Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Archives for 18/05/2021

ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM – Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật các trường Đại học khu vực phía Nam

Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật các trường đại học khu vực phía Nam lần thứ 4 năm 2021 - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP. HCM

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến Nhật Bản – Việt Nam

Chiều 17.04, tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (cơ sở Đinh Tiên Hoàng), đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật các trường đại học khu vực phía Nam lần thứ 4 năm 2021. Cuộc thi được tổ chức bởi Tập Đoàn giao thông vận tải Komaru, đồng tổ chức là ĐH KHXH&NV mà nòng cốt là Khoa Nhật Bản học và Trung tâm Việt Nam – Hiroshima, dưới sự bảo trợ công ty cổ phần vận tải Fukuyama, đơn vị hỗ trợ là Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM và Quỹ giao lưu Quốc Tế Nhật Bản.

Tham dự buổi chung kết cuộc thi, về phía Nhật Bản có ông Komaru Shigehiro – Chủ tịch Tập Đoàn giao thông vận tải Komaru kiêm Giám đốc công ty cổ phần vận tải Fukuyama; ông Watanabe Nobuhiro – Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM; ông Sato Toshiyuki – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hiroshima. Về phía trường ĐH KHXH&NV có TS. Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng; TS. Trần Anh Tiến – Trưởng phòng Đối ngoại và Quản lý khoa học; TS. Huỳnh Trọng Hiền – Trưởng Khoa Nhật Bản học cùng đại diện khoa/bộ môn Nhật Bản học của các trường đại học ở khu vực phía Nam.

Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật các trường đại học khu vực phía Nam lần thứ 4 năm 2021 - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP. HCM

TS. Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng – phát biểu khai mạc cuộc thi

Cuộc thi năm nay có chủ đề Giao Thông. Vượt qua 101 bài luận từ 12 trường Đại học, 12 thí sinh đã xuất sắc bước vòng chung kết. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức bằng hình thức kết nối trực tuyến giữa Nhật Bản và Việt Nam do sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid lây lan trên toàn cầu.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Komaru Shigehiro cho biết: Trong mối quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, bên cạnh các bình diện về chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh mối quan hệ sâu rộng trên bình diện giao lưu văn hóa – con người. Chính vì lý do này, Cuộc thi Hùng biện Tiếng Nhật được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các em sinh viên đang học tiếng Nhật được nâng cao ý thức về an toàn giao thông, nâng cao năng lực tiếng Nhật, đồng thời là buổi giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản”.

Khác với ba lần thi trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid, ban tổ chức đã quyết định mời 12 bạn thí sinh thực hiện ghi hình và vấn đáp trước phần hùng biện của mình vào ngày 12/03/2021. Sau đó, các thí sinh sẽ trả lời câu hỏi của Ban giám khảo đặt ra ngay tại hội trường. Với bài luận có tiêu đề 壊れやすい人間, tạm dịch “Những con người dễ vỡ”, Huỳnh Nhật Phương Uyên, đến từ trường Đại học Ngoại thương, Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.

Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật các trường đại học khu vực phía Nam lần thứ 4 năm 2021 - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP. HCM

Mỗi thí sinh có 2 phút để trả lời câu hỏi của Ban giám khảo

Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật các trường đại học khu vực phía Nam lần thứ 4 năm 2021 - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP. HCM

Giải nhất thuộc về Huỳnh Nhật Phương Uyên – sinh viên trường ĐH Ngoại thương, Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh 

TUYẾT RCOM & QUỲNH NHI

ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM – Khoa Quan hệ Quốc tế xuất sắc giành giải Vàng “Liên hoan Tiếng hát sinh viên 2021”

Tối ngày 25.4.2021 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (cơ sở Thủ Đức) đã diễn ra Chung kết Liên hoan Tiếng hát sinh viên 2021 với chủ đề “Dệt cánh buồm lam” – cùng tuổi trẻ ra khơi.

Đến tham dự với chương trình, có đại diện Thành đoàn TP.HCM, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM, TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đông đảo quý thầy cô, sinh viên trường.

Tại vòng Chung kết, 5 đội thi đến từ các khoa: Xã hội học, Quan hệ Quốc tế, Văn hóa học, Báo chí và Truyền thông, Ngữ văn Anh đã lần lượt thể hiện tài năng và bản lĩnh của mình, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa, những góc nhìn đa chiều vào các màn biểu diễn đặc sắc.

Khoa Quan hệ Quốc tế xuất sắc giành giải Vàng

 Tiết mục dự thi tái hiện phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên thành phố – Ảnh: Quỳnh Trang

Kết thúc cuộc tranh tài, khoa Quan hệ Quốc tế đã xuất sắc giành giải Vàng với tiết mục dự thi “Mắt lam giương buồm”; giải Bạc thuộc về khoa Báo chí và Truyền thông với “Viết tiếp lời ca”; giải Đồng thuộc về khoa Ngữ văn Anh với chương trình “Nhuộm lại áo xanh”; và đồng giải Khuyến khích thuộc về Xã hội học, Văn hóa học với các tiết mục lần lượt “Ngày trở về”, “Tình đất phương Nam”. Bên cạnh giải toàn đoàn, các đơn vị cũng đã tranh tài xuất sắc với các hạng mục giải Đơn ca, Nhóm ca, Tốp ca, Ca múa và Múa độc lập.

Phát biểu tại chương trình, TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng đã biểu dương các đội thi với các tiết mục biểu diễn đặc sắc. Thầy cũng gửi lời cám ơn đến ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi, các nhà tài trợ đã giúp sức cho chương trình diễn ra thành công tốt đẹp. Thầy đã dành lời khen ngợi và cám ơn đến các bạn thí sinh với nhiệt huyết cháy rực đã mang lại nhiều dấu ấn đặc sắc, một đêm chung kết tuyệt vời.

Anh Hùng Việt Hiếu Minh – người biên kịch cho tác phẩm nghệ thuật “Mắt lam giương buồm” chia sẻ: ““Mắt lam giương buồn gồm 5 phần biểu diễn: 1. Thuyền giấy; 2. Đêm; 3. Nhảy Lam Sắc; 4. Chặng đường bao xa; 5. Hoan ca nắng và gió. Về câu chuyện “Mắt lam giương buồm” thì “Mắt lam” chính là nhân vật chính xuyên suốt câu chuyện. Đó đơn giản là hình ảnh con thuyền từ 1 chiếc thuyền giấy chứa bao ước mơ, rồi con thuyền ngoài biển đêm đầy sóng gió, để rồi hoá thân thành con thuyền với sức mạnh to lớn hơn vươn mình ra khơi. “Mắt Lam” đại diện cho hình ảnh con thuyền đi khắp nơi và chứng kiến mọi thứ trên thế giới. Cảm hứng để anh và ban tổ chức viết nên câu chuyện này là do đôi mắt thuyền và tục vẽ mắt thuyền của ngư dân Việt Nam.” 

Khoa Quan hệ Quốc tế xuất sắc giành giải Vàng

 Khoa Quan hệ Quốc tế đã xuất sắc giành giải vàng với tiết mục “Mắt lam giương buồm” – Ảnh: Quỳnh Trang

Khởi động từ ngày 10-4, sức nóng của cuộc thi đến nay vẫn chưa hề giảm xuống. Liên hoan Tiếng hát sinh viên là sân chơi nghệ thuật truyền thống nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật trẻ, tạo cơ hội cho sinh viên thỏa sức thể hiện đam mê trên sân khấu. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy quá trình thực hiện triết lý giáo dục: Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hóa của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Khoa Quan hệ Quốc tế xuất sắc giành giải Vàng

Đêm chung kết đã diễn ra thành công tốt đẹp – Ảnh: Quỳnh Trang

QUỲNH TRANG

ĐH TÔN ĐỨC THẮNG – CÔ SINH VIÊN NGÀY NGÀY “MỘT CHÂN” LÊN GIẢNG ĐƯỜNG

Sinh viên nội trú Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) chắc hẳn sẽ không xa lạ với hình ảnh một nữ sinh nhỏ nhắn, xinh xắn, ngày ngày băng qua những con đường quen thuộc, tự mình lên giảng đường trên đôi nạng gỗ.
Đôi nạng ấy làm thay phần việc của chiếc chân xấu số đã ra đi gần 15 năm nay…
Hình ảnh quen thuộc đối với các bạn sinh viên TDTU, đặc biệt là các bạn sinh viên nội trú
(Ảnh: Cận Nguyễn)

Hai lần suýt bỏ học

Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Cẩm Nhung – sinh viên năm nhất khoa Mỹ thuật công nghiệp TDTU. Hồi 5 tuổi, Nhung té nặng lúc đang chơi đùa, làm gãy ngang phần xương trên chân phải. Tưởng chỉ băng bó là xong, vài tháng sau phần tổn thương chuyển biến xấu. Quá trình kiểm tra phát hiện chân sưng to bất thường, hình thành một khối u lớn. Bác sĩ yêu cầu phải tháo khớp lập tức, nếu không sẽ hoại tử cả chân. Thế là khi những đứa trẻ cùng tuổi vẫn còn thích thú những trò chạy nhảy, Nhung đã phải tập đi nạng. Từng bước, từng bước một… chiếc nạng như người bạn thân nhất với Nhung trong thời gian đó, cùng nhau vượt qua những năm học đầy khó khăn.
Học xong lớp 9, gia đình có ý định cho Nhung dừng lại để tìm một công việc phổ thông nhẹ nhàng gần nhà. May mắn, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9 biết trường hợp của Nhung được đặc cách trúng tuyển, đã âm thầm làm hồ sơ cho Nhung vào Trường THPT Đoàn Thị Điểm, huyện Thạnh Phú (Bến Tre).
Đến lúc sắp hết cấp III, gia đình một lần nữa khuyên Nhung ở nhà thay vì bỏ công vào đại học nơi xa. “Học để làm gì? Một mình có lo được không? Đi học thế nào, lên xe buýt ra sao? Học rồi có chắc sẽ tìm được việc không?” là những câu hỏi mà người thân cứ vây lấy Nhung trong giai đoạn quan trọng đó.
“Nhưng rồi mình vẫn quyết định đi học. Mình muốn tự lập, muốn tự lo cho cuộc sống sau này” – Nhung nói.

Niềm đam mê với vẽ

Từ thuở nhỏ, Nhung đã thích vẽ. Các bức tranh không hiểu sao lại có sức hút lạ kỳ với Nhung, tạo sợi dây kết nối giữa bạn và thế giới xung quanh như bù đắp những thiệt thòi về mặt thể xác. Lại thêm muốn có việc không yêu cầu đi lại nhiều sau này, Nhung chọn học ngành mỹ thuật công nghiệp của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
“Mình sẽ tìm kiếm việc làm thêm vừa sức, gần trường để đỡ một phần cho nhà và cho mình thêm cơ hội trải nghiệm” – Nhung nói –
(Ảnh: Ngọc Phượng) 

Tự mình quán xuyến

Từ ngày được ba dắt díu lên Sài Gòn làm bài thi năng khiếu và hoàn tất thủ tục nhập học, Nhung một mình xoay xở cuộc sống thời sinh viên. Ở ký túc xá, hằng ngày cô gái nhỏ nhắn tự lên giảng đường bằng đôi nạng gỗ.
Nhung cười đầy tự hào: “Giờ mình có thể đi bất cứ chỗ nào trong trường. Leo hai tầng lầu cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, còn những tầng cao hơn thì dùng thang máy. Đi xa thì hơi mệt, nhưng mình cứ nghỉ một xíu rồi đi tiếp thôi”.
Hiện nay, Nhung chỉ mới tiếp xúc với các môn cơ bản, những bài tập vẽ tay. Nhung cũng ý thức được mọi thứ chỉ ở bước đầu, và thử thách vẫn còn chờ đợi phía trước.
Ở Thạnh Phú, ba Nhung đang làm thợ hồ, mẹ làm nội trợ quán xuyến việc nhà và hai đứa em đang tuổi ăn học, vì vậy tiền nong không mấy dư giả. Sắp hết năm nhất, Nhung vẫn chưa đòi sắm sửa máy tính. Những lúc cần làm bài tập, Nhung mượn máy của bạn hoặc dùng ở thư viện. “Sắp tới học hành ổn, mình sẽ tìm kiếm việc làm thêm vừa sức, gần trường để đỡ một phần cho nhà và cho mình thêm cơ hội trải nghiệm” – Nhung nói.
Dù hoàn cảnh thế nào Nhung vẫn luôn tích cực và tạo động lực rất lớn đối với chính bản thân mình và bạn bè
(Ảnh: Ngọc Phượng)

Nguồn: tuoitre

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

Hơn 1000 Sinh viên tham gia Lễ hội tết cổ truyền Việt nam – Lào – Campuchia 2021

Sáng ngày 17/04, Trường Đại học Kinh tế – Luật tổ chức Lễ hội tết cổ truyền Việt Nam – Lào – Campuchia với sự tham gia của hơn 1.000 Sinh viên Việt Nam và quốc tế nhân dịp Tết truyền thống của dân tộc Lào (Bunpimay) và dân tộc campuchia (Chol Chnam Thmay).
Khách mời và sinh viên cùng khoác tay thắt chặt tình đoàn kết trong Lễ hội Tết cổ truyền
Chương trình vui mừng đón tiếp đại biểu và khách quý là đại diện Tổng Lãnh sự Quán, Thành đoàn và nhà Trường, trong đó có sự hiện diện:
– Bà Vongphan Phomphiphak – Phó lãnh sự văn hóa giáo dục – Lãnh sự quán Lào tại TP. HCM;
– Đ/c Nguyễn Tất Toàn – Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn;
– Đ/c Mai Kim Tuyền – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Ban quốc tế Thành Đoàn TP. HCM;
– Đ/c Tô Minh Hiếu – Cán bộ Ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn,Phó Chánh văn phòng HSV Thành phố;
– Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Khánh Phó Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM, Bí thư Đoàn Trường ĐH KHXH và NV;
– Đ/c Nguyễn Thảo Nguyên – Phó phòng văn hóa nghệ thuật Nhà văn hóa sinh viên;
– TS Huỳnh Thị Thúy Giang – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó hiệu Trưởng nhà Trường;
– ThS Trần Tân Anh Phương – Phó Trưởng phòng Đào tạo;
– ThS Ngô Lê Mạnh Hiếu Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Trường;
Và cùng đại diện các phòng ban tại Trường, đại diện sinh viên các Trường Đại học trên địa bàn Thành phố Thủ đức cùng tham dự.
TS Huỳnh Thị Thúy Giang và Bà Vongphan Phomphiphak chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Ngày hội góp phần tạo môi trường rèn luyện kỹ năng hội nhập và cơ hội cho các bạn sinh viên Lào – Campuchia đón Tết truyền thống (Bunpimay, Chol Chnam Thmay của nước bạn) ngay tại Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của phòng ban, đoàn thể trong trường đối với các sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường, cũng như giao lưu, tìm hiểu nền văn hóa các nước bạn đồng thời đưa hình ảnh đất nước – con người Việt Nam đến với sinh viên nước bạn.
Chương trình văn nghệ thuật giao lưu sinh viên Việt Nam
Trong phần lễ, những màn trình diễn những trang phục truyền thống đầy ấn tượng từ các bạn sinh viên Lào. Được cùng thực hiện nghi thức truyền thống “Buộc chỉ tay”, mang nét đẹp về văn hóa tinh thần của người dân xứ sở “Triệu Voi”. Nghi lễ này để cầu chúc an lành, bình yên cho người nhận lễ và thắt chặt tình cảm giữa hai bên.
Sinh viên Lào buộc chỉ tay cho đại biểu tham dự chương trình
Trong không khí ngày hội, sinh viên còn được tham gia các trò chơi dân gian: đua thuyền trên cạn, nhảy sạp, đi cà kheo, nhảy bao bố, đưa nước về nguồn… Ngày hội còn giúp sinh viên thêm kiến thức về các món ăn mang đặc trưng truyền thống của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Không khí của buổi lễ thêm sinh động khi các sinh viên đón Tết 3 nước Đông Dương được tham gia giao lưu những điệu múa mang đậm chất văn hóa dân tộc của Campuchia, Lào và thưởng thức các tiết mục âm nhạc dân tộc học đường.
“Té nước” – Phần đặc sắc đầy mong đợi nhất của các bạn sinh viên, Không phân biệt vùng miền, quốc gia,… Tất cả đều hòa chung làm một, cùng hát hò, nhảy múa với nhau, cùng tát nước cho nhau cùng với những lời chúc tốt đẹp, mang lại sự may mắn đến cho nhau.
Cùng diễn ra trong khuôn khổ ngày hội có hoạt động chuỗi UEL cùng văn hóa đọc “The Unread sefl” thiết thực các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2021) với Talkshow về chủ đề: “Văn hóa đọc của sinh viên và hình mẫu lý tưởng hay là chính mình” của diễn giả Huỳnh Vĩnh Sơn – mang đến cho sinh viên nhiều điều thú vị về văn hóa đọc và tìm được giá trị bản thân.
HỘI SINH VIÊN KINH TẾ – LUẬT

ĐH TÔN ĐỨC THẮNG – CON ĐƯỜNG D1, D6 XANH – SẠCH – ĐẸP

Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn được biết đến với một khuôn viên thân thiện với môi trường. Chúng tôi luôn tự hào về ý thức của sinh viên trong việc bảo vệ khuôn viên trường “Xanh – Sạch – Đẹp”.

Từ ngày 26/3/2021 đến 26/5/2021, chuỗi hoạt động “Con đường D1, D6 Xanh – Sạch – Đẹp” được tổ chức nhằm duy trì và phát huy vẻ đẹp không chỉ trong mà còn cả ở xung quanh trường học cũng như nâng cao ý thức trong sinh viên về bảo vệ môi trường xanh và sạch.

Vào mỗi thứ ba và thứ năm hằng tuần, các bạn sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng sau khi đăng ký tham gia thành công sẽ được trang bị đầy đủ dụng cụ vệ sinh để bắt đầu công việc dọn dẹp vệ sinh đường D1 và D6.

Một số hình ảnh trong chuỗi hoạt động:

Các bạn sinh viên nhặt quét cánh hoa rơi trên cầu D6

Các bạn sinh viên quét lá khô ở cả hai bên vỉa hè của đường D6

Các bạn sinh viên rất vui với chiến lợi phẩm của mình

Các bạn sinh viên nhặt quét rác lá khô trên đường D1

Các bạn sinh viên dọn lá, rác và bùn làm nghẽn lỗ cống thoát nước

 

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM – Cùng talkshow “LOOK” thay đổi định kiến giới trong truyền thông

Với thông điệp “Thay ống kính, đổi góc nhìn” –  talkshow LOOK đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên từ các trường đại học tại TP. HCM vào chiều 24.4.2021, tại hội trường Nhà điều hành (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Đến với buổi nói chuyện, về phía các khách mời, có sự tham dự của chuyên gia tham vấn Tâm lý Mia Nguyễn và ông Đào Ngọc Ninh, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), trưởng Dự án Thanh Niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Về phía Khoa Báo chí và Truyền thông có ThS. Đoàn Hữu Hoàng Khuyên – Phó Trưởng khoa, thầy Nguyễn Minh Bằng – giảng viên khoa, đồng chí Lý Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.


Diễn giả Mia Nguyễn và MC Đặng Hồng Thắm (Ảnh: Đoàn hội BC-TT).

Talkshow LOOK được chia ra làm ba nội dung chính “Nhìn thẳng, nhìn sâu và nhìn xa”. Ở nội dung thứ nhất, diễn giả Mia Nguyễn lý giải những nguyên nhân xuất hiện định kiến giới trong truyền thông: người viết muốn có nhiều lượt xem, lượt tương tác để thu hút quảng cáo, tài trợ. Theo chuyên gia của công ty Ladies of Vietnam, truyền thông vốn là một nơi bình đẳng cho tất cả mọi người nhưng ở Việt Nam vẫn còn xuất hiện rất nhiều sự phân biệt về giới. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của một con người lẫn sự thiếu tử tế của một xã hội.

Do đó, để sản phẩm truyền thông mang tính khách quan nhất, người làm truyền thông nên trang bị kiến thức về định kiến giới, bất bình đẳng giới. “Điều quan trọng nhất là các bạn cần phải xác định rõ mục đích mình viết bài là gì và đặt mình vào vị trí người tiếp nhận bài báo đó –  Diễn giả Mia Nguyễn nhấn mạnh.


Theo chị Mia Nguyễn, người làm truyền thông cần phải thay đổi trong tư duy đề tài cũng như có sự nhạy cảm về giới. (Ảnh: Đoàn hội BC-TT)

 

Chị còn cho rằng chính người đọc cũng phải thông minh trong việc tiếp nhận thông tin và hoàn toàn có thể nói không với những sản phẩm truyền thông độc hại.

Ở nội dung “Nhìn sâu, nhìn xa”, các bạn sinh viên được diễn giả Mia Nguyễn chia sẻ những mẹo nhỏ để vượt qua định kiến giới ở cả lĩnh vực truyền thông lẫn trong đời sống. Cụ thể, để trở thành một độc giả thông minh trước định kiến giới trong truyền thông, các bạn trẻ cũng cần phải xem xét mục đích sử dụng mạng xã hội là gì; tách biệt giữa thế giới ảo với đời sống thật. Để từ đó có trách nhiệm hơn trước những phát ngôn trên mạng xã hội. Quan trọng nhất, khi đọc một bản tin nào đó người đọc đừng nên vội phán xét mà nên đánh giá ở tất cả các khía cạnh của vấn đề.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia đến từ công ty Ladies of Vietnam, sinh viên cũng nên tạo ra một hệ miễn dịch trong tâm trí: tránh những ám thị tiêu cực, thay bằng những điều tích cực; đặt ra những giới hạn nhất định ở các mối quan hệ xung quanh để bảo vệ bản thân; cần có niềm tin vào chính mình.

Bên cạnh đó, buổi talkshow còn có hoạt động giao lưu như: Thay đổi nội dung, tít báo nhằm giúp các bạn sinh viên nhận diện được định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông.

__

Trong phần đối thoại với diễn giả, Hồ Ngọc Trúc Quân đặt vấn đề: “Tại sao mọi người lại quá thờ ơ trước những câu chuyện lạm dụng tình dục như vậy?” Nữ sinh viên khoa BC-TT cũng chia sẻ về trải nghiệm của bản thân trước thái độ của mọi người xung quanh với vấn đề định kiến giới. Bạn phải nhiều lần dừng lại giữa chừng và xin phép được thuật lại những từ ngữ khiếm nhã mình từng nghe.

Trước vấn đề của Trúc Quân, diễn giả Mia Nguyễn bày tỏ niềm vui khi dần có những người trẻ nói lên được quan điểm của mình về văn hóa đổ lỗi trong lạm dụng tình dục. “Xã hội không dạy chúng ta hiểu thế nào là đồng thuận trong tình dục, không dạy chúng ta biết những người đàn ông phải chịu trách nhiệm với hành vi quấy rối, lạm dụng của họ. Nó dẫn tới việc rất nhiều nạn nhân bị đổ lỗi vì không thể tự bảo vệ bản thân. Và đó chính là một vấn đề còn tồn tại dai dẳng trong xã hội này.” – chị Mia Nguyễn giải thích.

Phụ nữ, đàn ông hay bất kỳ một nhóm yếu thế nào trong xã hội này đều có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Và phụ nữ có quyền tự chủ về cơ thể cũng như nói không với tất cả những vấn đề liên quan đến định kiến giới.

Sinh viên trường Kinh tế – Luật, bạn Minh Đạt lại đặt câu hỏi về vấn đề các quy định xử phạt của Việt Nam trước những phát ngôn mang tính định kiến giới. Trả lời vấn đề của Minh Đạt, ông Đào Ngọc Ninh cho biết, trên bình diện thúc đẩy bảo vệ bình đẳng giới, Việt Nam đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong nước và phê chuẩn theo công ước quốc tế. Tuy nhiên, quá trình từ những nghị quyết chung để được cụ thể hóa vào các luật chuyên môn vẫn còn đang trong giai đoạn chưa hoàn thành. Đây cũng là một trong những vấn đề mà rất nhiều cơ quan nhà nước đang có biện pháp thúc đẩy, hoặc thông qua văn bản dưới luật để lồng ghép việc thực thi chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. “Bản thân chúng tôi những người làm công tác xã hội vẫn nhìn nhận vấn đề này là một nhu cầu cần phải làm. Chúng ta sẽ phải có những công cụ về mặt pháp luật để đảm bảo không gian về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của Việt Nam phải được đảm bảo an toàn cho các giới. Và những phát biểu, hành vi không chuẩn mực trên không gian mạng là một hành vi cần phải đưa vào chế tài thông qua luật pháp điều chỉnh.” – Ông Đào Ngọc Ninh nhấn mạnh.

SV Hồ Ngọc Trúc Quân chia sẻ quan điểm của mình về định kiến giới trong xã hội hiện nay. (Ảnh: Đoàn hội BC-TT)

 

Talkshow LOOK được tổ chức bởi Khoa Báo chí và Truyền thông và Viện Tư vấn Phát trển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) dưới sự tài trợ của tổ chức Oxfam và Liên Minh Châu Âu (EU), nhằm truyền tải đến cộng đồng trẻ góc nhìn đúng đắn về bình đẳng giới trong truyền thông.  

LINH KHÁNH

ẢNH: ĐOÀN HỘI BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG

ĐH KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH – Tuần lễ hiến máu tình nguyện lần thứ 44

Hiến máu tình nguyện được biết đến như một hành động giàu tính nhân văn, một nghĩa cử cứu người cao đẹp, tiếp thêm động lực cho những số phận còn đang chiến đấu vì sự sống. Nhằm kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua và thực hiện phương hướng hoạt động của Hội Sinh viên trường đã đề ra, Ban Thư ký Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Tuần lễ hiến máu tình nguyện lần thứ 44 năm 2021 với chủ đề “GIVING – LIVING”.
Tuần lễ hiến máu lần thứ 44 kéo dài trong 2 ngày tại sảnh B1 cơ sở B của UEH. Đây là một hoạt động thường niên, định kỳ mỗi học kỳ. Ngày đầu tiên của Tuần lễ hiến máu đã thu hút đông đảo cán bộ viên chức, giảng viên, nhân viên cùng sinh viên nhà trường tham gia với hơn 450 lượt đăng ký. Kết quả thu được 388 ca hiến máu với tổng cộng 509 đơn vị máu, góp phần vào quỹ học bổng Điểm sáng Tương lai của Hội sinh viên trường dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, luôn vươn lên trong học tập.
Một số hình ảnh trong tuần lễ hiến máu tình nguyện lần thứ 44:
Back To Top