Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Archives for 04/06/2021

ĐH MỞ TP.HCM – CAREER TALK “SINH VIÊN VỚI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”

Hòa mình cùng phong trào nghiên cứu khoa học từ đội ngũ giảng viên giảng dạy, sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM cũng được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn với các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đầu tư, đẩy mạnh đúng mức hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên và đã đạt được những thứ hạng cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học ngày càng khẳng định chất lượng đào tạo của Trường Đại học Mở TPHCM. Vậy bằng cách nào mà nhà trường xây dựng được sự yêu thích nghiên cứu khoa học trong sinh viên? Và khi sinh viên gần gũi với nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ được gì? Những câu hỏi này đã được giải đáp tại Chương trình CareerTalk số tháng 5/2021 với chủ đề “Sinh viên với Nghiên cứu khoa học” do Phòng Công tác sinh viên tổ chức vào ngày 14 tháng 5 năm 2021.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Fanpage Cổng thông tin việc làm – Trường Đại học Mở TP.HCM cùng sự tham dự của các khách mời: TS. Lê Thái Thường Quân – Trưởng phòng Hợp tác và nghiên cứu khoa học; ThS. Trần Đức Sự –  Phó Giám Đốc Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ trẻ Thành Đoàn; TS. Nguyễn Bảo Thành – Giảng viên khoa Xây Dựng; ThS. Trần Văn Trí – Bí thư Đoàn Trường; Anh Quang Trọng Minh – Cựu sinh viên khoa Công nghệ sinh học.

Mở đầu chương trình, TS. Lê Thái Thường Quân và TS. Nguyễn Bảo Thành đã cung cấp cho các sinh viên theo dõi chương trình một bức tranh tổng quan về nghiên cứu khoa học một cách gần gũi và dễ hiểu nhất. Bên cạnh đó, ThS. Trần Đức Sự cũng chia sẻ nhiều chương trình mà Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ trẻ Thành Đoàn đã và đang tổ chức trong thời gian qua nhận được sự tham gia nhiệt tình của Thầy và Trò Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể kể đến chương trình vườn ươm sáng tạo khoa học & công nghệ trẻ, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka, diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế,…

Chia sẻ tại chương trình, Cựu sinh viên Khoa Công nghệ sinh học – Anh Quang Trọng Minh cho biết: “Minh luôn thấy bản thân là người rất bình thường, vì vậy Minh luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập bởi chỉ có như vậy mới thu hẹp được khoảng cách giữa một người bình thường với những người rất giỏi”. Và khi bén duyên với nghiên cứu khoa học, kèm theo với sự hướng dẫn nhiệt tình của Thầy, Cô, sự động viên của gia đình và bạn bè, Minh đã đạt được thành tích đáng nể trong lĩnh vực này với 8 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, sinh viên 5 tốt cấp trung ương, tài năng trẻ Việt Nam năm 2020 và là thủ khoa đầu ra toàn Trường. Minh nhấn mạnh với các bạn sinh viên: “khi tham gia nghiên cứu khoa học, các bạn sẽ ĐƯỢC rất nhiều: Tiếp cận và hiểu biết được nhiều cái mới; Học và rèn luyện được nhiều kỹ năng trong quá trình từ khi bắt đầu ý tưởng nghiên cứu cho đến khi thuyết trình bảo vệ kết quả nghiên cứu, như kỹ năng quan sát, phân tích, biện luận, biện chứng,…

Cựu sinh viên Khoa Công nghệ sinh học – Anh Quang Trọng Minh

Ngoài ra, để khuyến khích sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai thực hiện một số học bổng dành cho sinh viên nghiên cứu khoa học cũng như có nhiều giải thưởng ghi nhận các sinh viên đạt giải trong nghiên cứu khoa học. ThS. Trần Văn Trí – Bí thư Đoàn trường cho biết. Anh cũng thông tin đến các bạn sinh viên một kênh thông tin: Diễn đàn sinh viên Nghiên cứu khoa học Trường Đại học Mở TP.HCM. Đây là nơi truyền tải những thông tin về các hoạt động NCKH và liên kết các bạn đã tham gia NCKH với những bạn mong muốn tham gia NCKH. Kênh thông tin này được Đoàn Thanh Niên, Hội Sinh viên Trường phối hợp cùng phòng Hợp tác quản lý khoa học quản lý và phát triển.

ThS. Trần Văn Trí – Bí thư Đoàn trường

Qua chương trình CareerTalk số tháng 5/2021 – “Sinh viên với Nghiên cứu khoa học”, tin rằng những chia sẻ của các vị khách mời đã mang đến những thông tin bổ ích, cũng như tăng thêm sự gần gũi của sinh viên với nghiên cứu khoa học, tiếp thêm động để các bạn mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học, từ đó nâng cao, trau dồi thêm kiến thức, tạo bước đệm chuẩn bị cho công việc trong tương lai./.

ĐH Y Dược TP.HCM – “Vì ta còn trẻ nên cứ xách ba lô lên và đi”

Đó là lời chia sẻ của Triệu Đào Nguyên Tỷ (năm thứ nhất, trường ĐH Y Dược TP. HCM). Thanh xuân của cậu bạn này gắn liền với những chuyến du lịch tự túc trong và ngoài nước.
Nguyên Tỷ bắt đầu tự đi du lịch vào mùa Hè năm lớp 10. Lúc đó, cậu bạn đã có chuyến đi Đà Lạt bốn ngày ba đêm. Sau này, Nguyên Tỷ còn đặt chân đến nhiều nơi khác như Sa Pa, Y Tý, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Phú Quốc…
Chia sẻ về lý do lựa chọn đi du lịch tự túc, Tỷ nói rằng: “Có lẽ là do mình muốn tuổi trẻ trở nên khác biệt một chút. Trước mỗi chuyến đi, mình đều có cảm giác lo sợ nhưng sau khi vượt qua được nó rồi, mình càng khao khát được đi nhiều nơi hơn nữa. Và thêm một lý do khác, có một người chị mình quen đã truyền cảm hứng cho mình bằng những chuyến đi du lịch tự túc. Chị ấy là con gái mà còn can đảm như vậy thì mình cũng có thể làm được!”.
Những chuyến đi du lịch tự túc giúp Tỷ cân bằng trong việc học. (Ảnh: NVCC)
Nguyên Tỷ khẳng định mình đã chinh phục được giới hạn của bản thân hay những điều tưởng như mình không thể làm được, và sau đó cậu bạn càng muốn chinh phục thêm nhiều mục tiêu nữa.
Nói về chuyến đi để lại trong Tỷ nhiều cảm xúc nhất, cậu bạn không ngại chia sẻ về chuyến đi Y Tý (Lào Cai) của mình. “Ban đầu mình đi “trekking” (hình thức đi bộ đường dài hoặc phải đi bộ leo núi, băng qua đủ mọi địa hình) Lảo Thẩn ở Y Tý. Do ảnh hưởng của bão nên có mưa và nhờ cơ duyên này, mình được gặp gỡ hai con người rất thú vị là chú Lee và chị Vân ở Y Tý. Sau khi dùng chung một bữa cơm, mình đã rủ được họ tham gia chung cho vui. Trong chuyến đi này, mình được trải nghiệm rất nhiều thứ nào là cảnh quan của miền núi trên cao, cuộc sống trên núi thiếu thốn điện ra sao vì mình chỉ dùng điện trong lúc ăn cơm còn lại phải đốt lửa trong bếp để sưởi ấm… Và hành trình trekking Lảo Thẩn vào mùa mưa bão không dễ tí nào, mình đã trượt chân té mấy lần khi leo lên những con đường dốc trơn trượt. Dẫu vậy chuyến đi này để lại cho mình một sở thích trekking, có thể trong tương lai mình sẽ tiếp tục đi những ngọn núi cao hơn Lảo Thẩn”, Tỷ nhớ lại.
Ảnh Tỷ “Chill” tại một quán cà phê ở Đà Lạt.
Trong những chuyến du lịch tự túc như vậy, Tỷ đã mắc nhiều sai sót vì còn thiếu kinh nghiệm. Tỷ chia sẻ: “Có lần, mình đặt phòng nhầm ngày nhưng may mắn là được hỗ trợ chuyển ngày mà không tốn thêm phí. Cũng có lúc mình không xem trước dự báo thời tiết nên khi đến nơi thì không thu hoạch được gì nhiều. Và cả những lần tính toán không kĩ về mặt sức khỏe để đi thăm thú được nhiều địa điểm”.
Chuyến leo Lảo Thẩn, Y Tý đáng nhớ của Tỷ cùng những người bạn mới quen.
Cũng từ những lần sai sót ấy, Tỷ đã rút ra cho mình nhiều bài học quý giá. Từ việc lên lịch trình và sắp xếp kế hoạch hợp lý, việc quản lý chi tiêu, cách mở rộng quan hệ và kết nối với mọi người, cậu bạn còn có cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa ở nhiều vùng đất khác nhau hay trực tiếp lắng nghe câu chuyện do người bản địa kể.“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và vì thế, Nguyên Tỷ ngày càng trở nên năng động và tự tin để chinh phục những điểm đến mới mẻ trong tương lai.“Điều quan trọng nhất là phải xác định được lộ trình, tính toán và dự phòng chi phí nếu có phát sinh rủi ro. Nếu là lần đầu trải nghiệm, các bạn có thể chọn những địa điểm gần gũi một chút cho đỡ bỡ ngỡ, từ từ mới đi xa hơn nữa. Hãy hỏi những người đã từng đi du lịch một mình nhiều lần những vấn đề bạn còn thắc mắc. Theo mình, trong một thế giới mở hiện nay thì việc tra cứu chuẩn bị cho lịch trình không quá khó. Bản thân mình mỗi lần chuẩn bị đi đều lên các trang như: Skyscanner, Booking.com, Vexere, DSVN… để xem các chuyến bay, vé tàu, vé xe chỗ ở…”, Tỷ “bật mí” kinh nghiệm cho những người lần đầu đi du lịch tự túc.

Như Mai

ĐH Y Dược TP.HCM – “Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi

Dự án “Rạp hát cổ tích” được thực hiện bởi câu lạc bộ Bé Khỏe Bé Ngoan (thuộc trường ĐH Y Dược TP. HCM) nhằm lan tỏa niềm vui đến các bệnh nhi đang điều trị trên địa bàn TP. HCM. Dự án vừa là tâm huyết của những bạn trẻ đối với cộng đồng và là giải pháp tinh thần hổ trợ bệnh nhi trong quá trình điều trị bệnh.

Sáng tạo cùng “Rạp hát cổ tích”
CLB Tình nguyện Bé Khoẻ Bé Ngoan (CLB) với những hoạt động nhằm giáo dục sức khoẻ và nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhi và người thân đang điều trị lưu trú tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP. HCM. Câu lạc bộ trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM. Đồng thời, đây chính là nơi hoạt động của các bạn sinh viên – thanh niên yêu trẻ, với mong muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho trẻ thơ, đặc biệt là các bệnh nhi.
“Rạp hát cổ tích” được thành lập vào tháng 10/2016. Đây là một dự án dài hạn của câu lạc bộ, chuyên tổ chức các buổi rối bóng và chiếu phim cho các em nhỏ bệnh nhi và thân nhân tại các bệnh viện và mái ấm. Ý tưởng sử dụng rối bóng để kể chuyện khởi phát từ chị Trần Thụy Đông Hòa – khi đó là sinh viên của trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Đối tượng dự án hướng đến bao gồm các em bệnh nhi và thân nhân bệnh nhi đang chữa trị tại các bệnh viện và mái ấm như Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp và một số cơ sở khác. Đồng thời, dự án hướng đến các bạn sinh viên là cộng tác viên và các bệnh viện, mái ấm nơi các bạn sinh viên đặt chân đến.

Các bạn tình nguyện viên của CLB Bé Khỏe Bé Ngoan đang thực hiện các thao tác rối bóng.

Chia sẻ về mục đích dự án, anh Hồ Lê Trung, hiện đang là quản lý và cố vấn của dự án “Rạp hát cổ tích” chia sẻ: “Các em bệnh nhi và thân nhân hằng ngày ở trong bệnh viện, thường xuyên tiếp xúc với thuốc men, kim tiêm, nên đa phần tinh thần không thoải mái, thiếu sự giải trí thuần túy. Dưới vai trò là sinh viên Y Dược, chúng mình hiểu rõ sức khỏe tinh thần quan trọng như thế nào đối với các em nhỏ và người nhà. Một tinh thần tốt giúp các em có thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật, một tinh thần tốt giúp các em vui vẻ tiếp nhận hiệu quả phác đồ điều trị, một tinh thần tốt giúp cha mẹ các em đủ mạnh mẽ tiếp tục hành trình cứu chữa bệnh cho con. Dự án mong muốn đem đến một món ăn tinh thần bổ ích và vui vẻ, xoa dịu nỗi đau bệnh tật, giải tỏa tâm lý, khích lệ tinh thần của các em và cha mẹ”.

Những rối bóng được tạo ra từ các anh chị tình nguyện viên sinh viên đằng sau màn ảnh.
Chia sẻ về chủ đề mà dự án thường chọn để trình diễn trước mọi người, anh Hồ Lê Trung cho biết, thông qua khảo sát, các bạn trong câu lạc bộ nhận thấy kịch cổ tích nói luôn là tiết mục được mong chờ và gây hứng thú cho các khán giả nhỏ trong những sự kiện. Đồng thời, các câu chuyện cổ tích dân gian ẩn chứa những bài học của ông cha để lại, mang tính dạy dỗ nhẹ nhàng mà sâu đậm trong suy nghĩ. Điều đó đã thúc đẩy dự án thực hiện nhiều câu chuyện cổ tích dưới dạng kịch.
“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi
Rất đông khán giả cùng xem những chương trình do CLB Bé Khỏe Bé Ngoan thực hiện.
Bốn năm một chặng đường
Dự án ban đầu là một rạp chiếu phim đơn giản, chị Trần Thụy Đông Hòa, khi đó là một cộng tác viên của câu lạc bộ đã sử dụng rối bóng để kể các câu chuyện cổ tích. Thông qua đó, các bạn sinh viên mong muốn đem đến niềm vui cho những em nhỏ thông qua một hình thức nghệ thuật mới độc đáo. Chị Đông Hòa cũng là người bắt tay vào việc viết kịch bản, tập hợp những bạn có cùng sở thích và nhiệt huyết để dựng nên vở rối bóng đầu tiên. Qua bốn năm hoạt động cùng nhiều đời quản lý, “Rạp hát cổ tích” dần định hình phong cách hoạt động và tạo nên giá trị cũng như thể hiện sứ mệnh của mình đối với bệnh nhi và trong bức tranh chung của câu lạc bộ. Anh Hồ Lê Trung chia sẻ: “Chúng mình đã tự cung tự cấp trong hai năm với tần suất trình diễn nhỏ giọt do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Cho đến khi vào ngày 23/9/2018, dự án “Rạp hát cổ tích” đã vinh dự đạt top 3 dự án xuất sắc nhất chương trình “Rút ngắn khoảng cách” do Trung tâm Phát triển cộng đồng LIN tổ chức với giải thưởng 150 triệu đồng. Từ đó chúng mình đã thực hiện được nhiều show diễn với tần suất dày hơn”.
Những màn rối bóng cuốn hút các em nhỏ và người xem.
Cũng theo lời chia sẻ của anh Hồ Lê Trung, dự án ban đầu khi bắt tay thực hiện cũng gặp phải không ít những khó khăn. “Khó khăn ban đầu là kinh nghiệm của chúng mình về hình thức nghệ thuật này chưa nhiều. Chúng mình cố gắng bắt chước theo trên mạng hoặc ký ức về những vở kịch rối trước đó từng coi. Sau đó chúng mình phải tự sáng tạo, tự mày mò tự làm rối, dựng cảnh, lắp đặt đèn và màn bóng, tự học cách mùa rối, thoại kịch bản và may mắn là thành quả đầu tiên không tệ”, anh cho biết thêm. Ngoài ra, một khó khăn mà dự án gặp phải là kinh phí thực hiện. Các bạn thành viên câu lạc bộ phải tự tạo các con rối theo các thủ công, kinh phí eo hẹp nên các bạn sinh viên phải tự góp tiền thực hiện. Sau khi có sự đồng hành của LIN Center thông qua chương trình “Rút ngắn khoảng cách”, dự án đã có cơ hội thể hiện nhiều hơn, thực hiện được nhiều ý tưởng mới, đầu tư cho hình thức rạp quy mô của show và các con rối.
Dự án đã thực hiện nhiều buổi diễn rối và chiếu phim tại các bệnh viên, mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP. HCM.
Cho đến nay, dự án đã thực hiện hơn 30 buổi diễn rối, 20 buổi chiếu phim. Các bạn trong câu lạc bộ đã có 8 vở rối được sản xuất, 10 bộ phim được trình chiếu. Các vở rối của dự án tập trung ở các câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn của Việt Nam lẫn nước ngoài như: Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích hoa cúc, Sự tích quả thơm, Rùa và thỏ, Hằng Nga – Hậu Nghệ, Cóc kiện trời… Hình thức làm rối của dự án đa dạng từ rối bòng tĩnh, rối bóng động, rối que, rối dây, rối bàn tay… Ngoài ra, những bộ phim hoạt hình được chọn chiếu cũng là các bộ phim chất lượng về hình ảnh và ý nghĩa về nội dung. Bên cạnh công chiếu và trình diễn, dự án còn lồng ghép thêm các hoạt động trước show như dạy các bé làm rối, vẽ tranh, ca hát, nhảy. Kết thúc buổi diễn sẽ là những câu hỏi lượng giá giúp các em nhỏ hồi tưởng về câu chuyện, vở kịch, bộ phim được xem và cũng là những bài học mà Ban Tổ chức muốn truyền đạt.
“Từ nhỏ, chúng ta đã từng được đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích, mơ mộng về những chiếc hài lọ lem, nàng tiên, quả thị cô Tấm… Thế nhưng, đối với các bé bệnh nhi đang lưu trú tại bệnh viện thì không có điều kiện được đón nhận với những điều giản dị ấy mà thay vào đó, các em phải liên tục chịu đau đớn mỗi lần chạy thận, vào thuốc… Chúng mình mong muốn đem các câu chuyện cổ tích đến với các em, là món quà truyền tải thông điệp sống tích cực, cổ vũ tinh thần, đồng hành cùng các em trên con đường chiến đấu với bệnh tật”, anh Hồ Lê Trung bày tỏ.

Khắc Hiếu – Hà Chi​

Back To Top