Tóm tắt: Thanh niên là nhóm xã hội đặc biệt giữ vai trò ngày càng trở nên quan trọng với sự phát triển của xã hội. Việc kiến tạo bản sắc thanh niên đáp ứng nhu cầu của nhóm xã hội này và nhu cầu của lịch sử càng cần phải được nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích các khảo sát tình hình thanh niên giai đoạn 1996 – 2021, bài viết không chỉ đưa ra hệ giá trị do thanh niên Việt Nam hiện nay kiến tạo là tính năng động, nhạy bén, thân thiện, trọng đạo lý, tinh thần trách nhiệm, yêu nước, nhân ái, trọng thể diện, tính bảo thủ, sùng ngoại, thực dụng và bè phái, mà còn cho rằng các thiết chế xã hội cần tạo điều kiện để xây dựng thành công các sản phẩm văn hóa trên tất cả các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi chuyển đổi số, sử dụng hệ thống nền tảng giao thức kĩ thuật số kết hợp các hình thức chuyển tải thông tin truyền thống của Việt Nam để phát huy hiệu quả những giá trị tích cực và hạn chế những phi giá trị phái sinh,.
Từ khóa: bản sắc, toàn cầu hóa, thanh niên, trí thức trẻ, Việt Nam.
Abstract: Youth is a special social group that plays a role become increasingly important in the sustainable development of society. The construction of youth identity meets the needs of the group itself and the requirements of history need to be studied more thoroughly. On the basis of the analysis of surveys on youth situation in the period 1996-2021, the article proposes the value system created by Vietnamese youth today. That value system is dynamism, sensitivity to the times, friendliness, moral respect, sense of responsibility, patriotism and compassion, respect for face, conservatism, and foreign devotion, pragmatism and factionalism. The topic also comes to the conclusion that, in order to effectively promote positive values, and limit non-derivative values, socio-cultural institutions need to create conditions to successfully build cultural products in all fields affected by digital transformation, using a system of social networking platforms combining forms of Vietnamese traditional information transmission.
Keywords: Identity, globalization, youth, young intellectuals, Vietnam.
Đặt vấn đề
Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên hầu khắp các lĩnh vực. Trong quá trình chuyển đổi số đó, thanh niên là lực lượng nòng cốt, nắm giữ vai trò trọng yếu, quyết định đến kết quả của quá trình này tại Việt Nam. Đây không chỉ là việc học tập phương châm “Con người là nguồn tài nguyên quan trọng nhất” từ Nhật Bản, mà còn là sự vận dụng, kế thừa quan điểm “Người ta là hoa đất” từ truyền thống dân tộc Việt Nam. Trong vòng khoảng 25 năm qua, các nghiên cứu về thanh niên ở Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu triển khai dưới các góc độ tiếp cận khác nhau. Trong đó, hai góc độ tiếp cận đạt được nhiều kết quả nghiên cứu nhất là tâm lý học và xã hội học. Hầu như chưa có một bài viết hay công trình độc lập nào nghiên cứu tác động của quá trình toàn cầu hóa đối với tiến trình kiến tạo bản sắc của thanh niên Việt Nam, từ đó, phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của thanh niên Việt Nam và luận giải chúng một cách có hệ thống, logic và khoa học theo một lý thuyết văn hóa học cụ thể. Vì vậy, thông qua bài viết này, tác giả mong muốn góp phần cung cấp cứ liệu, luận điểm khoa học cho việc nhận diện bản sắc thanh niên Việt Nam một cách có hệ thống, logic, khoa học nhằm phát huy hiệu quả hơn vai trò của thanh niên Việt Nam từ góc độ khoa học, cụ thể là góc độ văn hóa học.
Khái luận về toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ các mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia-dân tộc trên thế giới trong quá trình vận động và phát triển [1, tr.27]. Trong lịch sử, toàn cầu hóa gắn liền với những phát kiến địa lý, con đường tơ lụa, giao thương, giao lưu – tiếp biến văn hóa hậu kì trung đại. Từ thế kỷ XV trở đi, toàn cầu hóa gắn liền với các cuộc cách mạng bao gồm cuộc cách mạng công nghiệp (cuối thế kỷ XVIII), cách mạng khoa học – kĩ thuật (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX), cách mạng khoa học – công nghệ (giữa thế kỷ XX) và cách mạng kĩ thuật số (cuối thế kỷ XX) xuất phát từ các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây. Quá trình toàn cầu hóa là quá trình biện chứng tất yếu của sự phát triển văn minh nhân loại, là sự phát triển mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các hệ thống văn hóa – văn minh nhân loại giữa quá khứ – hiện tại và tương lai [2, tr.03]. Vì vậy, toàn cầu hóa tạo nên vô số mối liên hệ giữa các xã hội tạo nên hệ thống kết nối thế giới. Các sự kiện, hoạt động ở bất kỳ nơi nào cũng có thể để lại dấu ấn, di sản, ảnh hưởng, tác động đối với các cá nhân và cộng đồng khác ở địa cầu [1, tr.123]. Việc tìm ra phát kiến địa lý, con đường thương mại biển vòng quanh thế giới Đông-Tây đã đem lại địa bàn hoạt động mới cho chủ nghĩa tư bản lợi dụng thế và lực tích lũy tư bản và đi tới quá trình thực dân hóa, khai thác thuộc địa, gia tăng trao đổi hàng hóa và đem lại cho công – thương nghiệp sự phát triển chưa từng có [3, tr.597-598]. Như vậy, toàn cầu bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ nhu cầu của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa tư bản đã để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình toàn cầu hóa 500 năm qua [4, tr.257]. Chủ nghĩa tư bản hiện diện khắp nơi và thiết lập nên những mối liên hệ phổ biến, làm cho những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp đe dọa sự sống còn của văn hóa – văn minh các dân tộc, địa phương, sự phụ thuộc giữa các dân tộc, địa phương ngày càng phát triển đến mức phổ biến [3, tr.601-602]. Đồng thời, chính sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã đẩy toàn cầu hóa lên trên tất cả các mặt giữa các quốc gia. Các quốc gia dù muốn hay không đều chịu tác động của toàn cầu hóa, vì vậy, để tồn tại và phát triển, không thể không tham gia quá trình hội nhập toàn cầu hóa [5, tr.24]. Nhìn chung, toàn cầu hóa là quá trình thay đổi phức tạp về kinh tế – văn hóa – xã hội, mà ở đó, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng do sự tương tác và hội nhập ngày càng tăng giữa các cá nhân ở khoảng cách quyền lực và khoảng cách địa lý lớn [6, tr.81]. Các cấu trúc văn hóa bị biến đổi ngày càng mạnh mẽ do tác động của toàn cầu hóa. Chính vì vậy, xu hướng ly khai, ly tâm văn hóa và xung đột văn hóa cũng ngày càng trở nên phong phú, phức tạp theo tốc độ gia tăng mạnh mẽ của những làn sóng văn hóa từ các quốc gia phát triển, các quốc gia tư bản chủ nghĩa hiện đại, các quốc gia sở hữu ngành công nghiệp văn hóa khổng lồ đi cùng với tham vọng bá chủ toàn cầu. Đó cũng chính là hệ quả của việc “Sự hiện diện khắp nơi của những nhãn hiệu công nghiệp truyền thông – giải trí lớn nhất hiện nay đang thiết lập nên những chuẩn mực xã hội mới từ Á đến Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ. Những cuộc tấn công mạnh mẽ đó về văn hóa không chỉ đe dọa tính đa dạng văn hóa mà còn khiến đại chúng đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc” [7, tr.05]. Bên cạnh đó, vấn đề ưu thế của việc văn hóa các nước lớn, các nước giàu có khả năng phát triển công nghiệp văn hóa tầm cỡ thế giới được phổ biến trên mọi nền tảng truyền thông đại chúng, mạng xã hội cũng là nguy cơ dẫn tới “sự đứt gãy truyền thống và hiện đại của các nước đang phát triển. Các ngôn ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, sản phẩm văn hóa của các dân tộc nhỏ, yếu thế chỉ còn được sử dụng trong sinh hoạt. Theo thời gian, thế hệ trẻ không thích tiếng mẹ đẻ, sẽ hoàn toàn từ bỏ tiếng nói của ông cha. Từ đó, văn hóa của các dân tộc nhỏ, yếu thế cũng sẽ dần dần biến mất” [8, tr.07]. Nhìn chung, có thể nói “toàn cầu hóa đã không thỏa mãn khát vọng có được công ăn việc làm tử tế và tương lai cho con cái của phần đông đại chúng. Một số lượng lớn lao động vẫn phải gánh chịu ảnh hưởng bất lợi của toàn cầu hóa ngay trong những quốc gia phát triển công nghiệp truyền thông – giải trí và công nghiệp văn hóa. Cách mạng khoa học kĩ thuật, cách mạng khoa học công nghệ ngày càng khoét sâu khoảng cách bất cân xứng mang tính toàn cầu không thể chấp nhận và cũng không thể duy trì được này” [9, tr.10].
Đặc điểm bản sắc văn hóa thanh niên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Thanh niên là nhóm xã hội đặc biệt có quan hệ gắn bó mật thiết với mọi giai tầng và mọi hoạt động xã hội và giữ vai trò quyết định sự phát triển của xã hội [10, tr.14]. Một mặt, toàn cầu hóa tạo cơ hội thuận lợi cho quá trình tiếp xúc, giao lưu – tiếp biến văn hóa giúp thanh niên tiếp thu ảnh hưởng, tinh hoa văn hóa nhân loại, mặt khác, toàn cầu hóa cũng là chất xúc tác quan trọng đẩy nhanh quá trình đào thải những yếu tố truyền thống không phù hợp với nhu cầu của lực lượng thanh niên tham gia cách mạng khoa học kĩ thuật số. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng tạo ra những bẫy văn hóa không ngừng làm phai nhạt, mai một dần các giá trị tích cực từng được cha ông vun đắp, từ đó nảy sinh xu hướng văn hóa tiêu cực, đồi trụy, phản động, bi quan trong thanh niên với những đặc điểm tính cách văn hóa như thờ ơ, ích kỷ, bạo lực, lạnh lùng, thực dụng. Đây cũng chính là một bộ phận, kênh tác động quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm truyền bá văn hóa sai lệch, lệch chuẩn, độc hại, phi văn hóa, phản văn hóa. Theo đề tài nghiên cứu khoa học “Sự lựa chọn giá trị đạo đức – nhân văn trong định hướng lối sống của thanh niên”, nhìn chung, các thế hệ thanh niên Việt Nam đều có và đánh giá cao tính năng động, tự tin, trách nhiệm, yêu nước, nhân ái, tự trọng, sáng tạo, lạc quan, can đảm và khoan dung [11, tr.91]. Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa truyền thông (mass culture, media culture), văn hóa đại chúng (pop culture) cũng là những kênh tác động mềm có sức thu hút đáng kể sự quan tâm của thanh niên, tạo điều kiện thúc đẩy không chỉ giao lưu – tiếp biến văn hóa, giao lưu kinh tế, giao lưu tri thức khoa học kĩ thuật công nghệ, mà cũng đồng thời thúc đẩy các hiện tượng bạo lực mạng, phản văn hóa, phi văn hóa trực tuyến, từ đó gây ra bức tranh biến động giá trị mạnh mẽ trong thanh niên Việt Nam, tạo thành những mảng màu ngày càng phức tạp. Quan hệ tiếp xúc, giao lưu – tiếp biến văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi tương quan sức mạnh tổng thể quốc gia trên trường quốc tế, từ đó có thể trở thành nguy cơ đe dọa chủ quyền thống nhất toàn vẹn của bất kỳ chủ thể quốc gia nào trong quan hệ quốc tế. Với vai trò rường cột tương lai của đất nước, nhận thức của thanh niên vì vậy càng cần phải được nâng cao, tránh những ảnh hưởng tiêu cực, bẫy văn hóa từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các quốc gia có sức mạnh tổng hợp quốc gia lớn, có chiến lược quảng bá hình ảnh văn hóa một cách bành trướng, thâm độc, cực đoan, kích động bạo lực, xung đột.
Toàn cầu hóa và tình hình bản sắc văn hóa thanh niên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Đặc điểm chính của thanh niên Việt Nam là trong độ tuổi từ 14 đến 35, chiếm khoảng 27% dân số cả nước [12, tr.21], trong đó quá nửa thanh niên Việt Nam là nam giới (Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, 2015), tuyệt đại đa số sinh sống và xuất thân từ khu vực nông thôn [13, tr.267], và khu vực đồng bằng, chỉ có chưa đầy 10% thanh niên Việt Nam là công nhân trình độ cao đằng – đại học [14, tr.167], ngoài ra, chưa đầy 7% thanh niên Việt Nam là sinh viên các trường đại học – cao đẳng, 0,7% thanh niên Việt Nam là trí thức trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ [14, tr.92]. Như vậy, chủ thể kiến tạo bản sắc thanh niên Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay chủ yếu vẫn là nam thanh niên trong độ tuổi 14 đến 35 ở các tỉnh thành thuộc khu vực đồng bằng, nông thôn. Chính vì chủ thể chủ yếu là nam thanh niên, lại đến từ khu vực đồng bằng thuận lợi cho quá trình tiếp xúc, giao lưu – tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại hơn so với các đối tượng khác ở miền núi và so với nữ thanh niên (do nam thanh niên ở vùng núi thường khó có điều kiện tiếp xúc với ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, và bản thân môi trường vùng núi cũng không phải là môi trường thuận lợi để khơi dậy tính mở, tính năng động được sinh ra do quá trình tiếp xúc, giao lưu-tiếp biến văn hóa một cách thường xuyên, còn nữ thanh niên cũng ít có điều kiện tiếp xúc với những biến động giá trị, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai vì họ bị cột chặt và gắn nhãn bởi định kiến xã hội phổ biến là phái yếu, là chủ nhân của tổ ấm gia đình, giữ lửa trong bếp của gia đình, là tay hòm chìa khóa của gia đình, v.v.), nên có thể thấy bản sắc thanh niên Việt Nam được hình thành từ cái gốc dương tính, trọng động, hướng ngoại, vừa năng động, nhạy bén, dễ dàng tiếp nhận cái mới, vừa dễ bị thay đổi không theo chiều hướng nhất định. Song cũng vì chủ thể chính là nam thanh niên ở khu vực đồng bằng, nông thôn nên chất âm tính của văn hóa nông thôn vẫn gặp phải sự biến động, đứt gãy thậm chí là xung đột giá trị khi tiếp xúc, giao lưu – tiếp biến ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, văn hóa đô thị vốn mang chất thiên về dương tính (do nam thanh niên ở vùng nông thôn đồng bằng vẫn chịu sự chi phối bởi văn hóa truyền thống, văn hóa làng xã đáng kể hơn so với nam thanh niên ở vùng đô thị, vì vậy, tính bảo thủ, muốn lưu giữ truyền thống sẽ mạnh hơn, sức phản kháng với văn hóa ngoại lai cũng sẽ thường mạnh hơn so với nam thanh niên ở vùng đô thị, do đó, mức độ xung đột do va chạm với ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai cũng sẽ thường cao hơn so với ở đối tượng là nam thanh niên tại đô thị).
Trong khi báo cáo của [15] chỉ ra 6 giá trị đặc trưng cho bản sắc thanh niên Việt Nam hiện nay là nhân ái, yêu nước, tự tin, năng động, thực dụng và có chí tiến thủ; kết quả nghiên cứu của [16] chỉ ra các giá trị đặc trưng của thanh niên Việt Nam là thực dụng, tự tin, có trách nhiệm, độc lập tự chủ và bảo thủ. Trong đó, tác giả [16] đã lý giải sự hiện diện của tính bảo thủ ở thanh niên Việt Nam là do cơ chế tổ chức quản lý xã hội ở nông thôn với mạng lưới xã hội chuẩn tắc chặt chẽ hơn, gắn bó lâu đời hơn, và dư luận xã hội, tính cộng đồng cũng phát triển hơn, do đó lâu dần hình thành tính bảo thủ đối lập với tính cởi mở, dễ dàng dung hợp thậm chí hòa tan ở cộng đồng thanh niên khu vực đồng bằng, đô thị. Đối với [17], hệ giá trị văn hóa đặc trưng của thanh niên Việt Nam lại là chủ nghĩa cá nhân, tính tự tin, tính tự chủ, và nhân ái. Nhóm tác giả [18] lại cho rằng yêu nước, nhân ái, dũng cảm, thân thiện, trọng đạo lý, thực dụng, bè phái, tự tin mới là hệ giá trị văn hóa đặc trưng của thanh niên Việt Nam. Trong đó, theo lý giải của nhóm tác giả [18], thực dụng, bè phái là hệ quả tất yếu của loạt biến động giá trị xảy ra trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở Việt Nam, loạt biến động giá trị đó đã được [19] chỉ ra là chuyển từ duy tình sang duy lý, chuyển từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân, chuyển từ chiến lược sang chiến thuật, quản lược, và chuyển từ ỷ lại, dựa dẫm sang năng động, tự tin. Trước đó, [20] và [21] cũng đã chỉ ra hệ giá trị đặc trưng của thanh niên Việt Nam là trọng đạo lý, có trách nhiệm, có chí tiến thủ, nhạy bén với thời cuộc và năng động.
Bảng 1. So sánh – đối chiếu hệ giá trị văn hóa của thanh niên Việt Nam hiện nay
Nguồn: tác giả tự tổng hợp
Đặng Vũ Cảnh Linh (2022) | Nguyễn Tuấn Anh (2018) | Trương Thị Khánh Hà (2015) | Nguyễn Ngọc Thiện – Từ Thị Loan (2021) | Viện Nghiên cứu Thanh niên (2009) – Nguyễn Phước Lộc (2010) |
-nhân ái
-yêu nước -tự tin -năng động -thực dụng -chí tiến thủ |
-độc lập -tự tin -trách nhiệm -thực dụng -bảo thủ |
-nhân ái
-độc lập -tự tin -thực dụng
|
-nhân ái
-yêu nước – tự tin -thực dụng -dũng cảm -thân thiện -trọng đạo lý -bè phái |
-năng động -trách nhiệm -chí tiến thủ -nhạy bén -trọng đạo lý |
Tuy nhiên, nhìn chung, chưa có một hệ thống cơ sở, tiền đề, nền móng phân tích chung nào được đưa ra bởi các tác giả nói trên khi liệt kê ra các giá trị văn hóa đặc trưng cho thanh niên Việt Nam. Vì vậy, để phản ánh tính liên kết, hệ thống giữa các giá trị văn hóa đặc trưng cho thanh niên Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa tác động sâu sắc hiện nay, bài viết này quyết định dựa vào lý thuyết loại hình khu vực lịch sử – văn hóa của tác giả [22], để cho thấy, xuất phát từ tính cộng đồng làng xã, bản sắc thanh niên do nam thanh niên ở khu vực nông thôn, đồng bằng là chủ thể chính kiến tạo nên bao gồm tinh thần trọng đạo lý, tinh thần trách nhiệm, tính trọng thể diện, và tính bè phái. Theo lý thuyết loại hình khu vực lịch sử – văn hóa của tác giả [22], mọi khác biệt văn hóa do khác biệt về điều kiện tự nhiên và xã hội quy định. Địa hình đồng bằng dẫn đến lối sống bằng trồng trọt buộc cư dân phải sống ổn định lâu dài, không ưa xáo trộn, đồng thời hình thành thái độ sống phụ thuộc vào thiên nhiên, không dám chinh phục thiên nhiên, chỉ dám sống hòa hợp với thiên nhiên. Vì phụ thuộc đồng thời nhiều hiện tượng tự nhiên khác nhau nên người Việt tư duy tổng hợp biện chứng, bao quát mọi yếu tố và chú trọng đến mối liên hệ giữa chúng. Sự chú ý bị phân tán nhưng hình thành lối diễn đạt súc tích, thâm thúy. Lối sống ổn định lâu dài hình thành nên cuộc sống lấy tình nghĩa làm cơ sở, từ đó dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng mẫu. Vì luôn phải trọng tình nên luôn phải cân nhắc, dẫn đến nhu cầu sống linh hoạt, biến báo để đảm bảo duy trì tình cảm trong quan hệ xã hội. Vì coi trọng tình cảm và biến báo, linh hoạt nên tính tổ chức, tính tôn ti, tính kỷ luật của người Việt không quá chặt chẽ hay nổi trội. Cuối cùng, vì luôn biến báo, linh hoạt và coi trọng tình cảm, coi trọng mối quan hệ tổng quát giữa các hiện tượng, nên sinh ra tính dung hợp, tính tổng hợp, tính kết hợp. Như vậy, do xuất phát từ chất thiên về âm tính, bản sắc thanh niên Việt Nam hiện nay hình thành tính thân thiện, tính bảo thủ, tính sùng ngoại, tính thực dụng. Ngoài ra, xuất phát từ cả tính cộng đồng làng xã và chất thiên về âm tính, nên bản sắc thanh niên Việt Nam do nam thanh niên khu vực nông thôn, đồng bằng là chủ thể chính kiến tạo mới mang cả lòng yêu nước và lòng nhân ái. Bên cạnh đó, xuất phát từ tính linh hoạt, bản sắc thanh niên Việt Nam mới có tính năng động. Vừa xuất phát từ tính tổng hợp (chủ toàn) vừa xuất phát từ tính linh hoạt, nên bản sắc thanh niên Việt Nam là nhạy bén trước thời cuộc. Mối quan hệ giữa hoàn cảnh môi trường và hệ giá trị văn hóa đặc trưng bản sắc thanh niên Việt Nam hiện nay có thể biểu hiện như sau:
Hình 1. Mối quan hệ giữa các cơ sở hình thành & hệ giá trị đại diện bản sắc thanh niên Việt Nam
Nguồn: tác giả tự tổng hợp
Thanh niên là nhóm xã hội đang nằm trong độ tuổi chuyển tiếp về mặt nhận thức lẫn tâm sinh lý, tiến đến dần hoàn thiện, ổn định về nhân cách, mà chưa hoàn toàn định hình nhân cách ổn định, vì vậy, với bản tính năng động, nhạy bén, mà lại chưa đầy đủ khả năng nhận thức âm mưu đồng hóa văn hóa thâm độc của các quốc gia phát triển công nghiệp văn hóa và mang chiến lược “diễn biến hòa bình”, nên thanh niên cũng là đối tượng dễ bị kích động bạo lực, xung đột từ bên trong so với các bộ phận nhóm xã hội khác.
Biểu hiện của sự áp đảo, chiếm ưu thế của nhận thức nhạy bén và lý tưởng đúng đắn ở thanh niên Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay chính là việc trên 80% thanh niên Việt Nam vẫn mong muốn cống hiến cho đất nước và đồng ý phấn đấu theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng – dân chủ – văn minh, trên 50% thanh niên Việt Nam có nguyện vọng vào Đảng và đã được kết nạp Đảng trong năm 2017 [23, tr.18-19]. Về tính năng động, hăng say, nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam có thể thấy số lượng công trình nghiên cứu khoa học của thanh niên các trường học đăng ký đã tăng gấp 10 lần chỉ sau 11 năm (62 đề tài vào năm 1990 lên đến con số 585 đề tài vào năm 2011) [24, tr.299-300). Tính trách nhiệm cao cũng đã được thể hiện qua con số hơn 73% thanh niên trí thức trẻ Việt Nam hiểu trách nhiệm của thanh niên trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, biết đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên lợi ích cá nhân và muốn đóng góp tham gia hăng hái vào xây dựng đất nước [11, tr.90]. Tính năng động, nhạy bén với thời cuộc và trách nhiệm cao của thanh niên Việt Nam cũng đã được biểu hiện qua thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc, thời kỳ chống Bắc thuộc, thời đại Lý-Trần, thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh với những anh hùng tràn trề sức trẻ như Thánh Gióng, Mai An Tiêm, Lang Liêu, Trần Quốc Toản, Nguyễn Hiền, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn cùng hơn 100 tiến sĩ trong độ tuổi dưới 30 tuổi từ đầu thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20 [25, tr.14). Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, tính năng động, nhạy bén với thời cuộc và tính trách nhiệm của thanh niên Việt Nam tiếp tục được thể hiện qua những dự án phục dựng Hoàng thành Thăng Long, các bộ phim lịch sử – dã sử – cổ trang, những bài hát mang âm hưởng truyền thống phối khí hiện đại, những dự án tái hiện tác phẩm văn học và dòng phim truyện nhựa đầy phá cách. Đây chính là những phương thức, quan điểm tích cực, sáng tạo, đầy nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam có thể khai thác được và thúc đẩy để khơi gợi, phát huy vai trò quảng bá văn hóa, trách nhiệm phát huy sức mạnh chủ động chung tay đóng góp cho phát triển bền vững xã hội.
Tuy nhiên, tính thực dụng, lối sống thực dụng, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật chất cũng đang ngày càng phổ biến trong thanh niên Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi khi tuyệt đại đa số thanh niên Việt Nam đều chọn lựa ngành nghề việc làm có thu nhập cao, dễ dàng có quyền lực, và chỉ vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như một phong trào trên danh nghĩa [26, tr.279], 1/3 sinh viên Việt Nam từng xin/mua điểm, 1/2 sinh viên Việt Nam từng sao chép, đạo văn luận án, và 4/5 sinh viên Việt Nam từng sử dụng tài liệu trong thi cử [11, tr.104]. Chính vì hệ quả của lối sống thực dụng, hưởng thụ, sùng bái vật chất, tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam trong độ tuổi vị thành niên từ 14 đến 18 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất Đông Nam Á, cao thứ 5 thế giới [27]. Vì sùng bái vật chất, ham muốn thực dụng, lối sống hưởng thụ, vị thành niên từ 14 đến 18 tuổi đã trở thành chủ nhân gây ra 1/5 tổng số vụ án vi phạm hình sự bao gồm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, hành hung, thậm chí là truy sát, giết người [28]. Hệ lụy của lối sống thực dụng, sùng bái vật chất bất chấp đạo đức còn là con số 91% đối tượng gái bán dâm đang ở độ tuổi thanh niên từ 18 đến 35 tuổi [29], và con số đối tượng nghiện ma túy được quản lý theo hồ sơ đã tăng gấp đôi chỉ sau 5 năm (từ 37,9% vào năm 2004 lên 73% vào năm 2009) [24].
Vì vậy, kiến tạo bản sắc thanh niên Việt Nam cũng là kiến tạo bản sắc nhóm thống lĩnh trong tương lai, kiến tạo bản sắc văn hóa chủ lưu trong xã hội Việt Nam sau này, do đó, không thể không đẩy mạnh các biện pháp khai thác tính năng động, lĩnh hội nhạy bén và sáng tạo của thanh niên trong việc kiến tạo bản sắc dân tộc nhằm phục vụ nhu cầu phát triển bền vững xã hội, củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia, từ đó đủ sức đề kháng văn hóa trước mọi âm mưu đồng hóa văn hóa và chiến lược “diễn biến hòa bình” thâm độc của các thế lực thù địch.
Một số giải pháp phát huy bản sắc văn hóa thanh niên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Việt Nam là một nền kinh tế “đi sau” tuy chưa hoàn toàn vượt qua khỏi tình trạng trình độ công nghiệp cơ khí” nhưng đã chuyển hướng mạnh mẽ, phát hiện và nhấn mạnh động lực phát triển của nguồn lực văn hóa với tư cách một sức mạnh đặc thù. Dù chưa định hình giải pháp thực thi tầm chiến lược nhưng cách tiếp cận “đi tắt đón đầu” đuợc Việt Nam tích cực triển khai đã tiệm cận quỹ đạo phát triển tầm cao của thế giới hiện đại. Văn hóa truyền thống, khối tài nguyên chiến lược to lớn, động lực phát triển hiện thực đang được lấy làm trục dẫn dắt chiến lược hành động tích hợp “hội nhập truyền thống – hiện đại”, trong đó lấy con người làm cơ sở vững chắc phát triển văn hóa. Song việc vượt rào cản tâm lý, thói quen, những thiên kiến tư tưởng và hủ tục phức tạp vẫn không dễ thực hiện trong đời sống xã hội hiện đại do các luật lệ, thể chế và cả văn hóa dân chủ – tự trọng vẫn chưa đạt đến tầm vóc tương xứng với những rủi ro do quá trình hình thành và phát triển của mạng xã hội gây ra. Tính thân thiện, tính năng động, tính trọng thể diện và tính nhạy bén với thời cuộc là những đặc trưng giúp thanh niên Việt Nam dễ dàng tiếp thu tinh hoa văn hóa – văn minh nhân loại, đưa cả nền kinh tế – văn hóa – xã hội của Việt Nam đến mức độ hội nhập hoàn hảo nhất vào trường quốc tế. Từ đó trở thành tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi số lần lượt các thành tố quan trọng của nền kinh tế – văn hóa – xã hội Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, chuyển đổi số cũng tạo ra điều kiện thúc đẩy kết nối thông tin giữa thanh niên các vùng, miền, quốc gia – dân tộc với nhau ngày càng nhanh chóng, thuận lợi. Sự thuận lợi trong kết nối thông tin xuyên văn hóa nhờ chuyển đổi số cũng sẽ tiếp tục trở thành tiền đề để nảy sinh thêm những phát hiện, phát minh có thể ứng dụng tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh xã hội của từng quốc gia – dân tộc, với hoàn cảnh xã hội Việt Nam là một quốc gia đa dạng văn hóa, đa tộc người, gốc nông nghiệp, đang trong thời kỳ chuyển đổi quá độ lên xã hội hậu công nghiệp.
Chuyển đổi số giúp làm đa dạng hóa phương tiện thông tin – truyền thông đại chúng từ đó nâng cao nhu cầu nhận thức, đáp ứng nhu cầu giải trí và đòi hỏi vấn đề gạn đục khơi trong, chắt lọc thông tin có lựa chọn để tiếp nhận và tin tưởng, hành động đúng đắn, không lệch lạc trong cuộc sống.
Đồng thời, chuyển đổi số cũng góp phần làm thúc đẩy mạnh mẽ kết nối văn hóa giữa các loại hình văn hóa đại chúng – văn hóa tinh hoa – văn hóa bác học (hàn lâm) – văn hóa dân gian. Các ranh giới giữa các loại hình văn hóa dần xóa nhòa, và vì vậy số lượng nhân vật, người nổi tiếng được gắn nhãn đại diện cho các giá trị văn hóa đặc trưng theo khuôn mẫu thiên kiến mới của xã hội cũng sẽ ngày càng gia tăng, và có xu hướng là người nổi tiếng của văn hóa đại chúng, cầu nối giao thoa giữa văn hóa dân gian, văn hóa bác học và văn hóa tinh hoa, mà không còn là người nổi tiếng đại diện đặc trưng một loại hình văn hóa cụ thể nhất định. Điều đó làm cho quá trình loại bỏ, triệt tiêu các giá trị văn hóa truyền thống không còn đủ khả năng thích ứng với các kênh phương tiện, nền tảng truyền thông – đại chúng diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Quá trình tiếp nhận các giá trị văn hóa ngoại sinh không còn đủ thời gian để kiểm nghiệm, chắt lọc, gạn đục khơi trong như trước đây. Vì vậy, hệ giá trị văn hóa mang tính đặc trưng bản sắc thanh niên Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều biến động, tác động hơn bao giờ hết. Nhìn chung, chuyển đổi số sẽ làm lu mờ ranh giới giữa các loại hình văn hóa, cộng đồng văn hóa, vùng văn hóa và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nhu cầu khẳng định bản sắc của các nhóm xã hội, trong đó có thanh niên, lên cao hơn bao giờ hết, chuyển đổi số với tốc độ và xu hướng phát triển nhanh chóng, phức tạp sẽ làm cho tiến trình khẳng định bản sắc văn hóa của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi xã hội diễn ra phức tạp, khó lường hơn bao giờ hết.
Bản tính thanh niên mang tính năng động, nhạy bén và sáng tạo mà văn hóa Việt Nam vốn cũng đã mang tính linh hoạt, dân chủ, cộng đồng làng xã, nên trong việc xây dựng khuôn khổ nhằm nâng cao nhận thức, hoàn thiện nhân cách, tính cách văn hóa của thanh niên Việt Nam cần vận dụng cả tính linh hoạt, tính dân chủ, tính cộng đồng trong bản sắc văn hóa Việt Nam cũng như tính năng động, nhạy bén, sáng tạo trong bản sắc thanh niên Việt Nam. Cụ thể, các thiết chế xã hội như gia đình, nhà trường, ký túc xá, Đoàn-Hội, có thể tổ chức tận dụng tính năng động, nhạy bén, sáng tạo của thanh niên để tạo ra những sản phẩm truyền thông kĩ thuật số góp phần tăng sức hút hơn nữa cho các giá trị, sản phẩm văn hóa đặc sắc, đặc trưng căn tính, hồn cốt của dân tộc, từ đó củng cố sức đề kháng của lớp văn hóa bản địa trước quá trình tiếp xúc, giao lưu – tiếp biến văn hóa đang diễn ra với cường độ và nhịp độ gia tăng mạnh mẽ. Bất kỳ sản phẩm văn hóa đại chúng nào cũng đều dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản để thành công là tính phổ quát, tính hội tụ, tính cấp thời, tính giải trí. Vì vậy, các thiết chế, khuôn khổ, sản phẩm khuyến khích thanh niên vững vàng về mặt tư duy, nhận thức, lý tưởng trước các bẫy văn hóa của chiến lược “diễn biến hòa bình” cũng cần phải đảm bảo tính phổ quát, tính hội tụ, tính cấp thời và tính giải trí. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thiết chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ra đời các sản phẩm sáng tạo, nhạy bén với kĩ thuật số, với thời đại, và các nhu cầu của thanh niên, vừa củng cố nhận thức và các điều lệ, quy định trong khuôn khổ pháp luật nhằm phát triển bền vững xã hội vừa nâng cao năng lực cảnh giác, đề kháng của thanh niên Việt Nam trước những sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động, bạo lực, kích động, phi văn hóa, phản văn hóa có khả năng ồ ạt du nhập Việt Nam, thâm nhập, phá hoại hệ tư tưởng, ý thức hệ của thanh niên Việt Nam, từ đó làm xói mòn dần cơ sở tư tưởng – xã hội của chế độ, của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau thành công của MV ca nhạc Để Mỵ nói cho mà nghe, điệu nhảy Ghen Cô Vy, vũ điệu rửa tay, hàng loạt các hình thức thơ lục bát, hò, vè, làn điệu ca trù, tranh cổ động liên quan đến phòng chống COVID 19, phòng chống tin tức xuyên tạc về dịch bệnh ở Việt Nam, khối các trường học, câu lạc bộ Đoàn – Hội có thể tổ chức các cuộc thi cho chính thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia biến tấu, sáng tác biến các điều lệ, luật, quy định văn hóa ứng xử, văn hóa học đường khô khan trở nên sinh động, giản dị, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người.
Kết luận
Toàn cầu hóa là quá trình gia tăng các mối liên hệ qua lại lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động, giữa các quốc gia-dân tộc do nhu cầu phát triển tất yếu của các nền văn hóa Đông-Tây trong tiến trình vận động và phát triển. Dưới tác động của toàn cầu hóa, văn hóa đại chúng của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc của các quốc gia đang phát triển và các cộng đồng tộc người bên lề (marginal ethnics) cũng ngày càng rõ rệt, vì vậy, vai trò của thanh niên (nhóm xã hội đặc biệt đang trong độ tuổi chuyển tiếp về mặt nhận thức, nhân cách và tâm sinh lý nhưng lại giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của xã hội) ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Do chủ thể chính kiến tạo bản sắc thanh niên Việt Nam là nam thanh niên trong độ tuổi từ 14 đến 35 gắn với môi trường nông thôn khu vực đồng bằng nên hệ giá trị văn hóa được kiến tạo gắn liền với thanh niên Việt Nam bao gồm tính thân thiện, tính bảo thủ, tính sùng ngoại, tính thực dụng, tinh thần trọng đạo lý, tinh thần trách nhiệm, tính trọng thể diện, tính bè phái, tính năng động và tính nhạy bén với thời cuộc.
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Hữu Nghĩa, Toàn cầu hóa – những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia, 2004.
[2] Tôn Ngũ Viên, Toàn cầu hóa: nghịch lý của thế giới tư bản chủ nghĩa, NXB Thống kê, 2002
[3] Karl Marx & Engels, Toàn tập (tập 4), Chính trị Quốc gia, 1995.
[4] Lê Hữu Nghĩa & Trần Khắc Việt & Lê Ngọc Tòng, Xu thế toàn cầu hóa trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Chính trị Quốc gia, 2007.
[5] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Toàn cầu hóa – phương pháp luận và phương pháp tiếp cận nghiên cứu, NXB Chính trị Quốc gia, 2001.
[6] Dương Phú Hiệp, Tác động của toàn cầu hóa đối với sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2010.
[7] Trần Thị Thái Hà & Vũ Quốc Huy & Nguyễn Mạnh Hùng, Báo cáo phát triển con người 1999 – chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, NXB Chính trị Quốc gia, 2000.
[8] Bjaznova, “Toàn cầu hóa và các giá trị dân tộc”, Viện Thông tin Khoa học xã hội, 37 (07), 2005.
Uỷ ban thế giới về mức xã hội của toàn cầu hóa, Toàn cầu hóa bình đẳng: cơ hội cho mọi người, Tổ chức Lao động Quốc tế, 2004.
[9] Vũ Trọng Kim, Quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, NXB Chính trị Quốc gia, 1999.
[10] Diệp Minh Giang, Xây dựng đạo đức của thanh niên Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, 2011.
[11] Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, “Báo cáo tổng hợp thống kê số liệu về dạy nghề năm 2015”, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, 2015, [Online] Available: gdnn.gov.vn/AIAdmin/AIDocs/View/tabid/90/DocID/466/Default.aspx, ngày truy cập 21/03/2023.
[12] Vương Liêm, Trí thức với công cuộc phát triển ở Việt Nam, NXB Thanh niên, 2004.
Phạm Đình Nghiệm, Nguồn nhân lực thanh niên cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, NXB Thanh niên, 1996.
[13] Đặng Vũ Cảnh Linh (2022). Một số biểu hiện về văn hóa và định hướng giá trị của thanh niên hiện nay. Hội đồng Lý luận Trung ương, Hệ giá trị quốc gia – hệ giá trị văn hóa – hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, NXB Chính trị Quốc gia, 2022, 187-199.
[14] Nguyễn Tuấn Anh, “Hệ giá trị của thanh niên theo lý thuyết của Schwartz”, Tạp chí Tâm lý học, (229), 2018, 73-84.
[15] Trương Thị Khánh Hà, “Hệ giá trị của người trưởng thành Việt Nam theo lý thuyết của Schwartz”, Khoa học xã hội và nhân văn, 01 (02), 2015, 114-126
[16] Nguyễn Ngọc Thiện & Từ Thị Loan, Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, 2021.
[17] Phạm Minh Hạc, Giá trị học, hệ giá trị dân tộc Việt Nam, giá trị bản thân, NXB Chính trị Quốc gia, 2015.
[18] Viện Nghiên cứu Thanh niên, Kết quả điều tra tình hình thanh niên năm 2008, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 2009.
[19] Nguyễn Phước Lộc, Tổng quan tình hình thanh niên – công tác Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2005-2010, Khoa học và Công nghệ, 2010.
[20] Trần Ngọc Thêm, Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 8, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.
[22] Phạm Hồng Tung, Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, 2011.
[23] Đặng Quỳnh Mai, “Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, Tạp chí Cộng sản, (32), 2003, 11.
[24] Phạm Minh Hạc, Vấn đề con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Chính trị Quốc gia, 1996.
[25] Đ.H., “Việt Nam đứng đầu khu vực về tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên“, Báo Sức khỏe đời sống, 23/04/2013, [Online] Available: vn/viet-nam-dung-dau-khu-vuc-ve-ty-le-nao-pha-thai-o-vi-thanh-nien-16961594.htm, ngày truy cập 21/03/2023.
[26] Tuệ Nguyễn, “Nỗi lo tội phạm vị thành niên”, Thanh niên, 28/10/2008, [Online] Available: https://thanhnien.vn/noi-lo-toi-pham-vi-thanh-nien-185128230.htm, ngày truy cập 21/03/2023
[27] P.T., “Hoạt động mại dâm ngày càng trẻ hóa và tinh vi”, Báo Dân trí, 16/01/2009, [Online] Available: dantri.com.vn/xa-hoi/hoat-dong-mai-dam-ngay-cang-tre-hoa-va-tinh-vi-1232275836.htm, ngày truy cập 21/03/2023.
[Lời Ban Biên tập Website]:
Bài viết là toàn văn tham luận của tác giả NGUYỄN MINH GIANG thuộc đơn vị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào ngày 20/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội.
Có thể tham khảo tại: Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. (2024). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.117-118.