Tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khoá XI sáng 19/12, đại diện đoàn đại biểu Hội SVVN TPHCM và Hội SVVN TP Hà Nội đã trình bày tham luận tại đại hội.
“Không có biên giới”, “không có rào cản”
Đại diện đoàn đại biểu Hội SVVN TP.HCM là Đại biểu Võ Lập Phúc, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM; Trần Thị Kiều Anh, Chủ tịch Hội SVVN Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM; Mai Hải Yến – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TPHCM đã tham luận với chủ đề: Đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt”.
Đại biểu Võ Lập Phúc cho rằng, đối tượng nào thì phong trào đó. Phong trào là điểm hội tụ về hành động và nhận thức của một khối đông lực lượng, mà trước hết và quan trọng nhất đó là ở tính hiệu triệu. Muốn có được sự hiệu triệu, phong trào “Sinh viên 5 tốt” phải phù hợp với đặc tính của chính sinh viên.
Vì vậy, đổi mới phong trào để “bắt nhịp”, “mang hơi thở” của sinh viên thế hệ Z, tiệm cận thế hệ Alpha, để phong trào luôn sức hiệu triệu và để minh chứng cho tinh thần luôn đổi mới, lấy sinh viên làm trung tâm.
“Trong bức tranh chung của phong trào sinh viên quốc tế đang không ngừng vận động và phát triển; phong trào “Sinh viên 5 tốt” với vai trò là phong trào “xương sống” của sinh viên Việt Nam phải tích cực làm mới mình, để trở thành phong trào định hình bản sắc của sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, Phúc nói.
Còn đại biểu Trần Thị Kiều Anh – Chủ tịch Hội SVVN Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM đã khái quát bức tranh tổng thể đổi mới phong trào “Sinh viên 5 tốt” bằng 3 từ khoá: định hình, mặt trận số và sức sống mới.
Theo Kiều Anh, tổng hòa chung các cách làm, giải pháp mới đã tạo nên sức sống mới của phong trào. “Chúng tôi đã tập trung đổi mới thông qua củng cố quan điểm triển khai; đa dạng giải pháp tạo môi trường; mở rộng kết nối, phát huy sau tuyên dương; liên kết quá trình từ học tập, rèn luyện đến lập thân, lập nghiệp của sinh viên”, Kiều Anh nói.
Là một cán bộ Hội trực tiếp triển khai phong trào tại cơ sở, đại biểu Mai Hải Yến – Chủ tịch Hội SVVN Học viện Cán bộ TPHCM nhìn nhận những vấn đề khiến phong trào chưa tương xứng với kỳ vọng của sinh viên và tổ chức Hội.
Thứ nhất, về mức độ nhận diện phong trào, Hải Yến muốn đề cập đến sức lan tỏa của phong trào đến xã hội được biểu hiện bằng 318 triệu kết quả tra cứu cụm từ “Sinh viên 5 tốt” trên Google. Tuy nhiên, giữa mức độ nhận diện và sự ghi nhận, đánh giá về phong trào vẫn còn chưa tương xứng.
Vẫn có bộ phận sinh viên chưa biết đến phong trào, hoặc biết nhưng chưa hiểu rõ về nội hàm “5 tốt”, chưa có cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của phong trào nên đâu đó tình trạng chạy theo thành tích, khen thưởng.
Với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, theo khảo sát của TP.HCM, số lượng biết đến hay xem đây là điểm cộng cho nhân sự ứng tuyển còn khá ít, mặc dù khi phân tích những tiêu chí của phong trào, luôn tìm được điểm chung với những yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân sự.
Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng tiếp cận là học sinh trung học phổ thông, kết nối quá trình rèn luyện từ “Học sinh 3 tốt” đến “Sinh viên 5 tốt”. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp ứng dụng, chuyên trang trực tuyến trong ghi nhận quá trình rèn luyện, xét trao danh hiệu,
Kết nối cộng đồng cựu “Sinh viên 5 tốt” thành đạt, có sức ảnh hưởng, duy trì mô hình câu lạc bộ, phát huy gương sau tuyên dương trên môi trường trực tuyến; phát huy nhiều hơn mô hình một “Sinh viên 5 tốt” hỗ trợ một hoặc nhiều sinh viên tiệm cận đạt danh hiệu.