Để trở thành Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương hai năm liên tiếp, cũng như đạt được những thành tích nổi bật khác, phía sau Kim Thái là hành trình trải nghiệm không ngừng và tin vào chính mình.
“Ba chỉ học tới lớp 5, mẹ chỉ học tới lớp 7 thôi. Con ráng học hơn ba mẹ đi, chỉ có học mới thay đổi cuộc đời mình”, câu nói này đã trở thành kim chỉ nam dẫn lối cho Nguyễn Hòa Kim Thái (sinh viên năm tư lớp Cử nhân tài năng Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế – Luật ĐHQG-HCM) trong suốt hành trình theo đuổi việc học.
“Động lực đồng trang lứa”
Theo cô Hòa Thị Nhinh (mẹ Kim Thái), từ năm lớp 6, hai mẹ con chuyển nhà từ thị xã Thuận An về huyện Dầu Tiếng. Cuộc sống khó khăn, Thái vừa đi học, vừa phụ mẹ đi lấy mủ cao su. Mỗi ngày cạo mủ, Thái phải đi về trên chặng đường gần 10 cây số. “Con nói mẹ nghe, mẹ cứ ở vậy với con, mai mốt con lớn, con làm có tiền con sẽ lo cho mẹ. Mẹ đừng ‘đi bước nữa’. Mẹ sướng thì không nói gì, nhưng mẹ khổ con biết làm sao” – cô Nhinh nhớ mãi lời Thái lúc Thái mới học lớp 6.
Để mẹ an lòng, Kim Thái luôn cố gắng học tập, không chịu thua kém bạn bè. Cô tự hỏi: “Tại sao mình lại ám ảnh về ‘áp lực đồng trang lứa’ để giới hạn mình mà không biến nó thành ‘động lực đồng trang lứa?’”
Kim Thái kể, từ năm lớp hai, khi không được cô giáo chọn đi thi vở sạch chữ đẹp, cô đã tự mình tìm kiếm cơ hội. Sau khi hỏi cô giáo lý do mình không được đi thi và mượn vở của bạn để tham khảo, Kim Thái bắt đầu nắn nót viết chữ, chứng tỏ mình cũng xứng đáng được chọn và trực tiếp đến xin cô giáo cho mình đi thi. Thái đạt được giải cao. Nhưng phần thưởng lớn nhất của cô học trò nhỏ là bài học về sự chủ động. “Chỉ cần mình chủ động thôi, tức là cố tìm kiếm một cơ hội thì không ai bỏ mình lại hết” – Kim Thái nhấn mạnh.
Để bản thân không bỏ lỡ bất kỳ điều hay nào từ thầy cô, Thái tập thói quen ôn bài cũ và xem bài mới từ những năm tháng học phổ thông. Thói quen này được cô phát huy khi bước vào giảng đường đại học. Nhờ có kiến thức và sự chuẩn bị trước, cô thường xuyên thảo luận với giảng viên, để từ đó, giảng viên gợi mở cho cô nhiều khía cạnh mới của vấn đề, giúp cô tiếp thu kiến thức nhanh và sâu hơn.
Cô gái “liều lĩnh”
Từ năm học lớp 7, thấy các anh chị Đoàn viên đi phát cỏ, phun thuốc chuồng gà, vừa làm vừa nói cười hăng say, lòng Kim Thái dấy lên niềm yêu thích hoạt động Đoàn – Hội. Đến lớp 10, Kim Thái tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu, sự sôi nổi trong công tác Đoàn – Hội và được tin tưởng bầu làm Phó Bí thư Đoàn trường. Ở bậc đại học, cô đảm đương chức vụ Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường.
Kim Thái cho biết: “Không có Đoàn – Hội, chắc chắn không có mình như hiện tại. Đoàn – Hội giúp mình trở nên năng động, rèn luyện được nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp”. Hơn nữa, nhờ có Đoàn – Hội, Thái tích lũy được những kinh nghiệm hữu ích cho công việc sau này như quản lý quy trình làm việc, tổ chức nhân sự, huy động nguồn lực…
Vừa duy trì thành tích học tập tốt, vừa “cân đẹp” vai trò chủ chốt của tổ chức Đoàn – Hội, dù có lúc mệt mỏi về thể chất, nhưng ý chí Kim Thái không bao giờ chùn. Hầu hết những điều Kim Thái thích, cô đều cố gắng thực hiện cho kỳ được mới thôi. Có lần, trường mở đợt tuyển tình nguyện viên giao lưu với đoàn sinh viên Hàn Quốc, dù ngoại ngữ không phải thế mạnh, nhưng Thái vẫn mạnh dạn điền đơn. Kim Thái tự nhận xét mình là một cô gái “liều lĩnh” và thích đối mặt với thử thách mới.
Nguyễn Thị Trúc Phương (bạn học của Kim Thái) nhận xét: “Ấn tượng đầu tiên của mình về Kim Thái là bạn ấy rất hoạt bát, thân thiện và nhiệt huyết. Bạn có tư duy nhanh và khả năng giải quyết vấn đề mau lẹ, đặc biệt là luôn mạnh dạn phát biểu, đưa ra chủ kiến của mình. Trong học tập cũng như các hoạt động khác, Thái luôn cố gắng hoàn thành tốt”.
Sắp tới, Kim Thái dự định học thạc sĩ ngành kinh tế học, phát triển hướng nghiên cứu học thuật. “Mình học thạc sĩ trong nước thôi, vì không thể đi xa nhà quá lâu. Nhà chỉ có hai mẹ con, mình lại hay nhớ nhà. Ngoài ra, mình muốn thực hành nhiều hơn, tham gia một số dự án để có thêm kinh nghiệm. Nếu học lên nữa, mình sẽ vươn ra thế giới để trau giồi kiến thức và phát triển kỹ năng” – Kim Thái bày tỏ.