Ngày 17/12/2023, Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp trường với chủ đề “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁO DỤC (EDTECH) THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC TRONG HỌC TẬP, ĐÀO TẠO VÀ KINH DOANH” tại Trung tâm Hội nghị 272, TP.HCM.
Trong lĩnh vực giáo dục, ứng dụng học trực tuyến, hệ thống quản lý học tập và giáo dục từ xa mang lại sự tiện lợi và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy. Làn sóng này thường được gọi chung dưới cái tên ứng dụng công nghệ trong giáo dục hay còn gọi là EdTech.
Nội dung chính của buổi hội thảo xoay quanh các tham luận được trình bày: Tổng quan về Edtech và xu hướng Edtech tại Việt Nam do Ông Thái Chương – Founder/CEO Công ty CP Cohota trình bày; “Học tập kết hợp” trong giáo dục đại học đánh giá lợi ích, thách thức và ý nghĩa do ThS. Trần Hoàng Nam đến từ Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM trình bày; Hướng phát triển tương lai của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục do TS. Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM trình bày.
Sau phần tham luận, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận cũng như đưa ra những ý kiến, những giải pháp, những góc nhìn mới đến từ những thay đổi và tác động của công nghệ số trong giáo dục, quản lý, kinh doanh.
Ngày nay, EdTech là một yếu tố quan trọng, đang định hình tương lai của hệ thống giáo dục ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự cần thiết của EdTech ngày càng trở nên rõ ràng khi nó không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận mà còn giúp tạo ra các thế hệ học viên tự tin, sáng tạo và đáp ứng được với thách thức và thay đổi của thế giới hiện đại.
Là một trong những trường đại học nắm bắt và áp dụng sớm những công nghệ trong giảng dạy và học tập, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM mong muốn hội thảo khoa học sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ trong lĩnh vực giáo dục để từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy của trường.
Cũng tại sự kiện, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM và Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã tiến hành ký kết biên bản ghí nhớ hợp tác (MOU) với mong muốn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.