Để khắc phục tình trạng trì hoãn trong học tập hay thường gọi là lười học ở lứa tuổi THPT, một nhóm sinh viên đã nghiên cứu, thiết kế sản phẩm ứng dụng có hiệu ứng thị giác ấn tượng.
Ấn phẩm đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực giáo dục tại giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2022 vào ngày 27.11 vừa qua, trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng cẩm nang nâng cao nhận thức cho học sinh THPT về trì hoãn trong học tập”.
Thiết kế khoa học, giao diện bắt mắt
Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài, Thy thú nhận các thành viên trong nhóm đều từng đối mặt với tình trạng lười học mà sau này, khi bắt tay vào nghiên cứu, mới biết đó gọi là “trì hoãn trong học tập”.
“Hầu như không có ấn phẩm hiện hành tại Việt Nam giúp giảm thiểu hành vi trì hoãn và vấn đề này cũng chưa được quan tâm nhiều như trên thế giới. Vì thế, chúng tôi chọn thiết kế ấn phẩm ứng dụng trên cơ sở lý luận khoa học để học sinh tiếp cận”, Thy cho hay.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 350 học sinh tại Trường Trung học thực hành- Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường THPT Thống Nhất A (tỉnh Đồng Nai) và Trường THPT Song Phú (tỉnh Vĩnh Long). Kết quả cho thấy nhận thức về trì hoãn trong học tập của học sinh còn chưa đầy đủ, chính xác vì đều ở mức dưới trung bình, do đó việc nâng cao nhận thức là hoàn toàn cần thiết.
“Khâu thiết kế cẩm nang là tốn nhiều thời gian nhất vì chúng tôi không muốn tiếp cận bằng hình thức truyền thống, khô cứng. Quyển cẩm nang 38 trang vì thế được khai thác nội dung theo một câu chuyện đồng hành cùng 2 nhân vật Mr.Biết Tuốt và Ms.Cà Phơ, qua 3 chương tương ứng 3 chặng đường gắn với từng mục đích khác nhau”, Thy thông tin.
Cụ thể, chặng thứ nhất là “Hiểu đúng về trì hoãn trong học tập” cung cấp những kiến thức khoa học có trong cơ sở lý luận nhóm đã nghiên cứu để học sinh nâng cao hiểu biết. Qua đó, học sinh được tiếp cận các khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân và hệ quả của trì hoãn qua câu chuyện và lời kể của hai nhân vật Biết Tuốt và Cà Phơ.
“Nội dung bổ ích nhất trong quyển cẩm nang là phần bài tập ‘Once again’ giúp học sinh có thể ôn và kiểm tra lại xem bản thân có thực sự hiểu về kiến thức đó chưa, từ đó có cách ôn tập lại kiến thức phù hợp hơn”, Thy khẳng định và cho biết chặng đầu cũng là nội dung tâm đắc nhất của nhóm vì đã “dồn hết tâm tư” để cô đọng kiến thức khoa học thành nội dung đơn giản, dễ tiếp thu.
Chặng thứ hai, “Cùng bạn thay đổi”, giúp học sinh trang bị thêm những phương pháp, chiến lược để nâng cao chất lượng học tập, giảm thiểu xu hướng trì hoãn, bắt đầu từ việc tác động nhận thức đến thay đổi hành vi. Còn chặng thứ ba, “Góc sáng tạo”, đòi hỏi người học phải tự giải quyết vấn đề theo phương pháp họ nghĩ là phù hợp nhất.
Đa số học sinh đều yêu thích
Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm tác động của cẩm nang đến nhận thức về trì hoãn trong học tập với 80 em Trường THPT Thống Nhất A, khảo sát cho thấy sau 7 ngày sử dụng, có sự thay đổi trong nhận thức ở học sinh THPT.
“Khi đánh giá về mức độ yêu thích, hầu hết các em đều thích và cho rằng cuốn cẩm nang có ích. Phần lớn cũng lựa chọn sẽ sử dụng những quyển cẩm nang tương tự đồng thời sẽ giới thiệu cuốn cẩm nang về trì hoãn đến bạn bè”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Theo Thy, vì được thực hiện trong thời điểm Covid-19 nên nhóm nghiên cứu đối mặt với không ít khó khăn. Như lúc giãn cách xã hội, nhóm phải làm việc trực tuyến vào đêm do lệch múi giờ với giảng viên hướng dẫn. Còn khi khảo sát thực tế, các bạn khó xin khảo sát ở các trường vì mới hết giai đoạn giãn cách, hay bị nhiễm bệnh khiến kế hoạch liên tục thay đổi. “Đây đều là những kỷ niệm đáng nhớ”, nữ sinh bộc bạch.
Rất cần thiết
Thầy Phạm Thanh Tường, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thống Nhất A (tỉnh Đồng Nai), nhận xét cẩm nang được trình bày thân thiện, gần gũi với người đọc; trang trí và hình ảnh, màu sắc sinh động; nội dung xây dựng tương đối phù hợp. “Cần bổ sung thêm nhiều câu chuyện thực tế để học sinh nắm được kiến thức cũng như có khả năng áp dụng cao hơn”, thầy Tường nêu ý kiến.
Theo thầy Tường, loại ấn phẩm giúp nâng cao nhận thức về trì hoãn trong học tập như của nhóm Kim Thy là “rất cần thiết” để tạo điều kiện cho học sinh đánh giá được năng lực bản thân, tự phát triển kế hoạch cụ thể. “Nhờ đó, các em có thể xây dựng các mục tiêu để hoàn thành kế hoạch của mình, trong đó có nhiệm vụ học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai xa”, vị phó hiệu trưởng khẳng định.