y Dược TP.HCM – “Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi

Dự án “Rạp hát cổ tích” được thực hiện bởi câu lạc bộ Bé Khỏe Bé Ngoan (thuộc trường ĐH Y Dược TP. HCM) nhằm lan tỏa niềm vui đến các bệnh nhi đang điều trị trên địa bàn TP. HCM. Dự án vừa là tâm huyết của những bạn trẻ đối với cộng đồng và là giải pháp tinh thần hổ trợ bệnh nhi trong quá trình điều trị bệnh.

Sáng tạo cùng “Rạp hát cổ tích”
CLB Tình nguyện Bé Khoẻ Bé Ngoan (CLB) với những hoạt động nhằm giáo dục sức khoẻ và nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhi và người thân đang điều trị lưu trú tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP. HCM. Câu lạc bộ trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM. Đồng thời, đây chính là nơi hoạt động của các bạn sinh viên – thanh niên yêu trẻ, với mong muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho trẻ thơ, đặc biệt là các bệnh nhi.
“Rạp hát cổ tích” được thành lập vào tháng 10/2016. Đây là một dự án dài hạn của câu lạc bộ, chuyên tổ chức các buổi rối bóng và chiếu phim cho các em nhỏ bệnh nhi và thân nhân tại các bệnh viện và mái ấm. Ý tưởng sử dụng rối bóng để kể chuyện khởi phát từ chị Trần Thụy Đông Hòa – khi đó là sinh viên của trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Đối tượng dự án hướng đến bao gồm các em bệnh nhi và thân nhân bệnh nhi đang chữa trị tại các bệnh viện và mái ấm như Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp và một số cơ sở khác. Đồng thời, dự án hướng đến các bạn sinh viên là cộng tác viên và các bệnh viện, mái ấm nơi các bạn sinh viên đặt chân đến.

Các bạn tình nguyện viên của CLB Bé Khỏe Bé Ngoan đang thực hiện các thao tác rối bóng.

Chia sẻ về mục đích dự án, anh Hồ Lê Trung, hiện đang là quản lý và cố vấn của dự án “Rạp hát cổ tích” chia sẻ: “Các em bệnh nhi và thân nhân hằng ngày ở trong bệnh viện, thường xuyên tiếp xúc với thuốc men, kim tiêm, nên đa phần tinh thần không thoải mái, thiếu sự giải trí thuần túy. Dưới vai trò là sinh viên Y Dược, chúng mình hiểu rõ sức khỏe tinh thần quan trọng như thế nào đối với các em nhỏ và người nhà. Một tinh thần tốt giúp các em có thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật, một tinh thần tốt giúp các em vui vẻ tiếp nhận hiệu quả phác đồ điều trị, một tinh thần tốt giúp cha mẹ các em đủ mạnh mẽ tiếp tục hành trình cứu chữa bệnh cho con. Dự án mong muốn đem đến một món ăn tinh thần bổ ích và vui vẻ, xoa dịu nỗi đau bệnh tật, giải tỏa tâm lý, khích lệ tinh thần của các em và cha mẹ”.

Những rối bóng được tạo ra từ các anh chị tình nguyện viên sinh viên đằng sau màn ảnh.
Chia sẻ về chủ đề mà dự án thường chọn để trình diễn trước mọi người, anh Hồ Lê Trung cho biết, thông qua khảo sát, các bạn trong câu lạc bộ nhận thấy kịch cổ tích nói luôn là tiết mục được mong chờ và gây hứng thú cho các khán giả nhỏ trong những sự kiện. Đồng thời, các câu chuyện cổ tích dân gian ẩn chứa những bài học của ông cha để lại, mang tính dạy dỗ nhẹ nhàng mà sâu đậm trong suy nghĩ. Điều đó đã thúc đẩy dự án thực hiện nhiều câu chuyện cổ tích dưới dạng kịch.
“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi
Rất đông khán giả cùng xem những chương trình do CLB Bé Khỏe Bé Ngoan thực hiện.
Bốn năm một chặng đường
Dự án ban đầu là một rạp chiếu phim đơn giản, chị Trần Thụy Đông Hòa, khi đó là một cộng tác viên của câu lạc bộ đã sử dụng rối bóng để kể các câu chuyện cổ tích. Thông qua đó, các bạn sinh viên mong muốn đem đến niềm vui cho những em nhỏ thông qua một hình thức nghệ thuật mới độc đáo. Chị Đông Hòa cũng là người bắt tay vào việc viết kịch bản, tập hợp những bạn có cùng sở thích và nhiệt huyết để dựng nên vở rối bóng đầu tiên. Qua bốn năm hoạt động cùng nhiều đời quản lý, “Rạp hát cổ tích” dần định hình phong cách hoạt động và tạo nên giá trị cũng như thể hiện sứ mệnh của mình đối với bệnh nhi và trong bức tranh chung của câu lạc bộ. Anh Hồ Lê Trung chia sẻ: “Chúng mình đã tự cung tự cấp trong hai năm với tần suất trình diễn nhỏ giọt do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Cho đến khi vào ngày 23/9/2018, dự án “Rạp hát cổ tích” đã vinh dự đạt top 3 dự án xuất sắc nhất chương trình “Rút ngắn khoảng cách” do Trung tâm Phát triển cộng đồng LIN tổ chức với giải thưởng 150 triệu đồng. Từ đó chúng mình đã thực hiện được nhiều show diễn với tần suất dày hơn”.
Những màn rối bóng cuốn hút các em nhỏ và người xem.
Cũng theo lời chia sẻ của anh Hồ Lê Trung, dự án ban đầu khi bắt tay thực hiện cũng gặp phải không ít những khó khăn. “Khó khăn ban đầu là kinh nghiệm của chúng mình về hình thức nghệ thuật này chưa nhiều. Chúng mình cố gắng bắt chước theo trên mạng hoặc ký ức về những vở kịch rối trước đó từng coi. Sau đó chúng mình phải tự sáng tạo, tự mày mò tự làm rối, dựng cảnh, lắp đặt đèn và màn bóng, tự học cách mùa rối, thoại kịch bản và may mắn là thành quả đầu tiên không tệ”, anh cho biết thêm. Ngoài ra, một khó khăn mà dự án gặp phải là kinh phí thực hiện. Các bạn thành viên câu lạc bộ phải tự tạo các con rối theo các thủ công, kinh phí eo hẹp nên các bạn sinh viên phải tự góp tiền thực hiện. Sau khi có sự đồng hành của LIN Center thông qua chương trình “Rút ngắn khoảng cách”, dự án đã có cơ hội thể hiện nhiều hơn, thực hiện được nhiều ý tưởng mới, đầu tư cho hình thức rạp quy mô của show và các con rối.
Dự án đã thực hiện nhiều buổi diễn rối và chiếu phim tại các bệnh viên, mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP. HCM.
Cho đến nay, dự án đã thực hiện hơn 30 buổi diễn rối, 20 buổi chiếu phim. Các bạn trong câu lạc bộ đã có 8 vở rối được sản xuất, 10 bộ phim được trình chiếu. Các vở rối của dự án tập trung ở các câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn của Việt Nam lẫn nước ngoài như: Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích hoa cúc, Sự tích quả thơm, Rùa và thỏ, Hằng Nga – Hậu Nghệ, Cóc kiện trời… Hình thức làm rối của dự án đa dạng từ rối bòng tĩnh, rối bóng động, rối que, rối dây, rối bàn tay… Ngoài ra, những bộ phim hoạt hình được chọn chiếu cũng là các bộ phim chất lượng về hình ảnh và ý nghĩa về nội dung. Bên cạnh công chiếu và trình diễn, dự án còn lồng ghép thêm các hoạt động trước show như dạy các bé làm rối, vẽ tranh, ca hát, nhảy. Kết thúc buổi diễn sẽ là những câu hỏi lượng giá giúp các em nhỏ hồi tưởng về câu chuyện, vở kịch, bộ phim được xem và cũng là những bài học mà Ban Tổ chức muốn truyền đạt.
“Từ nhỏ, chúng ta đã từng được đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích, mơ mộng về những chiếc hài lọ lem, nàng tiên, quả thị cô Tấm… Thế nhưng, đối với các bé bệnh nhi đang lưu trú tại bệnh viện thì không có điều kiện được đón nhận với những điều giản dị ấy mà thay vào đó, các em phải liên tục chịu đau đớn mỗi lần chạy thận, vào thuốc… Chúng mình mong muốn đem các câu chuyện cổ tích đến với các em, là món quà truyền tải thông điệp sống tích cực, cổ vũ tinh thần, đồng hành cùng các em trên con đường chiến đấu với bệnh tật”, anh Hồ Lê Trung bày tỏ.

Khắc Hiếu – Hà Chi​

“VÌ MỘT VIỆT NAM KHỎE MẠNH” – TRAO VẬT DỤNG Y TẾ HỖ TRỢ PHÒNG CHỐNG COVID-19 TẠI 03 BỆNH VIỆN VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TP. THỦ ĐỨC

Từ ngày 18 – 22/5/2021, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn GREEN+ và Đoàn Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình trao tặng vật tư, trang thiết bị phòng dịch và tổ chức khám, sàng lọc COVID-19 cho công nhân các khu công nghiệp tại TP. Thủ Đức với thông điệp “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc hướng tới Bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm và chuyên môn của thầy thuốc trẻ cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp chung tay phòng chống COVID-19, đặc biệt là trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.
Đồng hành cùng chuỗi hoạt động có sự tham gia của Anh Nguyễn Anh Tuấn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Anh Nguyễn Hữu Tú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bà Đặng Bích Hồng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn GREEN+, Anh Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ngày 18/5/2021, đoàn công tác đã đến thăm và trao tặng 3000 khẩu trang y tế 3M N95 cho các y, bác sĩ tại 03 bệnh viện trên địa bàn Thành phố Thủ Đức: Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 cũ), Bệnh viện Lê Văn Việt (Bệnh viện Quận 9 cũ) và bệnh viện Thành phố Thủ Đức, đồng thời cũng trao tặng 06 phần quà cho bệnh nhân nghèo trị giá 2.500.000 đồng/suất.
Đoàn Công tác thăm và tặng quà đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh 
Đoàn Công tác thăm và gửi tặng khẩu trang y tế đến Bệnh viện Lê Văn Việt
Đoàn tiếp tục trao tặng cho Thành phố Thủ Đức 1000 bộ KIT xét nghiệm COVID-19 trị giá 200.000.000 đồng và thực hiện khám – sàng lọc COVID-19 cho thanh niên công nhân trở về từ tỉnh có dịch tại Khu chế xuất Linh Trung và Khu công nghiệp Cát Lái. Đây là một trong những nội dung nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ về thực hiện “Chương trình khám, sàng lọc và chữa bệnh cho 5 triệu người dân – Vì một Việt Nam khoẻ mạnh”.
Tặng 1000 bộ KIT xét nghiệm Covid-19 cho Thành phố Thủ Đức
Đại diện đoàn công tác, anh Nguyễn Anh Tuấn gửi lời chúc sức khỏe đến các y bác sĩ đang ngày đêm phục vụ công tác chống dịch tại 03 đơn vị, đồng thời cũng gửi gắm niềm mong muốn tới các y, bác sĩ cũng như đoàn viên, hội viên, thanh niên tại các cơ sở phải không ngừng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh đến các nhân viên y tế và người dân như: chú ý đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế di chuyển, tụ tập nơi đông người… để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Anh Nguyễn Anh Tuấn gửi lời chúc đến các y, bác sĩ
Về phía các đơn vị tiếp nhận hỗ trợ cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đoàn đã dành tình cảm, sự quan tâm và sẻ chia kịp thời tới cán bộ y tế của bệnh viện và khẳng định số lượng khẩu trang kháng khuẩn được trao tặng sẽ góp phần tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị.
Thành phố Thủ Đức – thành phố trong thành phố đầu tiên của nước ta – là nơi tập trung rất đông các trường cao đẳng, đại học, các khu chế xuất, khu công nghiệp với số lượng sinh viên, thanh niên công nhân đông đúc từ các tỉnh đổ về sinh sống, học tập và làm việc. Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “Để xảy ra dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để “thủng” các khu công nghiệp”.
Chính vì vậy, với những hoạt động ý nghĩa này, đoàn công tác hi vọng hỗ trợ kịp thời, tích cực cùng với địa phương trong công tác phòng chống dịch; chia sẻ, động viên những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, mong muốn tiếp thêm sức mạnh để cán bộ y tế tiếp tục chiến đấu với siêu dịch bệnh đang hoành hành tại Việt Nam cũng như khắp các quốc gia trên thế giới./.

SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP. HỒ CHÍ MINH THAM GIA TẬP HUẤN, CHUẨN BỊ THAM GIA HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Vào ngày 18/5/2021, Đội hình sinh viên tình nguyện Khoa Y tế Công cộng – Đại học Y Dược TP. HCM đã có buổi tập huấn công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC).
Đây là lần thứ 3 đội hình sinh viên tình nguyện Khoa Y tế Công cộng – Đại học Y Dược TP. HCM tham gia hỗ trợ cho HCDC. Sau gần 5 tiếng mở link tuyển tình nguyện viên, đã có hơn 250 bạn sinh viên đăng ký tham gia.
Các bạn sinh viên sẽ được tập huấn và chia thành các nhóm nhỏ tham gia hỗ trợ các công tác như:
– Giám sát – điều tra – truy vết,
– Giám sát hỗ trợ Khu cách ly tập trung,
– Kiểm dịch,
– Lấy mẫu Xét nghiệm,
Thống kê báo cáo và Truyền thông.
Chúc cho các bạn sinh viên tham gia hỗ trợ sẽ có một đợt công tác hiệu quả, học hỏi được nhiều kỹ năng bổ ích, là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho HCDC trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tuổi trẻ Y tế Công cộng.

ĐH Y DƯỢC TP.HCM – Sinh viên làm rạp hát phục vụ bệnh nhi

Ngày 26/4 vừa qua, dự án “Rạp Hát Cổ Tích” do Câu lạc bộ Tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan (Trực thuộc Hội Sinh viên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện từ năm 2016 đã chính thức trở lại sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bằng vở múa rối bóng “SỰ TÍCH CÓC KIỆN TRỜI”.

Vở diễn được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 với sự tham gia của hơn 200 em bệnh nhi cùng các quý phụ huynh và các thành viên của CLB.
Bên cạnh vở diễn các bạn sinh viên còn tổ chức thêm các hoạt động như:
– Làm rối tay bằng vải nỉ.
– Tổ chức các trò chơi bổ ích và lí thú.
– Các tiết mục văn nghệ hấp dẫn, nhân văn.
– Ngoài ra, chương trình trao tặng hơn 50 phần quà (gồm cẩm nang sức khoẻ, tập tô màu, đồ chơi, bình đựng nước rửa tay, bánh, sữa…) cho các em bệnh nhi.
Hội Sinh viên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Chàng sinh viên ngành Y không từ bỏ ước mơ

SVVN – “Mình luôn quan niệm có khó khăn mới tôi luyện bản thân ngày một tốt hơn. Mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau nhưng quan trọng phải luôn nuôi dưỡng đam mê và sống hết mình với đam mê ấy”, Phạm Minh Trí (năm thứ nhất, ngành Y Đa khoa, trường ĐH Y Dược TP. HCM) chia sẻ.
Minh Trí – nam sinh Quảng Ngãi được nhiều người biết đến vì thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Số điểm Trí đạt được ở khối B là 28,8 điểm, xếp vị trí thứ hai toàn tỉnh. Với số điểm này, Trí nắm chắc cho mình cơ hội trở thành sinh viên của trường ĐH Y Dược TP. HCM. Tuy nhiên, sau khi có kết quả đậu thì Trí cùng gia đình phải đối mặt với vấn đề thực tế là tìm đâu ra tiền để đóng học phí.
Nhà nghèo nhưng Trí và ba anh chị luôn mang đến niềm vui cho ba mẹ bởi thành tích học tập xuất sắc. Ước mơ trở thành bác sĩ thôi thúc cậu học sinh nghèo nỗ lực học tập. Trí ước mơ đến một ngày sẽ quay về quê xoa dịu nỗi đau bệnh tật của những người dân nghèo.
Nhớ lại những ngày gia đình phải đương đầu với khó khăn về tiền học, Trí chia sẻ: “Mình nghĩ, những ngày đó thật sự là rất khó khăn trong việc đưa ra lựa chọn, không chỉ 68 triệu đồng học phí/năm mà còn tiền sinh hoạt và nhiều chi phí phát sinh khác. Mình đã quyết định chọn trường khác học phí thấp để cho ba mẹ đỡ vất vả nhưng rồi mọi thứ như duyên nợ đã đưa mình đến với ĐH Y Dược TP. HCM”.
tri_ngay_con_o_que_nha_cubg-1
Phạm Minh Trí những ngày còn ở quê nhà. (Ảnh:NVCC)
Nhờ sự hỗ trợ của thầy cô và các phương tiện truyền thông đại chúng, hoàn cảnh của Trí được quan tâm và nhiều người biết đến. Trí đã nhận được một khoản hỗ trợ học phí để có thể tiếp tục tham gia học tập. Trí cảm thấy bản thân vẫn còn may mắn hơn so với nhiều hoàn cảnh khác trong xã hội và Trí luôn hi vọng những hoàn cảnh khó khăn hơn mình cũng sẽ được nhiều người quan tâm và giúp đỡ.
Bước vào môi trường đại học, Trí ra sức học tập và cố gắng hoàn thiện bản thân nhằm mục đích có thể đạt được kết quả tốt và mau chóng ra trường đi làm và cống hiến. Trí luôn trăn trở làm thế nào để có thể đền đáp sự kỳ vọng và giúp đỡ của mọi người xung quanh. Khi được hỏi về động lực của mình, Trí nói: “Mình luôn quan niệm có khó khăn mới tôi luyện bản thân ngày tốt hơn”.
pham_van_tri_tai_dai_hoc_y_duoc_tp_hcm_usqy-1
Phạm Minh Trí (ngoài cùng, bên phải) và các bạn trong lễ đón tân sinh viên, năm 2020 của trường ĐH Y Dược TP. HCM.
Trí muốn trở thành người truyền cảm hứng cho những bạn trẻ có xuất phát điểm khó khăn như mình. Để từ đó các bạn trẻ có thể “vực dậy” và thực hiện ước mơ của bản thân. “Nếu hỏi mình, tuổi trẻ nên làm gì thì mình không ngần ngại nói rằng sống hết mình với thời điểm hiện tại, đừng giữ mãi quá khứ thiếu sót và cũng đừng lo lắng về tương lai. Rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi”, Trí nhắn nhủ.
Nguồn: HSV Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Back To Top