Bên trong chiếc áo thun bề ngoài như bao mẫu áo thun khác nhưng có thiết kế thú vị giúp hỗ trợ những trường hợp đuối nước khẩn cấp. Sản phẩm được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì tính thực tiễn cũng như khả năng nhân rộng ngoài thị trường.
Chiếc áo thun có khả năng đặc biệt kể trên là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2019 (CIC 2019) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, sản phẩm trên đã giành giải nhì chung cuộc và trong tuần này, áo thun phao sẽ tiếp tục tranh tài cùng nhiều sáng tạo khác tại vòng chung kết “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019” (SV Startup 2019) do Bộ GD-ĐT tổ chức vào hai ngày 4 và 5-10.
3 đến 6 giây là căng áo
Một buổi chiều, bạn Trịnh Xuân Tâm (21 tuổi, TP.HCM) đứng trên mép hồ bơi, chuẩn bị lao mình xuống nơi nước sâu. Bùm! Tâm – không biết bơi – đã chìm trong lòng hồ… Giữ bình tĩnh, Tâm nhanh chóng dùng hai tay chạm vào vùng trên ngực. Chỉ sau 3 giây, cổ áo của Tâm dần phồng lên thành một chiếc phao bao quanh, nâng phần đầu lên khỏi mặt nước. Trên bờ, nhóm bạn trẻ reo hò: “Thành công rồi!”.
Đó là hồi tưởng của Nguyễn Tiếng Lập (21 tuổi, Bà Rịa – Vũng Tàu) về lần thử nghiệm đầu tiên sản phẩm áo thun phao của nhóm mình, gồm các sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Nhìn thoáng qua, sản phẩm trông như những chiếc áo thun thông thường, nhưng bên trong gắn hai chiếc phao rỗng quanh cổ áo, có thể phồng lên trong tích tắc khi gặp trường hợp khẩn cấp.
Bí mật nằm ở hai túi nhỏ đặt trong phao ở vị trí trên ngực lần lượt chứa hai hóa chất axit citric (có nhiều trong chanh) và sodium bicarbonate (có nhiều trong sôđa). Khi lực tác động làm vỡ túi, hai hóa chất sẽ gặp nhau và tác dụng sinh ra một lượng khí CO2 vừa đủ làm phồng phao và nâng đầu người khỏi mặt nước.
Trong nhiều thử nghiệm, thời gian cho phao từ trạng thái xẹp đến khi căng là từ 3 đến 6 giây kể từ khi ấn túi. Nhờ đó người rơi xuống nước có thể nổi mà không cần cử động, hoặc nếu muốn di chuyển – dù không biết bơi – chỉ cần quạt nhẹ hai chân.
Bạn Trịnh Bảo Ngọc (21 tuổi, Sóc Trăng) – đồng sáng lập dự án – cho biết hai hóa chất này thuộc loại thông dụng khi được dùng nhiều trong thực phẩm, nên an toàn với cơ thể người. Để đạt hiệu quả cao nhất, nhóm tính toán hàm lượng hóa chất thích hợp để cho ra lượng CO2 đủ để nâng cơ thể người theo từng loại cân nặng khác nhau, tương thích với từng size áo.
Không dừng lại ở áo thun, nhóm sinh viên còn sáng tạo thêm chiếc đai đeo cũng sử dụng nguyên lý tương tự mà theo các bạn là cho khách hàng có thêm lựa chọn.
2 năm cải tiến và tiếp tục để hoàn hảo
Tiếng Lập chia sẻ ý tưởng làm áo thun phao đến với nhóm vào năm 2017 khi thấy số liệu về trẻ em đuối nước trên cả nước hằng năm là rất lớn, đặc biệt ở những vùng sâu.
Ban đầu nhóm thiết kế chiếc phao rỗng gắn kèm một bình CO2 nhỏ tương tự áo khẩn cấp dùng trên máy bay. Sau khi nhận nhiều phản biện từ các giảng viên cho rằng khá bất tiện, nhóm chuyển bình sang nhiều nơi trên cơ thể như sau lưng, dưới thắt lưng nhưng vẫn chưa ổn.
Tình cờ, nhóm nảy ra câu hỏi: Tại sao không tự làm ra CO2 ngay trong chiếc phao rỗng? Thế là Lập và các bạn bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm nhiều cặp hóa chất có thể tạo CO2 theo tiêu chí an toàn, phổ biến và dễ sử dụng. Sau rất nhiều thất bại, nhóm đã thành công khi dùng axit citric và sodium bicarbonate theo tỉ lệ nhất định, phù hợp với từng mức cân nặng người dùng.
ThS Đỗ Quang Đông – giảng viên Viện Công nghệ Việt Nhật, ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết trong quá trình thực hiện dự án của nhóm, thầy cô liên tục phản biện các mẫu thiết kế của nhóm nhằm hoàn thiện tiêu chí: Làm sao giúp cơ thể giữ cân bằng nhanh chóng trong tình trạng hoảng loạn khi chẳng may rơi xuống sông, hồ?
Thầy Đông cũng cho rằng áo thun phao của nhóm Lập và Ngọc khác với nhiều sản phẩm khác trên thị trường ở chỗ vừa nhỏ gọn, vừa giữ được cân bằng tốt, lại dễ sử dụng.
“Về nguyên lý hoạt động, sản phẩm của nhóm được nhà trường cũng như ban tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo đánh giá rất cao bởi nó tạo được một lượng CO2nhanh và đủ, kịp thời nâng đầu người lên khỏi mặt nước” – thầy Đông nói.
Trong suốt 2 năm qua, sản phẩm của nhóm liên tục hoàn thiện qua nhiều đợt cải tiến. Lập chia sẻ, ban đầu nhóm có bảy thành viên nhưng “rơi rụng” dần vì nhiều bạn không tin rằng sản phẩm có thể đi đến đích. Hiện tại, những người gắn bó với dự án ngay từ ban đầu chỉ còn Lập và Ngọc, tuy nhiên cả hai cùng những thành viên mới đều xác định sẽ đi đến cùng khi sản phẩm có thể ra thị trường.
Lập nói thêm, mỗi khi sản phẩm nhận được giải trong những cuộc thi sáng tạo, các bạn đều để dành phần lớn tiền thưởng cho việc mua nguyên liệu và việc đầu tư sau này.
“Sắp tới bọn mình sẽ đi gọi vốn để đưa dự án ra thị trường, từ quy mô nhỏ đến khi lớn dần. Thời gian qua nhóm mình cũng nhận được những lời hứa đầu tư từ một số đơn vị, nhưng nhóm hiện vẫn đang tập trung nâng cấp sản phẩm cho hoàn hảo nhất” – Lập nói.
Ứng dụng thực tiễn
Chị Nguyễn Thị Mai Hương – sáng lập ứng dụng giáo dục trực tuyến Colour Pencils, người dành nhiều thời gian đồng hành với nhóm của Lập và Ngọc – cho biết sản phẩm của các bạn có tính ứng dụng cao, giải quyết được bài toán thực tiễn khi vừa hữu dụng, vừa hợp thời trang chứ không cồng kềnh như nhiều loại áo phao hiện tại.
Theo chị Hương, hiện giờ nhóm cần xác định được quy mô của mình, từ đó mới có thể gọi vốn và có những sự chuẩn bị thích hợp về máy móc, thiết bị, địa điểm… cho việc sản xuất.
Từng nhiều năm là giám khảo các cuộc thi sáng tạo – khởi nghiệp của sinh viên, chị Hương cho biết điều quan trọng mà các bạn trẻ cần khi phát triển dự án là sự hỗ trợ từ những mentor (cố vấn) là những người đi trước có kinh nghiệm để hiểu thêm nhiều vấn đề thực tiễn, từ ứng dụng, khả năng tài chính đến những mối quan hệ cần thiết…
“Khi không có mentor, các bạn có thể vất vả, tốn nhiều công sức hơn. Mentor sẽ giúp các bạn học được nhiều thứ, giúp tiến bộ nhanh hơn, bởi trong kinh doanh quan trọng vẫn là kinh nghiệm mà đa số sinh viên còn thiếu” – chị Hương nói.
Theo: Tuổi trẻ Online