Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Archives for 12/05/2024

SỬ DỤNG VĂN BẢN ĐIỆN TỬ TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ HỘI VỤ CỦA CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO SINH VIÊN

Tóm tắt: Chuyển đổi số là xu hướng khách quan trong tiến trình vận động và phát triển của xã hội dưới sự chi phối của các thành tựu khoa học – công nghệ. Trong xu hướng đó, công tác Hội và phong trào sinh viên đã từng bước nghiên cứu, đưa vào các giải pháp công nghệ nhằm cụ thể hóa phong trào. Trên cơ sở nhận thức thấu đáo vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển của công tác Đoàn – Hội và phong trào thanh niên, sinh viên, bài viết tiếp cận đối tượng “văn bản điện tử” và vai trò của loại hình văn bản này trong việc góp phần giải quyết hiệu quả công tác Hội vụ. Bằng việc sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp, phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp phân tích chính sách, bài viết cung cấp cơ sở lý luận về khái niệm “văn bản điện tử” và hệ thống hóa một số đặc điểm quan trọng của khái niệm “Hội vụ” để qua đó khái quát hóa được nội hàm của khái niệm này. Từ đó, bài viết nghiên cứu phân tích thực tiễn việc sử dụng văn bản điện tử trong công tác Hội và phong trào sinh viên ở các cấp tính từ năm học 2014 – 2015, làm rõ kết quả và hạn chế trong quá trình ứng dụng loại hình văn bản này. Bằng việc lý luận và phân tích bức tranh thực tiễn, bài viết đề xuất những kiến nghị nhằm tăng cường tính hiệu quả, hệ thống và đồng bộ đối với việc sử dụng văn bản điện tử trong giải quyết công tác Hội vụ.

Từ khóa: Chuyển đổi số, văn bản điện tử, Hội vụ, Hội Sinh viên Việt Nam, công tác Hội, phong trào sinh viên

  1. Đặt vấn đề và tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1. Đặt vấn đề

Thực hiện chuyển đổi số là xu hướng khách quan không thể đảo ngược của đời sống dưới sự tác động đáng kể của thành tựu khoa học – công nghệ. Trong xu hướng này, thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng, có vai trò quan trọng, là lực lượng lao động tiên phong trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác lập 01 trong 03 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2023 – 2028 là “nâng cao năng lực số và phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số”. Điều này cho thấy mối quan tâm đặc biệt và sự cần thiết để giáo dục về năng lực chuyển đổi số dành cho giới trẻ.

Đứng trước bối cảnh như vậy, hiện nay, công tác Hội và phong trào sinh viên đã từng bước đẩy mạnh đưa vào các giải pháp công nghệ trong việc cụ thể hóa phong trào. Trong đó, việc sử dụng văn bản điện tử trong các vấn đề Hội vụ là nội dung có ý nghĩa thiết thực và đặc biệt cần thiết đối với việc triển khai thực hành hiệu quả các vấn đề Hội vụ trong công tác Hội và phong trào sinh viên, nâng cao chất lượng vận hành của tổ chức, và tạo động lực để theo kịp sự phát triển và thay đổi không ngừng của thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất của công tác, việc sử dụng văn bản điện tử trong Hội vụ vướng phải những khó khăn do trình độ nghiên cứu và ứng dụng của đối tượng sinh viên còn hạn chế, phương hướng triển khai chưa được tối ưu và thống nhất do cơ chế chính sách và văn bản định hướng chưa đảm bảo, nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết còn tồn đọng khoảng cách giữa các cấp Hội.

Trên cơ sở thực tiễn và lý luận nêu trên, nhóm tác giả tiến đến lựa chọn đề tài “Sử dụng văn bản điện tử trong việc giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên”.

1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Đối với các công trình nghiên cứu ngoài nước, nhiều tác giả đã khai thác về thuật toán, cấu trúc dữ liệu và phân tích về sức ảnh hưởng của văn bản điện tử trong các hoạt động diễn ra trong xã hội hiện đại. Như nhóm tác giả C. Liew và S. Foo với bài báo “Văn bản điện tử: Vai trò và Giá trị” phân tích về vai trò của văn bản điện tử trong hoạt động giao tiếp khoa học và thảo luận về một số lợi ích tiềm năng mà văn bản điện tử mang lại đối với các yếu tố tương tác giữa người đối với cá thể, sự việc và khám phá khoa học. Tác giả R. Pandita đã phân tích vai trò của văn bản điện tử trong quá trình dạy học cùng với hỗ trợ đánh giá học sinh đã cho thấy mối quan hệ tương trợ giữa văn bản truyền thống và văn bản điện tử trong hoạt động giáo dục, đưa ra những phân tích về nhu cầu bảo vệ bản quyền khi dùng đến văn bản điện tử để dạy và học. Đối với nghiên cứu của Ahmet Ayaz và Mustafa Yanartas đã khẳng định các tổ chức công cần xây dựng các hệ thống tiếp nhận điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các tài liệu trên nền tảng kỹ thuật số mang tên Hệ thống quản lý tài liệu điện tử (Electronic Document Management System – EDMS). Hay một nghiên cứu khác tại Đài Loan được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của tác giả Shin – Yuan Hung về việc ứng dụng hệ thống EDMS trong các dịch vụ điện tử của Chính phủ tại Đài Loan phục vụ trong đề án chuyển đổi số của Chính phủ kết hợp với việc sử dụng lý thuyết về hành vi có kế hoạch (Theory of planned behavior) làm khung lý thuyết để tác động lên người dùng hệ thống. Hệ thống quản lý tài liệu điện tử này giúp lưu giữ hồ sơ an toàn, hiệu quả và tăng năng suất công việc trong các tổ chức công cộng thông qua việc hỗ trợ từ ban lãnh đạo và đào tạo nhân viên dịch vụ công.

Đối với các công trình nghiên cứu trong nước, khái niệm “văn bản điện tử” từng bước được sử dụng phổ biến trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Bài viết của tác giả Vũ Đăng Minh – “Một số vấn đề lý luận về quản lý tài liệu điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước” – đã cung cấp những nội dung lý luận tổng quan về khái niệm và đặc điểm quan trọng của tài liệu điện tử, đưa ra một số lưu ý đối với việc quản lý tài liệu điện tử trong công tác quản lý văn thư và lưu trữ của các cơ quan nhà nước. Bài viết “Hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử: hình thức, xây dựng, cách tổ chức” do nhóm tác giả Trần Thắng, Đinh Nam Vinh và Trần Quang Huy thực hiện đã nỗ lực mô tả một cách sơ lược về khái niệm của “văn bản điện tử” và “lưu trữ điện tử”, qua đó, giới thiệu và phân tích về phương thức lẫn quy trình thực hiện việc quản lý và lưu trữ tài liệu điện tử trong các cơ quan, tổ chức. Hay đối với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hà về “Xây dựng và quản lý văn bản điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số” đã chỉ ra những lợi ích trong việc ứng dụng văn bản điện tử vào quản lý nhà nước. Đồng thời là những thách thức đối với xây dựng và quản lý văn bản điện tử: (1) hạ tầng kỹ thuật vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ ở các cấp sử dụng; (2) thay đổi cách thức vận hành, quản lý của các tổ chức; (3) năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên chưa đồng đều và khó thay đổi khi chuyển giao các ứng dụng; (4) chưa có quy định và chế tài bắt buộc các cơ quan, tổ chức thực hiện văn bản điện tử đồng loạt tại các đơn vị.

Trên thực tế đến nay, các nghiên cứu tiếp cận xây dựng và vận hành văn bản điện tử ở các đơn vị hành chính công nói chung, chưa có nỗ lực cụ thể nào nhằm phân tích thỏa đáng, khai thác tính lý luận và ứng dụng “văn bản điện tử” trong quá trình triển khai công tác Hội vụ của tổ chức Hội Sinh viên với những điểm đặc thù của tổ chức xã hội này trong thực tiễn đời sống xã hội. Việc tiếp cận và nghiên cứu về sử dụng văn bản điện tử trong công tác Hội vụ của tổ chức Hội Sinh viên, vì vậy, trở nên hết sức cần thiết.

  1. Giải quyết vấn đề

2.1. Cơ sở lý luận về việc sử dụng văn bản điện tử giải quyết các vấn đề Hội vụ

2.1.1. Khái niệm, đặc điểm và các thành phần của “văn bản điện tử”

(*) Khái niệm

Khái niệm “văn bản điện tử”, hay còn được biết đến là “tài liệu điện tử” (electronic document), có lịch sử phát triển từ thập niên 70, gắn liền với các thành tựu nổi bật của Cách mạng công nghiệp lần thứ III (điện tử, máy tính, Internet). Với sự ra đời của máy tính điện tử và môi trường Internet, xã hội chứng kiến sự chuyển hóa về hình thái tồn tại của dữ liệu, từ truyền thống trên các văn bản giấy, sang dữ liệu trực tuyến được tin học hóa, số hóa.

Trường Luật Đại học Cornell đưa ra định nghĩa cơ bản “electronic document” (tài liệu điện tử) là những dạng thức thông tin tồn tại ở dạng số hóa được truyền giao đến một đơn vị hoặc bên thứ ba, mà ở đó thông tin bao gồm dữ liệu, văn bản, âm thanh, mã số, chương trình máy tính, phần mềm, hoặc cơ sở dữ liệu, (Legal Information Institute – Cornell Law School).

Tập đoàn Adobe – đơn vị có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm, cũng đã đưa ra định nghĩa về khái niệm này trên trang thông tin chính thức của mình. Theo đó, “electronic document” (hay Adobe gọi là “E-Doc”) là một tập tin kỹ thuật số thay thế các hình thức tồn tại của các bản in truyền thống, tạo ra sự thuận tiện để chia sẻ, tổ chức, và kết nối trong phạm vi văn phòng hoặc thậm chí với quy mô toàn cầu.

Tại Việt Nam, khái niệm “văn bản điện tử” và “tài liệu điện tử” được sử dụng nhằm định nghĩa hình thức tồn tại các loại văn bản phi truyền thống, được xây dựng và triển khai trên nền tảng trực tuyến. Trong một số tài liệu nghiên cứu và văn bản quy phạm pháp luật, khái niệm “văn bản điện tử” được sử dụng phổ biến hơn so với “tài liệu điện tử”. Dù vậy, chưa có một cơ sở pháp lý hay khoa học nào để thống nhất hoàn toàn nội hàm của các khái niệm này. Qua từng giai đoạn, định nghĩa về khái niệm “văn bản điện tử” không ngừng được bổ sung, điều chỉnh.

Năm 2007, trong Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, khái niệm văn bản điện tử được định nghĩa là “văn bản được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Trong phạm vi của văn bản này, khái niệm “văn bản điện tử” lần đầu được khái quát hóa như một động thái thừa nhận sự tồn tại về mặt lý luận và thực tiễn của loại hình văn bản này. Khoản 01, điều 03, chương I diễn giải:

Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu, theo thể thức, định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy.

Điều này có nghĩa là, với cách tiếp cận này, văn bản điện tử được phân tích sâu sắc hơn, đó là một “dạng thông điệp dữ liệu”, do chủ thể là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” quy định về thể thức và định dạng, và dữ liệu của văn bản điện từ “được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy”.

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV về việc quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức. Khoản 9, điều 03, chương I của thông tư này có giải thích rằng:

                      “Văn bản số hóa từ văn bản giấy là văn bản điện tử được tạo lập từ việc số hóa đầy đủ, chính xác nội dung, thể thực văn bản giấy và có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện số hóa.”

Nội dung phân tích trong Thông tư Bộ Nội vụ nhất quán với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về mặt lý luận và cách hiểu đối với khái niệm “văn bản điện tử”, ở chỗ cả 02 đều thừa nhận cơ sở nội dung của văn bản điện tử có được từ việc thực hiện số hóa nội dung của văn bản giấy.

Mới đây, vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Khái niệm “văn bản điện tử” một lần nữa được sử dụng và có những chỉnh lý, bổ sung về mặt diễn giải so với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg trước đó. Cụ thể:

                      “Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy và trình bày đúng thể thức, kỹ thuật, định dạng theo quy định.”

Điểm khác biệt cơ bản của khái niệm “văn bản điện tử” được sử dụng trong Nghị định số 30 nằm ở chỗ khái niệm này giản lược đi chủ thể “cơ quan nhà nước”, trong tư cách là chủ thể có thẩm quyền quy định thể thức và định dạng của văn bản điện tử. Thay vào đó, khái niệm được sử dụng trong Nghị định số 30 phân tích thể thức, kỹ thuật và định dạng của văn bản điện tử phải tuân theo đúng “quy định”. Sự thay đổi này có thể xuất phát từ việc mong muốn tiếp cận tổng thể và toàn diện hơn quá trình tạo lập và quản lý văn bản điện tử trong thực tiễn. Tùy vào tính chất và đặc thù của các cơ quan, tổ chức mà quy định về thể thức và định dạng của văn bản điện tử có thể khác nhau, nhưng cần thiết phải tuân theo cơ chế pháp lý và đặt dưới những yêu cầu bắt buộc về mặt kỹ thuật để đảm bảo tính bảo mật và an ninh. Khái niệm này của Nghị định số 30 cũng chính là khái niệm được sử dụng phổ biến và thống nhất trong hệ thống cơ quan nhà nước và trong các “giáo trình, tập bài giảng tại các cơ sở đào tạo về văn thư, lưu trữ tại Việt Nam” (Vũ Đăng Minh, 2021).

(*) Đặc điểm của văn bản điện tử

Từ tổng hợp những khái niệm được đưa ra liên quan đến “văn bản điện tử”, có thể đúc kết được một số những đặc điểm cơ bản của văn bản điện tử như sau:

Thứ nhất, về hình thức tồn tại, văn bản điện tử tồn tại ở dạng “thông điệp dữ liệu”. Điều này có nghĩa là văn bản điện tử được tạo lập và sử dụng bằng các phương tiện điện tử, tồn tại trong môi trường số, nhưng có những giá trị pháp lý như văn bản thông thường. Như vậy, văn bản điện từ mang dạng thức của thông điệp dữ liệu, và sở hữu giá trị pháp lý của thông điệp điện tử (theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005).

Thứ hai, bởi văn bản điện tử có giá trị pháp lý quan trọng, nên đòi hỏi loại hình văn bản này phải đảm bảo những đặc tính tiên quyết để bảo đảm giá trị pháp lý của nó. Theo đó, có 03 giá trị tiên quyết của văn bản điện tử, bao gồm:

Một là, tính xác thực (Authentication) là khả năng đảm bảo tính chính danh của văn bản điện tử, xác nhận nguồn gốc, bối cảnh hành chính, thời gian, địa điểm, nội dung, thông tin truyền đạt và mối quan hệ với các văn bản, tài liệu khác đính kèm. Điều này giúp văn bản điện tử có khả năng chứng minh thông tin và sự kiện diễn ra trong thực tế, đồng thời đảm bảo giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật.

Hai là, tính toàn vẹn (Integrity) là khả năng đảm bảo văn bản điện tử tồn tại trong môi trường số và không bị thay đổi nội dung, tránh nguy cơ xâm nhập dữ liệu. Cơ chế bảo vệ tính toàn vẹn đảm bảo văn bản không mất giá trị pháp lý và cơ sở pháp lý, đồng thời giữ cách hiểu và nội dung không bị sai lệch. Tỉ lệ sai số có thể xảy ra nhưng cần được kiểm soát trong giới hạn cho phép, để thông tin và nội dung của văn bản không bị mất đi. Tính toàn vẹn đảm bảo văn bản điện tử duy trì thông tin và nội dung khi chia sẻ và truyền giao trong môi trường số, từ đó đảm bảo mức độ bảo mật và tin cậy.

Ba là, tính chống chối bỏ (Nonrepudiation) là khả năng đảm bảo văn bản điện tử không thể bị thay đổi nội dung một cách dễ dàng, tránh việc đối tượng sử dụng có thể phủ nhận trách nhiệm đối với nội dung đã được đề cập trong văn bản. Cơ chế chống chối bỏ trong văn bản điện tử giúp ràng buộc trách nhiệm đối với hành động của các chủ thể liên quan và đảm bảo tính toàn vẹn về giá trị pháp lý của văn bản điện tử.

Thứ ba, văn bản điện tử đòi hỏi trình độ nghiệp vụ và chuyên môn trong quá trình sử dụng, vận hành, quản lý. Trong khi văn bản truyền thống đặt nặng yêu cầu về khả năng quản trị văn phòng và khoa học lưu trữ, việc sử dụng, vận hành và quản lý văn bản điện tử còn đòi hỏi người dùng phải có kỹ năng công nghệ thông tin và những hiểu biết căn bản liên quan đến văn bản điện tử, an ninh mạng và kiến thức về chuyển đổi số. Người dùng văn bản điện tử cần hiểu được quy định về thể thức, nội dung, và kỹ thuật trình bày. Đồng thời, cần phải nắm được quy trình chuyển giao văn bản trong môi trường số, quy định về cách thức số hóa văn bản giấy thành văn bản điện tử, v.v. Như vậy, một đặc điểm nổi bật của văn bản điện tử là đòi hỏi người sử dụng và quản trị nó phải là có năng lực công nghệ thông tin và nghiệp vụ quản trị văn phòng ở mức độ cơ bản để có thể khai thác hiệu quả lợi ích mà văn bản điện tử mang lại.

(*) Các thành phần của văn bản điện tử:

Văn bản điện tử sở hữu những thành phần cơ bản tương tự như văn bản truyền thống thông thường. Mục đích cơ bản của việc soạn thảo văn bản là để ghi nhận và truyền tải thông tin. Vì vậy, nội dung của văn bản đóng vai trò hạt nhân. Đối với các văn bản truyền thông, thành phần cơ bản làm thành nội dung của văn bản bao gồm ký tự, từ ngữ, dòng, đoạn, trang. Trong một số văn bản, nhằm cụ thể hóa nội dung được biểu đạt, còn có các thành phần khác như hình ảnh, sơ đồ. Đối với các văn bản hành chính tại Việt Nam, để đảm bảo giá trị pháp lý của nội dung văn bản, thành phần văn bản còn yêu cầu phải có con dấu của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản và chữ ký của pháp nhân đại diện.

Bên cạnh những thành phần cơ bản như văn bản truyền thống, văn bản điện tử, với tính chất đặc thù của nó, đòi hỏi phải có một thành phần quan trọng khác, đó là chữ ký số. Khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã định nghĩa “chữ ký số” như một dạng chữ ký điện tử. Nó được tạo lập nên bằng việc làm biển đổi thông điệp dữ liệu thông qua việc sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng:

  1. a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
  2. b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Chữ ký số đóng vai trò thành phần cơ bản nhất của văn bản điện tử, làm nên cơ sở đảm bảo được 03 đặc tính tiên quyết của văn bản điện tử: tính xác thực, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ. Pháp luật thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số như chữ ký truyền thống, và đặt ra các điều kiện về việc bảo đảm tính chính danh của chữ ký số. Chữ ký số vốn dĩ không mang một hình thái cố định, có thể tồn tại dưới dạng ký tự, hình ảnh, mã số, v.v và được mã hóa bởi khóa bảo mật của đơn vị quản lý.

Các thành phần của văn bản điện tử có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau, quyết định sự tồn tại và giá trị pháp lý của văn bản điện tử. Trong đó, chữ ký số là thành phần điển hình nhất phân biệt văn bản điện tử với văn bản truyền thống thông thường, và đóng vai trò như công cụ bảo đảm các điều kiện tiên quyết của văn bản điện tử.

2.1.2. Khái niệm và một số nội dung chủ yếu của “Hội vụ” trong công tác Hội và phong trào sinh viên

Khái niệm “Hội vụ” được sử dụng một cách phổ biến trong quá trình thực hiện công tác Hội và phong trào sinh viên từ cấp Trung ương đến cơ sở trực thuộc. Bối cảnh sử dụng khái niệm này thường diễn ra trong môi trường hành chính, thông qua văn bản, các công tác văn phòng nói chung, và quá trình họp, thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan đến công tác Hội.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản hay nghiên cứu nào chính thức hóa nội hàm của khái niệm “Hội vụ”. Việc sử dụng khái niệm này phần lớn phụ thuộc vào cách hiểu chủ quan trong nội bộ cán bộ Hội, thậm chí, bản thân khái niệm này không phổ biến trong đông đảo cộng đồng Hội viên, sinh viên. Nói như vậy để thấy rằng, cách hiểu và nội hàm của “Hội vụ” trong việc thực hành công tác Hội và phong trào sinh viên chưa có được cơ sở để nhất quán. Nhưng nhu cầu của thực tiễn đặt ra yêu cầu quan trọng để khái quát hóa nội hàm của khái niệm này, phục vụ cho nhu cầu giao tiếp trong môi trường công tác Hội, và đặc biệt là trong công tác nghiên cứu chuyên môn.

Xét ở góc độ ngôn ngữ học, khái niệm “Hội vụ” được kết hợp từ 02 chữ “Hội” và “vụ”. “Hội”, trong trường hợp này, được hiểu là “Hội Sinh viên Việt Nam” – tổ chức có vai trò tập hợp, huy động, và phát huy vai trò tiên phong hành động cách mạng của toàn thể sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước. “Vụ” là từ Hán việt, có nghĩa là “việc”, tức là tổng hợp các nội dung cần thiết phải xử lý trong đời sống thực tiễn, phát sinh trong quan hệ giữa cá nhân, tổ chức, nhà nước. Như vậy, khi ghép lại với nhau, “Hội vụ” có thể được hiểu một cách cơ bản là tổng thể các công việc phát sinh và đòi hỏi cần được xử lý trong công tác Hội và phong trào sinh viên các cấp. Tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ học, việc phân tích khái niệm của “Hội vụ” tương đối dễ dàng và dễ tiếp cận, nhưng cũng nảy sinh bất cập ở một số điểm. Có thể đề cập như: (1) việc phân tích như vậy dễ phát sinh tính chủ quan, thiếu cơ sở xác nhận trong thực tiễn, và các dữ kiện, căn cứ pháp lý thuyết phục; (2) chưa hệ thống hóa và cụ thể hóa được “các việc cần xử lý của công tác Hội Sinh viên” là những công việc gì, đâu là những công việc trọng điểm, mang tính điển hình của công tác Hội.

Ở góc độ tiếp cận khác, thông qua việc sử dụng cách hiểu trung gian từ các khái niệm khác có liên quan và mang tính tương đồng vốn đã được thống nhất về cách hiểu, điều này có thể hỗ trợ tiếp cận khái niệm “Hội vụ” một cách tương đối toàn diện và tổng thể. Một khái niệm trung gian có thể được sử dụng để phân tích đó là “Nghiệp vụ công tác Đảng viên”- mảng công tác quan trọng trong hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác giả Nguyễn Văn Chung đã định nghĩa rằng “Công tác nghiệp vụ Đảng viên” có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Đảng về mặt tổ chức, gồm những công việc và như: Thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục của người vào Đảng; xem xét chuyển sinh hoạt Đảng cho Đảng viên; thẩm định, thực hiện các thủ tục như cấp thẻ, cấp Huy hiệu Đảng cho Đảng viên; quản lý sử dụng phần mềm quản lý Đảng viên trên máy vi tính, thống kê định kỳ, đột xuất về tổ chức Đảng, Đảng viên (Nguyễn Văn Chung, 2019).

Từ việc định nghĩa như vậy, có thể hiểu một cách cơ bản, “Nghiệp vụ công tác Đảng viên” là một mảng công tác tương đối rộng lớn, gồm nhiều công việc liên quan đến Đảng viên và công tác Đảng, chủ yếu là các công tác thuộc lĩnh vực hành chính. Tại Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về nghiệp vụ công tác Đảng viên, các mảng công tác trọng tâm đã được hệ thống hóa gồm:

– Kết nạp Đảng viên.

– Quản lý hồ sơ Đảng viên, phát thẻ Đảng viên, giới thiệu sinh hoạt Đảng.

– Khen thưởng tổ chức Đảng và Đảng viên.

– Một số vấn đề khác liên quan đến Đảng viên: Đảng viên xin miễn công tác và
sinh hoạt Đảng, phân công công tác cho Đảng viên.

– Tài liệu, phương tiện thực hiện nghiệp vụ công tác Đảng viên.

Với cách tiếp cận trung gian từ một khái niệm khác chia sẻ nhiều đặc điểm tương đồng, việc phân tích khái niệm “Hội vụ” có thể được thực hiện trên cơ sở nhìn nhận một số các điểm cần lưu ý như sau:

Một là, tương tự như “Nghiệp vụ công tác Đảng viên” trong công tác Đảng, “Hội vụ” là một mảng công tác khá rộng lớn trong công tác Hội và phong trào sinh viên, bao gồm đa dạng các công việc, chủ yếu là các công việc hành chính có liên quan trực tiếp đến đối tượng then chốt của tổ chức Hội là cán bộ Hội, Hội viên, sinh viên.

Hai là, dù mang đặc trưng là một mảng công tác rộng lớn, song, cũng như “Nghiệp vụ công tác Đảng viên”, từ việc phân tích lý luận đến thực tiễn triển khai, “Hội vụ” cần xác lập những công tác trọng tâm, hệ thống hóa một cách bài bản để tạo ra phương hướng thực hành công tác Hội và phong trào sinh viên một cách hiệu quả.

Ba là, công tác Hội vụ là việc làm đòi hỏi sự triển khai thường xuyên, lâu dài, bền bỉ, vận hành theo quỹ đạo ổn định để xử lý hiệu quả những công việc điển hình, cũng như chuẩn bị những điều kiện cần thiết để giải quyết phù hợp những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hành công tác Hội và phong trào sinh viên.

Bốn là, chủ thể thực hiện Hội vụ là các đồng chí cán bộ Hội Sinh viên, trong đó, đơn vị chuyên trách là Văn phòng Hội Sinh viên các cấp.

Trên cơ sở xác định những điểm nêu trên, khái niệm Hội vụ có thể được khái quát hóa như sau: Hội vụ là tập hợp tổng thể những mảng công việc liên quan đến công tác Hội và phong trào sinh viên, được triển khai một cách thường xuyên và lâu dài trong nội bộ tổ chức Hội do các cán bộ Hội chuyên trách và Văn phòng Hội Sinh viên các cấp làm đầu mối triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm lợi ích của Hội viên, sinh viên và duy trì sự vận hành hệ thống, bài bản và hiệu quả của tổ chức Hội Sinh viên.

Những công tác trọng tâm của công tác Hội vụ có thể được kể đến như: kết nạp Hội viên; quản lý hồ sơ Hội viên; quản lý công tác tài chính của Hội; xử lý các văn bản hành chính liên quan đến tổ chức Hội và Hội viên, sinh viên; quản lý công tác khen thưởng và phê bình; quản lý và xử lý thông tin chính thức về phương hướng triển khai công tác Hội tại đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể.

2.1.3. Vai trò của “văn bản điện tử” trong việc giải quyết các vấn đề “Hội vụ”

Nhu cầu đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào sinh viên đòi hỏi những giải pháp cụ thể và thiết thực. Trong đó, việc đưa vào sử dụng văn bản điện tử trong việc giải quyết các vấn đề Hội vụ có vai trò quan trọng và là hướng đi phù hợp với xu thế chung. Thực hiện nghiên cứu đưa vào sử dụng hệ thống và bài bản văn bản điện tử trong công tác Hội sẽ mang lại những bước tiến cần thiết để tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác Hội và phong trào sinh viên.

Một là, văn bản điện tử giúp tăng cường tốc độ, tiết kiệm thời gian trong quá trình chuyển giao thông tin và ban hành văn bản của các cấp. Nhờ việc chuyển giao trong môi trường mạng, tinh gọn quy trình tham mưu, rút ngắn được thời gian tham mưu ban hành nhờ việc sử dụng chữ ký số, văn bản điện tử có thể nhanh chóng được truyền tải đến các cấp cơ sở Hội. Hiện nay, với mạng lưới Hội Sinh viên trong toàn quốc lẫn ngoài nước, và hơn 2 triệu hội viên, việc xây dựng hệ thống văn bản điện tử giúp tăng cường cơ chế tiếp cận mà không cần và tạo ra tính nhất quán từ Trung ương đến cơ sở. Song song với đó, vai trò này của văn bản điện tử còn được thể hiện trong việc quản lý hoạt động, chương trình, chiến dịch tình nguyện như Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, v.v. Trong quá trình tổ chức các mặt trận tình nguyện, khoảng cách địa lý và đặc điểm xã hội tại một số địa phương có thể trở thành rào cản trong việc tiếp nhận văn bản theo hình thức thông thường. Do vậy, sử dụng văn bản điện tử có thể đảm bảo được tính kịp thời của thông tin, đảm bảo quản lý và nắm bắt tình hình của công tác tình nguyện từ sớm, từ xa.

Hai là, sử dụng văn bản điện tử giúp quản lý một cách hệ thống các nội dung liên quan đến công tác Hội vụ. Như đã phân tích ở mục 2.1.2, Hội vụ là những vấn đề cơ bản nhưng có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với việc quản lý, duy trì hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Sinh viên. Vì vậy, triển khai sử dụng văn bản điện tử sẽ hình thành một cơ chế hệ thống hóa các nội dung của công tác Hội vụ như: quản lý hồ sơ hội viên, cấp phát Giấy chứng nhận tham gia hoạt động dành cho hội viên, sinh viên; quản lý hồ sơ tài chính và công tác hội phí, v.v. Thay vì thực hiện quản lý văn bản như thông thường (vốn đòi hỏi không gian lưu trữ và dễ bị xáo trộn do môi trường lưu trữ), văn bản điện tử đòi hỏi phải được quản lý trong một hệ thống máy tính nội bộ và lưu trữ một cách có trình tự theo thời gian và thể loại văn bản trên không gian trực tuyến, do vậy, sử dụng văn bản điện tử giúp cho công tác Hội vụ được tổ chức thực hiện có hệ thống, có quy trình, thông tin được trao đổi một cách hệ thống và hạn chế được những phát sinh làm xáo trộn các văn bản.

Ba là, sử dụng văn bản điện tử thể hiện nỗ lực góp phần hiện thực hóa phương hướng và mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2023 – 2028). Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đoàn xác lập những nội dung sau:

– 01 trong 12 chỉ tiêu trọng tâm là “60% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội các cấp triển khai thực hiện; 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 70% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử”.

– 01 trong 03 mục tiêu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2022 – 2027 là “phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”.

– 01 trong 10 chương trình, đề án trọng điểm giai đoạn 2022 – 2027 là đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030”.

Việc xác lập những nội dung nêu trên cho thấy quyết tâm cao độ của toàn thể Đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số của Đoàn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa công tác Đoàn phát triển vượt trội về năng lực tổ chức và hoạt động. Là tổ chức xã hội, bộ phận quan trọng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam cần nhận thức phù hợp vai trò của mình để góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc, đưa nội dung Nghị quyết trở thành giá trị thiết thực trong quá trình học tập, lao động, trau dồi tri thức, và rèn luyện của Hội viên, sinh viên. Theo đó, việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện và đưa vào sử dụng chính thức văn bản điện tử trong việc giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên một cách bài bản sẽ là hướng đi quan trọng, cho thấy sự chuyển mình vượt trội trong cách thức và quy trình vận hành của tổ chức Hội, tăng cường hiệu quả trong tập hợp và quản lý thông tin, tạo ra được tính nhất quán về tư duy và nhận thức hành động giữa tổ chức Đoàn – Hội, phong trào thanh niên và sinh viên, qua đó, khẳng định trên thực tế tính hành động cao độ của đội ngũ cán bộ, Hội viên, sinh viên trong việc tham gia chuyển đổi số.

2.2. Thực tiễn việc sử dụng văn bản điện tử trong việc giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên

Trên thực tế, nhận thức về việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác thông tin của tổ chức Hội đã được chứng minh từ những năm về trước, ở cấp Trung ương đến cơ sở. Tuy khái niệm “văn bản điện tử” không được trực tiếp sử dụng trong nội dung nhiệm vụ các năm học, nhưng hướng tiếp cận có những điểm tương đồng và liên quan. Bức tranh thực tiễn của việc này có thể được phân tích ở hai phương diện: Mặt thành tựu và mặt hạn chế.

(*) Mặt thành tựu:

Chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2014 – 2015 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã vạch rõ nhiệm vụ trong năm học: “Xây dựng văn phòng điện tử của Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tăng cường chất lượng công tác thông tin, báo cáo của Hội sinh viên các cấp”. Trong bản chương trình cũng đã đề cập đến nội dung về việc “Ứng dụng công nghệ thông tin, Internet trong xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý về tổ chức, cán bộ, hội viên, sinh viên”, thể hiện cho thấy phương hướng chỉ đạo từ phía Trung ương dành cho Hội Sinh viên các tỉnh thành, các đại học, học viện, cũng như các trường đại học, cao đẳng, coi trọng công tác chuyển đổi số trong thực hiện công tác Hội nói chung, Hội vụ nói riêng.

Thực hiện kết luận của Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX về “Nâng cao chất lượng công tác tổ chức và xây dựng Hội giai đoạn 2015 – 2018”, chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên trong năm học 2015 – 2016 đã xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trong các cấp Hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp quản lý hội viên và sinh hoạt Hội; (2) Triển khai Đề án “Văn phòng điện tử” nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp, quản lý hội viên, sinh hoạt Hội. Trong đó, Đề án “Văn phòng điện tử” là nội dung có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để cụ thể hóa phương hướng và nhiệm vụ được xác định, tạo cơ sở cần thiết để hoạch định cách thức vận hành “Văn phòng điện tử”, trong đó, “văn bản điện tử” là một bộ phận quan trọng cấu thành vào đó. Tiếp nối định hướng trong năm 2014-2015, Trung ương Hội Sinh viên đã cụ thể hóa các giải pháp và nỗ lực tái định hình quỹ đạo chuyển đổi số theo hướng bài bản hơn, yêu cầu kỹ thuật cao hơn, đưa vào nghiên cứu và sử dụng các giải pháp công nghệ cần thiết trong quản lý công tác Hội vụ, đặc biệt là ở mảng công tác quản lý văn bản, hồ sơ.

Bước sang năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 gây ra những gián đoạn mạnh mẽ trong việc triển khai công tác Hội, đòi hỏi sự thay đổi trong hình thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những khó khăn, thách thức đáng kể mà đại dịch gây ra, yêu cầu của thực tiễn khách quan cũng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết các công tác Hội vụ trên không gian số, thay thế quy trình làm việc tại văn phòng truyền thống sang văn phòng điện tử, từ chuyển giao văn bản thông thường sang văn bản điện tử, giao tiếp hành chính trên nền tảng số trở thành nhiệm vụ quan trọng mà các cấp Hội phải thực hiện đồng loạt. Do yêu cầu giao tiếp trực tuyến, các công tác liên quan đến Hội vụ cũng nhất loạt được thực hiện qua không gian mạng. Trong tuyến giao tiếp của Trung ương đến các cơ sở Hội và tuyến giao tiếp trong nội bộ các cơ sở Hội, văn bản điện tử được sử dụng thường xuyên như một giải pháp tối ưu ở thời điểm dịch bệnh. Như một công cụ giao tiếp hành chính, văn bản điện tử được sử dụng thường xuyên và phổ biến hơn, giúp hạn chế các tác động của sự gián đoạn, đảm bảo cơ chế thông tin được thực hiện xuyên suốt, giúp tối giản quy trình giao – nhận thông tin, góp phần quan trọng trong việc tạo ra tiền đề để chính thức hóa việc sử dụng văn bản điện tử ở giai đoạn hậu đại dịch.

Không chỉ riêng ở cấp Trung ương, công tác chuyển đổi số nói chung và việc triển khai sử dụng văn phòng điện tử nói riêng cũng được các cơ sở Hội quan tâm thực hiện. Cụ thể, nhiều đơn vị Hội Sinh viên đã chủ trương xây dựng website chính thức của đơn vị, qua đó, xây dựng hệ thống dữ liệu trực tuyến để quản lý các văn bản hành chính cũng như cung cấp những thông tin cần thiết nhằm phổ cập những thông tin cần thiết đến Hội viên, sinh viên, đảm bảo thực hiện công tác Hội vụ một cách mới mẻ, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin: website của Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh (https://hoisinhvientphcm.com/); website liên kết tổ chức Đoàn – Hội của Học viện Ngân hàng (https://hvnh.edu.vn/); website Hội Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội (http://hoisinhvien.hou.edu.vn/); website Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (https://mit.vn/Hoi-sinh-vien/); v.v. Ở một số trường có kinh nghiệm và nguồn lực tiên phong, văn phòng điện tử dành cho công tác Đoàn-Hội được xây dựng trên cổng thông tin chung của Trường, tích hợp quy trình chuyển đổi số trong việc triển khai văn bản  và giải quyết thủ tục hồ sơ đến Hội viên, sinh viên. Điển hình cho việc này có thể phân tích trường hợp của hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) ở khu vực miền Bắc và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) ở khu vực miền Nam. Cả hai đơn vị này đã tích hợp cổng nguồn truy cập vào văn phòng điện tử tại đơn vị, đăng tải các văn bản Hội vụ trên nền tảng trực tuyến, và tạo điều kiện để sinh viên thực hiện các thủ tục trực tuyến liên quan đến hoạt động Hội (trường hợp của Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Ảnh 01: Cổng truy cập hệ thống Văn bản phát hành và Thủ tục trực tuyến dành cho Hội viên, Sinh viên trong Văn phòng điện tử tại Trang thông tin của Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)

(Truy cập tại: https://hoisinhvien.neu.edu.vn/van-phong-dien-tu/

Ảnh 02: Cổng truy cập hệ thống Văn bản điện tử Đoàn – Hội Sinh viên trong Văn phòng điện tử tại Trang thông tin của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)

(Truy cập tại: https://youth.ueh.edu.vn/category/van-phong-dien-tu/van-ban-doan-hoi-ueh/

Thực tiễn như trên phản ánh cho thấy cách tiếp cận vấn đề chuyển đổi số nói chung và sử dụng văn bản điện tử nói riêng ở các cấp Hội Sinh viên diễn ra một cách chủ động. Việc giao tiếp văn bản một cách trực tuyến, phi truyền thống đã trở thành đặc điểm quan trọng đối với hoạt động của tổ chức Hội Sinh viên. Trung ương Hội Sinh viên đã tiên phong triển khai Đề án và các giải pháp nhằm đưa văn bản điện tử trở thành công cụ tối ưu hóa phương thức giao tiếp hành chính. Phía các cơ sở Hội cũng đã rất chủ động trong việc ứng dụng văn phòng điện tử và văn bản điện tử vào hoạt động của mình một cách chủ động, phù hợp với đặc thù của đơn vị.

(*) Mặt hạn chế:

Tuy nhiên, tổng quan tình hình thực tiễn sử dụng văn bản điện tử trong các công tác Hội vụ từ cấp Trung ương đến các địa phương vẫn còn tồn đọng một số những hạn chế nhất định, dẫn tới việc triển khai chưa có tính hệ thống, chưa nhất quán, và khách quan nhìn nhận, là chưa có những hiệu quả thiết thực. Dưới đây là đôi điểm hạn chế đúc kết từ thực tiễn việc triển khai sử dụng văn bản điện tử trong công tác Hội:

Một là, công tác chuyển đổi khai thác đưa vào vận hành văn phòng điện tử và văn bản điện tử chưa có được sự đồng bộ từ cấp Trung ương đến cơ sở, chưa có tính hệ thống và bài bản. Trên thực tế, Trung ương Hội Sinh viên đã xác định theo đuổi thực hiện Đề án “Văn phòng điện tử”, cũng như xác lập việc thực hiện chuyển đổi số là mục tiêu trọng tâm trong những năm học gần đây. Tuy nhiên, văn phòng Trung ương Hội chưa ban hành bản Hướng dẫn chính thức liên quan đến việc sử dụng văn bản điện tử nói riêng, văn phòng điện tử nói chung trong công tác trao đổi thông tin giữa các cấp. Điều này dẫn tới việc triển khai ở cấp cơ sở không có sự đồng bộ, tuyến văn bản chưa được thông suốt ở cả chiều đi lẫn chiều đến. Bên cạnh đó, bởi thiếu cơ chế hoạch định rõ ràng, nên ở một số cơ sở Hội, do sự hạn chế về nguồn lực và khả năng tiếp cận công nghệ, không phải tất cả các cơ sở Hội đều có thể thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong xử lý Hội vụ, nhiều đơn vị chưa có kinh nghiệm và nhận thức cơ bản để sử dụng văn bản điện tử. Điều này tất yếu dẫn tới thực trạng thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong công tác giao – nhận văn bản giữa cấp Trung ương và cấp cơ sở.

Hai là, ở một số cơ sở Hội, dù đã xây dựng được website chính thức để quản lý công tác Hội vụ, xúc tiến chuyển đổi số để tăng cường tính hiệu quả trong truyền tải thông tin, tuy nhiên, hình thức của các văn bản được ban hành và sử dụng trong giao tiếp hành chính, về bản chất, chưa phải là văn bản điện tử. Các văn bản được đăng tải tại những website của các cơ sở Hội là bản scan màu từ văn bản giấy truyền thống, không bảo đảm được các thành phần cơ bản của văn bản điện tử, đặc biệt là chữ ký số. Bức tranh thực tiễn như vậy xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ và trọn vẹn của một bộ phận cán bộ Hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản điện tử. Điều này phản ánh trên thực tế sự cần thiết trong việc ban hành Hướng dẫn chính thức từ Trung ương Hội, chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ của các cán bộ Hội chuyên trách để có thể đưa vào sử dụng văn bản điện tử đúng với nguyên lý và bản chất dựa trên cơ sở khoa học, tạo được giá trị thực chất trong công tác chuyển đổi số.

Ba là, tuy ở một số đơn vị đã đưa vào sử dụng chức năng văn phòng điện tử và dùng văn bản điện tử như một công cụ giao tiếp hành chính, tuy nhiên, việc triển khai chưa thể hiện rõ ý nghĩa thực tiễn. Ở một số đơn vị, văn bản được đăng tải không thường xuyên và đều đặn, chỉ có số ít văn bản được triển khai trên hệ thống của đơn vị. Chức năng về thủ tục văn bản trực tuyến cũng không khả thi trên trang trực tuyến, còn mang nặng tính hình thức, chưa thật sự đem lại hiệu quả thực tiễn khi vận hành. Việc tiếp cận và hướng dẫn đội ngũ cán bộ Hội và Hội viên, sinh viên tại đơn vị cũng vấp phải các hạn chế nhất định. Số lượng sinh viên tiếp cận về thủ tục trực tuyến và văn bản điện tử chưa được đảm bảo, cũng như không hiểu rõ về vai trò và cách thức vận hành của các công cụ này.

2.3. Một số kiến nghị

Từ những nhận định như đã phân tích, nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Trung ương Hội SVVN cần xem xét, nghiên cứu, khảo sát và thực hiện ban hành Hướng dẫn chính thức về việc sử dụng văn bản điện tử và quản lý chữ ký số trong các vấn đề về Hội vụ. Năm 2019, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 về việc quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử. Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư. Đến năm 2021, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Hướng dẫn số 03-HD/VPTW về việc quản lý và sử dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức Đảng. Những văn bản pháp lý này là nguồn tham khảo quan trọng, là khung tham thiếu cần thiết để xây dựng nội dung hướng dẫn ứng dụng vào công tác Hội và phong trào sinh viên. Từ các quy định chung đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành, tổ chức Hội Sinh viên cần cụ thể hóa thành Hướng dẫn chính thức để ban hành đến các cơ sở Hội, từ đó, thống nhất được quy trình xây dựng, ban hành, tiếp nhận và quản lý văn bản điện tử trong việc triển khai công tác Hội vụ các cấp. Việc ban hành Hướng dẫn chính thức cũng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hệ thống khi sử dụng văn bản điện tử hiện nay của công tác Hội và phong trào sinh viên, bởi vì sự ra đời của bộ Hướng dẫn cũng là việc xác lập được cơ sở tham khảo nhất quán dành cho các cấp cơ sở Hội, gợi mở phương hướng để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Thứ hai, từng bước xây dựng, nghiên cứu, và đưa vào vận hành trục liên thông văn bản điện tử về công tác Hội và phong trào sinh viên. Hiện nay, trục liên thông văn bản quốc gia đã được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Trục liên thông văn bản quốc gia là bước đột phá mạnh mẽ về tư duy hành chính, bước đầu hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một chính phủ số vận hành tinh gọn, hiệu quả. Mô hình đã được đưa vào thực tiễn và áp dụng với 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (Báo Chính phủ, 2019). Trên thực tế, muốn sử dụng và quản lý văn bản điện tử đòi hỏi cần phải hệ thống hóa trên một nền tảng tích hợp dữ liệu chung. Do vậy, để việc sử dụng văn bản điện tử có thể áp dụng sâu rộng vào thực tiễn triển khai công tác Hội và phong trào sinh viên thì đòi hỏi phải có một trục liên thông văn bản được khai thác và hoạt động theo nhu cầu, đặc điểm và tính chất của tổ chức Hội Sinh viên. Trục liên thông văn bản điện tử của công tác Hội sẽ giúp tổng hợp thông tin, hỗ trợ cán bộ Hội các cấp và Hội viên thuận tiện tiếp cận được quan điểm, chủ trương, phương hướng của các hoạt động Hội; nắm được những thay đổi, điều chỉnh trong khâu tổ chức, cũng như những thay đổi, cập nhật trong tiêu chí xét chọn các danh hiệu, giải thưởng dành cho cá nhân và tập thể. Trục liên thông văn bản điện tử của công tác Hội còn hỗ trợ quản lý một cách hệ thống và hiệu quả các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công tác Hội vụ từ Trung ương đến cấp cơ sở, hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, và xử lý các tác vụ hành chính, đưa công tác Hội vụ đi vào quỹ đạo vận hành ổn định, bài bản, thống nhất ở quy trình và phương hướng. Mô hình xử lý văn bản trong trục liên thông văn bản điện tử về công tác Hội và phong trào sinh viên từ Trung ương đến cơ sở được nhóm tác giả sơ đồ hóa như sau:

 

Ảnh  03: Sơ đồ thể hiện quy trình xử lý văn bản đến và văn bản đi trong trục liên thông văn bản điện tử từ cấp Trung ương đến cơ sở Hội

(Tham khảo sơ đồ hệ thống quản lý văn bản – liên thông văn bản điện tử của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam: https://vast.gov.vn/)

Sơ đồ trên diễn tả quy trình xử lý văn bản của trục liên thông văn bản từ Trung ương Hội đến cơ sở Hội và ngược lại. Cụ thể, văn bản được vận hành theo hai chiều: văn bản đến (do Trung ương Hội ban hành đến cơ sở) và văn bản đi (do các cơ sở Hội trực thuộc xây dựng và báo cáo):

Đối với văn bản đến, đội ngũ cán bộ Trung ương Hội SVVN chuyên trách được phân công thực hiện xây dựng dự thảo văn bản, sau đó gửi về bộ phận Văn phòng Trung ương Hội SVVN để kiểm tra và xác thực về nội dung, thể thức, kỹ thuật liên quan và tham mưu dự thảo đến Ban Thư ký Trung ương Hội SVVN. Ban Thư ký cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về nội dung, thể thức, và các vấn đề liên quan đến dự thảo văn bản. Đến đây, phát sinh 02 tình huống: (1) Nếu Ban Thư ký không có ý kiến, tức là cơ bản đồng thuận với các nội dung được đề cập trong phạm vi văn bản được tham mưu, Ban Thư ký tiến hành duyệt ký, chuyển về bộ phận Văn phòng để thực hiện công tác lập hồ sơ điện tử, ký chữ ký số theo quy định của pháp luật và nhập dữ liệu vào phần mềm liên thông văn bản để xử lý kỹ thuật, xác minh tính pháp lý trước khi chuyển văn bản điện tử vào trục liên thông văn bản của công tác Hội và phong trào sinh viên để ban hành đến hệ thống các cơ sở Hội có liên quan trong cả nước, các cơ sở Hội tiếp nhận văn bản đến từ Trung ương Hội thông qua bộ phận Văn phòng, tham mưu ý kiến Ban Thư ký và tiến hành triển khai thực hiện theo quy định; (2) Nếu Ban Thư ký có ý kiến chỉ đạo, đề nghị cần xem xét, chỉnh sửa, bổ sung theo kết luận của tập thể Ban Thư ký, dự thảo văn bản được chuyển về phía đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách để tiếp thu chỉnh sửa theo định hướng chỉ đạo, sau đó tiếp tục chuyển đến bộ phận Văn phòng để kiểm tra nội dung, thể thức, kỹ thuật trước khi tái tham mưu bản dự thảo được chỉnh sửa đến Ban Thư ký. Quy trình như vậy tiếp diễn đến khi Ban Thư ký không có thêm ý kiến chỉnh sửa hoặc thay đổi, bổ sung. Khi này, dự thảo văn bản tiếp tục được xử lý theo tình huống (1).

Đối với văn bản đi, quy trình xử lý dự thảo văn bản ở các cơ sở Hội diễn ra tương tự ở cấp Trung ương. Sau khi dự thảo văn bản của cấp cơ sở được đồng ý ban hành, Văn phòng ở cấp cơ sở lập hồ sơ điện tử, ký chữ ký số và nhập dữ liệu vào phần mềm liên thông văn bản để xử lý trước khi chính thức chuyển dữ liệu của văn bản điện tử vào trục liên thông văn bản của công tác Hội trong toàn quốc để quản lý, hệ thống hóa và lưu trữ.

Thứ ba, tăng cường công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Hội các cấp trong việc triển khai sử dụng văn bản điện tử; nghiên cứu chuyển giao các yếu tố công nghệ hỗ trợ các cấp cơ sở Hội sử dụng hiệu quả văn bản điện tử trong quá trình hoạt động. Cán bộ là nòng cốt khi thực hiện việc chuyển đổi số trong công tác Hội nói chung, và thực hiện hiệu quả công tác giải quyết Hội vụ thông qua việc sử dụng văn bản điện tử nói riêng. Vì vậy, các cơ sở Hội cần chú trọng việc thực hiện bồi dưỡng, rèn luyện các cán bộ Hội triển khai sử dụng hiệu quả văn bản điện tử, hiểu được bản chất và nắm được quy trình ban hành văn bản điện tử, có đủ kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết để xử lý Hội vụ trong môi trường điện tử. Trung ương Hội SVVN cần xác định các nội dung tham khảo chủ yếu phục vụ cho công tác bồi dưỡng cán bộ, thông tin rộng rãi và đẩy mạnh việc sử dụng rộng rãi bản Hướng dẫn về việc sử dụng văn bản điện tử và quản lý chữ ký số trong các vấn đề liên quan đến Hội vụ (như đã phân tích ở phần đầu mục này) để tổ chức tập huấn cán bộ Hội. Song song với đó, để khắc phục tình trạng chênh lệch về năng lực tiếp cận công nghệ, khiến quy trình vận hành và sử dụng văn bản điện tử thiếu thông suốt, Trung ương Hội SVVN cần nghiên cứu về việc hỗ trợ chuyển giao các công nghệ cần thiết đến những cơ sở Hội cụ thể cần được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đảm bảo giải quyết hiệu quả bài toán chênh lệch về công nghệ trong nội bộ tổ chức Hội các cấp, đưa việc vận hành văn bản điện tử giải quyết công tác Hội vụ trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, cơ bản của công tác Hội và phong trào sinh viên.

  1. Kết luận

Có thể nhận thấy, việc sử dụng văn bản điện tử trong giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên có ý nghĩa cần thiết, đáp ứng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII cũng như chủ trương của các cấp lãnh đạo trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đa lĩnh vực. Trên phương diện lý luận, bài viết nỗ lực phân tích khái niệm “văn bản điện tử”, làm rõ 03 đặc điểm trọng yếu (tính xác thực, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ) và một số thành phần quan trọng cấu thành giá trị pháp lý cho văn bản điện tử, trong đó, chữ ký số là thành phần cơ bản nhất. Bài viết cũng đồng thời phân tích và tiếp cận khái niệm “Hội vụ” trong công tác Hội và phong trào sinh viên, vốn dĩ là khái niệm được sử dụng rộng rãi nhưng chưa có cơ sở chính thức về mặt thông tin để thống nhất cách hiểu và nội hàm của khái niệm này. Bằng việc tiếp cận trung gian khái niệm có tính tương đồng, nội hàm của “Hội vụ” được xác định với 04 đặc trưng cần lưu ý: (1) là một mảng công tác rộng lớn, gồm nhiều nội dung; (2) đòi hỏi cần được hệ thống hóa và xác định các công tác trọng tâm; (3) được triển khai thường xuyên và lâu dài; (4) do các cán bộ Hội chuyên trách thực hiện thông qua bộ phận Văn phòng Hội Sinh viên các cấp. Từ những lập luận đó, bài nghiên cứu phân tích vai trò của văn bản điện tử khi thực hiện giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên, làm rõ được ưu điểm và tính cần thiết để triển khai sử dụng loại hình văn bản này trong vấn đề Hội vụ các cấp. Trên cơ sở lý luận được xây dựng, nhóm tác giả phân tích bức tranh thực tiễn việc sử dụng văn bản điện tử trong công tác Hội, phát lộ đôi điểm hạn chế cần thiết phải khắc phục: Một là, công tác triển khai thiếu đồng bộ, nhất quán, chưa có tính hệ thống; Hai là, quá trình triển khai chuyển đổi số nói chung, sử dụng văn bản điện tử nói riêng, ở một số cơ sở Hội là chưa thực chất, chưa tiếp cận đúng bản chất và nguyên lý của văn bản điện tử. Bằng việc khai thác cơ sở lý luận và thực tiễn có liên quan, nhóm tác giả đề xuất các kiến nghị giúp sử dụng hiệu quả văn bản điện tử trong việc giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên. Đó là: (1) cần xem xét, nghiên cứu, khảo sát và ban hành bản Hướng dẫn chính thức về việc sử dụng văn bản điện tử và quản lý chữ ký số trong các vấn đề Hội vụ; (2) từng bước nghiên cứu và đưa vào vận hành trục liên thông văn bản điện tử về công tác Hội và phong trào sinh viên, bài viết cũng đề xuất sơ đồ thể hiện quy trình xây dựng và chuyển tiếp văn bản đến và văn bản đi trên trục liên thông văn bản công tác Hội; (3) tăng cường công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Hội các cấp trong việc triển khai sử dụng văn bản điện tử, nghiên cứu chuyển giao các yếu tố công nghệ hỗ trợ các cấp cơ sở Hội sử dụng hiệu quả văn bản điện tử trong quá trình hoạt động. Tóm lại, sử dụng văn bản điện tử trong giải quyết các vấn đề Hội vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên vừa là động lực, vừa là nhiệm vụ cần thiết đặt ra từ thực tiễn khách quan, có ý nghĩa thực tiễn và quan trọng. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả, bài bản, có hệ thống, đồng bộ, và tạo được những giá trị thực chất, tránh lối vận hành hình thức, bề nổi, thiếu tính ứng dụng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ayaz, A, Yanartas, M. (2020). An analysis on the unified theory of acceptance and use of technology theory (UTAUT): Acceptance of electronic document management system (EDMS), 2, 1-7. https://doi.org/10.1016/j.chbr.2020.100032
  2. Báo Chính phủ. (2019). Thủ tướng khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Nhận từ: https://vpcp.chinhphu.vn/thu-tuong-khai-truong-truc-lien-thong-van-ban-quoc-gia-11521791.htm
  3. Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (2022). Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18 tháng 01 năm 2022 về nghiệp vụ công tác Đảng viên.
    Nhận từ: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/huong-dan-so-12-hdbtctw-ngay-18012022-cua-ban-to-chuc-trung-uong-ve-nghiep-vu-cong-tac-dang-vien-8319
  4. Bộ Nội vụ. (2019). Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 về việc Quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức. Nhận từ:https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=196345
  5. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (2007). Nghị định
    số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhận từ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=22395
  6. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (2018). Quyết định
    số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhận từ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=194155
  7. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (2018). Nghị định
    số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 về quy định chi tiết thi hành
    Luật giao dịch về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nhận từ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=194913
  8. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (2020). Nghị định
    số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 về công tác văn thư. Nhận từ: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=199378
  9. Hội Sinh viên Việt Nam. (2014). Chương trình công tác Hội và phong trào Sinh viên năm học 2014-2015. Nhận từ: http://hoisinhvien.com.vn/chuong-trinh-de-an.htm
  10. Hội Sinh viên Việt Nam. (2015). Chương trình công tác Hội và phong trào Sinh viên năm học 2015-2016. Nhận từ: http://hoisinhvien.com.vn/chuong-trinh-de-an.htm
  11. Hung, S., Tang, K., Chang, C., Ke, C. (2009). User acceptance of intergovernmental services: An example of electronic document management system, 26, 387-397. Nhận từ: www.elsevier.com/locate/govinf
  12. Legal Information Institute – Cornell Law School. What is “Electronic Document”?. Nhận từ: https://www.law.cornell.edu/cfr/text/40/3.3
  13. Nguyễn Thị Hà. (2023). Xây dựng và quản lý văn bản điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số, 325(1), 62-65. Nhận từ: https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/02/20/tap-chi-qlnn-so-325-02-2023/
  14. Nguyễn Văn Chung. (2019). Thực hiện tốt công tác nghiệp vụ đảng viên góp phần thực hiện tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng. Nhận từ: https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/thuc-hien-tot-cong-tac-nghiep-vu-dang-vien-gop-phan-thuc-hien-tot-cong-tac-to-chuc-xay-dung-dang/24021-58053-360995
  15. Vũ Đăng Minh. (2021). Một số vấn đề lý luận về quản lý tài liệu điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước. Nhận từ: https://snv.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/aRIn3er4plGA/content/mot-so-van-e-ly-luan-ve-quan-ly-tai-lieu-ien-tu-trong-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc

 

[Lời Ban Biên tập Website]:

Bài viết là toàn văn tham luận của nhóm tác giả VÕ LẬP PHÚC, NGUYỄN PHAN HOÀNG ANH, NGUYỄN THỊ KIM ÁNH, LÊ THANH THOẠI thuộc đơn vị Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào ngày 20/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Có thể tham khảo tại: Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. (2024). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.107-108.

ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN VÀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐ CHO THANH NIÊN TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Tóm tắt: Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, đào tạo trực tuyến và phát triển kỹ năng số trở nên càng cần thiết hơn để thanh niên có thể nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức và phát triển năng lực. Các nền tảng đào tạo trực tuyến cung cấp cho thanh niên một loạt các khóa học và chứng chỉ từ cơ bản đến nâng cao, trong các lĩnh vực khác nhau, giúp họ có thêm kiến thức và kỹ năng mới. Học trực tuyến cũng giúp thanh niên có thể tận dụng thời gian và không gian linh hoạt để học hỏi và phát triển bản thân. Ngoài ra, để thanh niên có thể tiếp cận nhiều cơ hội việc làm trong thế giới kỹ thuật số, kỹ năng số là một yếu tố then chốt. Việc đào tạo trực tuyến và phát triển kỹ năng số cung cấp cho thanh niên các công cụ hữu ích để trở thành nhân tài có năng lực và khả năng thích nghi với thế giới số ngày càng phát triển. [Read more…]

KINH NGHIỆM ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA ĐỘI TRÍ THỨC TRẺ TP. HỒ CHÍ MINH TẠI TỈNH ĐỒNG THÁP

Tóm tắt: Xây dựng xã nông thôn mới, “Làng quê đáng sống” là một chủ đề được quan tâm và đầu tư trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc xây dựng xã nông thôn mới không chỉ đơn thuần là xây dựng nhà cửa, mà cần đến nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, tri thức, mức độ tiếp cận của người dân về công nghệ… Chuyển đổi số hiện nay đang là xu hướng phát triển của đa số các lĩnh vực, trở thành công cụ không thể thiếu để nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của mỗi người. Điều này đòi hỏi cần có nhiều nguồn lực và sự hỗ trợ của công nghệ để phát triển. Trong đó nguồn lực mạnh mẽ và tiên phong nhất là đến từ thanh niên, thế hệ trí thức trẻ thực hiện thông qua các hoạt động tình nguyện từ đó đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới , “Làng quê đáng sống” và xây dựng đất nước. Từ thực tiễn của Đội trí thức trẻ TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Đồng Tháp, tác giả đã đưa ra các mô hình đã thực hiện gắn với chuyển đổi số, từ đó nghiên cứu đánh giá ưu điểm, nhược điểm của mô hình. Đưa ra các so sánh với đội hình tình nguyện truyền thống. Từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt các hoạt động tình nguyện gắn chuyển đổi số theo hướng trí thức trẻ.

Từ khóa: Chuyển đổi số, trí thức trẻ, thanh niên, tình nguyện

Abstract: Building new rural areas and livable villages is a topic of concern and investment in recent years. However, constructing new rural areas is not only about building houses, but also requires many other factors such as infrastructure, economy, society, knowledge, and people’s access to technology… Digital transformation is currently a development trend in most fields, becoming an indispensable tool to improve the effectiveness and quality of people’s lives. This requires many resources and technological support for development. The most powerful and pioneering resource comes from young people, the young intellectuals who carry out voluntary activities to contribute to the construction of new rural areas, livable villages, and building the country.

Key words: Digital transformation, young intellectuals, young adult, volunteer.

 

  1. Đặt vấn đề

“Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” – Đó là lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Cách mạng 4.0 đã và đang thay đổi không chỉ các ngành kinh tế và sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, giáo dục và tình nguyện. Đặc biệt, trí thức trẻ và tình nguyện đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng 4.0 mà trước hết là hoạt động chuyển đổi số. Vận dụng vào việc xây dựng “Làng quê đáng sống”, xã hội đáng sống.

Trí thức trẻ là những người trẻ tuổi sở hữu kiến thức và khả năng của mình trong các lĩnh vực liên quan đến cách mạng 4.0. Tuy nhiên, chuyển đổi số đòi hỏi họ cần phải cập nhật liên tục kiến thức, kỹ năng mới qua các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Để thực hiện được điều này, trí thức trẻ cần có sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng để tạo ra những môi trường học tập, trao đổi, huấn luyện và thực hành mới phù hợp với yêu cầu của cách mạng 4.0.

Tình nguyện cũng đóng vai trò không thể thiếu trong sự chuyển đổi số này. Hoạt động tình nguyện giúp trí thức trẻ rèn luyện kỹ năng, tìm hiểu thêm về cách mạng 4.0 và đóng góp những ý tưởng sáng tạo của mình cho cộng đồng. Tình nguyện còn có thể thúc đẩy sự thay đổi cách suy nghĩ, giúp trí thức trẻ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc chuyển đổi số, tạo ra những thông điệp tích cực hướng tới một cộng đồng, một thế giới tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, việc tận dụng trí thức trẻ và tình nguyện trong sự chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Đối với trí thức trẻ, thị trường lao động sôi động với nhiều cơ hội mới làm cho họ thường xuyên bị xao nhãng tâm trí, từ đó bỏ lỡ các hoạt động tình nguyện tiềm năng. Đối với tình nguyện, việc thiếu nguồn lực, vật chất và các chính sách hỗ trợ thích hợp của chính phủ cũng khiến cho việc phát triển tình nguyện gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để tận dụng tối đa trí thức trẻ và tình nguyện trong sự chuyển đổi số, cần phải xây dựng các chiến lược, các chính sách quan trọng về cả trí thức trẻ và tình nguyện. Các chính sách này cần đảm bảo cơ hội, sự khuyến khích và động viên trí thức trẻ để tham gia các hoạt động tình nguyện, cần thúc đẩy quá trình tập huấn, đào tạo, nghiên cứu để trí thức trẻ có thể theo kịp xu hướng phát triển cách mạng 4.0. Các chính sách này cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ nguồn lực, vật chất, pháp lý, đóng góp cho sự phát triển tình nguyện và sự chuyển đổi số.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời đại hiện nay, việc xây dựng “Làng quê đáng sống” và xã nông thôn mới là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Từ đó, nhiều công trình được triển khai để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặc biệt là trong các tỉnh miền Tây. Và để đạt được mục đích đó, nhiều kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số từ Đội Trí thức Trẻ TP. Hồ Chí Minh đã được cộng đồng nông thôn tại tỉnh Đồng Tháp áp dụng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số của Đội Trí thức Trẻ TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Đồng Tháp để xây dựng “Làng quê đáng sống” và xã nông thôn mới.

Tìm hiểu về quá trình chuyển đổi số tại Đội Trí thức Trẻ TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Đồng Tháp, những ứng dụng tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Đồng thời, bài viết cũng sẽ phân tích các kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện dự án, đánh giá hiệu quả của các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đối với phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng nông thôn. Nhờ đó, chúng ta sẽ nắm được những kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra các giải pháp hiệu quả để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tóm lại, trí thức trẻ và tình nguyện đóng vai trò rất quan trọng trong sự chuyển đổi số của cách mạng 4.0. Việc tận dụng tối đa trí thức trẻ và tình nguyện cũng cần có sự đồng hành của các chính sách phù hợp, giúp tạo ra cân bằng giữa quyền lợi của trí thức trẻ, tình nguyện và sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

  1. Cơ sở lý luận

2.1. Các khái niệm

Trí thức: khái niệm trí thức được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, trí thức được hiểu là “người lao động trí óc”, “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà họ làm ra,…”. Hay một quan điểm khác lại cho rằng: “Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ”. Định nghĩa về trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “những người lao động trí óc”, “là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy…”. Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam lại định nghĩa trí là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh. Tại Nghị quyết số 27/NQ/TW ngày 06/08/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đưa ra định nghĩa cụ thể về trí thức: “Tri thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cho xã hội”. Vì vậy, điểm khác biệt để phân biệt trí thức với các tầng lớp khác trong xã hội là trí thức làm việc bằng trí óc. Họ thường nhạy bén với cái mới, tiếp thu những tư tưởng đổi mới, tiến bộ và phổ biến đến nhân dân, có vai trò to lớn đối với sự phát triển của lịch sử, nhất là trong thời đại mới, thời đại của công nghệ 4.0.

Trí thức trẻ tình nguyện được ghép bởi hai cụm từ “trí thức” và “tình nguyện” xen giữa là từ “trẻ”. Từ định nghĩa trí thức ở trên, chúng ta có thể hiểu trí thức trẻ tình nguyện là những con người trẻ, nhiệt huyết, tận tâm vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và tài năng của mình để sử dụng trong các hoạt động tình nguyện nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đây là một hình thức tình nguyện mới, khác với tình nguyện lao động hay hiện vật, mang tính chất chuyên môn và thường được triển khai bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu trẻ.

Chuyển đổi số được định nghĩa là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.

“Làng quê đáng sống” ngày nay có thể hiểu theo nhiều khía cạnh. Nhưng khía cạnh đơn giản có thể hiểu là nơi có môi trường sống trong lành, an toàn cho sức khỏe của cư dân. Nơi đó cần phải được đảm bảo về an ninh, trật tự và đủ các tiện ích cơ bản để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Có sự gắn kết giữa cộng đồng, tình thân ái lửa, đoàn kết với nhau trong tất cả các hoạt động. Có sự ổn định về kinh tế, phù hợp với diện tích, tài nguyên của địa phương, phát triển trang trại, nông nghiệp, thương mại nhỏ, du lịch nông thôn và các ngành nghề khác. Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của làng quê. Có khả năng phát triển bền vững, hài hòa với tự nhiên, không gây ra thiệt hại hoặc ô nhiễm môi trường,… Tóm lại, một “Làng quê đáng sống” là nơi cư dân được sống trong môi trường sống lành mạnh, hạnh phúc, gắn kết bền vững, với các tiện ích cơ bản, các hoạt động phát triển kinh tế và văn hóa, cùng với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh.

Nếu xét theo tính đặc điểm, mô hình “”Làng quê đáng sống”” là một mô hình phát triển nông thôn bền vững, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Mô hình này thường có những đặc điểm chung sau:

– Tập trung vào phát triển kinh tế xã hội địa phương: mô hình làm việc tập trung vào việc xây dựng các địa điểm kinh doanh địa phương, phát triển các sản phẩm địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương.

– Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên: mô hình thường có sự quan tâm sâu sắc đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, để đảm bảo sự bền vững của mô hình.

– Phát triển cộng đồng: mô hình đặc biệt chú trọng vào việc tạo ra một cộng đồng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, và tăng cường sự gắn kết giữa thành phố và nông thôn.

– Tăng cường an sinh xã hội: mô hình đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, bao gồm các yếu tố như giao thông thuận tiện, trường học và chợ địa phương, dịch vụ y tế và các tiện ích khác.

Tổng quát, mô hình “”Làng quê đáng sống”” nhằm tạo ra một môi trường sống lành mạnh và bền vững cho người dân nông thôn, tăng cường sự phát triển kinh tế và xã hội địa phương và đảm bảo bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Chuyển đổi số đang có vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống cho người dân ở các khu vực nông thôn, bao gồm cả mô hình “Làng quê đáng sống”. Một số ảnh hưởng của chuyển đổi số đối với mô hình “Làng quê đáng sống” có thể bao gồm:

– Cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất: Công nghệ số có thể giúp cho người nông dân quản lý đất đai, cây trồng và động vật hiệu quả hơn, điều này giúp tăng năng suất và lợi nhuận cho họ.

– Cung cấp những dịch vụ tài chính tiện lợi: Công nghệ số cho phép người dân nông thôn thực hiện các giao dịch tài chính qua mạng, điều này giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho họ.

– Cải thiện trình độ học vấn: Công nghệ số cung cấp nhiều cơ hội để học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Chẳng hạn như dùng điện thoại thông minh để truy cập các khóa học trực tuyến.

– Cải thiện hạ tầng và tiện ích: Công nghệ số giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn bằng cách kết nối họ với đường thông tin, điện, nước và các tiện ích khác.

– Tạo ra các cơ hội kinh doanh mới: Công nghệ số giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho người dân nông thôn, bao gồm cả việc tiếp cận với thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số có thể giúp cho mô hình “Làng quê đáng sống” phát triển, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn và giúp tạo ra các cơ hội mới cho họ

Việc gắn kết giữa trí thức trẻ tình nguyện trong công cuộc chuyển đổi số để xây dựng “Làng quê đáng sống” là đóng góp cho sự phát triển của làng quê. Bằng cách tận dụng tri thức và sức mạnh của người trẻ để xây dựng cộng đồng xã hội vững mạnh, tăng cường giá trị sống và yêu thương bền vững cho những người dân trong làng.

2.2. Các chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện của thanh niên, của đội ngũ trí thức trẻ

Ngay từ khi xuất hiện làn sóng Cách mạng công nghệ 4.0, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách chủ động tận dụng cơ hội này, đó là khuyến khích ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế – xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng được xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới (theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030).

Các chủ trương, chính sách lớn về chuyển đổi số của Việt Nam được thể hiện qua thông qua:

– Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

– Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

– Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

– Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 Phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

– Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Như vậy Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về ban hành chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Còn đối với thanh niên, gồm các chính sách phát triển:

Trong những năm gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dành cho thanh niên đã ra đời, tiêu biểu như:

– Luật Thanh niên năm 2020.

– Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

– Quyết định số 1331/QĐ-TTg có đặt ra quan điểm về phát triển thanh niên như sau: “Chiến lược phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với giới trẻ và kỳ vọng thanh niên là lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Và trong đó Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022-2030”. Với mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo… trong bối cảnh chuyển đổi số. Các cấp bộ Đoàn phấn đấu đến năm 2030, trên 80% thanh thiếu niên được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện; hơn 80% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hơn 90% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.

Và gần đây nhất, vào ngày 09/01/2023 tại Hội nghị BCH Trung ương Đoàn lần thứ 2, khóa XII đã quyết định chọn chủ đề công tác năm 2023 là: “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Với việc chọn chủ đề công tác “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” là một nội dung mới, rất khó nhưng cho thấy các cấp bộ Đoàn trong cả nước đồng lòng, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong các nhiệm vụ và chủ động thực hiện các nội dung chương trình, nhằm thúc đẩy chung tay trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Từ những điều kiện về cơ sở lý luận đó, thanh niên thế hệ Việt Nam, trí thức trẻ cần ra sức đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số này. Bởi lẻ, trong công cuộc này thanh niên không phải là người chuyển đổi số thì sẽ là ai?.

2.3. Vai trò của trí thức – khoa học trẻ tình nguyện trong công cuộc chuyển đổi số

Tri thức và khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số. Những người trẻ tuổi hiện nay đã là thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong môi trường sống số hóa, họ có tri thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến công nghệ thông tin, internet và lĩnh vực thuộc chuyển đổi số.

Sự kết hợp giữa trí thức và tình nguyện của giới trẻ hiện nay đã tạo ra một làn sóng tích cực trong hoạt động tình nguyện ở nhiều lĩnh vực. Trí thức tình nguyện đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cộng đồng, xây dựng đất nước phát triển, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, nó đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Là một phần quan trọng và không thể thiếu trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Đóng vai trò chủ chốt trong việc xác định và triển khai các ứng dụng công nghệ mới và giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.

Vì những điều đó, trí thức – khoa học trẻ tình nguyện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số như:

Thứ nhất, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng, sản phẩm công nghệ số mới: Trí thức trẻ có thể tận dụng kiến thức và kinh nghiệm để tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, từ smartphone, ứng dụng, trò chơi, website cho đến các sản phẩm sáng tạo khác trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Thứ hai, tạo ra giá trị số: Các bạn trẻ có thể tham gia vào việc tạo giá trị cho thành phố, địa phương và người dân bằng cách đưa ra các giải pháp công nghệ mới và sáng tạo.

Thứ ba, xây dựng cộng đồng trực tuyến: Những trí thức trẻ giờ đây không chỉ đã biết cách sử dụng các nền tảng trực tuyến mà còn biết cách tạo ra và quản lý các cộng đồng trực tuyến. Xây dựng các website, app mới, giúp cho việc tiếp cận thông tin và truyền thông, tăng cường khả năng quản lý dữ liệu và quản trị cho các tổ chức. Là những công cụ tuyệt vời để kết nối mọi người trong cộng đồng và chia sẻ thông tin, đồng thời tạo dựng một cộng đồng bền vững với tình yêu và kỹ năng.

Thứ tư, tham gia vào các hoạt động giáo dục và đào tạo về chuyển đổi số: trí thức trẻ có thể giúp đỡ trong việc xây dựng các hệ thống giáo dục và đào tạo mới phát triển kỹ năng chuyển đổi số cho cộng đồng, giúp nâng cao khả năng sử dụng công nghệ và tăng cường độ tin cậy cho các giải pháp công nghệ mới.

Thứ năm, tư vấn và hỗ trợ người dân trong việc sử dụng công nghệ giúp đỡ và tư vấn cho người dân trong việc sử dụng công nghệ, đồng thời giúp giải đáp các thắc mắc và khó khăn có liên quan đến chuyển đổi số. Giúp các trẻ em và người dân có được các kỹ năng cần thiết để để sử dụng công nghệ trong cuộc sống tham gia và phát triển trong môi trường số hóa.

Thứ sáu, tạo ra sự đổi mới và thách thức các giá trị thông thường: Trí thức trẻ có khả năng đưa ra những ý tưởng mới, táo bạo và đổi mới, giúp đẩy nhanh sự phát triển và thách thức các giá trị thông thường, từ các công nghệ chắp cánh đến kiến trúc đô thị, mang lại những thay đổi đáng kể đối với cuộc sống của mọi người.

Tóm lại với những vai trò trên, khi trí thức trẻ tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, vận dụng các giá trị, kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn từ chuyển đổi số để ứng dụng vào hoạt động xã hội và tình nguyện hỗ trợ cho cộng đồng sẽ giúp tạo ra giá trị kinh tế và xã hội mới. Đóng góp cho cộng đồng và đất nước trong việc phát triển và chuyển đổi số.

  1. Thực tiễn tại địa phương

Thực hiện Kế hoạch số 524-KH/TWĐTN-TNNT ngày 03/06/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về Tổ chức Mạng lưới Trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới và thành lập 10 Đội hình Trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên, người dân trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2022.

Thành phần gia gia Đội hình Trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên người dân gồm: các giảng viên trẻ, sinh viên, nhà khoa học trẻ, thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi,… thành lập đội thanh niên tình nguyện để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới thôn bản.

Với các nhiệm vụ như: tổ chức nghiên cứu, khảo sát điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, phân tích, đánh giá lợi thế của địa phương, tham gia hỗ trợ phát triển nông thôn mới. Được thực hiện ở các làng, các khu định cư để vận động, phổ biến, đào tạo, hướng dẫn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên và nhân dân. Hỗ trợ, hướng dẫn thanh niên và người dân sử dụng công nghệ số để kiểm soát chất lượng và chỉ dẫn địa lý. Thiết lập các mối quan hệ thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử. Cách thức đăng ký và xây dựng nhãn hiệu nông sản Việt. Công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm sạch. Kết nối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

Đội hình của thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được phân công triển khai hoạt động tại Ấp 01, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp (là địa điểm do Trung ương Đoàn lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình “Làng quê đáng sống”).

Nhận được nhiệm vụ ý nghĩa đó, ngày 15/07/2022 Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ra quân Đội hình Tình nguyện trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ tại tỉnh Đồng Tháp. Qua đó tập hợp, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của lực lượng trí thức trẻ, giúp cho đoàn viên thanh niên và người dân tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cũng như hỗ trợ các hoạt động xây dựng nông thôn mới.

Đội hình bao gồm 26 trí thức trẻ tình nguyện thường trực do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ – Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phụ trách được chia thành 6 đội hình chính bao gồm: Đội hình Tư vấn phát triển nông nghiệp; Đội hình Cải cách hành chính; Đội hình Tư vấn các kỹ năng sống cho học sinh; Đội hình Công nghệ thông tin; Đội hình Tổ chức Chuyến xe công nghệ; Đội hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe. Các đội hình đã triển khai các hoạt động trên địa bàn huyện Tháp Mười – tỉnh Đồng Tháp từ ngày 17/7 đến ngày 30/7/2022. Với các hoạt động đa dạng như: tư vấn phát triển nông nghiệp, du lịch cộng đồng, cải cách hành chính, chuyển đổi số, tập huấn các kỹ năng sống và tổ chức sân chơi khoa học cho học sinh.

3.1. Mô hình chuyển đổi số tại địa phương

Với mục tiêu là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên, người dân tại địa phương gắn với các hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số qua giúp người dân tiệm cận hơn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay từ đầu khi thành lập đội hình, các trí thức trẻ cùng Ban tổ chức chương trình đã xem xét, lên các phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai hoạt động. Đưa những nội dung cốt lỗi, thực tiễn phù hợp với tình hình tại địa phương và mục tiêu tôn chỉ của Trung ương Đoàn đặt ra.

06 đội hình với hình thức, phương án hoạt động khác nhau nhưng trọng tâm nội dung hoạt động đều là khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Đối với Đội hình Cải cách hành chính: nòng cốt thành viên là các bạn sinh viên đến từ Học viện Cán bộ TP.HCM. Với kiến thức chuyên môn vận dụng vào các phần việc thực tiễn với tôn chỉ “tập sự phục vụ nhân dân”. Đội hình đã đến 03 UBND xã tại huyện Tháp Mười (xã Tân Kiều, xã Mỹ An, xã Mỹ Hòa) để hỗ trợ hoạt động cải cách hành chính, giúp đỡ hướng dẫn người dân khi đến Ủy ban thực hiện các thủ tục. Hỗ trợ nhập hơn 3000 dữ liệu tiêm ngừa vắc xin Covid-19, nhập hơn 1000 mã định danh, hỗ trợ hơn 2000 lượt hồ sơ trực tuyến, sắp xếp và lưu trữ hơn 2500 hồ sơ, hỗ trợ hơn 300 lượt người dân đăng ký và sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội VssID…. Thực hiện tập huấn chuyên đề Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lưu trữ  tại Trường THPT Tháp Mười dưới sự tham gia các công chức, viên chức thuộc Huyện Tháp Mười. Đặc biệt đội hình đã giúp UBND các xã chuyển đổi số, số hóa thông tin dữ liệu lên hệ thống, xây dựng webside và ra mắt cổng thông tin điện tử cho 03 xã. Song đội hình còn giúp 03 xã tạo lập trang thông tin trên mạng xã hội Facebook.  Mã hóa bằng mã QR code tuyên truyền cho người dân biết và truy cập, theo dõi để biết các thông tin về hoạt động cũng như thông báo từ chính quyền đến với người dân.

Đối với Đội hình Tư vấn phát triển nông nghiệp: Đội hình đã thực hiện các chuyên đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như: “Đăng ký tem, mã cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn và truy xuất nguồn gốc cho nông sản”; “Phát triển du lịch cộng đồng cho nông thôn”; Nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương, đội hình báo cáo đã chuyên đề “Ứng dụng chuyển đổi số, số hóa trong xây dựng An ninh Quốc phòng gắn với sản xuất và phát triển nông thôn mới” cho nông dân, dân quân tự vệ của các xã trên địa bàn huyện Tháp Mười. Chuyên đề Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Đội hình tham gia Chương trình “Trải nghiệm một ngày làm cùng nông dân” theo chủ đề “Bảo quản xử lý sau thu hoạch và tiêu chuẩn sản phẩm OCOP”, trong đó Đội hình thực hiện báo cáo chuỗi các chuyên đề về nông nghiệp như: “Ứng dụng chuyển đổi số trong chương trình OCOP”, “Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm theo chương trình OCOP”,…

Đối với Đội hình Tư vấn các kỹ năng sống cho học sinh: việc chuyển đổi số cũng được chú trọng thông qua thực hiện các chuyên đề “Quản lý tài chính cá nhân” – hướng dẫn các em học sinh sử dụng các ứng dụng, phần mềm, tiện ích trên điện thoại thông minh, máy tính để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả; Tập huấn Phương pháp học tập bằng sơ đồ tư duy – Mindmap; Chuyên đề “Cảm hứng học môn Lịch sử và phát triển truyền thống lịch sử địa phương” thông qua các trang tin, cổng thông tin của địa phương; Chuyên đề: Kiến thức công nghệ số cho trẻ em và những điều phụ huynh nên biết.

Đội hình Chuyến xe Công nghệ: Hành trình Chuyến xe Công nghệ tổ chức các buổi sân chơi Khoa học vui qua những thí nghiệm khoa học được vận dụng kiến thức từ các môn học cùng với các gian hàng trò chơi khoa học; Trải nghiệm kính thực tế ảo; Trải nghiệm thư viện đọc sách của Chuyến xe Công nghệ; Trên Chuyến xe Công nghệ, các em học sinh được tham gia cuộc thi “Tài năng Anh ngữ TP. Hồ Chí Minh năm 2022 – Genius in English”, tổ chức Minigame với bộ câu hỏi Tư duy sáng tạo, lớp học lập trình Scarch;…

Đội hình Công nghệ thông tin: Thực hiện lắp ráp 20 máy tính từ Chương trình Máy tính cũ – Tri thức mới tại Trường Tiểu học Tân Kiều 1. Nơi đây cũng là địa điểm diễn ra các lớp học Internet dành cho học sinh. Đội hình tổ chức các lớp học thiết thực về công nghệ thông tin như: “Hướng dẫn thiết kế Poster trên nền tảng Canva”; buổi giảng về lập trình Website cho các em học sinh trường THCS Tân Kiều; Khai giảng và thực hiện lớp hướng dẫn sử dụng Smartphone và Internet dành cho người dân. Sửa chữa máy tính cho người dân; Khai giảng và thực hiện lớp tin học căn bản, sử dụng Internet cho người dân; Tập huấn: Kỹ năng bảo mật, an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng; Ứng dụng phần mềm công nghệ trong thiết kế bài giảng, thiết kế học tập;…

Đội hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe: Thực hiện chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe cho học sinh” thu hút hơn 55 học sinh tham gia. Trong chuyên đề, Đội hình đặc biệt nhấn mạnh tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại cho trẻ em và luật bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em tại Trung tâm Văn hóa Cộng đồng xã Tân Kiều;…

3.2. Hiệu quả thực hiện – Đánh giá

Việc xây dựng các kế hoạch, hành động thực hiện của chương trình phải lồng ghép vào đó các hoạt động có liên quan đến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đặc biệt là những nội dung về chuyển đổi số thật sự rất khó. Tuy nhiên, đội hình đã cố gắng thích ứng và đưa vào đảm bảo phù hợp với tiêu chí, mục tiêu mà Trung ương Đoàn đã đề ra cho đội hình.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số gia tăng, Đội Trí thức Trẻ TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện một mô hình thành công, tạo nên kinh nghiệm rất đáng quý để áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng “Làng quê đáng sống” tại Đồng Tháp.

Nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin và kết hợp các hoạt động tình nguyện, đội trí thức trẻ của TP. Hồ Chí Minh đã giúp cộng đồng nông thôn tại Đồng Tháp giải quyết nhiều vấn đề, như cải thiện môi trường, nâng cao sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn cho người dân.

Việc áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng “Làng quê đáng sống” tại Đồng Tháp có thể là một bước ngoặt quan trọng, giúp tăng trưởng kinh tế, phát triển nông thôn bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mô hình này có thể được mở rộng, ứng dụng vào các lĩnh vực khác và giúp cho Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân.

Nhìn chung hiệu quả chuyển giao, và cách tiệm cận của người dân, thanh niên tại địa phương phản ánh là tương tốt thông qua các buổi tập huấn chuyên đề số lượt tham gia ngày càng đông và nhu cầu tiếp cận của người dân nơi đây là rất nhiều. Học sinh, các em nhỏ ở nơi đây tiếp cận được nhiều hơn với những tiện ích thông minh, vận dụng tối ưu hiệu quả các thiết bị di động thông minh phục vụ cho việc học tập và quản trị đời sống hằng ngày. Đội tình nguyện trí thức trẻ đã cung cấp kiến thức chuyên môn, thông tin cập nhật và giải pháp khoa học công nghệ để hỗ trợ cộng đồng tại địa phương trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chăn nuôi, kinh tế, tâm lý, giáo dục,… Tổ chức các khóa đào tạo sử dụng Internet cho cộng đồng nông thôn, giúp người dân có thêm kỹ năng và kiến thức cần thiết để tăng cường năng lực sống và phát triển bền vững. Giúp các thanh niên trẻ phát triển kỹ năng, khai thác tối đa tiềm năng trí tuệ của mình và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động tình nguyện, góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng nông thôn.

Từ đó có thể thấy, đội tình nguyện trí thức trẻ có thể giúp tăng khả năng vượt qua các thách thức, cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng nông thôn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, đội tình nguyện trí thức trẻ cần được tổ chức và thực hiện hoạt động đầy đủ và chuyên nghiệp.

  • Nhận định sự khác nhau với đội hình tình nguyện truyền thống

Với đặc thù là đội hình trí thức trẻ, việc tình nguyện là mang tri thức mới đến gần hơn với người dân, thanh niên ở xã nông thôn. Khác với các mô hình, đội hình tình nguyện nguyện truyền thống thường hoạt động trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường, xây dựng cộng đồng, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ em và người già. Các hoạt động này thường xoay quanh việc giúp đỡ, hỗ trợ và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Trong khi đó, đội tình nguyện trí thức trẻ thường tập trung vào việc cung cấp kiến thức chuyên môn cho cộng đồng thông qua việc đào tạo kỹ năng chuyên môn, tư vấn giải pháp khoa học công nghệ, tổ chức các hoạt động sáng tạo và đổi mới.

Phương pháp hoạt động: Cả hai loại đội tình nguyện này đều hoạt động dựa trên nguyên tắc tình nguyện và giúp đỡ cộng đồng, nhưng có sự khác biệt về phương pháp. Đội tình nguyện truyền thống thường sử dụng các công cụ và kĩ thuật đơn giản như sơn, cây trồng, vệ sinh,… để giải quyết các vấn đề cụ thể. Trong khi đó, đội tình nguyện trí thức trẻ sử dụng các công nghệ, phương pháp đổi mới để đưa ra các giải pháp đột phá cho các vấn đề cụ thể.

Kiến ​​thức và kinh nghiệm: Đội tình nguyện truyền thống thường có nhiều thành viên có kinh nghiệm và kiến ​​thức cơ bản trong lĩnh vực của họ như y khoa, giáo dục, xây dựng, v.v. Trong khi đó, đội tình nguyện trí thức trẻ thường có thành viên sở hữu nhiều kiến thức chuyên môn với sức tập trung cao, tinh thần sáng tạo và sự công nghệ hóa cao, nhưng đôi khi thiếu kinh nghiệm về thực tế và phản hồi từ cộng đồng.

Hiệu quả hoạt động tình nguyện giữa 2 đội hình tình nguyện truyền thống và tình nguyện tri thức trẻ đối với cộng đồng tiếp nhận:

– Đội hình tình nguyện truyền thống thường được hình thành dựa trên nhu cầu của cộng đồng trong địa phương và được tập trung vào các hoạt động vì lợi ích cộng đồng như xây dựng nhà cửa, sửa chữa đường phố, hoặc tạo ra những hoạt động vui chơi trong khu vực. Thế nên, đội ngũ tình nguyện viên trong đội hình truyền thống thường gần gũi trong cộng đồng, và tinh thần tình nguyện của họ rất cao, đó là sự nỗ lực của mỗi cá nhân để giúp đỡ và phát triển cộng đồng của mình.

– Đội hình tình nguyện tri thức trẻ, mô hình này mang tính khởi nghiệp, được phát triển từ các cơ sở giáo dục hoặc tổ chức, gồm các thành viên trẻ tuổi hơn, các nhà khoa học trẻ và với công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn. Họ có thể tập trung vào các hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông hoặc phát triển kinh tế. Đây là một hình thức tình nguyện tri thức được đánh giá là hiệu quả hơn vì có thể áp dụng công nghệ hiện đại và quản lý hoạt động tình nguyện tốt hơn.

Trong việc đánh giá hiệu quả, đội hình tình nguyện truyền thống thường được đánh giá cao về sự kiên nhẫn, kinh nghiệm và khả năng thích nghi với các vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động. Tuy nhiên, đội hình tình nguyện tri thức trẻ thường đem lại các nhận thức mới, các kỹ năng mới và sự tươi trẻ, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề phát sinh. Đặc biệt, những đội hình tình nguyện tri thức trẻ có thể áp dụng các công nghệ mới và các phương pháp tiếp cận cộng đồng hiện đại hơn, mang đến hiệu quả cao hơn trong việc giải quyết các vấn đề.

Tóm lại, cả 2 đội hình tình nguyện đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Đội tình nguyện truyền thống và đội tình nguyện trí thức trẻ đều đóng góp cho cộng đồng nông thôn theo những khả năng và mục đích của mình, và từ đó đều cần được đánh giá về hiệu quả của công việc, sự đóng góp và tác động tích cực của họ đến cộng đồng nông thôn.

  • Đánh giá ưu – nhược điểm của đội hình trí thức trẻ tình nguyện

Từ kết quả thực hiện thực tiễn và nhìn nhận chung về mô hình tác giả rút ra 07 ưu điểm sau đây:

– Sự sáng tạo: Thanh niên trẻ thường có sáng tạo và đam mê thử nghiệm, điều này giúp đội tình nguyện trí thức trẻ có nhiều giải pháp đột phá và sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng nông thôn.

– Công nghệ hóa: Thanh niên trẻ hiện nay đều được học tập về công nghệ, từ đó có thể ứng dụng các giải pháp công nghệ vào việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng nông thôn và đạt được hiệu quả cao hơn.

– Khả năng thích nghi: Thanh niên trẻ có khả năng thích nghi tốt hơn với những thay đổi, điều này giúp đội tình nguyện trí thức trẻ có thể thích nghi tốt hơn với các trường hợp, tình huống khác nhau để đạt được mục tiêu của mình.

– Tác động tích cực đến cộng đồng: Các đội tình nguyện trí thức trẻ có thể giúp cộng đồng nông thôn giải quyết các vấn đề thực tế hiệu quả hơn, từ đó tăng cường năng suất lao động và phát triển bền vững của khu vực.

– Truyền cảm hứng cho cộng đồng: Thanh niên trẻ trong đội tình nguyện trí thức có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng nông thôn bằng việc thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết trong những hoạt động tình nguyện.

– Đa dạng kỹ năng: Đội tình nguyện trí thức có thể có các thành viên với các chuyên môn và kỹ năng khác nhau, từ đó có thể đáp ứng nhiều nhu cầu cụ thể của cộng đồng nông thôn.

– Tạo mối quan hệ tích cực: Thành viên trong đội tình nguyện trí thức trẻ có thể tạo mối quan hệ tích cực với cộng đồng nông thôn, giúp xây dựng niềm tin và sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.

Và 06 nhược điểm:

– Kinh nghiệm còn hạn chế: Thành viên trong đội tình nguyện trí thức trẻ thường còn đang bắt đầu tìm hiểu và trải nghiệm với nhiều vấn đề thực tiễn, điều này khiến cho họ thiếu kinh nghiệm và khả năng áp dụng các giải pháp thực tế.

– Tái mô hình: Làm thế nào để phân bổ các thành viên thành công nhóm hoạt động để đạt được sự hiệu quả cao và không bị tái mô hình hàng ngày là một trong những thách thức mà đội tình nguyện trí thức trẻ gặp phải.

– Thiếu tài trợ: Các đội tình nguyện trí thức trẻ thường thiếu tài trợ để triển khai các hoạt động và giải pháp mới, hạn chế khả năng của họ trong việc thực hiện các hoạt động giúp cộng đồng.

– Thời gian thực hiện hạn chế: Các thanh niên trẻ trong đội tình nguyện trí thức có thể bị hạn chế về thời gian do phải đồng thời học tập và làm việc.

– Thiếu sự ủng hộ của cộng đồng: Khi cộng đồng không hoàn toàn hiểu và ủng hộ hoạt động của đội tình nguyện trí thức, đội tình nguyện có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.

– Vấn đề phát triển đội nhóm: Đội tình nguyện trí thức trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển đội nhóm do sự chênh lệnh giữa trình độ và kinh nghiệm của các thành viên trong đội.

Tóm lại, đội tình nguyện trí thức trẻ có nhiều ưu điểm như sự sáng tạo, khả năng áp dụng công nghệ và tác động tích cực đến cộng đồng, nhưng cũng có nhược điểm nhất định như thiếu kinh nghiệm và khả năng áp dụng giải pháp thực tế. Đội hình cần nỗ lực để tận dụng các ưu thế và khắc phục những hạn chế này để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc tình nguyện của mình.

  1. Bài học kinh nghiệm và kiến nghị giải pháp

4.1. Bài học kinh nghiệm

Về đội tình nguyện tri thức trẻ, đây là một loại đội tình nguyện mới tại Việt Nam, được thành lập nhằm khai thác tối đa tiềm năng tri thức của các thanh niên trẻ. Về mặt tính năng lực, đội tình nguyện trí thức trẻ thường có đội hình vừa mới thành lập, chưa có khả năng và kinh nghiệm thực tế như các đội tình nguyện truyền thống. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, đam mê, tinh thần sáng tạo và sự công nghệ hóa cao, các đội tình nguyện trí thức trẻ trở thành một nguồn lực quan trọng cho cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo kỹ năng chuyên môn, giúp tăng cường năng lực sống và phát triển bền vững cho cộng đồng nông thôn.

Từ những ưu điểm và nhược điểm của đội tình nguyện tri thức trẻ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác tình nguyện chuyển đổi số như sau:

– Tận dụng sự sáng tạo của thanh niên trẻ: Sự sáng tạo của thanh niên trẻ là tài sản quý giá, có thể giúp tạo ra những giải pháp mới cho các vấn đề của cộng đồng. Do đó, cần tận dụng sự sáng tạo của thanh niên trong các hoạt động tình nguyện.

– Định hướng rõ ràng cho hoạt động: Đội tình nguyện trí thức trẻ cần đặt mục tiêu và định hướng rõ ràng cho hoạt động, để đảm bảo các hoạt động của đội đạt được hiệu quả cao nhất.

– Xây dựng chiến lược dài hơi: Để giải quyết các vấn đề của cộng đồng một cách bền vững, đội tình nguyện trí thức trẻ cần thiết lập các chiến lược dài hơi, không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại, mà còn xây dựng cho tương lai.

– Hợp tác với các cơ quan địa phương: Đội tình nguyện trí thức trẻ nên hợp tác với các cơ quan địa phương để đạt được mục tiêu của mình, tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.

– Điều chỉnh và cải tiến hoạt động: Cần điều chỉnh và cải tiến hoạt động của đội tình nguyện trí thức theo thời gian, để đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế và đạt được thành quả tốt nhất.

– Tăng cường kết nối và chia sẻ kinh nghiệm: Đội tình nguyện trí thức trẻ nên tăng cường kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các tình nguyện viên khác, để học hỏi và cải thiện hoạt động của mình. Các thành viên đến từ các ngành học khác nhau, điều này là cơ hội để phát triển các kỹ năng cho các thành viên của đội.

– Tạo mối quan hệ tích cực với cộng đồng: Tạo mối quan hệ tích cực với cộng đồng là yếu tố quan trọng trong việc giúp đội tình nguyện trí thức trẻ đạt được kết quả tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.

– Tìm nguồn hỗ trợ: Đội tình nguyện trí thức trẻ cần tìm kiếm nguồn hỗ trợ, tài trợ để có thể triển khai các hoạt động tình nguyện và giải quyết các vấn đề trên thực tế.

Tóm lại, các bài học kinh nghiệm từ đội tình nguyện trí thức trẻ bao gồm tận dụng sự sáng tạo của thanh niên trẻ, phát triển kỹ năng cho các thành viên, tạo mối quan hệ tích cực với cộng đồng, xây dựng chiến lược dài hơi và tìm nguồn hỗ trợ. Các bài học này có thể giúp đội tình nguyện trí thức trẻ đạt được hiệu quả tốt hơn trong các hoạt động tình nguyện của mình và mang lại lợi ích về lâu dài cho cộng đồng.

4.2. Đề xuất, gợi mở

  • Gợi mở một số ý tưởng để gắn kết tri thức trẻ trong chuyển đổi số để xây dựng “Làng quê đáng sống”, xây dựng địa phương

Thứ nhất, tạo cơ hội cho các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng, từ quét dọn đường phố đến xây dựng nhà ở cho người nghèo.

Thứ hai, khai thác tiềm năng của các nền tảng trực tuyến và xây dựng các cộng đồng mạng xã hội nhằm chia sẻ thông tin về các hoạt động tình nguyện, tạo ra sự kết nối giữa các bạn trẻ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Xây dựng các cộng đồng và mạng lưới kết nối trí thức trẻ trong lĩnh vực công nghệ, tạo điều kiện cho trí thức trẻ của Việt Nam để chia sẻ kiến thức, tài nguyên và trải nghiệm.

Thứ ba, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để giúp cộng đồng trong xây dựng và quản lý các dự án tình nguyện, tạo sự đồng thuận và sự thân thiện với sự tham gia của các bạn trẻ.

Thứ tư, hỗ trợ và đưa ra các chương trình giáo dục và đào tạo miễn phí, tăng cường kiến thức cho các bạn trẻ về quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp và khởi nghiệp trong môi trường kinh doanh.

Thứ năm, tham gia các hoạt động cộng đồng trong làng quê, từ các chương trình xây dựng hạ tầng đến các dự án tạo việc làm cho người dân địa phương.

Thứ sáu, tạo ra các cơ hội để các bạn trẻ giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời cập nhật các thông tin mới nhất về phát triển kinh tế và xã hội của làng quê.

Thứ bảy, tăng cường khả năng quản lý, tổ chức và triển khai các hoạt động tình nguyện của trí thức trẻ bằng cách hỗ trợ đào tạo các kỹ năng cần thiết như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thuyết trình.

Thứ tám, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tình nguyện của trí thức trẻ, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công nghệ và chuyển đổi số, bằng cách tạo ra các quỹ hỗ trợ tình nguyện viên và khuyến khích các tổ chức tài trợ tham gia tài trợ cho các hoạt động tình nguyện này.

Thứ chín, đối với sinh viên, có thể tạo ra các chương trình thực tập và học thực tế liên quan đến các hoạt động tình nguyện, giúp sinh viên trải nghiệm các hoạt động tình nguyện thực tế và định hướng sự nghiệp tương lai của mình.

Cuối cùng, để gắn kết tri thức trẻ trong chuyển đổi số để xây dựng “Làng quê đáng sống”, xây dựng địa phương cần có tinh thần đồng đội, sự tin tưởng và sự kết nối giữa các bạn trẻ. Chỉ khi chúng ta cùng nhau hợp tác và tận dụng lợi thế của mình, làng quê mới có thể phát triển một cách bền vững và tiến bộ trong tương lai.

4.3. Giải pháp thực hiện

  • Để có thể áp dụng các hoạt động tình nguyện, trong đó có hoạt động tình nguyện của trí thức trẻ tốt nhất trong điều kiện chuyển đổi số, chúng ta có thể thực hiện:

Thứ nhất, cần có sự định hướng, tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp cơ sở Đoàn, Hội trong các hoạt động tình nguyện. Luôn tiên phong, đi đầu và khẳng định vai trò đoàn kết tập hợp thanh niên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ trí thức trẻ trong tình nguyện.

Thứ hai, xây dựng môi trường tình nguyện thân thiện: Có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để kết nối và tạo môi trường để các tình nguyện viên tìm kiếm dự án và nhóm tình nguyện để tham gia. Bên cạnh đó, cần đóng vai trò trung gian giữa các đơn vị tình nguyện và những người có nhu cầu. Ví dụ điển hình ở TP. Hồ Chí Minh thì có cộng động tình nguyện GO VOLUNTEER trên mạng xã hội Facebook.

Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của thanh niên và học sinh, sinh viên: Thanh niên và học sinh sinh viên là những người thích hoạt động tình nguyện. Do đó, cần tạo điều kiện để họ tham gia hoạt động giúp đỡ cộng đồng của mình.

Thứ tư, phát triển các hoạt động tình nguyện trong các lĩnh vực có liên quan đến khoa học và công nghệ: Đóng góp làm giàu kiến thức khoa học, nghiên cứu công nghệ nhằm đáp ứng với sự phát triển công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Gắn với đó có thể tổ chức các sự kiện trực tuyến như các cuộc thi khoa học trực tuyến, các hội thảo khoa học trực tuyến, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các bạn trẻ.

Thứ năm, tìm kiếm thông tin và hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, công ty, quỹ tài trợ để phát triển hoạt động tình nguyện hiệu quả.

Thứ sáu, xây dựng và bảo vệ những hành động tình nguyện trên mạng xã hội, tạo niềm tin và mục tiêu cho tình nguyện viên. Thực hiện các dự án về khoa học và công nghệ thông qua các nền tảng trực tuyến, truyền hình mạng, video, hình ảnh, cung cấp thông tin về các dự án đang được thực hiện và kết quả đạt được.

Thứ bảy, tăng cường hoạt động phổ biến thông tin, quảng bá cho công chúng về các hoạt động tình nguyện. Tạo ra các nội dung số như video và trình chiếu ảnh để chia sẻ những câu chuyện thành công của các dự án đã thực hiện của đội tình nguyện.

Thứ tám, tạo ra các ứng dụng di động trên các nền tảng khác nhau để giúp đội tình nguyện và các bạn trẻ tiếp cận kiến thức khoa học và công nghệ một cách dễ dàng.

*Để chuyển đổi số, thanh niên Việt Nam, trí thức trẻ cần làm những việc sau:

Thứ nhất, học hỏi và trang bị kiến thức về công nghệ thông tin: Thanh niên, trí thức trẻ cần đầu tư thời gian để khám phá và học hỏi về công nghệ thông tin, lập trình, phát triển ứng dụng web và di động và các công nghệ mới nhất khác.

Thứ hai, tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới: Cần có niềm đam mê khám phá những ứng dụng công nghệ mới nhằm áp dụng chúng vào cuộc sống và công việc, giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả và tạo ra giá trị mới.

Thứ ba, phát triển kỹ năng kỹ thuật số: Có thể tìm kiếm các khóa học kỹ năng số trên mạng như hướng dẫn sử dụng phần mềm văn phòng, thiết kế đồ hoạ, quản lý dữ liệu, marketing trực tuyến,…

Thứ tư, sử dụng các ứng dụng di động: Thanh niên, trí thức trẻ có thể sử dụng các ứng dụng như Google Map, Grab, Foodpanda, bài giảng trực tuyến, theo dõi thông tin tin tức v.v. để giúp tiết kiệm thời gian và tối đa hóa hiệu quả.

Thứ năm, tham gia vào các dự án công nghệ: Có thể tham gia vào các dự án công nghệ với các doanh nghiệp, các nhóm nghiên cứu để cung cấp các giải pháp mới cho thị trường và góp phần tạo ra quảng đường phát triển mới cho đất nước.

Thứ sáu, xây dựng, phát triển và sử dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến: Thanh niên, trí thức trẻ có thể sử dụng các sản phẩm công nghệ như các thiết bị IoT, xe tự hành và các sản phẩm khác để giúp tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá công việc và đảm bảo an toàn trong cuộc sống hàng ngày.

Việc thanh niên, trí thức trẻ thực hiện những việc trên sẽ giúp tạo động lực để đóng góp cho sự phát triển của đất nước và mang lại lợi ích cho bản thân cũng như cộng đồng.

4.4. Kiến nghị

Kiến nghị 1: Chính sách đào tạo kỹ năng số, đào tạo thường xuyên. Giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Đồng thời, thanh niên, trí thức trẻ cũng chính là đối tượng tham gia và thụ hưởng từ các chính sách về giáo dục. Do đó, để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện của thanh niên, trí thức trẻ cần tập trung vào lĩnh vực giá dục, đào tạo về kỹ năng số.

Kiến nghị 2: Phát động phong trào chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện của thanh niên, trí thức trẻ. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ, Đoàn Thanh niên các cấp có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ thanh niên, trí thức trẻ nâng cao năng lực chuyển đổi số thông qua các phong trào và công tác Đoàn để nhằm phục vụ nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện.

Kiến nghị 3: Xây dựng một hệ thống tài nguyên về công nghệ, chuyển đổi số cho hoạt động tình nguyện. Trung ương Đoàn nên đầu tư xây dựng các tài nguyên công nghệ, công cụ và giải pháp, và chia sẻ tài nguyên này nhiều hơn để giúp các đội hình tình nguyện trong đó bao gồm các thành viên đến từ các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau có khả năng tiếp cận và phát triển các sản phẩm và giải pháp tốt hơn.

Kiến nghị 4: Thử nghiệm các chính sách. Quá trình luận hóa các chính sách để tạo điều kiện cho thanh niên chuyển đổi số còn nhiều khó khăn về tốn nhiều thời gian, chi phí và rào cản pháp lý, trong khi đó chuyển đổi số đòi hỏi nguồn tài chính dồi dào để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và cung cấp kịp thời. Do đó, các chiến lược chuyển đổi số đột phá cho thanh niên trí thức nhất là trong hoạt động tình nguyện sẽ cần được thử nghiệm rộng rãi trong những năm tới để tìm ra những mô hình phù hợp, sáng tạo và hiệu quả cao. Hơn nữa, toàn bộ hệ thống chính trị phải thể hiện sự quyết tâm trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao kỹ năng số. Các phong trào, hoạt động tình nguyện thúc đẩy chuyển đổi số của thanh niên cần thiết thực, tránh chạy theo kiểu “phong trào” hay “báo cáo”, đặc biệt phải sử dụng các sáng kiến ​​khuyến khích quá trình chuyển đổi số nhưng phải huy động được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức của các tổ chức khác, trí tuệ và tài chính từ con người.

  1. Kết luận

Đội Trí thức Trẻ TP. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc áp dụng chuyển đổi số để giải quyết một số vấn đề đang gặp phải tại cộng đồng nông thôn. Nhờ sự kết hợp giữa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hoạt động tình nguyện, đội trí thức trẻ đã giúp cộng đồng trong việc cải thiện môi trường, nâng cao sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn cho người dân.

Với kinh nghiệm và bài học rút ra từ thực tiễn trên, việc áp dụng chuyển đổi số để xây dựng các “Làng quê đáng sống” sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các giải pháp mới để tăng năng suất, tăng cường quản lý nguồn lực, hay cải thiện môi trường đều có thể được triển khai nếu có sự ứng dụng công nghệ thông tin ở trong đó.

Trong tương lai, kết hợp giữa công nghệ số và tình nguyện, đặc biệt là các hoạt động của đội trí thức trẻ, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng các “Làng quê đáng sống”, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo đảm sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn.

Từ đó càng khẳng định vai trò của thanh niên Việt Nam, trí thức trẻ phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số này, ứng dụng nó vào thực tiễn để xây dựng đất nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Dũng (2022), gửi gắm đến thế hệ thanh niên Việt Nam rằng có lý tưởng lớn, có sứ mệnh cao và niềm tin vào nó sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần cho thanh niên. Ngọn cờ cao sẽ hội tụ được mọi thanh niên, đoàn kết được 22 triệu thanh niên Việt Nam và sức mạnh này sẽ là vô địch. Thanh niên Vệt Nam hãy cầm ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam biến Việt Nam thành quốc gia số thịnh vượng. Ngọn cờ này đủ lớn, đủ cao để hội tụ thanh niên. Ngọn cờ này đủ khát vọng để thanh niên sẵn sàng đi đầu, dấn thân, hi sinh. Đất nước đã gọi tên thanh niên trong sự nghiệp giành độc lập, chống ngoại xâm, thống nhất và giữ gìn sự trọn vẹn của đất nước, thì nay đất nước gọi tên thanh niên trong sự nghiệp chấn hưng đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ (2021). Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Cẩm nang chuyển đổi số. NXB Bộ thông tin và Truyền thông.
  3. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2022). Đề án Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022-2030.
  4. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2022). Kế hoạch Tổ chức Mạng lưới Trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới và thành lập 10 Đội hình Trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên, người dân trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2022.

 

[Lời Ban Biên tập Website]:

Bài viết là toàn văn tham luận số 04 của tác giả NGUYỄN TẤN THÀNH thuộc đơn vị Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào ngày 20/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Có thể tham khảo tại: Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. (2024). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.211-214.

HAI MẶT CỦA CÁC ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG NGHỆ SỐ ĐỐI VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM: TIỀM NĂNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC NỖ LỰC THEO ĐUỔI NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VÀ NHÂN VĂN

Tóm tắt: Công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống của chúng ta, đặc biệt đối với thanh niên tại Việt Nam, công nghệ số mang lại cơ hội và đồng thời cũng gây ra những thách thức cho thanh niên. Với tiềm năng của nó trong việc cải thiện giáo dục và kết quả giáo dục, công nghệ số có thể giúp nâng cao trình độ và kỹ năng của thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ số cũng đã tạo ra những thách thức mới. Thanh niên Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro phức tạp liên quan đến thế giới kỹ thuật số, bao gồm các mối đe dọa về an ninh mạng, tin tặc, bạo lực trực tuyến, nghiện game và nội dung trái phép. Mặc dù có những thách thức, nhưng trong tương lai, công nghệ số vẫn có nhiều tiềm năng để trở thành một yếu tố tích cực tại Việt Nam. Một cơ hội quan trọng cho thanh niên là khả năng tận dụng công nghệ số để bảo tồn giá trị và văn hóa truyền thống của Việt Nam. Thông qua việc phát triển ứng dụng kết nối giữa công nghệ số và giá trị văn hóa, thanh niên có thể giúp đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sử dụng công nghệ số hợp lý, cần có những hướng dẫn và quy định phù hợp, cũng như việc giáo dục thanh niên để nâng cao nhận thức và trách nhiệm với việc sử dụng công nghệ số. Bài nghiên cứu sẽ đi sâu phân tích các tiềm năng và thách thức của công nghệ số đối với nỗ lực theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn của thanh niên Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra những hướng phát triển và đề xuất về tương lai của biện pháp cân bằng giữa sự phát triển của công nghệ số và sự giữ gìn giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước Việt Nam.

Từ khóa: Công nghệ số, thanh niên, thanh niên Việt Nam, giá trị truyền thống, nhân văn

Abstract: Digital technology has become an essential part of almost every aspect of our lives, especially for young people in Vietnam. Digital technology provides opportunities as well as challenges for Vietnamese youth. With its potential to improve education and academic outcomes, digital technology can help enhance the skills and knowledge of Vietnamese youth. However, the explosion of digital technology has also created new challenges. Vietnamese youth are facing complex risks related to the digital world, including cyber threats, hackers, online violence, gaming addiction, and illegal content. Despite such challenges, there is still considerable potential for digital technology to become a positive factor in Vietnam’s future. An important opportunity for youth is the ability to utilize digital technology to preserve and promote the values and traditions of Vietnam. By developing applications that connect digital technology with cultural values, youth can help enhance the preservation and development of traditional values in modern society. However, to ensure appropriate use of digital technology, appropriate guidelines and regulations are needed, as well as education for youth to raise awareness and responsibility in digital technology use. The research will delve deeper into the potential and challenges of digital technology in pursuing the cultural and humanistic values of Vietnamese youth. The study will also propose future development directions and a balance between digital technology development and the preservation of traditional values and humanity in Vietnam.

Key words: Digital technology, youth, vietnamese youth, traditional values, humanitarianism.

 

  1. Đặt vấn đề

Công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của thanh niên Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, thanh niên Việt Nam có khả năng tiếp cận với những nền tảng số phức tạp và tiên tiến hơn bao giờ hết. Một mặt, công nghệ số mang lại tiềm năng nâng cao trình độ và tầm quan trọng của việc nỗ lực theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn. Có nhiều trang thiết bị và ứng dụng công nghệ số được sử dụng trong giáo dục, giúp thanh niên Việt Nam truy cập vào các nguồn tài nguyên giáo dục trên toàn cầu, nâng cao trình độ học vấn và phát triển kỹ năng một cách toàn diện. Công nghệ số đã đem lại nhiều tiện ích, giúp thanh niên Việt Nam tiếp cận, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Một số trang web, trò chơi, ứng dụng và nền tảng trực tuyến cũng giúp thanh niên Việt Nam tiếp cận với tin tức, kiến thức và cơ hội mới, đồng thời giúp tăng cường khả năng kết nối và giao tiếp với những người khác trên toàn thế giới tạo ra nhiều cơ hội mới cho cuộc sống của mình không chỉ trong lĩnh vực học tập và nghề nghiệp, mà còn trong lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp. Điều này giúp thanh niên Việt Nam phát triển mối quan hệ xã hội, tăng cường sự đa dạng văn hoá và lĩnh hội những giá trị nhân văn và truyền thống. Từ công nghệ số thanh niên Việt Nam có thể cập nhật nhanh chóng và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của mình.

Tuy nhiên, trên một mặt khác, những tiềm năng mà công nghệ số mang lại cũng đi kèm với những thách thức. Các vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng trở thành mối quan tâm hàng đầu khi sử dụng công nghệ số. Việc chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội hoặc game online gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất. Việc sử dụng thông tin sai lệch, dẫn đến hiểu nhầm và những hậu quả khôn lường ám ảnh nhiều phụ huynh chỉ ra rủi ro cho sức khỏe tâm lý và tầm nhìn của thanh niên. Nếu không có kỹ năng và ý thức sử dụng đúng đắn các nền tảng công nghệ số, thanh niên Việt Nam có thể dễ dàng rơi vào những hiểm họa tiềm tàng.

Công nghệ số là một lực lượng to lớn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại nhiều giá trị gia tăng, cải tiến và tiện ích cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, cũng có những tác động tiêu cực của công nghệ số đến xã hội và cá nhân. Do đó, khái niệm “Hai mặt của các ảnh hưởng của công nghệ số” được sử dụng để diễn tả ý nghĩa đó. Và có thể hiểu theo cách đơn giản là diễn tả sự tương phản giữa những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của công nghệ số đến cuộc sống của con người và xã hội.

Tầm quan trọng của công nghệ số trong cuộc sống của thanh niên Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả và bền vững, thanh niên Việt Nam cần có kiến thức và kỹ năng thiết yếu, cũng như ý thức đúng đắn về việc sử dụng công nghệ số một cách có trách nhiệm, đưa ra các giải pháp và hướng tiếp cận một cách hợp lý. Đồng thời, việc duy trì và phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn là vô cùng quan trọng để giúp thanh niên Việt Nam có khả năng thích ứng và phát triển trong môi trường công nghệ số tiên tiến.

Mục đích của vấn đề này là nghiên cứu về hai mặt của các ảnh hưởng của công nghệ số đối với thanh niên Việt Nam: tiềm năng nâng cao trình độ và tầm quan trọng của việc nỗ lực theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn, cũng như thách thức mới mà công nghệ số đem lại. Sẽ tập trung vào việc khảo sát tác động của công nghệ số đối với thanh niên Việt Nam, đặc biệt là tác động đối với trình độ và giá trị truyền thống của thanh niên Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu bao gồm thanh niên là cốt lỗi, các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, xã hội và giáo dục, cũng như chính phủ và các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến việc đảm bảo sự phát triển bền vững cho thanh niên Việt Nam trong thời đại số. Nghiên cứu này sẽ cho phép đánh giá được ảnh hưởng của công nghệ số đối với thanh niên Việt Nam và cung cấp thông tin về những kỹ năng và giá trị nào được thể hiện và cần được thúc đẩy trong quá trình sử dụng công nghệ số. Đồng thời, nghiên cứu này cũng đề xuất các giải pháp và hướng tiếp cận hợp lý để giúp thanh niên Việt Nam sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả và có trách nhiệm, đồng thời giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước.

  1. Tiềm năng của công nghệ số đối với nâng cao trình độ của thanh niên Việt Nam

Tiềm năng của công nghệ số trong việc nâng cao trình độ của thanh niên Việt Nam là một chủ đề được quan tâm đến. Công nghệ số được xem là một công cụ hữu ích giúp thanh niên Việt Nam có cơ hội tiếp cận các tài nguyên giáo dục, nâng cao trình độ và phát triển kỹ năng số cũng như phát triển kỹ năng khác một cách toàn diện. Dưới đây là một vài đặc điểm của tiềm năng của công nghệ số đối với nâng cao trình độ của thanh niên Việt Nam:

Một là, tiếp cận các tài nguyên giáo dục trực tuyến. Thanh niên Việt Nam có thể truy cập vào nguồn tài liệu học liệu trực tuyến nhanh chóng và dễ dàng. Hiện tại, có hơn 1 triệu trang web giáo dục và hơn 20.000 ứng dụng học tập trên thiết bị di động được phát triển trên toàn cầu. Trong đó, có rất nhiều trang web giáo dục và ứng dụng di động được chuyên biệt hóa cho người Việt Nam, cung cấp thông tin, tài liệu học liệu trực tuyến với nhiều chủ đề từ cơ bản đến chuyên sâu. Các nền tảng trực tuyến và phần mềm giáo dục như Coursera, Khan Academy, edX, Class Central,.. cung cấp nhiều khoá học miễn phí và được cập nhật thường xuyên giúp cho thanh niên Việt Nam có thể tiếp cận nhiều kiến thức mới. Các hình thức học tập trực tuyến không yêu cầu điều kiện đặc biệt nào trừ việc có một thiết bị kết nối Internet, do đó, đối tượng được hưởng lợi là thanh niên Việt Nam với đủ độ tuổi cũng như điều kiện học tập và làm việc.

Tên nền giáo dục trực tuyến Số lượng khóa học
edX Hơn 1.300
Coursera Hơn 4.000
Khan Academy Hơn 10.000
Udemy Hơn 150.000

Bảng 1: Số lượng khóa học trên các nền tảng giáo dục trực tuyến năm 2023

(Nguồn: Tác giả tổng hợp – năm 2023)

Hai là, tăng cường khả năng học tập độc lập. Công nghệ số cho phép học viên tự điều chỉnh tốc độ học tập của mình. Những người có nhu cầu học tập nhanh và hiệu quả có thể tập trung vào các chủ đề cụ thể và dùng các hướng dẫn dễ hiểu. Những người học chậm hơn có thể lặp lại nội dung học nhiều lần và rèn luyện những kỹ năng cần thiết. Cơ hội học tập từ xa từ đó cũng được phát triển. Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam hiện nay cũng đã sử dụng công nghệ số để đưa các lớp học trực tuyến, điều này giúp cho các sinh viên có thể học tập mà không cần phải đến trường. Số liệu thống kê từ nghiên cứu cho thấy 68% học viên trực tuyến cho biết việc học trực tuyến giúp họ học tập một cách độc lập và tự tin hơn. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc học tập trực tuyến giúp học viên giảm thiểu tình trạng bỏ dở trong quá trình học tập.

Tỷ lệ thanh niên sử dụng Internet và điện thoại thông minh để học tập Tỷ lệ
Sử dụng điện thoại thông minh để học tập 70.4%
Sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin cho việc học tập và nghiên cứu 84.9%
Sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến 62.6%
Sử dụng Internet để xem video giảng dạy và học online 57.8%

Bảng 2: Tỷ lệ thanh niên sử dụng Internet và điện thoại thông minh để học tập

(Nguồn: Tác giả tổng hợp – năm 2023)

Ba là, phát triển kỹ năng tương tác xã hội. Công nghệ số giúp thanh niên Việt Nam có thể tương tác với những người khác một cách dễ dàng, học hỏi từ người khác và tạo mối quan hệ xã hội. Nó giúp tăng cường khả năng giao tiếp và tư duy phản biện. Nghiên cứu cho thấy 77% của số lượng người sử dụng mạng xã hội là nhóm tuổi từ 18-34. Các nền tảng này như Facebook, Instagram và TikTok giúp thanh niên Việt Nam có cơ hội tương tác với người khác một cách dễ dàng.

Kênh kết nối xã hội Số lượng người dùng Việt Nam (triệu người)
Facebook 66.2
Youtube 63
Tiktok 50.6
Instagram 13
Twitter 6
Linkedln 5.2

Bảng 3: Số lượng người dùng Việt Nam sử dụng các kênh kết nối xã hội

(Nguồn: Tác giả tổng hợp – năm 2023)

Bốn là, giúp phát triển năng lực kỹ thuật số. Những thanh niên Việt Nam trải qua quá trình học tập và rèn luyện kỹ thuật số có thể phát triển kỹ năng và năng lực kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Theo ước tính của Tổ chức Kinh tế Hợp tác và Phát triển (OECD), số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2020 tăng từ 200.000 lên 60 triệu. Việc này đã cải thiện khả năng quản lý và sử dụng công nghệ thông tin ít nhất ở mức cơ bản, giúp thanh niên Việt Nam trở nên thông thạo hơn trong việc sử dụng máy tính và các thiết bị di động. Công nghệ số là một công cụ đắc lực để thanh niên có thể phát triển kỹ năng kỹ thuật số, bao gồm lập trình, thiết kế đồ hoạ, kỹ năng quản lý website, kỹ năng xử lý văn bản và dữ liệu.

Năm là, cung cấp cơ hội học tập và rèn luyện mới. Công nghệ số cho phép thanh niên Việt Nam truy cập vào các chương trình học tập trực tuyến miễn phí hoặc với chi phí thấp, như các khóa học trực tuyến của các trường đại học nổi tiếng, các trang web học tập và ứng dụng di động. Nó cũng giúp cung cấp các công việc mới tại các công ty công nghệ thông tin liên quan đến phát triển sản phẩm số. Theo báo cáo mới nhất của ứng dụng học trực tuyến Coursera, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có số lượng học viên đăng ký khóa học trực tuyến tại Coursera tăng nhanh nhất đồng thời cũng là quốc gia có nhiều người học trực tuyến nhất Đông Nam Á.

Sáu là, tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Công nghệ số cũng cung cấp cơ hội cho thanh niên Việt Nam để sáng tạo, phát triển các ý tưởng kinh doanh mới và khởi nghiệp. Các thanh niên Việt Nam có thể tạo dựng sản phẩm và dịch vụ mới và khai thác tiềm năng của mạng Internet để tiếp cận khách hàng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang ngày càng được nhiều thanh niên Việt Nam quan tâm. Từ năm 2016 đến 2020, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này tăng 2,5 lần so với 5 năm trước đó.

Bảy là, tiết kiệm thời gian và chi phí. Sử dụng công nghệ số giúp tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển, giúp thanh niên Việt Nam thích nghi với các thay đổi nhanh chóng trong công nghệ. Việc tiết kiệm thời gian và chi phí này có thể giúp thanh niên Việt Nam tập trung vào những hoạt động khác như công việc, học tập thêm, phát triển kỹ năng và sở thích riêng của mình. Việc học trực tuyến giúp đơn giản hóa việc di chuyển đến trường học hoặc các lớp học ngoại ngữ. Một nghiên cứu của UNESCO cho biết, mỗi học sinh bình thường tại TP. Hồ Chí Minh mất khoảng 23 phút di chuyển đến trường và trở lại nhà, trong khi đó học trực tuyến giúp học sinh tiết kiệm được lượng thời gian này.

Năm học Số lượng sinh viên của hệ thống đại học hệ từ xa
2007-2008 11.579
2011-2012 65.391
2015-2016 203.542
2019-2020 269.870
2021 – 2022 360.732

Bảng 4: Số lượng sinh viên của hệ thống đại học hệ từ xa các năm

(Nguồn: Tác giả tổng hợp – năm 2023)

Tám là, khai thác tiềm năng sáng tạo. Công nghệ số cung cấp những công cụ sáng tạo mới để thanh niên Việt Nam có thể khai thác và phát triển sức sáng tạo của mình. Với các ứng dụng di động, trang web tùy chỉnh, các nền tảng video và phát sóng trực tuyến, các thanh niên Việt Nam có thể truyền tải các ý tưởng sáng tạo và sản xuất nội dung giải trí tại nhà. Hiện tại, tại cổng thông tin trực tuyến “Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3.624.433 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên trên cả nước.

Chín là, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Công nghệ số có thể giúp thanh niên Việt Nam tiếp cận những giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước thông qua các hình thức như tài liệu số, phim, văn học số, hai hoặc ba quảng cáo, video giáo dục,.. Những hình thức này có khả năng khai thác và phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn, truyền thông với mọi người là một cách hữu hiệu để quảng bá cho giá trị văn hóa Việt Nam.

Trên đây là những tiềm năng mà công nghệ số có thể đem lại để nâng cao trình độ cho thanh niên Việt Nam. Công nghệ số đang giúp thanh niên Việt Nam mở rộng cơ hội học tập, tăng cường khả năng phát triển kỹ năng và năng lực kỹ thuật số và giúp gia tăng khả năng tương tác xã hội một cách hiệu quả. Công nghệ số đang mở ra một thế giới mới cho thanh niên Việt Nam để tìm kiếm kiến thức và kỹ năng để phát triển tốt hơn cho tương lai.

  1. Thách thức của công nghệ số đối với việc theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn của thanh niên Việt Nam

Việc phát triển công nghệ số đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho thanh niên Việt Nam, tuy nhiên nó cũng tạo ra nhiều thách thức đối với việc theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước. Tác giả chỉ ra một số thách thức sau đây:

Một là, thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội và giá trị đạo đức. Sự phát triển của công nghệ số có thể ảnh hưởng đến giá trị đạo đức của một số thành niên Việt Nam. Ví dụ, việc sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, việc chia sẻ thông tin bất lợi và viện cớ để đạt được mục đích riêng. Việc này đã làm mất niềm tin của người dùng và ảnh hưởng đến sự phát triển của các giá trị truyền thống Việt Nam. Theo một khảo sát của một công ty dịch vụ công nghệ những người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, tới hơn 60% số người dùng trẻ tuổi đã từng giải quyết vấn đề cá nhân của mình bằng cách đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội. Theo khảo sát tại một số trường đại học tại Việt Nam, 41,8% sinh viên sử dụng mạng xã hội nhắn tin trong giờ học.

Hai là, phân mảnh văn hóa của xã hội. Công nghệ số có thể tạo ra phân mảnh văn hóa, khiến cho các thanh niên Việt Nam không thuộc đúng vào một truyền thống và giá trị chung mà họ có thể thấu hiểu. Việc khám phá những giá trị khác nhau và chuyển đổi giữa chúng có thể là một thách thức đối với thanh niên Việt Nam. Theo báo cáo của kênh nghiên cứu thị trường Q&Me, tới 90% người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng Facebook, trong khi đó, lượng người dùng của các ứng dụng khác, chẳng hạn như Mocha và Zalo, chỉ chiếm tỷ lệ thấp hơn. Theo báo cáo của Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, hầu hết các sinh viên đại học và cao đẳng tại Việt Nam chưa quan tâm đến những tác động tiêu cực của công nghệ số.

Ba là, hao mòn các giá trị truyền thống của Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ số có thể ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam. Với thế giới đang ngày một toàn cầu hóa, các giá trị đặc trưng của Việt Nam đang gặp nhiều áp lực để thích nghi với những thay đổi và tiến hóa của thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2019, doanh thu của thị trường online tại Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD, ảnh hưởng đến các phương tiện truyền thống của Việt Nam như thị trường sách và báo chí. Các đề xuất chính trị và thay đổi pháp lý đang được quan tâm hơn đến việc bảo vệ những giá trị truyền thống của Việt Nam trong thời đại số.

Bốn là, thiếu kết nối giữa công nghệ số và giá trị truyền thống của Việt Nam. Một số thanh niên Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm hoặc kiến thức cần thiết để tận dụng các công nghệ số phát triển nhằm tôn vinh và duy trì các giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước. Việc này đòi hỏi cần có sự đào tạo và khích lệ, giúp thanh niên Việt Nam trở nên cảm thông về các giá trị này và phát triển các giải pháp thích hợp để kết nối giữa công nghệ và giá trị truyền thống của Việt Nam.

Năm là, thiếu kiến thức và kỹ năng kỹ thuật. Một số thanh niên Việt Nam vẫn còn thiếu kiến thức và kỹ năng kỹ thuật, làm cho việc sử dụng công nghệ số trở nên khó khăn và gây ra hiểu lầm và thiếu giới thiệu về công nghệ số. Việc này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của các giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước.

Sáu là, thiếu quy định và pháp lý. Việc đang thiếu các quy định và pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn thông tin cá nhân trên Internet. Việc thiếu pháp lý gây nên một số vấn đề an ninh mạng và gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của các giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam. Có một khảo sát cho thấy có tới 50% số người dùng Internet tại Việt Nam chưa biết về các quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Bảy là, tán tụng vấn đề công nghệ hóa. Cùng với việc phát triển công nghệ số, có thể xảy ra hiện tượng tán tụng vấn đề công nghệ hóa. Điều này có thể gây ra các tinh thần xã hội tiêu cực, làm giảm giá trị của các giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam.

Tám là, sự khác biệt về địa phương và văn hóa. Sự phát triển không đều giữa khu vực và các nhóm người dùng khác nhau có thể tạo ra sự khác biệt về địa phương và văn hóa. Nó có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam, khi các địa phương khác nhau có các truyền thống và giá trị khác nhau. Ở các khu vực nông thôn và miền núi tại Việt Nam, tỉ lệ người dùng Internet chỉ khoảng 20%.

Chín là, thách thức khó khăn về lập trình phát triển. Việc tạo ra một ứng dụng hoặc công nghệ số giúp bảo vệ các giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam có thể đòi hỏi các kỹ năng lập trình và phát triển khó khăn, đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn để hoàn thiện sản phẩm. Việc này yêu cầu sự đầu tư và phát triển trong kỹ thuật và công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng và có thể là thách thức đối với các nhà phát triển và người sử dụng công nghệ số.

Tác giả đã tiến hành thực hiện khảo sát 200 sinh viên, thanh niên về nhận thức của sinh viên, thanh niên Việt Nam về những thách thức của việc phát triển công nghệ số đối với giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước. Kết quả thu được như sau:

Thách thức Nhận thức của thanh niên
Thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội và giá trị đạo đức 82%
Phân mảnh văn hóa của xã hội 63%
Hao mòn các giá trị truyền thống của Việt Nam 75%
Thiếu kết nối giữa công nghệ số và giá trị truyền thống của Việt Nam 68%
Thiếu kiến thức và kỹ năng kỹ thuật 54%
Thiếu quy định và pháp lý 46%
Tán tụng vấn đề công nghệ hóa 41%
Sự khác biệt về địa phương và văn hóa 59%
Thách thức khó khăn về lập trình phát triển 37%

Bảng 5: Tỷ lệ nhận thức của thanh niên về những thách thức công nghệ số

(Nguồn: Tác giả thực hiện khảo sát – 2023)

Kết quả trên cho thấy nhận thức của thanh niên Việt Nam về các thách thức của việc phát triển công nghệ số đối với giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước. Tỷ lệ cao nhất được đưa ra là về thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội và giá trị đạo đức, với 82% số sinh viên, thanh niên được khảo sát nhận thức được thách thức này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo về trách nhiệm xã hội và giá trị đạo đức trong việc phát triển thanh niên Việt Nam.

Tất cả những điều trên đều cho thấy những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi tiến hành việc phát triển công nghệ số và kinh tế số. Chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp để vượt qua những thách thức này và tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ số trên đất nước Việt Nam song song đó phải gìn giữ giá trị truyền thống và tính nhân văn.

  1. Tầm quan trọng của việc nỗ lực theo đuổi giá trị truyền thống và nhân văn trong bối cảnh công nghệ số

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay, việc theo đuổi giá trị truyền thống và nhân văn là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của con người và xã hội.

Tuy vậy, công nghệ số không chỉ là một mỹ thuật tiên tiến mà còn có thể làm biến đổi các giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam, đặc biệt là đối với thanh niên. Với thế giới liên kết trong khi trưởng thành, các bài học về tôn trọng giá trị của người khác, tiếp cận đa dạng hội nhập giữa các nền văn hoá, các kỹ năng cộng đồng, sáng tạo và các kỹ năng thực tiễn khác được quan trọng hơn bao giờ hết.

Đầu tiên, việc giữ gìn giá trị truyền thống là cần thiết để giữ nét đẹp đặc trưng của mỗi văn hóa, nhất là ở các quốc gia có lịch sử và văn hóa sâu xa như Việt Nam. Các giá trị truyền thống từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người có nhận thức đúng đắn về bản thân, xã hội, đồng thời góp phần tạo nên sự đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ.

Thứ hai, trong thời đại số, giá trị nhân văn trong công nghệ số trở nên rất cần thiết để đảm bảo sự an toàn và tránh các vấn đề liên quan đến sự nghi ngờ. Vì vậy, các sản phẩm công nghệ số mới cần phải được thiết kế với sự tầm nhìn có văn hóa và tính nhân văn. Chúng ta cần đảm bảo rằng các sản phẩm, dịch vụ và chính sách đi kèm với công nghệ số đều được đặt lợi ích của con người lên trên hết.

Bên cạnh đó, bối cảnh công nghệ số cũng giúp chúng ta khai thác và truyền tải giá trị truyền thống và sự nhân văn của con người một cách hiệu quả hơn. Chúng ta có thể sử dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm có giá trị nhân văn và giữ gìn các giá trị truyền thống của mình, cũng như sử dụng nó như một công cụ để truyền tải các thông điệp nhân văn đến cộng đồng toàn cầu.

Thêm vào đó, việc theo đuổi giá trị truyền thống và nhân văn trong bối cảnh công nghệ số cũng giúp định hình một tương lai tốt hơn cho con người. Công nghệ số hiện nay đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và việc đặt những giá trị nhân văn và truyền thống của mỗi quốc gia, văn hóa lên trên cùng là cần thiết để tạo ra một hướng đi phát triển hợp lý và mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội.

Cuối cùng, việc theo đuổi giá trị truyền thống và nhân văn trong bối cảnh công nghệ số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự tự do và chủ quyền của tất cả các quốc gia. Sự phát triển công nghệ số tăng cường sự liên hệ giữa các quốc gia trên thế giới, và việc duy trì giá trị truyền thống và nhân văn của mỗi quốc gia, văn hóa sẽ giúp tạo ra sự khác biệt và sự độc lập cho mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Trong quá trình tiếp cận với công nghệ số, thanh niên Việt Nam cũng cần phải có một cái nhìn tổng thể và có một tầm nhìn tương lai. Để phát triển và thích ứng với thế giới hiện đại, các giá trị truyền thống và nhân văn cần được cập nhật và áp dụng một cách hợp lý và thực tiễn trong cuộc sống.

Các giá trị truyền thống và nhân văn, như lòng yêu nước, những giá trị đạo đức, lòng trung thực, trách nhiệm cá nhân, tôn trọng đồng loại và đa dạng hóa văn hóa,…vẫn giữ giá trị thực sự và mang lại sự phát triển bền vững cho xã hội Việt Nam. Vì vậy, thanh niên Việt Nam cần phải có cái nhìn đúng đắn về nền văn hoá của mình, từ đó định hướng hành động và áp dụng công nghệ số thích hợp với tầm nhìn của mình, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày một giàu đẹp và hiện đại hơn.

Tóm lại, việc đảm bảo tồn tại của giá trị truyền thống và nhân văn trong bối cảnh công nghệ số là cực kỳ cần thiết. Việc tạo ra các sản phẩm mới mang tính nhân văn và giữ gìn giá trị truyền thống của chính văn hóa của mình là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đem lại giá trị thực cho con người. Công nghệ số có thể mang lại nhiều lợi ích cho thanh niên Việt Nam, tuy vậy, việc nuôi dưỡng và phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn vẫn được coi là rất quan trọng. Vì vậy, thanh niên cần phải chắt lọc và áp dụng công nghệ số một cách có trách nhiệm, phù hợp với bản thân và tổng thể xã hội. Giá trị truyền thống và nhân văn là cốt lõi của mỗi quốc gia, văn hóa và nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của con người. Chúng ta cần đưa ra các chiến lược nhằm bảo vệ và đảm bảo sự phát triển của giá trị truyền thống và nhân văn trong bối cảnh công nghệ số, giúp mọi người trên toàn thế giới đón nhận sự phát triển giúp cho con người sống tốt đẹp hơn, không làm mất đi những giá trị quan trọng của mình.

  1. Đề xuất giải pháp, kiến nghị

5.1. Giải pháp

*Việc vượt qua thách thức của công nghệ số đối với việc theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn của thanh niên Việt Nam đòi hỏi sự thấu hiểu và đưa ra các giải pháp thực tiễn. Dưới đây là một số đề xuất giải pháp để vượt qua các thách thức đó:

Một là, đẩy mạnh giáo dục về nhân văn và giá trị truyền thống. Nhà trường cần hình thành các chương trình giảng dạy tiên tiến, đưa các giá trị truyền thống và nhân văn vào giảng dạy. Đây là môi trường quan trọng để truyền bá giá trị truyền thống và nhân văn cho các thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ và tự hào về nền văn hoá Việt Nam.

Hai là, xây dựng cộng đồng đổi mới. Việc xây dựng các cộng đồng đổi mới có chất lượng cao giúp những người có tư duy sáng tạo cùng nhau tìm hiểu, học hỏi, và thúc đẩy tri thức của nhau. Đây cũng là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về thực tiễn và cách sử dụng công nghệ số.

Ba là, phát triển các sản phẩm công nghệ số song song đó là khuyến khích phát triển các ứng dụng thuận tiện, tốt đẹp hơn. Nâng cao ý thức, khuyến khích các công ty công nghệ tăng cường chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giúp cho các sản phẩm, dịch vụ được sử dụng rộng rãi hơn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ có thể phát triển sản phẩm công nghệ số mới phù hợp với nhu cầu của thanh niên Việt Nam, phát triển các sản phẩm vừa mang tính giáo dục vừa mang tính giải trí cao. Cần phải phát triển các sản phẩm công nghệ số phù hợp với giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam, hướng đến tầm nhìn phát triển bền vững, gia tăng giá trị được truyền tải trong nhân văn và giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần đảm bảo rằng các sản phẩm, dịch vụ và chính sách đều được đặt lợi ích của con người lên trên hết, giúp nhân rộng giá trị truyền thống và nhân văn trong thời đại số.

Bốn là, tăng cường chính sách về bảo mật thông tin. Việc tăng cường chính sách về bảo mật thông tin là rất quan trọng, đảm bảo cho các giá trị truyền thống và nhân văn được an toàn và bảo mật trên mạng. Nâng cao nhận thức về khủng hoảng thông tin. Hướng dẫn thanh niên Việt Nam đối phó với các tin giả, để giảm thiểu tác động của khủng hoảng thông tin và giảm thiểu sự lan truyền của tin giả.

Năm là, khuyến khích truyền thông xã hội tích cực. Tạo môi trường truyền thông tích cực trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube, tạo nên sự lan tỏa tích cực, giúp khiến những giá trị truyền thống và nhân văn trở nên hấp dẫn hơn, tìm thấy sự đồng cảm và sự quan tâm của đông đảo người dùng.

Sáu là, thiết lập môi trường đào tạo và bồi dưỡng, xây dựng các chương trình giải trí giáo dục. Đào tạo những kỹ năng chuyên môn liên quan đến công nghệ số, như kỹ năng lập trình, phát triển ứng dụng, quản lý dữ liệu, để giúp thanh niên Việt Nam có thể tham gia vào ngành công nghệ số. Xây dựng các chương trình giải trí giáo dục có tính giáo dục, mang tính vui chơi giải trí cao nhưng vẫn đưa các giá trị truyền thống và nhân văn lên trên cùng. Chúng ta cần đảm bảo rằng các sản phẩm, dịch vụ và chính sách đều được đặt lợi ích của con người lên trên hết, giúp nhân rộng giá trị truyền thống và nhân văn trong thời đại số.

Bảy là, nâng cao ý thức công dân số giá trị. Nâng cao ý thức công dân số giá trị đó là nhận thức của người trẻ về tầm quan trọng của giá trị truyền thống và nhân văn là rất cần thiết, cần khuyến khích họ tự tìm hiểu, học hỏi về giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước Việt Nam.

Tám là, thúc đẩy trao đổi và hợp tác, giao tiếp và hội nhập. Kết hợp sức mạnh của các tổ chức, các doanh nghiệp và các cá nhân có thể góp phần khuyến khích sự trao đổi, hợp tác giữa các nước, văn hóa và cộng đồng. Mở rộng việc trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, văn hóa trên thế giới để có thể tạo ra sự đa dạng và sự tôn trọng giữa các giá trị văn hóa và truyền thống. Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước có điều kiện phát triển công nghệ số tốt hơn. Cần học hỏi các giá trị nhân văn, văn hoá ở các nước phát triển công nghệ số để ứng dụng và phát triển những giá trị tương đương ở Việt Nam.

Tóm lại, việc vượt qua thách thức của công nghệ số đối với việc theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn của thanh niên Việt Nam mang lại nhiều thách thức và cơ hội. Để vượt qua thách thức và khai thác được các cơ hội này, cần đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển những giá trị truyền thống và nhân văn của Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số, giúp các thế hệ trẻ vẫn giữ vững những giá trị đẹp và giúp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

*Dựa vào các phân tích thách thức của công nghệ số đối với việc theo đuổi những giá trị truyền thống và nhân văn của thanh niên Việt Nam. Số liệu tổng hợp 200 khảo sát sinh viên, thanh niên về việc sử dụng công nghệ số để bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống của Việt Nam cũng thu được kết quả như sau:

Hoạt động sử dụng công nghệ số Mô tả % người tham gia khảo sát đánh giá
Xây dựng cơ sở dữ liệu các giá trị truyền thống Xây dựng cơ sở dữ liệu các giá trị truyền thống của Việt Nam để bảo vệ và phát huy các giá trị này. 82%
Phát triển các ứng dụng kết nối địa phương và giá trị truyền thống Phát triển các ứng dụng kết nối địa phương và giá trị truyền thống của Việt Nam như các trò chơi dân gian, kế hoạch dân sự và quản lý thông tin tài liệu. 74%
Tổ chức các cuộc thi, sự kiện hoạt động sử dụng công nghệ số để giới thiệu các giá trị truyền thống của Việt Nam Tổ chức các cuộc thi và sự kiện về công nghệ số nhằm giới thiệu và bảo vệ các giá trị truyền thống của Việt Nam. 68%
Phát triển các ứng dụng và dịch vụ du lịch kết hợp giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam Phát triển các ứng dụng và dịch vụ du lịch kết hợp giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam để thu hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm. 61%
Sử dụng công nghệ số trong việc bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc cổ truyền Sử dụng công nghệ số để bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc cổ truyền của Việt Nam như di tích lịch sử, nhà cổ, chùa cổ, đền thờ. 52%
Phát triển các nội dung giáo dục và giải trí kết hợp với giá trị truyền thống của Việt Nam Phát triển các nội dung giáo dục và giải trí kết hợp với giá trị truyền thống của Việt Nam để truyền bá và bảo vệ các giá trị này cho thế hệ trẻ. 47%
Phát triển các dịch vụ khác như kinh doanh trực tuyến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý tài liệu lịch sử, cổ vật. Phát triển các dịch vụ khác như kinh doanh trực tuyến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý tài liệu lịch sử, cổ vật. 39%

(Nguồn: Tác giả thực hiện khảo sát – 2023)

Kết quả cho thấy sử dụng công nghệ số để bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống của Việt Nam là rất cần thiết và đang được thực hiện bởi một số tổ chức, cơ quan và cá nhân trong xã hội. Việc áp dụng công nghệ số để kết nối, bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống của Việt Nam sẽ giúp đảm bảo rằng những giá trị này sẽ được truyền bá và bảo tồn trong đời sống hiện đại.

*Việt Nam hiện nay đang đứng trước sự phát triển vượt bậc về công nghệ số, đặc biệt là trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ những giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa công nghệ số và giữ gìn giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước Việt Nam, chúng ta có thể đưa ra những hướng phát triển và đề xuất sau đây:

Việc phát triển công nghệ số phải được đẩy mạnh nhưng cần duy trì sự cân bằng giữa việc phát triển và bảo vệ giá trị truyền thống của đất nước. Sự phát triển công nghệ số không thể xảy ra tại sự hy sinh giá trị truyền thống.

Đa dạng hóa cách tiếp cận và ứng dụng công nghệ. Sử dụng công nghệ tối ưu các tiện ích để phát triển, đồng thời khuyến khích người dân, đặc biệt là giới trẻ và thanh niên, tham gia các hoạt động truyền thống, thể thao, văn hóa, nghệ thuật để giữ gìn giá trị truyền thống, tăng cường sức khỏe và tạo sự kết nối, gần gũi giữa đời thường và công nghệ.

Tổ chức các chương trình giáo dục và các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các thế hệ, góp phần giải quyết những mâu thuẫn giữa sự phát triển công nghệ và giá trị truyền thống và nhân văn.

Chính phủ cần có chính sách, quyết định phát triển công nghệ thông qua sự đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin, những ngành công nghiệp sáng tạo, khoa học, công nghiệp,..

Nguồn nhân lực nên được tập trung và đào tạo hướng tới các lĩnh vực công nghệ số, đồng thời cũng cần duy trì và tôn vinh những giá trị truyền thống và nhân văn đã có.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, trường học, tổ chức xã hội với các nhà nghiên cứu, cố vấn tư vấn và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số và giá trị truyền thống và nhân văn, tạo ra những giải pháp thích hợp nhất cho các vấn đề hiện tại và tương lai.

Thực hiện các chương trình giáo dục để truyền đạt kiến thức và nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị truyền thống và nhân văn. Đây cũng là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và đồng cảm giữa các thế hệ, hướng tới một xã hội hoà bình và phát triển bền vững.

Cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm ra giải pháp công nghệ số để bảo vệ và phát triển các giá trị truyền thống và nhân văn, đồng thời mọi chính sách đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của các thành viên trong xã hội.

Những đề xuất trên giúp đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển công nghệ số và giữ gìn giá trị truyền thống và nhân văn, tạo ra một môi trường phát triển bền vững cho đất nước. Chính thông qua việc đối thoại và cảm thụ, chúng ta sẽ đạt được một mức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật số cao hơn. Với những đề xuất trên, ta có thể giữ gìn và phát triển được cả hai giá trị truyền thống và nhân văn của đất nước, đồng thời cũng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên tiến về công nghệ số. Điều này sẽ mang lại tiềm năng phát triển đầy thú vị và kỳ vĩ cho đất nước và người dân Việt Nam.

5.2. Kiến nghị

Trung ương Đoàn và Chính phủ cần đưa ra các chính sách và giải pháp cụ thể để tạo điều kiện phát triển cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh phát triển của công nghệ số. Cần đảm bảo rằng sự phát triển này không chỉ tạo ra lợi ích cho một số ít nhưng cần là sự phát triển đồng đều, công bằng và bền vững cho tất cả các tầng lớp xã hội, giữ gìn được các giá trị truyền thông và nhân văn. Để thực hiện điều đó, tác giá có một số kiến nghị sau:

Kiến nghị 1: Khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ thanh niên tham gia vào các hoạt động quốc tế nhằm mở rộng tầm nhìn, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ và biết thêm về các quốc gia, văn hóa và lối sống khác nhau. Tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và các hoạt động giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Để nhận t

Pages: 1 2

SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA THANH NIÊN VÀ CÔNG NGHỆ TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG MỘT NỀN TẢNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI MỚI

Tóm tắt: Thanh niên và công nghệ đã tạo ra tương tác động lực trong quá trình xây dựng một nền tảng kinh tế và xã hội mới. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, nguồn mở, big data, IoT đã có ảnh hưởng đến các hình thái lĩnh vực kinh tế và xã hội. Trên tầm thực tế, thanh niên có thể trở thành các chuyên gia kỹ thuật cần thiết, đưa ra dự án và nền tảng công nghệ mới, giúp tiên phong trong việc phát triển kinh tế và xã hội. Họ có thể thiết kế, phát triển và triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, thanh niên còn có thể trở thành công ty khởi nghiệp gia kèo đầu hơn, chủ động có những sản phẩm công nghệ bắt kịp với xu thế hiện tại và tương lai, và thu hút được sự đồng tình của các nhà đầu tư. Còn trên tầm tình cảm, công nghệ cũng đã giúp thanh niên kết nối một cách chặt chẽ và dễ dàng hơn. Các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến giúp họ có thể trao đổi ý kiến, tư vấn và chia sẻ thông tin, giúp cộng đồng phát triển bền vững. Bằng các phương pháp nghiên cứu như thu tập dữ liệu, các tài liệu tham khảo, số liệu khảo sát từ các tổ chức. Sử dụng các kỹ thuật thống kê và các phương pháp phân tích dữ liệu khác để đánh giá kết quả và kết luận. đánh giá và phân tích kết quả nghiên cứu từ đó đưa ra các nhận định và kết luận, tạo nên những đề xuất và giải pháp giúp giải quyết vấn đề mà tác giả đang quan tâm và nghiên cứu. Tổng quát lại, sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ đã làm cho quá trình xây dựng một nền tảng kinh tế và xã hội mới trở nên đa dạng và phong phú hơn. Sẽ còn có nhiều cơ hội cho thanh niên trong tương lai để khám phá thêm về quá trình này và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Từ khóa: thanh niên, thanh niên Việt Nam, công nghệ, kinh tế, xã hội mới
Abstract: Young generation and technology have created a dynamic interaction in building a new economic and social platform. New technologies like artificial intelligence, blockchain, open source, big data, and IoT have impacted the forms of economic and social fields. In reality, young people can become the necessary technical experts, develop new projects and technology platforms, and lead in the development of the economy and society. They can design, develop, and implement new products and services, contributing positively to the development of the economy and society. In addition, young people can become startup founders, proactively creating technology products that keep up with current and future trends and attracting the agreement of investors. On an emotional level, technology has also helped young people connect more closely and easily. Social media platforms and online forums allow them to exchange ideas, consult, and share information, helping the community develop sustainably. Through research methods such as data collection, reference materials, survey data from organizations, using statistical techniques and other data analysis methods to evaluate the results and draw conclusions, evaluate and analyze the research results to provide observations and conclusions, and to propose solutions for the problem that the author is interested in and researching. Overall, the interaction between young people and technology has made the process of building a new economic and social platform more diverse and rich. There will be more opportunities for young people in the future to explore this process and contribute positively to the development of the country.
Key words: Young people, Vietnamese youth, technology, economy, new society.

 

  1. Tầm quan trọng của sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ trong quá trình xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới

Sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới. Thanh niên được xem là động lực chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội và kinh tế, và đồng thời, công nghệ đã trở thành một công cụ hữu ích để giúp họ tiếp cận, phát triển ý tưởng sáng tạo, tạo ra giá trị mới và giải quyết các vấn đề xã hội.

Sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhờ công nghệ, thanh niên có thể sử dụng các ứng dụng để xử lý thông tin, tìm kiếm việc làm, nâng cao trình độ học vấn, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới để cung cấp cho thị trường. Nhiều công nghệ mới còn có thể giải quyết các vấn đề xã hội như sức khỏe, năng lượng, giải quyết vấn đề môi trường… qua các ứng dụng hợp lý và phát triển do thanh niên thực hiện.

Sự tương tác này cũng hỗ trợ thanh niên tạo ra một môi trường làm việc phù hợp hơn. Khi có các ứng dụng công nghệ, đây cũng là cơ hội để thanh niên và doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, thích ứng nhanh chóng với những thay đổi trên thị trường và nhu cầu của khách hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh và đem đến những lợi ích kinh tế cho toàn bộ xã hội.

Sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ cũng là một trong những phương tiện để kết nối, tạo thành mối quan hệ giữa các cộng đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết, hợp tác để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho mọi người.

Ở Việt Nam, thanh niên là lực lượng lao động lớn trong xã hội, là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sức mạnh của tuổi trẻ chiếm một vị trí quan trọng trong lao động sản xuất và hoạt động nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh mới, khi các ứng dụng công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ thì sự tham gia của lực lượng thanh niên càng cần thiết và quan trọng. Thanh niên được coi là nòng cốt, là động lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất và đời sống, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện sống của đại bộ phận các tầng lớp xã hội trong bối cảnh số hóa cao độ hiện nay.

Theo thống kê năm 2020, thanh niên Việt Nam từ 16 – 30 tuổi có khoảng 22,609 triệu người, chiếm khoảng 23,2% dân số cả nước. Vai trò của lực lượng này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Cụ thể Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa”,  đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát huy thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”.

Với sự tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiệu quả, thanh niên có thể tạo ra cơ hội mới cho kinh tế và xã hội, đẩy mạnh năng suất sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.

Vì vậy, sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng nền kinh tế và xã hội mới. Các chính sách và môi trường phù hợp, đào tạo và giáo dục thanh niên về sử dụng công nghệ thông minh sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ để phục vụ cho sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế.

  1. Tình hình sử dụng công nghệ số của thanh niên Việt Nam

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thực hiện, số lượng người dùng internet ở Việt Nam đã tăng từ 35,6 triệu vào năm 2013 lên 59,2 triệu vào năm 2018, trong đó, người dùng trẻ chiếm tỷ lệ cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị “Nâng cao kỹ năng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, qua đó theo một báo cáo của UNICEF (2022) cho rằng 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 ở Việt Nam sử dụng internet và con số này tăng lên 93% ở trẻ em trong độ tuổi 14-15. Điều này cho thấy mức độ tham gia của trẻ em vào các hoạt động trực tuyến ở Việt Nam rất cao.

Internet và mạng xã hội đan xen đi sâu vào cuộc sống hàng ngày Tiếng Việt. Theo báo cáo từ Tư vấn truyền thông xã hội như We Are Xã hội và Hootsuite dưới dạng Báo cáo Công nghệ Những con số ở Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến thấy sự phát triển nhanh chóng 50% sử dụng Internet trong năm 2016 66% vào năm 2019 (We Are Social & Hootsuite, 2019). Đồng thời, những Người dùng mạng xã hội tăng gần Tăng gấp đôi từ 37% trong năm 2016 64% vào năm 2019.

Theo We are social (2020) cho rằng số lượng người sử dụng mạng xã hội đã tăng nhiều hơn 13% trong năm vừa qua. Với gần nửa tỷ người dùng mới, tổng số lượng người sử dụng toàn cầu đã đạt mức gần 4,2 tỷ vào đầu năm 2021. Trung bình, có hơn 1,3 triệu người dùng mới gia nhập mạng xã hội hàng ngày trong suốt năm 2020.

Cũng như ở các quốc gia toàn cầu hóa khác, cuộc sống số đã dễ dàng thâm nhập vào cuộc sống của giới trẻ Việt Nam trên nhiều phương diện. Đối với những người được khảo sát, gần một phần ba (35%) cho biết mạng xã hội đóng vai trò định hình con người họ ngày nay. Nhóm tuổi 16-19 (43%) có nhiều khả năng thừa nhận điều này hơn so với những người trả lời lớn tuổi hơn – 33% ở nhóm tuổi 20-24 và 32% ở nhóm tuổi 25-30.

Theo báo cáo của Hootsuite và We Are Social, vào năm 2021, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội ở các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, là rất cao. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook (67 triệu người) và thứ 9 về lượng người dùng Instagram (30 triệu người). Điều này cho thấy rằng thanh niên đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để kết nối và chia sẻ thông tin.

Một nghiên cứu khác của GSMA (Hiệp hội các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu) cho thấy rằng sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh ở nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đồng nghĩa với sự gia tăng sử dụng dịch vụ di động. Thanh niên sử dụng soạn tin nhắn, trao đổi thông tin di động và sử dụng ứng dụng di động để truy cập thông tin.

Về phía công nghệ, một báo cáo của tạp chí Knowledge at Wharton cho biết rằng thanh niên đang tích cực thử nghiệm và sử dụng các công nghệ mới như VR, AR và 5G để phá vỡ các giới hạn về trải nghiệm trực tuyến. Họ đang tìm cách sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội.

Nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay đang sử dụng các thiết bị và ứng dụng công nghệ để tiện lợi hóa cuộc sống và kinh doanh. Dù sự phổ biến và khả năng tiếp cận với công nghệ vẫn còn chênh lệch giữa các khu vực đô thị và nông thôn, nhưng mức độ tiếp cận ngày càng được cải thiện.

Hiện nay, sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ rất đa dạng và phong phú. Thanh niên sử dụng công nghệ để tiếp cận thông tin, giải trí, giáo dục và giao tiếp với người khác. Với sự phổ biến của các thiết bị di động và mạng xã hội, thanh niên đã trở thành những người tiêu dùng chính của các sản phẩm công nghệ.

Có rất nhiều cách mà thanh niên tương tác với công nghệ hiện nay. Một số ví dụ điển hình bao gồm:

– Sử dụng mạng xã hội: Thanh niên sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,…để kết nối và tương tác với bạn bè, gia đình và cộng đồng.

– Sử dụng thiết bị di động: Thanh niên sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng để truy cập internet, đọc tin tức, xem video và chơi game.

– Kết nối thông qua ứng dụng trò chuyện: Thanh niên sử dụng ứng dụng như Messenger, Zalo, Whatsapp để trò chuyện, gọi điện và gửi tin nhắn cho bạn bè và gia đình.

– Sử dụng ứng dụng để học tập, như Duolingo hoặc Coursera. Ứng dụng này cho phép thanh niên học việc tự học tiếng mới hoặc học các khóa học từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

– Sử dụng các thiết bị như công cụ tìm kiếm trực tuyến, bản đồ, và các ứng dụng khác để tìm kiếm thông tin, hướng dẫn và địa điểm khác nhau.

– Sử dụng trò chơi điện tử: Thanh niên chơi các trò chơi điện tử như game trên máy tính, điện thoại hoặc console để giải trí và kết nối với những người chơi khác trên toàn cầu.

Với việc phát triển các ứng dụng di động, mạng xã hội, nhiều thanh niên Việt Nam đang sử dụng công nghệ số để kết nối, chia sẻ thông tin và kinh doanh. Ngoài ra, thanh niên cũng sử dụng công nghệ để học tập, nghiên cứu, khám phá và phát triển sức khỏe của mình.

Tuy nhiên, sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ cũng mang lại một số rủi ro tiềm ẩn, như sự phụ thuộc vào công nghệ, lạm dụng truy cập và truyền thông, và tác động xấu đến sức khỏe tinh thần. Vì vậy, việc đảm bảo rằng thanh niên sử dụng công nghệ một cách đúng mức và đúng đắn là vô cùng quan trọng.

Mặt khác, tình hình này cũng đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết, bao gồm việc tăng cường an ninh mạng, đảm bảo sự riêng tư thông tin và ngăn chặn các hành vi xấu của cá nhân và tổ chức trên mạng.

Tóm lại, tình hình sử dụng công nghệ số của thanh niên Việt Nam đang có chiều hướng tăng trưởng và phát triển tích cực, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Thanh niên đang sử dụng rất nhiều công nghệ mới để xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới, bao gồm các nền tảng mạng xã hội, các dịch vụ di động và các công nghệ mới như VR, AR và 5G. Điều này cho thấy rằng công nghệ đang phát triển đáng kể và có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội.

Ngoài ra, tình hình sử dụng công nghệ số của thanh niên Việt Nam còn thể hiện qua sự gia tăng sử dụng các ứng dụng và công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet of Things (IoT), thực tế ảo, thực tế tăng cường. Các công nghệ này có tính ứng dụng cao và đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, giúp cho nền kinh tế và xã hội phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số thách thức đối với sử dụng công nghệ số của thanh niên Việt Nam, bao gồm sự dư thừa thông tin, việc lạm dụng công nghệ gây hại cho sức khỏe và quan hệ xã hội, hoặc tình trạng phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Do đó, việc giáo dục và rèn luyện cho thanh niên về việc sử dụng công nghệ thông minh và bền vững là cần thiết, giúp cho họ có thể tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ và đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam một cách bền vững và tiên tiến hơn.

*Đề xuất các thống kê dữ liệu liên quan đến sự tương tác giữa thanh niên Việt Nam và công nghệ, có thể thu thập thông tin khi phát triển hướng nghiên cứu của các cấp:

Một là, tỉ lệ sử dụng mạng xã hội của thanh niên theo độ tuổi, giới tính và khu vực địa lý.

Hai là, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh của thanh niên, bao gồm số lượng và loại điện thoại thông minh được sử dụng.

Ba là, số lượng thanh niên tham gia các lớp học hoặc khóa học trực tuyến về phát triển ứng dụng và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data, v.v.

Bốn là, tỉ lệ thanh niên tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp và phát triển các sản phẩm công nghệ mới.

Năm là, số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ được thành lập bởi thanh niên, bao gồm số lượng và loại công ty theo ngành nghề.

Sáu là, doanh thu và lợi nhuận của các công ty công nghệ do thanh niên sáng lập.

Bảy là, tỉ lệ thanh niên sử dụng các ứng dụng di động, bao gồm số lượng và loại ứng dụng được sử dụng theo mục đích và ngành nghề.

Tám là, số lượng các giao dịch qua mạng/ e-commerce được thực hiện bởi thanh niên, bao gồm số tiền giao dịch trung bình và loại hàng hoá, dịch vụ được trao đổi.

Chín là, số lượng và tỷ lệ thanh niên sử dụng các công nghệ mới như thực tế ảo, thực tế tăng cường và 5G.

Mười là, thời gian thanh niên dành cho truy cập mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ khác, bao gồm số giờ truy cập trung bình mỗi ngày các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, v.v.

  1. Tầm quan trọng của chủ đề trong quá trình xây dựng một nền kinh tế và xã hội mới

* Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và tác động của nó đến việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số hiện nay đang tác động đến việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới. Dưới đây là một số nghiên cứu của tác giả về vấn đề này:

  • Sự ra đời và phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi hoàn toàn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Các doanh nghiệp phải chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến để tương tác với khách hàng. Hơn nữa, công nghệ số cũng tạo ra rất nhiều ngành kinh tế mới như thương mại điện tử, fintech, e-learning. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Microsoft tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (2020) cho rằng đổi mới được coi là bắt buộc và đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, được 74% nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng cần thiết trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đến 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới đều cho rằng nó là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường, và 56% CEO của các doanh nghiệp lớn khẳng định rằng chuyển đổi số, công nghệ giúp tăng doanh thu. Tổng quát, các công ty thực hiện thành công chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã có lợi nhuận cao hơn 23% so với các công ty hoạt động theo mô hình truyền thống.
  • Công nghệ số giúp tăng cường tính khả dụng của các dịch vụ. Khách hàng có thể tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu trên thế giới thông qua mạng Internet. Theo một số liệu thông báo của Statista (2022), đã chỉ ra rằng Số lượng người Việt mua hàng trực tuyến đã vượt qua mốc 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước và chi tiêu tổng thể cho việc mua sắm trên mạng cũng đạt mức 12,42 tỷ USD. Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến xuyên biên giới với số lượng trung bình tối đa là 104 đơn hàng/năm/người. Theo dự báo của Google và Bain & Company, kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ vượt qua ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
  • Ngoài ra, công nghệ số cũng giúp tăng cường việc kết nối giữa các quốc gia, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và phát triển của các ngành kinh tế.
  • Sự phát triển của công nghệ số cũng tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển khởi nghiệp. Các start-up về công nghệ có thể nhanh chóng phát triển và tăng trưởng, tạo ra đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
  • Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cũng mang đến nhiều thách thức về mặt an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và độ bình đẳng giữa các quốc gia.

Công nghệ số là một yếu tố đang tiếp đánh vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới. Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội mà công nghệ số mang lại, chúng ta cần phải đối mặt và giải quyết những khó khăn và thách thức của nó.

* Những thay đổi và cơ hội mà công nghệ số nói chung đem lại cho thanh niên trong việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới

Công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên trong việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới.

Một là, khởi nghiệp dễ dàng hơn. Với sự phát triển của công nghệ số, việc khởi nghiệp và mở một doanh nghiệp trực tuyến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các thanh niên có thể sử dụng các công cụ như máy tính, điện thoại di động và internet để tìm kiếm thông tin, tạo mô hình kinh doanh và tiếp cận với khách hàng.

Hai là, cơ hội nghề nghiệp mới. Công nghệ số đã tạo ra nhiều công việc mới như chuyên gia truyền thông, phát triển ứng dụng di động, kỹ sư phần mềm và quản trị viên mạng. Những chuyên ngành này đang ngày càng được ưa chuộng và trở thành công việc của tương lai.

Ba là, khả năng học tập linh hoạt hơn. Với sự phát triển của công nghệ số trong giáo dục, thanh niên hiện nay có thể học trực tuyến và từ xa tại nhà. Điều này giúp giảm chi phí giáo dục và tăng cơ hội cho việc tiếp cận với các khóa học đặc biệt và nâng cao năng lực. Theo Tổng cục Thống kê (2021), trong năm học 2019-2021, có 1,8 triệu sinh viên tại Việt Nam đã học từ xa. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỷ lệ sinh viên học trực tuyến chỉ đạt 16% theo Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015. Tuy nhiên, vào năm 2020, khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể, lên tới 61%. Năm học 2021 – 2022: số lượng sinh viên học đại học theo hệ từ xa tại Việt Nam là 360,732 sinh viên

Bốn là, tăng cường kết nối và tương tác xã hội. Công nghệ số cũng giúp thanh niên tăng cường kết nối và tương tác với nhau. Những mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram cho phép thanh niên dễ dàng tìm kiếm bạn bè mới, chia sẻ thông tin và tạo ra những mối quan hệ mới.

Năm là, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Công nghệ số đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, từ các trò chơi điện tử đến các ứng dụng di động và trang web. Những sản phẩm này đã tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên tham gia vào quá trình sáng tạo và phát triển các dịch vụ mới và quen thuộc.

Sáu là, tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm. Công nghệ số giúp thanh niên dễ dàng truy cập vào các trang tìm việc trực tuyến và ứng tuyển cho các vị trí công việc một cách thuận tiện. Việc tìm kiếm việc làm thông qua công nghệ số cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho những người tìm việc.

Bảy là, đẩy mạnh nền kinh tế số. Các công ty và các doanh nghiệp trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên tham gia vào kinh doanh trên mạng. Những doanh nghiệp trực tuyến này đang hình thành và dần tạo ra nền kinh tế số mới, với rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Tám là, tăng cường hiệu quả sản xuất và quản lý. Công nghệ số giúp vận hành sản xuất và quản lý công việc trở nên hiệu quả hơn. Các hệ thống quản lý tài sản, quản lý chất lượng, quản lý doanh nghiệp… được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực như kinh doanh, y tế, sản xuất, giáo dục và hành chính công. Các công nghệ này giúp tối ưu hóa các quy trình làm việc, tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Chín là, tạo ra nền văn hóa số. Công nghệ số đang tạo ra nền văn hóa số mới, giúp mở rộng tầm nhìn, tăng cường kiến thức, truyền thông và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, giữa các dân tộc và giữa các thế hệ. Thanh niên càng sử dụng và tận dụng công nghệ số nhiều thì càng gần gũi và tiếp cận được những giá trị tinh thần, văn hóa mới.

Mười là, giúp thanh niên tạo ra các giá trị mới, đẩy mạnh phát triển đa dạng và sáng tạo, và góp phần tạo ra nền kinh tế và xã hội mới.

Tổng kết lại, công nghệ số đã và đang tạo ra rất nhiều cơ hội đối với thanh niên, giúp họ tận dụng tối đa khả năng, phát triển bản thân và góp phần xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng công nghệ số đòi hỏi sự hiểu biết, sử dụng và quản lý thông minh để không gây hại đến bản thân và xã hội.

*Ví dụ cụ thể về các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng công nghệ số của thanh niên đã tạo ra hoặc đóng góp cho quá trình xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới

Đối với nước ngoài có thể kể đến như: Ứng dụng Zoom: Với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ứng dụng Zoom trở thành công cụ hỗ trợ giảng dạy và làm việc trực tuyến phổ biến. Ứng dụng này được nhóm kỹ sư trẻ tại Mỹ phát triển và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Mạng xã hội Facebook: Mark Zuckerberg, một thanh niên thành công, đã đồng sáng lập Facebook, một mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook đã giúp kết nối mọi người với nhau, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và tăng cường sự tương tác và giao lưu giữa các quốc gia và dân tộc. Ứng dụng TikTok: TikTok là một ứng dụng mạng xã hội giúp người dùng chia sẻ video ngắn và giải trí. Ứng dụng này đã trở thành cơn sốt trên toàn thế giới và thu hút sự quan tâm của các thế hệ trẻ. TikTok đã tạo ra một thị trường quảng cáo trực tuyến mới và mang đến nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp. Sản phẩm Apple: Với những sản phẩm như iPhone, iPad và MacBook, Steve Jobs – một thanh niên nổi tiếng với tài năng sáng tạo, đã giúp định hình lại ngành công nghiệp công nghệ. Sản phẩm của Apple đã trở thành một biểu tượng của sự tiên tiến và đổi mới. Cộng đồng Github: Github là một cộng đồng lớn nhất thế giới cho phép các nhà phát triển chia sẻ mã nguồn, đóng góp vào dự án mã nguồn mở và tăng cường kỹ năng lập trình. Cộng đồng này đang giúp tạo ra một thế giới liên kết và cộng tác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Đó là một số ví dụ cụ thể về các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng công nghệ số do thanh niên nước ngoài tạo ra hoặc đóng góp cho quá trình xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới tại quốc gia của họ.

Vậy còn đối với thanh niên Việt Nam thì sao? Có nhiều sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng công nghệ số do thanh niên Việt Nam tạo ra hoặc đóng góp cho quá trình xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới, dưới đây là một vài ví dụ cụ thể:

  • VNG là một công ty công nghệ Việt Nam với 4 mảng sản phẩm chính là Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ điện toán đám mây
  • Ứng dụng VNPay: VNPay là một hệ thống thanh toán trực tuyến của Việt Nam, được phát triển bởi một nhóm thanh niên tại Việt Nam. Công nghệ VNPay giúp nâng cao trải nghiệm thanh toán trực tuyến cho người dùng và giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động.
  • Ứng dụng Momo: MoMo được đánh giá là một trong những ứng dụng ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 23 triệu người dùng và được sử dụng rộng rãi trong cả các khu vực đô thị lẫn nông thôn. Ứng dụng này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc sử dụng các giao dịch tài chính trực tuyến tại Việt Nam.

Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận nước ta xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis) khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

  • Sản phẩm VinSmart: Tập đoàn Vingroup của Việt Nam đã thành lập Công ty sản xuất Điện tử VinSmart và phát triển nhiều sản phẩm công nghệ, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Nhờ sự đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất của Vingroup, VinSmart sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho nền công nghiệp điện tử của Việt Nam.
  • Sản phẩm Bluezone: Ứng dụng Bluezone là một sản phẩm công nghệ mới của Việt Nam, giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Bluezone được phát triển bởi một nhóm kỹ sư trẻ tại Viện Khoa học Vật lý Việt Nam, được hỗ trợ bởi Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia y tế.
  • Ứng dụng Lozi: Lozi là một mạng xã hội về ẩm thực, giúp người dùng tìm kiếm các địa điểm ăn uống và đánh giá chất lượng của nhà hàng, quán ăn. Ứng dụng Lozi được phát triển bởi một nhóm thanh niên tại Việt Nam.
  • Sản phẩm ứng dụng nhận diện khuôn mặt của VinAI: VinAI là một công ty trí tuệ nhân tạo thuộc Tập đoàn Vingroup, đã phát triển một sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt người dùng. Sản phẩm này được áp dụng ở nhiều lĩnh vực, từ an ninh đến giáo dục và tài chính.
  • Ứng dụng MISA: MISA là một phần mềm kế toán, quản lý doanh nghiệp được phát triển bởi một nhóm thanh niên tại Việt Nam. Ứng dụng này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình quản lý kế toán và tài chính.
  • Sản phẩm công nghệ Bkav: Bkav là tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp an ninh mạng và phần mềm diệt virus tốt nhất tại Việt Nam, được thành lập bởi một nhóm kỹ sư trẻ tại Việt Nam. Bkav đã đóng góp cho quá trình xây dựng nền tảng an ninh mạng cho Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
  • Sản phẩm công nghệ FPT Play: FPT Play là một sản phẩm công nghệ số do tập đoàn FPT tại Việt Nam phát triển. FPT Play cung cấp cho người dùng các nội dung giải trí trực tuyến, từ chương trình truyền hình và phim ảnh đến các trò chơi giải trí….

Trên đây là một vài ví dụ cụ thể về các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng công nghệ số do thanh niên nước ngoài và thanh niên Việt Nam tạo ra hoặc đóng góp cho quá trình xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới.

  1. Những thách thức và giải pháp

*Những thách thức:

Thanh niên đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tương tác với công nghệ, đồng thời, quá trình xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho thanh niên Việt Nam. Dưới đây là một số ví dụ về các thách thức mà tác giả đặt ra:

Một là, thách thức về an toàn trên mạng. Khi sử dụng các sản phẩm của công nghệ như điện thoại, máy tính và mạng xã hội, các thông tin cá nhân của thanh niên có thể bị đánh cắp hoặc tấn công bởi các hacker. Vì vậy, thanh niên cần phải biết cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình, đồng thời, phải được giáo dục về các vấn đề an toàn trên mạng.

Hai là, thách thức về sức khỏe. Sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như mỏi mắt, đau lưng, tình trạng sợ hãi, thiếu ngủ, cân bằng cuộc sống bị mất cân bằng, tác hại khi đang phát triển tâm lý và thể chất.

Ba là, thách thức về sự phụ thuộc. Việc sử dụng công nghệ quá mức có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào công nghệ và mất khả năng giải quyết vấn đề trực tiếp. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự độc lập và sáng tạo của thanh niên.

Bốn là, thách thức về sự cạnh tranh. Với sự phát triển của công nghệ, thanh niên đang phải đối mặt với một sự cạnh tranh khốc liệt khi xem xét các cơ hội việc làm và thương mại. Điều này đòi hỏi các thanh niên cần phải nâng cao trình độ đào tạo và sở hữu những kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trên thị trường lao động.

Năm là, thách thức về việc đáp ứng kỳ vọng xã hội. Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi thanh niên phải có thể đáp ứng kỳ vọng xã hội đối với những tiến bộ của công nghệ này. Điều này đặt ra thách thức đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, đồng thời phải có chính sách của chính phủ hỗ trợ để giúp các thanh niên có thể học tập và tiếp cận các kỹ năng công nghệ mới.

Sáu là, thách thức về tâm lý và xã hội. Sử dụng quá nhiều công nghệ có thể gây ra tình trạng cô đơn, mất mát mối quan hệ xã hội, hạnh phúc, tâm lý phức tạp và các vấn đề tâm lý khác. Thanh niên cần phải biết cách sử dụng công nghệ một cách hợp lí để tránh các vấn đề này.

Bảy là, thách thức về việc tận dụng công nghệ: Việc tận dụng các công nghệ mới để xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới là một thách thức lớn đối với thanh niên. Cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, chính phủ và các doanh nghiệp để giúp thanh niên có thể tận dụng các công nghệ mới này để phát triển một cách bền vững.

Tóm lại, thanh niên đang gặp phải nhiều thách thức trong việc tương tác với công nghệ và trong việc xây dựng nền tảng kinh tế và xã hội mới. Việc đối mặt và giải quyết các thách thức này đòi hỏi sự nhận thức và tinh thần trách nhiệm từ các thanh niên, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, cộng đồng và chính phủ.

*Giải pháp:

Để giải quyết các thách thức được đề cập ở trên, có một số giải pháp mà các thanh niên có thể áp dụng, điển hình như:

Một là, nâng cao nhận thức và giáo dục. Thanh niên cần phải có nhận thức rõ về những thách thức của công nghệ và động lực để học hỏi và áp dụng các kỹ năng để sử dụng công nghệ một cách hợp lý. Đồng thời, các bậc phụ huynh và cộng đồng giáo dục cần có những chương trình giáo dục để giúp trẻ có được các kỹ năng và nhận thức cần thiết.

Hai là, tạo ra các sản phẩm công nghệ mới và cải tiến. Thanh niên có thể tham gia vào các hoạt động khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới và cải tiến các sản phẩm công nghệ hiện có. Những công nghệ này sẽ giúp đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội, với sự tham gia của thanh niên, các công ty nhỏ và trung bình.

Ba là, xây dựng các chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan. Chính phủ và các tổ chức liên quan cần thiết lập các chính sách để hỗ trợ thanh niên tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới để phát triển kinh tế và xã hội. Các chính sách cần tập trung vào việc đào tạo, tạo ra các cơ hội việc làm và cải thiện hoàn cảnh sống cho thanh niên.

Bốn là, hợp tác và đối thoại xã hội. Các thanh niên cần có kỹ năng và sự đam mê để tạo ra các mối quan hệ đối tác và hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp khác. Các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ cần tạo ra một môi trường hoạt động có thể khuyến khích và giúp đỡ các thanh niên đạt được mục tiêu của mình.

Năm là, khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Thanh niên có thể tìm kiếm cơ hội đổi mới và sáng tạo của mình bằng cách tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp, tổ chức các câu lạc bộ đổi mới và sáng tạo hoặc thực hiện các dự án cá nhân.

Sáu là, phát triển kỹ năng mềm. Ngoài việc tập trung vào các kỹ năng công nghệ, thanh niên cần phải phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng tư duy sáng tạo để có thể thích nghi và điều chỉnh các nhu cầu thay đổi của công việc và xã hội.

Bảy là, giáo dục về khởi nghiệp. Giáo dục đào tạo khởi nghiệp và kinh doanh cũng rất quan trọng để giúp các thanh niên khởi đầu một doanh nghiệp thành công trong ngành công nghệ. Tìm kiếm các hỗ trợ giáo dục từ các tổ chức và chính phủ có thể giúp thanh niên xây dựng và phát triển kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Tám là, tìm kiếm cơ hội học hỏi mới. Thanh niên cần không ngừng học hỏi và cập nhật các kiến thức và kỹ năng mới để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Họ có thể tìm kiếm các khóa học trực tuyến, các khóa học miễn phí hoặc tham gia các khóa đào tạo chính thức để nâng cao trình độ của mình.

Tóm lại, giải quyết các thách thức mà thanh niên đang gặp phải cần sự hợp tác và tích cực tham gia của tất cả các tổ chức, cộng đồng và chính phủ. Các thanh niên cũng cần có ý chí và nhận thức cao, cũng như kỹ năng và sự đam mê để tận dụng và phát triển công nghệ để xây dựng một xã hội phát triển, bền vững và hạnh phúc.

*Kiến nghị:

Từ những thách thức và giải pháp tác giả đặt ra ở trên, để thực hiện được các giải pháp  được tốt vượt qua các thách thức rào cản. Tác giả có một số kiến nghị đề xuất với Chính phủ và Trung ương Đoàn như sau:

Kiến nghị 1: Tổ chức các chương trình giáo dục và đào tạo cho thanh niên nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hợp lý và áp dụng công nghệ để xây dựng kinh tế và xã hội mới. Tổ chức các khóa học và đào tạo tiền tiến của công nghệ cao để giúp thanh niên cập nhật các kỹ năng công nghệ mới nhất, giúp họ có thể đáp ứng được những nhu cầu thay đổi của xã hội, giải quyết được các vấn đề phức tạp và xây dựng các sản phẩm và dịch vụ mới.

Kiến nghị 2: Tạo ra các chính sách hỗ trợ thanh niên: các chính sách trong việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới nhằm giúp thanh niên phát triển các kỹ năng công nghệ, tăng cường cơ hội việc làm và cải thiện hoàn cảnh sống. Đưa ra các chính sách và cơ chế hỗ trợ tài chính cho các thanh niên để khởi động các doanh nghiệp công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có. Xây dựng các chính sách và các cơ chế hỗ trợ để giúp các tổ chức và doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các sản phẩm và giải pháp công nghệ mới.

Kiến nghị 3: Tăng cường giáo dục về khởi nghiệp và cung cấp hỗ trợ cho các thanh niên khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ nhằm khuyến khích thanh niên tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp và các dự án cá nhân. Phát triển các sự kiện và hoạt động nhằm khuyến khích thanh niên tham gia vào các dự án, sự kiện về công nghệ để tăng cường sự quan tâm và tham gia của thanh niên vào lĩnh vực này.

Kiến nghị 4: Đưa ra các chính sách quản lý và giám sát công nghệ nhằm đảm bảo rằng các công nghệ mới được sử dụng một cách minh bạch, an toàn và có ích cho xã hội.

Kiến nghị 5: Khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện và các chương trình đào tạo để phát triển các kỹ năng mềm và giá trị cá nhân, giúp thanh niên có thể tránh được tác động tiêu cực của công nghệ đến cuộc sống và hạnh phúc của mình.

Kiến nghị 6: Tăng cường các hoạt động tạo thêm động lực và khuyến khích của thanh niên nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và góp phần xây dựng một xã hội thông minh, hiện đại, bền vững và phát triển.

Tóm lại, để giúp thanh niên đối mặt với các thách thức của công nghệ và phát triển bền vững trong tương lai, Chính phủ và Trung ương Đoàn cần thiết lập các chính sách, cơ chế và các chương trình hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ trợ thanh niên sẽ giúp đảm bảo rằng họ có cơ hội phát triển tốt nhất của mình trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này.

  1. Kết luận

Sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng kinh tế và xã hội mới. Những tiến bộ trong công nghệ đã thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Đặc biệt là với thế hệ thanh niên, công nghệ đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ cũng đem đến một số hậu quả không mong muốn. Việc áp dụng quá nhiều công nghệ vào cuộc sống có thể gây ra một số vấn đề như mất quyền riêng tư, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

Do đó, cần có một sự cân bằng giữa sử dụng công nghệ và giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất. Thanh niên cần hiểu rõ về tác động của công nghệ đến cuộc sống của mình và biết cách quản lý và sử dụng nó một cách hiệu quả.

Từ các nghiên cứu và thực tế cho thấy rằng, sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Sẽ có nhiều ứng dụng công nghệ mới được phát triển để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo và chính phủ cũng cần có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo việc sử dụng công nghệ đem lại lợi ích cho cuộc sống xã hội và tránh những hậu quả không mong muốn.

Tóm lại, sự tương tác giữa thanh niên và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng kinh tế và xã hội mới. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của cuộc sống và xã hội, cần có sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]: Greenfield, S. (2014). Mind change: How digital technologies are leaving their mark on our brains. New York: Random House.

[2]: Hội đồng Anh – British Council (2020). Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam

[3]: PGS.TSKH. Lương Đình Hải (2017). Cách mạng khoa học-công nghệ và tác động của nó đến con người và xã hội Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Con người số 5(92), năm 2017.

[4]: Phạm Ngọc Tân, Tô Thị Hồng, Phạm Hồng Bắc (2021). Một số ảnh hưởng của internet, mạng xã hội đến giới trẻ: Nghiên cứu tổng quan. Tạp chí Khoa học Phụ nữ Việt Nam, Quyển 15, số 3 -2021.

[5]: Rosen, L. D., & Carrier, L. M. (2015). The benefits of Facebook “friends:” social capital and college students’ use of online social network sites. Journal of Computer-Mediated Communication, 19(4), 855-870.

 

[Lời Ban Biên tập Website]:

Bài viết là toàn văn tham luận của tác giả NGUYỄN TẤN THÀNH thuộc đơn vị Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào ngày 20/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Có thể tham khảo tại: Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. (2024). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.90-93.

CÁCH MẠNG SỐ – TRỤ CỐT PHÁT TRIỂN CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 & NHẬN THỨC CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN KINH TẾ SỐ, ĐƯA NỀN TẢNG SỐ VÀO SỰ PHÁT TRIỂN QUỐC GIA

Tóm tắt: Bài tham luận đang tập trung vào vai trò của cách mạng số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận thức của thanh niên Việt Nam trong thời đại kinh tế số. Cách mạng số đóng vai trò trụ cột trong sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, đó là một sự tiến hóa mạnh mẽ từ các phương thức sản xuất truyền thống sang một thế giới kinh doanh hoàn toàn mới, thông qua việc kết nối toàn cầu và dữ liệu số hóa. Bài tham luận cũng nêu rõ vai trò của thanh niên Việt Nam trong kinh tế số, trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền tảng số, hỗ trợ gia tăng khả năng cạnh tranh và đưa đất nước vào con đường phát triển bền vững.

Từ khóa: Chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp, “triết lý con ếch”, kinh tế số, thanh niên

Abstract: The essay focuses on the role of the Digital Revolution in the Industry 4.0 and the understanding of Vietnamese youth in the era of the digital economy. The Digital Revolution plays a fundamental role in the development of Industry 4.0, which is a strong evolution from traditional production methods to a completely new business world, through global connectivity and digital data. The essay also highlights the role of Vietnamese youth in the digital economy, in promoting the development of digital platforms, supporting competitiveness, and putting the country on the path to sustainable development.

Key words: Digital transformation, industrial revolution, frog philosophy, digital economy, youth.

 

  1. Giới thiệu chung

1.1. Định nghĩa và bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay còn gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp thông minh” là một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong lĩnh vực kinh tế số và công nghiệp 4.0. Đây là một cách tiếp cận thông minh trong sản xuất, quản lý và tiêu dùng mà sử dụng những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT), blockchain, robot và tự động hóa… để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thông minh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn so với các cách tiếp cận truyền thống.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển công nghiệp thứ tư. Nó được xem là sự kết hợp giữa sự tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông với sự tự động hóa và thông minh hóa sản xuất.

Siebel[1] coi bản chất của chuyển đổi số là sự hợp nhất của 4 công nghệ đột phá: công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hội tụ này đã toàn cầu hóa phạm vi và tác động của chuyển đổi kỹ thuật số, dẫn đến các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với chuyển đổi kỹ thuật số.

Chuyển đổi số thực chất là tên gọi khác của Cách mạng 4.0 như Ustundag & Cevikcan đã chỉ ra: Kỷ nguyên chuyển đổi mà chúng ta đang sống khác các thời đại khác là không chỉ mang đến sự thay đổi quá trình kinh doanh cơ bản mà còn làm nổi bật quan niệm sản phẩm tương tác thông minh thể hiện qua các mô hình kinh doanh theo hướng dịch vụ”.[2]

Cách mạng công nghiệp 4.0 được đặt trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế và cải cách sản xuất để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Đồng thời, cuộc cách mạng cũng giúp nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra thách thức mới cho các quốc gia và doanh nghiệp, đòi hỏi họ phải sáng tạo và chuyển đổi nhanh chóng, để có thể cạnh tranh trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa.

1.2. Những ưu điểm và cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Cách mạng công nghiệp 4.0 cung cấp nhiều cơ hội và lợi ích cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, bao gồm:

– Tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng cường hiệu quả năng suất lao động.

– Khả năng phân tích và dự đoán nhu cầu của thị trường, giúp tối ưu hóa mọi hoạt động trong chuỗi cung ứng.

– Cải tiến và nâng cấp dịch vụ và sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường và kết hợp với công nghệ tiên tiến.

– Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế và đưa ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn.

– Tạo ra các công cụ, giải pháp giúp quản lý và theo dõi hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả hơn.

– Giảm thiểu tác động đến môi trường và tài nguyên nhờ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tái sử dụng.

Đối với Việt Nam, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để cải tiến thực phẩm, sản xuất các sản phẩm công nghệ, phát triển kinh tế đổi mới và quản lý nguồn lực hiệu quả hơn.

Nghị quyết Hội nghị số 02-NQ/HNTW (Khóa VIII) lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định “Cùng với giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ. Đảng và Nhà nước có chính sách đầu tư khuyến khích, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ”. Và từ đó đến nay, Đảng ta luôn xác định khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Trong các văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số nhiều lần được đề cập cả trong mục tiêu và chiến lược. Chuyển đổi từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế số là bước nhảy vọt phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu mới của thời đại, đồng thời phù hợp với mục tiêu đến năm 2030. “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt càng khẳng định sự cần thiết và tầm nhìn về chuyển đổi số.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên nền kinh tế của nước ta đã có sự đổi mới, với sự hiện đại trong ngành công nghiệp và đem lại thu nhập bình quân cao. Vì vậy, để đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế hệ trẻ cần có nỗ lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Việc này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

  1. Cách mạng số trong Cách mạng công nghiệp 4.0

2.1. Định nghĩa và cách hoạt động của cách mạng số

Cách mạng số (Digital revolution) hay còn gọi là “Cuộc cách mạng kỹ thuật số” là một phần của Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào việc sử dụng những công nghệ số để nâng cao hiệu quả và tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bằng cách áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, IoT, Blockchain, Big Data, Cloud Computing và tự động hóa, cách mạng số giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các hoạt động sản xuất và kinh doanh, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến hơn và phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.

Cách mạng số là quá trình sử dụng công nghệ số để thay đổi các phương pháp sản xuất, giao tiếp và quản lý trong đời sống kinh tế và xã hội. Nó được coi là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại sau Cách mạng công nghiệp.

Mặt khác cách mạng số hoạt động bằng cách đưa các thiết bị điện tử vào mọi khía cạnh của cuộc sống như truyền thông, giao dịch kinh tế, giải trí, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Các thiết bị này liên kết với nhau thông qua Internet và các ứng dụng trực tuyến, cho phép chia sẻ thông tin và tương tác trực tiếp với nhau trên nền tảng kỹ thuật số.

Cách mạng số mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và kinh tế, bao gồm nâng cao năng suất sản xuất, đẩy mạnh giáo dục và nghiên cứu, giảm đáng kể chi phí trong các hoạt động kinh doanh và tăng cường tầm quan trọng của khía cạnh truyền thông trong xã hội.

Tuy nhiên, cách mạng số cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó bao gồm việc bảo mật và quyền riêng tư trên mạng, tạo ra bất cân đối trong việc phân phối kinh tế và cản trở sự phát triển của một số nhóm người.

2.2. Tầm quan trọng của cách mạng số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành kinh tế Việt Nam

Cách mạng số có vai trò quan trọng trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và đóng góp đáng kể trong sự phát triển của các ngành kinh tế ở Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp, cách mạng số giúp tăng cường sức cạnh tranh và nâng cao năng suất sản xuất. Bằng cách sử dụng các công nghệ số, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phân tích và đưa ra quyết định đúng đắn hơn, tối ưu hóa quá trình sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn.

Đối với ngành kinh tế Việt Nam, cách mạng số giúp tạo ra những bước đột phá trong sản xuất và kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều ngành công nghiệp đã bắt đầu tận dụng cách mạng số, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển và tối ưu hóa việc áp dụng các công nghệ số.

Ở Việt Nam, cách mạng số đang chờ những cơ hội mới đưa đất nước ta đến với một giai đoạn phát triển mới. Sự tăng trưởng và phát triển nhanh của cách mạng số đang trở thành một yếu tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành kinh tế Việt Nam. Nó mang lại cơ hội khai thác các tiềm năng phát triển trong lĩnh vực trực tuyến, thực hiện kinh doanh 4.0 và tạo ra môi trường ưu đãi cho các doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, và cách mạng số sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển của đất nước trong tương lai nếu Việt Nam có thể khám phá và tận dụng tốt cách mạng số, khả năng phát triển kinh tế sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng cách mạng số, các doanh nghiệp và chính phủ cần cải tiến hệ thống quản lý và giáo dục, nâng cao đào tạo về công nghệ số và tạo ra môi trường thích hợp để tận dụng tiềm năng của cách mạng số.

Cách mạng số đóng vai trò quan trọng trên con đường phát triển cũng như cạnh tranh của ngành kinh tế Việt Nam.

  1. Trụ cột phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 – Nền tảng số

3.1. Các thành phần cấu thành nền tảng số và vai trò của chúng trong phát triển kinh tế số

Nền tảng số (hay còn gọi là “Digital Platform”) là một hệ thống kỹ thuật số phức tạp được xây dựng để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh và sản xuất trong một ngành hoặc một doanh nghiệp cụ thể. Nền tảng số bao gồm các thành phần chính sau:

– Công nghệ cơ bản: Bao gồm truyền thông dữ liệu, đám mây, Big Data, IoT, trí tuệ nhân tạo và blockchain.

– Hệ thống quản lý: Cung cấp khả năng quản lý các thông tin, dữ liệu và hệ thống. Hệ thống này bao gồm các máy chủ và phần mềm quản lý.

– Ứng dụng: Cung cấp các ứng dụng phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp.

– Hệ thống thanh toán: Cung cấp các hệ thống thanh toán an toàn và tiện lợi từ xa nhằm giải quyết vấn đề thanh toán.

Nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số, cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp triển khai các giải pháp kinh doanh số. Nền tảng số giúp cho các doanh nghiệp tối ưu quá trình sản xuất, quản lý khách hàng và tăng cường tính cạnh tranh thành công. Bên cạnh đó, nền tảng số cũng cung cấp môi trường thông minh để doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin về thị trường và khách hàng.

Theo Siebel, “phạm vi của chuyển đổi số và hàm ý của nó đang liên tục biến đổi và tác động của nó vẫn đang tiếp tục được làm rõ”. Trên thực tế, việc nhầm lẫn hoặc không phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa số hóa (digitization/digitalization) công nghệ số/ứng dụng công nghệ số (digitalisation/digitalised applications) và chuyển đổi số (digital transformation) là khá phổ biến trên thực tế.

– Số hóa: Chuyển đổi các thực thể từ dạng liên tục hoặc vật lý sang dạng phiên bản số.

– Công nghệ số: Bao gồm các thiết bị, phương pháp, hệ thống… được phát triển để khai thác các thực thể số hóa.

– Thời đại số: Các thực thể đang được số hóa và số lượng công nghệ số cũng đang gia tăng và được sử dụng ngày càng phổ biến

3.2. Ứng dụng của nền tảng số vào các lĩnh vực chính trong kinh tế Việt Nam

Nền tảng số đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, logistics, năng lượng, y tế, du lịch đến giải trí. Nó cho phép các thiết bị, máy móc, cảm biến và các hệ thống khác liên kết với nhau, tạo thành một mạng lưới thông minh để quản lý và điều khiển các hoạt động kinh tế và xã hội.

Nhờ vào nền tảng số, các doanh nghiệp có thể thu thập và phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau để cải thiện quy trình sản xuất và hoạt động kinh doanh. Các kết quả đưa ra từ việc phân tích dữ liệu cho phép các lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định lâu dài và phù hợp, cải thiện hiệu suất sản xuất, cải thiện dịch vụ khách hàng và tối ưu chi phí.

Nền tảng số có thể được ứng dụng một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam, bao gồm:

– Công nghiệp: Nền tảng số giúp tối ưu quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, quản lý dữ liệu, vận hành đa quốc gia và giảm thiểu tổn thất.

– Nông nghiệp: Nền tảng số có thể giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp theo dõi quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.

– Y tế: Nền tảng số có thể giúp quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, giám sát sức khoẻ cộng đồng, quản lý thuốc và phân phối vật tư y tế.

– Giáo dục: Nền tảng số giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giảm chi phí đào tạo và giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và tuyển dụng nhân viên có kỹ năng phù hợp.

– Du lịch và dịch vụ: Nền tảng số giúp quản lý và đưa ra các gói dịch vụ hấp dẫn hơn cho khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng doanh thu.

Nền tảng số cũng giúp cho việc quản lý dự án và công việc trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt ở các công ty có nhiều chi nhánh và nhân viên làm việc từ xa. Các công nghệ số mới cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cạnh tranh với các công ty lớn hơn.

Tổng quan lại, nền tảng số đã và đang có vai trò vô cùng quan trọng và có tiềm năng lớn trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp và chính phủ cần tạo điều kiện và ủng hộ họ triển khai và sử dụng nền tảng số một cách tối ưu nhất.

  1. Nhận thức của thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế số

4.1. Tầm quan trọng của nhận thức đối với sự phát triển kinh tế số

Nhận thức của Thanh niên Việt Nam về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số là rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và sử dụng các công nghệ số, đồng thời góp phần tạo ra sự thay đổi và tiến bộ trong kinh tế Việt Nam.

Nhận thức đúng đắn về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số giúp thanh niên Việt Nam hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức mà nó mang lại, từ đó đưa ra các quyết định và hành động phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế số.

Ở thời đại kinh tế số, nhận thức của thanh niên Việt Nam về kinh tế số đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước. Thanh niên Việt Nam là tài sản quý giá của quốc gia, có vai trò chiến lược trong sự phát triển của nền kinh tế và theo đó là việc áp dụng các công nghệ số để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Nhận thức của thanh niên Việt Nam về kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế số. Thanh niên Việt Nam cần có hiểu biết về các công nghệ số như Intenet of Things, trí tuệ nhân tạo, Big Data, Cloud Computing, các ứng dụng trên di động… để áp dụng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất và quản lý. Ngoài ra, cần hiểu rõ về xu hướng kinh tế số, các cơ hội và thách thức của nó, những nguy cơ và phản ứng cần có để đưa kinh tế số phát triển bền vững.

Nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và trở thành thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau In-đô-nê-si-a. Giá trị của nền kinh tế số đã đạt 12 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019 và đang có mức tăng trưởng trung bình 38% mỗi năm kể từ năm 2015. Dự kiến vào năm 2025, giá trị của nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 43 tỉ đô la Mỹ. Trong số đó, thương mại điện tử đã đóng góp mức 5% GDP của Việt Nam trong năm 2019. Kinh tế số đã cung cấp nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường và mở rộng kinh doanh cho người dân Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số đã củng cố vị trí của đất nước là một thị trường tiềm năng và hứa hẹn còn nhiều tiềm năng cho tương lai.

Tầm quan trọng của nhận thức đối với sự phát triển kinh tế số là không thể phủ nhận. Trong một khi một doanh nghiệp hoặc cộng đồng không có đủ nhận thức về các công nghệ số và ứng dụng của chúng, họ sẽ không thể cạnh tranh và phát triển trong kinh tế số. Khi các doanh nghiệp và cộng đồng có nhận thức đầy đủ về kinh tế số, họ có thể áp dụng các công nghệ số vào sản xuất, quảng bá thương hiệu và cải thiện hiệu quả kinh doanh của mình. Nhận thức mang lại cho thanh niên Việt Nam cơ hội để hiểu hơn về kinh tế số và sử dụng những công nghệ số để phát triển năng lực của mình trong nền kinh tế phát triển hiện nay.

Vì vậy, các tổ chức và Chính phủ cần có chính sách và chiến lược phù hợp để nâng cao nhận thức của thanh niên Việt Nam về kinh tế số. Các chương trình đào tạo và cung cấp kiến thức về kinh tế số cần được tăng cường, cũng như các hoạt động giáo dục khác như tạo dựng môi trường khởi nghiệp, sáng tạo công nghệ, trao đổi kinh nghiệm nhóm và giao lưu quốc tế. Như vậy, có thể tạo đà để cải thiện nhận thức đối với kinh tế số của thanh niên Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

*Nhận thức của thanh niên trong giai đoạn dịch Covid- 19:

Dù trên lý thuyết Covid- 19 không liên quan gì đến việc chuyển đổi số, nhưng tình hình đại dịch hiện nay lại làm tăng sự phải cần và khẳng định tính tất yếu của xu hướng công nghệ số. Điều này đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại mọi lĩnh vực và tạo nên cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế số. Chúng ta không thể bỏ qua sự bùng nổ đại dịch này và cần tận dụng vốn có để đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số trong thời gian tới để cùng vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai.

“Có lý tưởng lớn, có sứ mệnh cao và niềm tin vào nó sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần cho thanh niên. Ngọn cờ cao sẽ hội tụ được mọi thanh niên, đoàn kết được 22 triệu thanh niên Việt Nam và sức mạnh này sẽ là vô địch. Thanh niên Vệt Nam hãy cầm ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam biến Việt Nam thành quốc gia số thịnh vượng. Ngọn cờ này đủ lớn, đủ cao để hội tụ thanh niên. Ngọn cờ này đủ khát vọng để thanh niên sẵn sàng đi đầu, dấn thân, hi sinh. Đất nước đã gọi tên thanh niên trong sự nghiệp giành độc lập, chống ngoại xâm, thống nhất và giữ gìn sự trọn vẹn của đất nước, thì nay đất nước gọi tên thanh niên trong sự nghiệp chấn hưng đất nước” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Thế hệ thanh niên trẻ tại Việt Nam ( còn gọi là thế hệ Z)  hiện đang có một tiếp xúc tích cực với công nghệ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là họ chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Thật đáng lo ngại khi thế hệ Z tại Việt Nam có xu hướng làm các công việc có nguy cơ tự động hóa cao hơn so với các đối tượng khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động Việt Nam trong tương lai.

Nhưng không chỉ đối mặt với khoảng cách kỹ năng ngày càng lớn khi tham gia vào lực lượng lao động trong thời điểm công nghệ thay đổi nhanh chóng, thế hệ Z còn phải đối mặt với yêu cầu công việc liên tục phát triển trong quá trình sự nghiệp. Và chính cách thế hệ Z Việt Nam chuẩn bị cho mình trong thời đại kỹ thuật số sẽ quyết định tương lai của họ. Vì vậy, cần đưa ra các chính sách và chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu công nghiệp 4.0 nhằm giúp thế hệ Z ngày càng trở nên chuyên nghiệp và sẵn sàng cho công việc trong tương lai. Chỉ có vậy, họ mới có thể bắt kịp với sự phát triển công nghệ và đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai.

PwC Việt Nam đã phát hành báo cáo có tiêu đề “Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số?” để khảo sát quan điểm của thế hệ trẻ nhất và tiềm năng nhất trong lực lượng lao động – thế hệ Z – về việc chuẩn bị cho nền kinh tế số đang thay đổi nhanh chóng tại Việt Nam. Báo cáo này giải thích các suy nghĩ của 461 đại diện của thế hệ Z và được phân tích dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát mức độ sẵn sàng kỹ năng số Việt Nam, được PwC Việt Nam tiến hành giữa tháng 3 năm 2021.

Kết quả khảo sát cho thấy 84% thế hệ Z tỏ ra rất lạc quan về vai trò của công nghệ trong các công việc của họ. Tuy nhiên, khoảng 11% số thế hệ Z tại Việt Nam lo ngại về tác động của công nghệ đến công việc trong tương lai, đây là tỉ lệ thấp nhất so với các thế hệ khác trong lực lượng lao động. Ba lý do khiến họ lo lắng là: 51% cho rằng công nghệ sẽ khiến công việc của họ trở nên thừa thãi, 26% nghĩ rằng họ không có đủ kỹ năng cần thiết, và 12% nghĩ rằng họ không thể học được những kỹ năng phù hợp để thích ứng.

Suy cho cùng, các kết quả của báo cáo này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quan điểm và tâm lý của thế hệ Z đối với công nghệ và sự chuẩn bị cho kỷ nguyên số đang diễn ra tại Việt Nam. Điều này cũng đặt ra một thách thức mới cho chính phủ và các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp về việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với kỹ năng phù hợp cho thế hệ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các công việc của tương lai.

Kết quả khảo sát cho thấy rằng thế hệ Z đang phải đối mặt với nhiều lo lắng về triển vọng công việc trong tương lai, đặc biệt là đối với những người chưa sở hữu bằng cấp. Trong số 62% người Việt thuộc thế hệ Z chưa có bằng cấp, nhiều người cho rằng tự động hóa sẽ gây ra nhiều rủi ro hơn là cơ hội, so với những người cùng thế hệ nhưng đã sở hữu bằng cấp và trình độ chuyên môn (47%). Điều này ám chỉ rằng nâng cao trình độ và kỹ năng của thế hệ Z là hết sức cần thiết, đồng thời, còn sự trầm trọng hơn khi cả thế giới đang chịu tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu về kỹ năng số đang trở nên ngày càng to lớn.

Phát hiện này tương đồng với kết quả từ cuộc khảo sát toàn cầu về nâng cao kỹ năng nghề nghiệp “hy vọng và lo ngại” năm 2019 do PwC tiến hành, với hơn 22.000 người tham gia. Cuộc khảo sát này xác nhận vai trò quan trọng của kỹ năng số đối với triển vọng việc làm và khuyến khích những người trẻ cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng số và đào tạo liên quan đến công nghiệp 4.0. Điều này sẽ giúp họ vượt qua được thời gian khó khăn và đáp ứng được nhu cầu lao động của thị trường tương lai.

Ông Quách Thành Châu, lãnh đạo nguồn nhân lực tại PwC Việt Nam đã từng nhận định: “Trong thế giới đột phá ngày nay, không có công việc nào đứng ngoài những thay đổi trong tương lai. Lời khuyên của tôi dành cho Gen Z là nên bắt đầu nhìn nhận bản thân mình như một sự tổng hòa các năng lực và kỹ năng, thay vì chỉ gắn mình trong một nghề nghiệp hay vai trò nhất định”.

Trong hơn 2 năm qua, thế hệ Z ở Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng làm việc tại xa hiệu quả với năng suất cao nhờ vào sự thích nghi linh hoạt và khả năng tiếp cận công nghệ. Khảo sát cho thấy 80% số người thuộc thế hệ Z tin rằng việc làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn sau đại dịch Covid- 19, điều này cũng được xác nhận trong cuộc khảo sát gần đây của PwC. Điều đáng chú ý, 57% số lao động thuộc thế hệ Z cho rằng họ làm việc tại nhà hiệu quả nhất, tỉ lệ cao nhất so với các nhóm khác. Với thế hệ Z dự kiến chiếm gần một phần ba lực lượng lao động Việt Nam đến năm 2025, các tổ chức sẽ cần thay đổi tư duy để thu hút và giữ chân nhân tài của thế hệ này. Kết quả khảo sát này nhấn mạnh sự cần thiết cho các tổ chức trong việc sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu về văn hóa và cơ sở hạ tầng của mô hình làm việc từ xa, trong khi cân nhắc các biện pháp để giảm thiểu rủi ro an ninh mạng.

4.2. Những thách thức mà hanh niên Việt Nam đang đối mặt trong việc tiếp cận và sử dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số.

Thanh niên Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thách thức từ sự chuyển đổi số và thái độ của họ đối với việc này. Tuy nhiên, điều này cũng khẳng định tầm quan trọng và vai trò của thanh niên ngày nay trong việc chuyển đổi số. “Thanh niên Việt Nam hãy nắm bắt cơ hội của chuyển đổi số”, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, và các tổ chức thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình này. Chuyển đổi số được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và các tổ chức thanh niên cần tiên phong nỗ lực và giữ vững vai trò hạt nhân trong quá trình này.

Trong quá trình tiếp cận và sử dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số, thanh niên Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức sau:

– Thiếu nhận thức, kinh nghiệm và kiến thức về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số: Đa số thanh niên Việt Nam chưa có đủ kiến thức, trình độ và kinh nghiệm về công nghệ để sử dụng và áp dụng vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất hay quản lý.

– Thiếu kỹ năng và trình độ chuyên môn để sử dụng hiệu quả các công nghệ số và các nền tảng kỹ thuật số.

– Thiếu tài nguyên và cơ sở hạ tầng: Việt Nam còn thiếu tài nguyên để đầu tư vào công nghệ và phát triển nền tảng số. Ngoài ra, hạ tầng kết nối mạng cũng chưa được phát triển đồng đều trên toàn quốc, gây khó khăn cho việc tiếp cận và sử dụng công nghệ 4.0 và nền tảng số.

– Văn hóa doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo cách truyền thống và chưa sẵn sàng chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh thích hợp với công nghệ 4.0 và nền tảng số, do đó chưa sẵn sàng để áp dụng các công nghệ này vào hoạt động của mình.

– Bảo mật thông tin: Lĩnh vực bảo mật thông tin trong công nghệ 4.0 và nền tảng số đang trở thành một vấn đề dồn tích. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư vào hệ thống bảo mật thông tin để bảo vệ dữ liệu của mình khỏi các cuộc tấn công mạng và bảo mật thông tin.

– Chi phí đầu tư: Chuyển đổi sang công nghệ 4.0 và nền tảng số đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư khá lớn vào phần mềm, thiết bị và nhân lực. Điều này đặt ra một thách thức mới trong việc tiếp cận và sử dụng Công nghệ 4.0 và nền tảng số.

– Cách tiếp cận và sử dụng công nghệ: Việc tiếp cận và sử dụng công nghệ trong công nghệ 4.0 và nền tảng số đòi hỏi một cách tiếp cận mới, cần phải có sự biết cách và hiểu rõ về ứng dụng các công nghệ mới để tận dụng được hiệu quả của chúng.

– Định hướng phát triển theo hướng bền vững: Sử dụng các công nghệ và nền tảng số không chỉ đơn giản là cách để phát triển nhanh chóng, mà cần định hướng phát triển theo hướng bền vững, giữ được sự cân bằng trong các mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

– Thiếu nguồn lực nhân tài: Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Điều này tạo ra khó khăn trong việc đưa công nghệ 4.0 và nền tảng số vào hoạt động sản xuất và kinh doanh.

– Tác động đến định mức lao động: Các công nghệ mới trong công nghệ 4.0 và nền tảng số sẽ có tác động đến định mức lao động và các công việc truyền thống, đòi hỏi các thanh niên Việt Nam phải tìm hiểu và chuẩn bị cho sự thay đổi trong cách làm việc.

Những thách thức trên đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo của thanh niên Việt Nam trong việc học hỏi và áp dụng các công nghệ số và kinh nghiệm quản lý mới vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Chính phủ và các tổ chức nên đưa ra các chính sách động viên thanh niên tham gia đổi mới và sáng tạo trong kinh tế số, cùng với đó là tăng cường đầu tư vào đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, giúp họ vượt qua các thách thức trong quá trình tiếp cận và sử dụng công nghệ và nền tảng số.

Việc đối mặt với các thách thức này đòi hỏi sự nghiêm túc và tôn trọng các quy định và chính sách từ phía Chính phủ, tối ưu hóa tài nguyên và đưa ra những hình thức phát triển kinh tế mới, đồng thời cũng yêu cầu sự tư duy và sáng tạo của thanh niên Việt Nam.

4.3. Các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận và sử dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số cho thanh niên Việt Nam

Để giúp thanh niên Việt Nam đối mặt với các thách thức trên và nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số, cần có các giải pháp sau:

– Tăng cường giáo dục và đào tạo về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số cho Thanh niên Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học).

Điều chỉnh chương trình giáo dục của các trường học bao gồm cả giáo dục ở trình độ trung học phổ thông và đại học có liên quan đến công nghệ 4.0 và nền tảng số.

– Tạo điều kiện cho những người trẻ muốn tham gia và sử dụng công nghệ 4.0 và nền tảng số thông qua cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí, chương trình tuyên truyền và các sự kiện hội tụ cộng đồng.

– Tạo ra môi trường thân thiện và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, để phát triển và sử dụng các công nghệ số và nền tảng số.

– Giới thiệu các chương trình khởi nghiệp ở các trường đại học/khoa học kỹ thuật, tạo cơ hội cho sinh viên và thanh niên nhằm giúp họ có thể áp dụng những kiến thức và kỹ năng về công nghệ 4.0 và nền tảng số vào các ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.

– Khuyến khích sự chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu giữa các doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh và người trẻ, hỗ trợ phát triển các công nghệ mới và phát triển các mô hình sản xuất, quản lý mới tác động đến người trẻ.

– Xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích việc sử dụng các giải pháp công nghệ số và nền tảng số đối với thanh niên Việt Nam, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp.

– Tăng cường việc phân phối thông tin đúng đắn và chính xác về Cách mạng Công nghiệp 4.0 và nền tảng số để đánh thức nhận thức và nâng cao sự quan tâm của thanh niên Việt Nam.

– Đưa ra các chính sách động viên thanh niên sử dụng công nghệ 4.0 và Nền tảng số trong hoạt động kinh doanh và sản xuất của họ, đồng thời hỗ trợ truyền thông đặc biệt để tăng cường niềm tin vào nền kinh tế số.

– Tạo sân chơi và các cuộc thi sáng tạo, động viên sự tiếp cận và sử dụng công nghệ 4.0 và nền tảng số, từ đó khẳng định vị trí của thanh niên Việt Nam trong xu hướng Công nghiệp 4.0 và Nền tảng số toàn cầu.

Từ các giải pháp trên, hi vọng sẽ giúp thanh niên Việt Nam tăng cường niềm tin vào khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ 4.0 và nền tảng số, cũng như phát triển thêm năng lực ứng dụng các công nghệ số để đưa nền kinh tế Việt Nam tiến vào thời đại kĩ thuật số.

4.4. Nhận thức và thích nghi theo “triết lý con ếch”

Trong thời đại công nghiệp 4.0 và kinh tế số, việc chuyển đổi số là hướng đi bắt buộc để không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển. Chuyển đổi hay là chết.

Một triết lý điển hình có thể kể đến đó chính là “triết lý con ếch”.

“Nếu thả một con ếch vào nồi nước sôi, nó có thể lập tức nhảy ra; nhưng nếu thả vào một nồi nước bình thường, từ từ đun lên từng chút một, nó sẽ đánh mất sự cảnh giác và mất luôn cả tính mạng của mình”.

“Triết lý con ếch” còn cho thấy một sự suy nghĩ bền vững về sự thay đổi của con người trong môi trường đang chuyển đổi. Nhưng nếu nhìn từ góc độ của cách mạng công nghiệp 4.0, triết lý này càng cho thấy tầm quan trọng của sự thích nghi nhanh chóng với sự ảnh hưởng của các xu hướng công nghệ mới.

“Triết lý con ếch” là một cách tường minh giải thích về sự thấy thường trong xã hội. Nó cho thấy rằng khi đối diện với nguy hiểm đột ngột, con ếch sẽ phản ứng nhanh chóng để bảo vệ tính mạng của mình. Tuy nhiên, nếu đối diện với sự thay đổi từ từ, con ếch có thể không nhận ra tình huống nguy hiểm và không chuẩn bị đầy đủ cho nó.

Nhìn vào triết lý này, chúng ta có thể thấy nhận thức và sự thích nghi của thanh niên Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với tốc độ phát triển kinh tế và công nghệ ngày càng nhanh chóng, các thanh niên cần phải tỉnh táo và nhận ra bối cảnh xung quanh đang thay đổi, môi trường làm việc và cạnh tranh đang thay đổi một cách mạnh mẽ, và họ cần sẵn sàng thích nghi với những thay đổi này để tận dụng cơ hội cho sự phát triển của bản thân và đất nước. Họ cần chuẩn bị cho việc học tập và rèn luyện kỹ năng mới để có thể cạnh tranh và thích nghi hơn với môi trường xã hội và kinh tế hiện đại.

Nếu không nhận thấy được những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các thanh niên có nguy cơ bị tụt lại phía sau trong cuộc chơi kinh tế. Do đó, họ cần giữ cho mình tình cảnh giác và học hỏi để có thể tự bảo vệ bản thân và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Tóm lại, “triết lý con ếch” giúp chúng ta nhận ra rằng sự thích nghi với những thay đổi là cực kỳ tầm quan trọng để sinh tồn và phát triển trong môi trường chuyển đổi nhanh như hiện nay. Đây là một bài học quan trọng đối với thanh niên Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. Đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia

5.1. Vai trò của việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia của thanh niên

Việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia có vai trò then chốt trong việc xây dựng một nền kinh tế số phát triển, tăng tốc quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này đòi hỏi nước ta phải tạo ra được các giải pháp và chính sách thích hợp, từng bước nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng, qua đó đưa các ngành nền kinh tế vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, và văn hóa đang đóng góp rất lớn từ các nền tảng số. Các thanh niên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia.

Việc hiểu và sử dụng các công nghệ mới và nền tảng số là cực kỳ quan trọng đối với thanh niên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Họ cần sáng tạo và phát triển các giải pháp công nghệ mới để giải quyết các vấn đề trong đời sống, sản xuất, và kinh doanh. Các thanh niên cần có khả năng lập trình, thiết kế website và ứng dụng, và quản trị mạng để có thể áp dụng, nâng cao hiệu quả và phát triển các ứng dụng mới trong công việc và cuộc sống.

Các thanh niên cần học hỏi thêm về các khái niệm và ứng dụng của Internet of Things, trí tuệ nhân tạo, blockchain, và nhiều công nghệ khác để áp dụng cho sự phát triển của đất nước. Làm chủ công nghệ và nền tảng số sẽ giúp các thanh niên có thể tận dụng cơ hội, đáp ứng với các thách thức của thế giới hiện đại và giảm thiểu bất cứ rủi ro nào.

Việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia là cơ hội để các thanh niên trở thành những người hoạch định chiến lược, đóng góp quan trọng cho sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước. Từ việc tham gia xây dựng các ứng dụng và dịch vụ mới tới giải quyết các vấn đề của đời sống cộng đồng, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền tảng số vào sự phát triển của quốc gia.

Tóm lại, sự đóng góp của thanh niên trong việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia là rất quan trọng. Thanh niên cần hiểu và sử dụng các công nghệ mới và nền tảng số để áp dụng vào cuộc sống và công việc. Họ cần học hỏi và tham gia xây dựng các giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, và cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người.

5.2. Những tiềm năng và lợi ích của việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam

Việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam mang lại nhiều tiềm năng và lợi ích quan trọng, bao gồm:

– Tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng và nguồn lực hữu hình của doanh nghiệp.

– Giảm thiểu chi phí sản xuất và vận hành, từ đó tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

– Thu hút các nhà đầu tư quốc tế và tạo nhiều việc làm mới cho người lao động.

– Nâng cao nhận thức và năng lực của các doanh nghiệp và công dân trong việc sử dụng công nghệ số và các nền tảng kỹ thuật số.

– Tăng cường sự đổi mới và tiên tiến của đất nước trong các ngành kinh tế cốt lõi, như bán lẻ, sản xuất, y tế, và giáo dục.

– Cải thiện chất lượng cuộc sống. Các ứng dụng công nghệ mới có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Chẳng hạn, công nghệ 4.0 giúp việc y tế trở nên tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và chính xác hơn. Các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng giúp cải thiện chất lượng giáo dục và độ tin cậy. Bên cạnh đó, sử dụng các ứng dụng trực tuyến trong thương mại điện tử và thanh toán điện tử giúp mọi người tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

– Phát triển kinh tế xanh. Công nghệ 4.0 có thể giúp phát triển kinh tế xanh thông qua việc giảm lượng khí thải, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy việc sản xuất năng lượng sạch. Các ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh cũng giúp giảm lượng chất độc và bảo vệ môi trường.

– Nâng cao vị thế tương đối của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số giúp tăng cường sức mạnh kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, và nâng cao vị thế tương đối của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trên đây là những tiềm năng và lợi ích của việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Chính vì thế, việc đưa ra chính sách, tạo điều kiện để các thanh niên Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ và nền tảng số là cực kỳ quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

5.3. Các giải pháp cho thanh niên Việt Nam nhằm thúc đẩy việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia.

Để đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia, cần thiết phải có những giải pháp sau:

– Tạo ra các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và sử dụng các công nghệ số và nền tảng số.

– Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ số cho người dân và doanh nghiệp.

– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp, để họ có thể tối ưu hoá sản xuất và quản lý những thông tin và dữ liệu quan trọng.

– Sử dụng và tăng cường việc phân phối thông tin đúng và đầy đủ về các công nghệ số và các nền tảng kỹ thuật số cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với thanh niên Việt Nam, để thúc đẩy việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia, các thanh niên ở Việt Nam có thể áp dụng những giải pháp sau đây:

– Nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng công nghệ: Các thanh niên cần có trình độ kiến thức và kỹ năng về công nghệ để hiểu và sử dụng nền tảng số trong công việc và cuộc sống. Việc học tập và cập nhật kiến thức liên tục về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet of Things, và máy học sẽ giúp các thanh niên hiểu rõ hơn về ứng dụng của chúng cho sự phát triển kinh tế và xã hội.

– Khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp: Sáng tạo và khởi nghiệp là cách tiếp cận tốt để áp dụng công nghệ mới và nền tảng số trong sự phát triển quốc gia. Các thanh niên có thể tham gia vào các chương trình khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp nhằm tạo ra các giải pháp mới, sản phẩm và dịch vụ sử dụng nền tảng số.

– Phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ và nền tảng số: Các thanh niên có thể tham gia vào các dự án phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ và nền tảng số. Điều này giúp họ có thể sử dụng kiến thức và kỹ năng của mình để tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tế giúp phát triển kinh tế và xã hội.

– Tạo ra môi trường đầu tư hỗ trợ các startup công nghệ: Nhà đầu tư cũng cần đóng góp quan trọng để hỗ trợ các startup công nghệ phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ và nền tảng số. Các tổ chức từ Chính phủ, các nhà đầu tư tư nhân, ngân hàng, và các doanh nghiệp khác cần tạo ra môi trường đầu tư có lợi để các thanh niên Việt Nam có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

– Đẩy mạnh việc đào tạo và giáo dục: Trong khi các trường đại học và đào tạo chuyên môn đang cố gắng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đó cũng là thời điểm để tích cực đào tạo các chương trình mới về công nghệ, kinh doanh và sáng tạo. Vì vậy, việc đẩy mạnh việc đào tạo và giáo dục cũng là rất cần thiết.

Tóm lại, để đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia, các thanh niên Việt Nam có thể áp dụng những giải pháp trên để nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đẩy mạnh việc đào tạo và giáo dục, và tạo ra môi trường đầu tư hỗ trợ các startup công nghệ. Những giải pháp này sẽ giúp đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia và góp phần tiến đến kinh tế số và xã hội số cho đất nước.

  1. Kết luận và kiến nghị

6.1. Kết luận

Cách mạng số là một bước tiến lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Nền kinh tế số được đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn với những lợi ích rõ ràng như tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội mới cho kinh tế.

Trong bối cảnh đó, vai trò của thanh niên Việt Nam là rất quan trọng trong quá trình đưa cách mạng số vào sự phát triển quốc gia. Thanh niên Việt Nam là những người có khả năng tiếp cận công nghệ, sáng tạo và đổi mới, các yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam đổi mới và nâng cao vị thế trong khu vực và thế giới.

Các thanh niên Việt Nam có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số thông qua các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ mới. Các hoạt động này có thể giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế và giảm bớt khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, thanh niên Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và đổi mới nguồn nhân lực với kinh nghiệm sử dụng công nghệ và nền tảng số. Điều này giúp đưa ra những biện pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển công nghiệp 4.0 và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển sự nghiệp của mình.

Trong tương lai, tầm quan trọng của cách mạng số sẽ ngày càng tăng lên, và thanh niên Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền tảng số vào sự phát triển quốc gia. Việc tập trung vào sự đổi mới, sáng tạo và đổi mới nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của mình thông qua cách mạng số.

6.2. Kiến nghị

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số cho thanh niên Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc đưa Nền tảng số vào sự phát triển quốc gia, tác giả có một số kiến nghị đến các tổ chức, cơ quan về thanh niên như sau:

Nhóm I: Đối với thanh niên

Kiến nghị 1: Tăng cường giáo dục và đào tạo về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực STEM.

Kiến nghị 2: Tăng cường đào tạo kiến thức về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số cho thanh niên: Các tập đoàn giáo dục, các trường đại học cần nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng công nghệ cho sinh viên để tăng cường khả năng sử dụng nền tảng số trong công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, cần đào tạo các chương trình phù hợp cho các chuyên gia, quản lý và nhân viên đang làm việc trong các ngành công nghiệp.

Kiến nghị 3: Xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích việc sử dụng các giải pháp công nghệ số và nền tảng số đối với thanh niên Việt Nam, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp.

Kiến nghị 4: Khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp. Ngoài việc đào tạo kiến thức, cần tạo ra một môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp cho các thanh niên. Nhà đầu tư và các tổ chức cần đóng góp sự hỗ trợ cần thiết để các startup công nghệ có thể phát triển sản phẩm và dịch vụ thông qua nền tảng số.

Kiến nghị 5: Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên ở khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận công nghệ và nền tảng số: Các chính sách đặc biệt hỗ trợ cho thanh niên ở các vùng sâu và vùng xa để tiếp cận và sử dụng nền tảng số tương đương với những người khác. Những gì cần được đưa vào đó là kết nối Internet tại các khu vực trên, tạo điều kiện học tập online, phát triển các giải pháp trực tuyến cho các nhu yếu phẩm thực tế và giáo dục sức khỏe, v.v.

Kiến nghị 6: Trao cơ hội phát triển cho tiềm năng thanh niên: Các công ty, tổ chức, đơn vị phải coi các thanh niên là nguồn nhân lực quan trọng, và trao cho họ cơ hội để phát triển khả năng, giúp họ làm việc trong môi trường cạnh tranh, giải quyết những vấn đề khó khăn, tạo ra những giải pháp đóng góp cho sự phát triển xã hội và kinh tế của đất nước.

Nhóm II: Đối với doanh nghiệp, sản xuất

Kiến nghị 1: Tăng cường nghiên cứu và đổi mới công nghệ: Cần tạo ra những chiến lược đổi mới công nghệ và tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trong các ngành sản xuất chính của Việt Nam.

Kiến nghị 2: Tạo ra môi trường thân thiện và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, để phát triển và sử dụng các công nghệ số và nền tảng số.

Kiến nghị 3: Tăng cường đầu tư và phát triển hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông, đảm bảo sự kết nối và phân phối thông tin nhanh và chính xác.

Kiến nghị 4: Tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng để tiếp cận, sử dụng và phát triển các giải pháp công nghệ số và nền tảng.

Kiến nghị 5: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp 4.0: Việt Nam cần học hỏi từ các quốc gia tiên tiến hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu để tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp 4.0.

Kiến nghị 6: Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp: Các chính sách khuyến khích khởi nghiệp công nghệ, giải quyết vấn đề kinh phí, thuế và pháp lý sẽ giúp đỡ người trẻ phát triển khởi nghiệp và nâng tầm nền kinh tế số của Việt Nam.

Kiến nghị 7: Tăng cường việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất: Ngoài việc khuyến khích khởi nghiệp, Việt Nam cần tăng cường việc chuyển đổi từ Công nghiệp 3.0 sang công nghiệp 4.0 trong sản xuất để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tóm lại, để đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số cho thanh niên Việt Nam, các tổ chức, cơ quan có thể áp dụng những kiến nghị trên để tăng cường đào tạo kiến thức, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp, tăng cường nghiên cứu và đổi mới công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên ở khu vực vùng sâu và vùng xa tiếp cận công nghệ, và trao cơ hội phát triển cho tiềm năng thanh niên. Nếu áp dụng tốt, sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Cẩm nang chuyển đổi số. NXB Bộ thông tin và Truyền thông.

[2]. PwC Việt Nam (2020). Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số?. https://www.pwc.com/vn/vn/publications/2021/pwc-vietnam-digital-readiness-genz-vn.pdf

[3]. Trọng Đạt & Bình Minh Theo Báo vietnamnet.vn. Chuyển đổi số, cuộc cách mạng toàn dân.

 https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-cuoc-cach-mang-toan-dan-663208.html

[4]. Lê Duy Bình & Trần Thị Phương (2020). Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam (Tài liệu chuẩn bị cho Chuỗi Hội nghị bàn tròn về EVFTA, EVIPA và Hội phục kinh tế sau COVID-19 tại Việt Nam).

https://www.economica.vn/Content/files/PUBL%20%26%20REP/EVFTA%20and%20Digital%20Economy%20in%20Vietnam%20VIE.pdf

CHÚ THÍCH

[1] Thomas M. Siebel, Chuyển đổi số (Digital Transformation), Phạm Anh Tuấn dịch. Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019)

[2] Alp Ustundag and Emre Cevikcan, Industry 4.0: Managing Digital Transformation. Springer Series in Advanced Manufacturing, 2018. DOI: 10.1007/978-3-319- 57870-5

 

[Lời Ban Biên tập Website]:

Bài viết là toàn văn tham luận của tác giả NGUYỄN TẤN THÀNH thuộc đơn vị Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào ngày 20/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Có thể tham khảo tại: Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. (2024). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.46-47.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Tóm tắt: Chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chính là việc thực hiện quá trình chuyển đổi các hoạt động của tổ chức Đoàn từ trực tiếp sang trực tuyến, qua đó thay đổi cách tổ chức các hoạt động Đoàn, cách làm việc, cách liên hệ với nhau, phương thức, quy trình, nghiệp vụ, vận hành, điều hành, quản lý tổ chức Đoàn để cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn. Quá trình này tuy đã được đề cập và nghiên cứu từ trước tại nhiều Hội thảo khoa học liên quan nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, từ đó có sự tổng kết, xây dựng hệ thống lý luận nhằm thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên bởi đây là một quá trình vẫn đang được triển khai thực hiện. Bài viết này nhằm nhìn nhận, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam thời gian vừa qua với 03 nhóm nội dung, công việc là công tác tổ chức-xây dựng Đoàn, công tác tuyên truyền-giáo dục và công tác tổ chức các phong trào hành động cách mạng của thanh niên, qua đó đóng góp 03 nhóm ý kiến đề xuất – kiến nghị về các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn cho tổ chức Đoàn trong giai đoạn 2023 – 2027 nhằm để quá trình chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn đạt được những kết quả tốt nhất

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Từ khóa: Chuyển đổi số, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thực trạng, giải pháp.

Abstract: Digital Transformation in Ho Chi Minh Communist Youth Union’s means transforming its activities to be online. Through this process, thereby changing the organizing way; the working and interacting way; the methods, procedures, professions, operations, administrations and managements of the Union in order to improve and enhance the efficiency of its activities. Although this process  has been mentioned and studied in previous conferences, It is necessary to keep on researching and discussing, from which to summarize and build a theoretical framework to effectively implement the digital transformation in the Youth Union’s works and youth movements as this process is still being deployed. This article aims to recognize and evaluate the current condition of Digital Transformation in the Youth Union’s works and Vietnam’s youth movements recently within 3 aspects such as the Union’s construction – organization, propaganda-education and the youth revolutionary action movements, thereby contributing 03 groups of suggestions – recommendations on solutions to implement digital transformation for the activities of the Youth Union in 2023 – 2027 period so as to let the Digital Transformation process in the Union’s activities achieve the best results.

Keywords: Digital transformation, Ho Chi Minh Communist Youth Union, situation, solution.

 

            ĐẶT VẤN ĐỀ

           “Chuyển đổi số”[2] là quá trình chuyển đổi các hoạt động của con người từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên không gian mạng, từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình hoạt động số, thay thế các quy trình phi kỹ thuật số thành các quy trình kỹ thuật số, thay thế các công nghệ kỹ thuật số cũ sang các công nghệ kỹ thuật số mới hơn, được thực hiện với nền tảng dựa trên sự phát triển, tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và Internet, trong đó cốt lõi là việc ứng dụng và tích hợp có hiệu quả các dữ liệu đã được số hóa với hệ thống công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu số mới[3] vào các vấn đề của cuộc sống con người, đời sống xã hội.

Chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh[4] chính là việc thực hiện quá trình chuyển đổi các hoạt động, các nội dung công tác của tổ chức Đoàn từ trực tiếp sang trực tuyến thông qua việc tích hợp và sử dụng có hiệu quả các dữ liệu đã được số hóa với hệ thống công nghệ khoa học kỹ thuật số, dữ liệu số mang tính tiên tiến vào các hoạt động, các nội dung công tác của tổ chức Đoàn, qua đó thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân cán bộ Đoàn, Đoàn viên thanh niên về cách tổ chức các hoạt động Đoàn; cách làm việc, cách liên hệ giữa cán bộ Đoàn, Đoàn viên thanh niên với nhau; phương thức, quy trình, nghiệp vụ, vận hành, điều hành, quản lý tổ chức Đoàn để cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn. Quá trình này, tuy đã và đang được nghiên cứu tại nhiều Hội thảo khoa học[5] nhưng vẫn cần tiếp tục trao đổi, thảo luận, nghiên cứu, từ đó góp phần xây dựng hệ thống lý luận nhằm thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đoàn và của các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam do tổ chức Đoàn làm nòng cốt chính trị ở tất cả các cấp từ Trung ương cho đến cấp cơ sở trong tình hình bối cảnh mới.

            Do vậy, thông qua bài viết này, sẽ góp phần nhìn nhận, đánh giá thực trạng quá trình thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam thời gian vừa qua, từ đó đóng góp một số ý kiến đề xuất – kiến nghị cho tổ chức Đoàn trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số hoạt động Đoàn theo như Nghị quyết và phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 – 2027 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII nhiệm kỳ 2022 – 2027[6] thông qua.

            NỘI DUNG

  1. Thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn, trong công tác Đoàn

            Trong giai đoạn từ các năm 2017 – 2018 đến năm 2022, vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn luôn được các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở quan tâm triển khai thực hiện ở ba nhóm nội dung, công việc của công tác Đoàn và phong trào thanh niên là công tác tổ chức, xây dựng Đoàn; công tác tuyên truyền, giáo dục; tổ chức các phong trào hành động cách mạng của thanh niên với nhiều hoạt động, sáng kiến, mô hình giải pháp cụ thể.

            Thứ nhất, trong công tác tổ chức, xây dựng Đoàn. Xuyên suốt thời gian từ các năm 2017 – 2018 đến năm 2022, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở đều đã xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động, sáng kiến, mô hình, giải pháp nhằm chuyển đổi số trong công tác tổ chức, xây dựng Đoàn, đảm bảo tổ chức Đoàn vững mạnh và hoạt động hiệu quả.

Một là, trong công tác tổ chức Đại hội Đoàn các cấp. Trong quá trình tổ chức Đại hội Đoàn các cấp từ Trung ương đến cơ sở, trong giai đoạn từ năm 2017 – 2018 đến năm 2022, các cấp bộ Đoàn đã chủ động xây dựng các ứng dụng di động với nhiều tiện ích để phục vụ công tác tổ chức Đại hội tại cấp mình, tiêu biểu như ứng dụng “Tuổi trẻ Thành phố Bác”[7] của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ năm 2022, các sinh viên của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã vận dụng kiến thức chuyên môn được học tiến hành nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sử dụng và chuyển giao công nghệ thành công mô hình đếm số phiếu tự động[8] tại Đại hội Đoàn các cấp theo nhiệm vụ được Ban Chấp hành Đoàn trường phân công. Thiết bị này đã được Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh sử dụng vào công tác bầu cử tại Đại hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027, các sinh viên thực hiện công trình đã tiến hành chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị Đoàn cấp Huyện và tương đương trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh[9] cũng như một số đơn vị Đoàn cấp Tỉnh[10].

Hai là, tổ chức sinh hoạt Chi Đoàn. Ngày 08/02/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TWĐTN-BTC về thí điểm tổ chức sinh hoạt chi đoàn định kỳ, đại hội Đoàn bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp đặc biệt. Trên cơ sở này, các chi đoàn trên cả nước đã có những định hướng để tổ chức thực hiện sinh hoạt chi đoàn và tổ chức đại hội Đoàn của mình cho đúng Điều lệ Đoàn và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đoàn theo hình thức trực tuyến.

            Ba là, trong công tác Đoàn viên. Xuyên suốt trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đều đã thực hiện việc cập nhật, quản lý danh sách đoàn viên thanh niên bằng các nền tảng số, qua đó giúp các đơn vị nắm được số lượng Đoàn viên trực thuộc. Đặc biệt, Trung ương Đoàn và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phối hợp triển khai Phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên[11] kể từ ngày 23/02/2022 nhằm xây dựng một nền tảng để số hóa toàn bộ dữ liệu Đoàn viên, thanh niên tiến tới thể hiện thông tin Đoàn viên một cách tổng thể, tập trung và toàn diện trên quy mô cả nước, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ, quản lý, tìm kiếm và khai thác cơ sở dữ liệu Đoàn viên thanh niên một cách thống nhất từ Trung ương đến cấp cơ sở.

            Bốn là, công tác tập huấn của tổ chức Đoàn. Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2018 đến năm 2022, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cấp bộ Đoàn thường xuyên mở các lớp tập huấn chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho các đối tượng theo hình thức trực tuyến, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng tham gia tập huấn cho dù có khoảng cách địa lý vẫn có thể tham gia tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân, đáp ứng các nhu cầu công tác. Đặc biệt, trong tháng 10/2021, các lớp tập huấn dành cho lực lượng cán bộ Đoàn học sinh THPT, Trung tâm GDNN – GDTX do các cấp bộ Đoàn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện đã tổ chức được những hoạt động trải nghiệm trực tuyến cho các học viên tham gia[12].

            Năm là, công tác văn phòng. Trong suốt giai đoạn 2017 – 2022, nhiều cấp bộ Đoàn từ cấp tỉnh và tương đương đến cấp cơ sở không chỉ khai thác ứng dụng nền tảng Microsoft Teams và các tiện ích đi kèm nền tảng này mà còn chủ động xây dựng nền tảng của riêng đơn vị nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động văn phòng, thông tin, trao đổi công tác trong nội bộ, từ đó xây dựng văn phòng điện tử tại đơn vị. Đặc biệt, trong năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đoàn chính thức áp dụng phần mềm Hệ thống Quản lý điều hành văn bản điện tử VNPT E-Office vào quy trình xử lý văn bản của Trung ương Đoàn nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Trung ương Đoàn.

            Sáu là, trong công tác chấm điểm Bộ tiêu chí đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến địa phương đều phát triển hệ thống chấm điểm. Trong thời điểm hiện tại, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã triển khai website chấm điểm Bộ tiêu chí đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Đoàn trực thuộc[13]. Bên cạnh hệ thống của Trung ương Đoàn, các cơ sở Đoàn cấp Tỉnh và tương đương[14] cũng phát triển nền tảng chấm điểm bộ tiêu chí công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của riêng đơn vị mình, từ đó tạo sự thuận lợi cho phân tích và đánh giá kết quả công tác của các cơ sở Đoàn trực thuộc cũng như của cấp mình.

Bảy là, trong công tác xét khen thưởng của tổ chức Đoàn. Từ tháng 03/2017 cho tới nay, Ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn – Văn phòng Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện và triển khai mô hình “Hệ thống xét chọn các danh hiệu thi đua bằng hình thức trực tuyến”[15] thông qua hệ thống website http://tuyenduongtphcm.vn nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong tinh gọn thủ tục, hồ sơ giấy tờ đăng ký xét chọn các danh hiệu thi đua, khen thưởng của tổ chức Đoàn qua các năm, nâng cao tính tiện lợi trong quản lý dữ liệu hồ sơ thành tích và danh sách đoàn viên thanh niên, sinh viên đã được nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng. Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 – 26/03/2021), mô hình này đã được xét chọn là một trong số 10 mô hình, giải pháp được trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn[16] năm 2021

            Thứ hai, trong công tác giáo dục. Xuyên suốt giai đoạn 2017 – 2022, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở đều đã xây dựng và thực hiện các sáng kiến, mô hình, giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số phương thức giáo dục của tổ chức Đoàn. (1) Đối với phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng cho Đoàn viên, thanh niên, tổ chức Đoàn đã xây dựng nền tảng[17] để Đoàn viên, thanh niên gặp khó khăn do hoàn cảnh vẫn có thể tham gia học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị của bản thân. Đặc biệt, trong công tác tổ chức các Hội thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, chính trị, tư tưởng, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cơ sở đã ứng dụng nhiều nền tảng hoặc xây dựng các nền tảng để triển khai tổ chức phần thi kiến thức vòng loại, có đơn vị đã xây dựng nền tảng để khi thí sinh thi trực tiếp đối kháng trên sân khấu có thể chọn đáp án và nếu đáp án thí sinh lựa chọn là đáp án đúng sẽ có điểm trực tiếp theo thứ tự thời gian trả lời kết quả;(2) Đối với phương thức giáo dục lịch sử, truyền thống cũng như phương thức giáo dục, học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 2021 cho tới nay, các đơn vị đã thực hiện việc xây dựng các không gian triển lãm trực tuyến[18] về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian triển lãm về lịch sử Việt Nam, qua đó tạo điều kiện để Đoàn viên, thanh niên dù ở bất cứ địa điểm nào, vẫn có thể tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử Việt Nam.

            Thứ ba, xuyên suốt giai đoạn 2017 – 2022, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở đều đã xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động, sáng kiến, mô hình, giải pháp mang tính chuyển đổi số trong việc triển khai tổ chức các hoạt động phong trào của Đoàn. Nhiều đơn vị đã sử dụng công nghệ Flipbook (sách điện tử lật trang) trong xây dựng các tập san nghiên cứu khoa học, các báo cáo tổng kết công tác Đoàn – Hội – Đội và phong trào thanh thiếu nhi, các bộ sách ảnh trực tuyến,… của đơn vị, hay như Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các không gian triển lãm trực tuyến nhằm giới thiệu kết quả các hoạt động trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của đơn vị[19] trong năm 2021, làm tăng độ trực quan, sinh động cho người sử dụng, tạo cho người dùng cảm giác bản thân vẫn đang lật mở những quyển sách đó, những tài liệu đó, được đi tham quan triển lãm thực sự chứ không chỉ đơn thuần là lướt xem những bộ ảnh trên các trang thông tin điện tử trực tuyến.

            Trong quá trình tổ chức các cuộc thi, hội thi, các cấp bộ Đoàn cũng đã xây dựng các chuyên trang tiếp nhận bài dự thi và tổ chức bình chọn trực tiếp ngay trên các chuyên trang nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác tổ chức. Đặc biệt, kể từ năm 2020, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã bắt sử dụng nền tảng chatbot vào tổ chức các hoạt động Đoàn, tiêu biểu từ việc triển khai bình chọn các bài dự thi Hội thi Tự hào Sử Việt, đến việc tổ chức các hoạt động tình nguyện trực tuyến trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID–19.

            Bên cạnh việc thực hiện chuyển đối số trong công tác tổ chức các hoạt động Đoàn, tổ chức Đoàn cũng đã đề ra được phương án để phát huy vai trò của Đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số trong xã hội. Vào ngày 26/07/2022, Trung ương Đoàn và Bộ Thông tin & Truyền thông đã phối hợp ban hành Kế hoạch số 557-KH/TWĐTN-BTTTT về triển khai hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương nhằm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số một cách đơn giản, dễ hiểu, phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu của đời sống xã hội, tạo ra giá trị thiết thực cho người dân, qua đó phát huy vai trò tiên phong của tổ chức Đoàn trong việc tham gia thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

            Đặc biệt, kể từ năm 2020, tổ chức Đoàn – đứng đầu là Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng mô hình, giải pháp Ứng dụng di động Thanh niên Việt Nam[20] trở thành nội dung trọng tâm, chủ chốt cho quá trình thực hiện chuyển đổi số của tổ chức Đoàn. Trong quá trình triển khai Ứng dụng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tiếp tục xây dựng và củng cố nội dung hoạt động của Ứng dụng[21]. Sau quá trình triển khai thực hiện kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 15/12/2020 đến Đại hội XII[22], số lượng người dùng đã đăng ký tài khoản Ứng dụng là hơn 2,2 triệu người, số lượng người dùng sử dụng và tương tác trung bình trong vòng 01 tháng là 417.000 lượt người dùng, Trung ương Đoàn đã tổ chức được 10 cuộc thi trực tuyến cấp Trung ương với hơn 15 triệu lượt thi trên nền tảng Ứng dụng trong quãng thời gian tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo tác giả, thực trạng chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở ba nhóm nội dung được các cấp bộ Đoàn thực hiện thời gian qua đã có những ưu điểm như sau: (1) Góp phần xây dựng một không khí chuyển đổi số từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, từng bước thay đổi hoạt động Đoàn theo hướng hiện đại hơn, phù hợp hơn với xu thế chung của xã hội; (2) Góp phần làm tăng chất lượng và hiệu quả công tác Đoàn tại các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở, tạo sự thuận lợi nhất định cho lực lượng cán bộ Đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình cũng như là Đoàn viên, thanh niên có thêm cơ hội, điều kiện để tiếp cận với hoạt động của các cấp bộ Đoàn, các cơ sở Đoàn khác cho dù chịu sự ảnh hưởng nhất định về không gian và thời gian.

Tổ chức Đoàn đã nhận thức được những thành tựu, kết quả của quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn giai đoạn từ năm 2017 – 2018 đến năm 2022 của các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở và đã ghi nhận những kết quả này trong phần “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 – 2022” của Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình tại Đại hội XII và được Đại hội XII thông qua: “các cấp bộ Đoàn đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đoàn viên, đảm bảo tính chính xác, khoa học. Trung ương Đoàn đã xây dựng phần mềm quản lý đoàn viên để thống nhất quản lý đoàn viên cả nước, triển khai đến tất cả các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc”[23]; “việc ứng dụng chuyển đổi số, tận dụng không gian mạng trong công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên nhiều nền tảng số và bước đầu đem lại hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”[24].

Bên cạnh những điểm sáng kể trên, thực trạng chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở ba nhóm nội dung được các cấp bộ Đoàn áp thực hiện thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định.

(1) Một bộ phận nội dung, ý tưởng sáng kiến, mô hình, giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn của những đơn vị, nhất là đơn vị cấp cơ sở, thường mang tính nhiệm kỳ, mang dấu ấn của lãnh đạo cấp đó, nếu lãnh đạo cấp đó muốn làm, thì sẽ làm được, còn không muốn làm, sẽ khó có thể làm được hoặc khó có thể thành công và tồn tại lâu dài.

(2) Các nội dung, ý tưởng sáng kiến, mô hình, giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn còn thiếu tính đồng bộ, thiếu chiều sâu, mang tính thời điểm và hình thức mà không mang tính lâu dài, dẫn tới khó tiếp cận được với.

(3) Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn, lực lượng cán bộ Đoàn, nhất là lực lượng cán bộ Đoàn cấp cơ sở, do không hiểu được tinh thần, mục tiêu của các nhiệm vụ được giao, do áp lực chạy thành tích, chỉ tiêu từ cấp trên giao xuống nên nảy sinh sự ép buộc Đoàn viên thanh niên phải tham gia thực hiện mà thiếu lý giải rõ ràng trước những ý kiến của Đoàn viên thanh niên. Điều này góp phần dẫn đến nhiều Đoàn viên thanh niên thiếu tin tưởng vào các nền tảng số đó, không tích cực tham gia vào việc chuyển đổi số của tổ chức Đoàn. Đồng thời, cũng dẫn đến những ý kiến dư luận xã hội không tốt, không đồng thuận dành cho tổ chức Đoàn, dành cho quá trình chuyển đổi số hoạt động Đoàn.

(4) Có những nền tảng, những hệ thống để thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi do các cấp bộ Đoàn xây dựng cũng như áp dụng còn những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật, gây những khó khăn cho Đoàn viên khi sử dụng: tình trạng phản hồi chậm, trì hoãn tác vụ khi khai báo thông tin, đăng ký, đăng nhập hoặc tình trạng thông báo lỗi trong quá trình sử dụng của người dùng cả khi người dùng đăng nhập vào những thời điểm không có nhiều người sử dụng; Có nhiều sim điện thoại của nhiều nhà mạng điện thoại không thể sử dụng để đăng nhập được vào Ứng dụng, hoặc đăng nhập được nhưng không thể nhận được mã OTP để kích hoạt tài khoản và xác thực các thông tin cần thiết; Hạn chế trong việc khai báo thông tin, xác thực thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, quê quán,…

  1. Một số ý kiến đề xuất – kiến nghị

            Trong giai đoạn 2023 – 2027, tổ chức Đoàn sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn với những nội dung đã được đề cập đến trong phần “Nhiệm vụ và giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2022 – 2027” của Báo cáo chính trị tại do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn là: “Tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và thanh niên”[25], “tăng cường chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp bộ Đoàn. Tăng cường số hóa thông tin các hoạt động Đoàn”[26]. Và để quá trình triển khai thực hiện các nội dung, vấn đề về chuyển đổi số trong hoạt động của Đoàn giai đoạn 2023 – 2027 như đã khẳng định có thể đạt được những kết quả tốt nhất và hướng một tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 và năm 2045, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số hoạt động Đoàn và thực trạng của vấn đề này, có 03 nhóm giải pháp mà tổ chức Đoàn có thể nghiên cứu áp dụng.

            Thứ nhất, tổ chức Đoàn cần xây dựng cơ chế để phát huy nhân tố con người trong quá trình thực hiện chuyển đổi số hoạt động Đoàn. Đây là nhóm giải pháp căn bản và quan trọng nhất trong việc triển khai chuyển đổi số hoạt động Đoàn.

            Một là, về công tác cán bộ Đoàn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[27], trong giai đoạn 2023 – 2027, bên cạnh việc nâng cao năng lực số cho lực lượng cán bộ Đoàn, tổ chức Đoàn có thể thực hiện 02 giải pháp sau để phát huy vai trò của lực lượng cán bộ Đoàn trong tham gia thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động Đoàn:

            (1) Tổ chức Đoàn cần bố trí lực lượng cán bộ Đoàn có kiến thức về chuyển đổi số, hiểu về chuyển đổi số, có tinh thần quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn, có sự hiểu Đoàn viên, thanh niên, hiểu cơ sở, có kỹ năng trao đổi, thông tin với Đoàn viên thanh niên để làm những cá nhân chịu trách nhiệm chính cho việc triển khai và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của hoạt động Đoàn.

            (2) Tổ chức Đoàn nên giúp cho lực lượng cán bộ Đoàn cấp cơ sở, cấp Chi Đoàn giảm bớt áp lực trong công việc của mình, qua đó giúp lực lượng này có thêm thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe để không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn và các nhiệm vụ chính trị được phân công mà còn thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được tổ chức Đoàn phân công thực hiện, đặc biệt là nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng quá trình chuyển đổi số hoạt động Đoàn tại cơ sở.

            Hai là, tổ chức Đoàn cần có biện pháp để phát huy được lực lượng Đoàn viên thanh niên, lực lượng trí thức trẻ: (1) Cần có thái độ tôn trọng, trân trọng, ghi nhận, tiếp thu mỗi ý kiến mà Đoàn viên Thanh niên, lực lượng trí thức trẻ đóng góp,cho dù những ý kiến đó được đóng góp vượt cấp hoặc những ý kiến đó là những ý kiến mà Đoàn viên thanh niên, lực lượng trí thức trẻ đóng góp bằng cả tấm lòng của mình nhưng trái với quan điểm, chủ trương, phương hướng của tổ chức Đoàn; (2) Cần có chính sách bảo vệ cá nhân Đoàn viên thanh niên, trí thức trẻ tham gia đóng góp ý kiến, không để xuất hiện tình trạng những cá nhân này bị trù dập, chụp mũ, công kích vì những ý kiến của những cá nhân tham gia đóng góp.

            Thứ hai, tổ chức Đoàn cần thay đổi về tư tưởng, nhận thức trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn, không chạy theo số lượng, chạy theo xu thế chung mà phải thực hiện từng bước, có mục đích, có chất lượng với tầm nhìn chiến lược dài hạn, mang tinh thần phát triển bền vững để giúp cho quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn được thực hiện tốt hơn. Theo tác giả, tổ chức Đoàn có thể thực hiện được 02 giải pháp cụ thể.

            Một là, tổ chức Đoàn cần làm rõ mục đích, những yêu cầu, lộ trình tiến hành, kết quả mong muốn hướng đến khi thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động Đoàn, đồng thời lựa chọn ra những mũi nhọn ưu tiên thực hiện của quá trình chuyển đổi số hoạt động Đoàn. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cần nhận thức rằng, quá trình này phải đem lại sự thân thiện, giản lược và thuận tiện cho Đoàn viên, thanh thiếu nhi trong quá trình tiếp cận các hoạt động, các nội dung, hoạt động của công tác Đoàn – Hội – Đội, không nên sử dụng hình thức ép buộc Đoàn viên thanh niên sử dụng các nền tảng số hoặc tham gia các hoạt động mang tinh thần chuyển đổi số do tổ chức Đoàn triển khai thực hiện với mục đích chạy chỉ tiêu mà hãy cứ để thuận theo tự nhiên, nếu như những gì chúng ta làm được Đoàn viên thanh niên đánh giá là tốt, là có hiệu quả, những nền tảng số và những hoạt động đó sẽ được Đoàn viên thanh niên và cả xã hội ủng hộ.

            Hai là, tổ chức Đoàn không chỉ thực hiện việc “đi tắt, đón đầu” các kết quả về chuyển đổi số của thế giới và do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu để ứng dụng vào quá trình chuyển đổi số hoạt động Đoàn hoặc thực hiện các hoạt động mang tính trước mắt để nâng cao năng lực số cho lực lượng cán bộ Đoàn, Đoàn viên, thanh thiếu nhi; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, nâng cao năng lực số đáp ứng xu thế chung của thế giới theo hướng tích hợp những nội dung này vào các môn học liên quan nhằm mục tiêu xây dựng những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam có những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và những năng lực số cơ bản ngay khi vừa hoàn thành giáo dục phổ thông.

            Thứ ba, các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở cần tập trung khắc phục tất cả những hạn chế, khuyết điểm về lỗi kỹ thuật trong thời gian qua của các nền tảng số mà tổ chức Đoàn đã xây dựng trong thời gian qua, qua đó cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, xây dựng và củng cố lại niềm tin cho người dùng, cho xã hội và cho Đoàn viên, thanh niên về những nền tảng số do tổ chức Đoàn xây dựng và phát triển. Đồng thời, trong tương lai, tổ chức Đoàn cần có sự đề phòng trước về nguy cơ xảy ra những hạn chế, khuyết điểm về lỗi kỹ thuật ở các nền tảng số cũng như cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hình thức và nội dung được trình bày trên nền tảng số đó, tránh trường hợp sau khi công bố và Đoàn viên, thanh niên đã thao tác trên nền tảng số đó thì mới phát hiện ra sai sót và điều chỉnh.

            Đối với riêng ứng dụng Thanh niên Việt Nam, trong giai đoạn 2023 – 2027, cần bổ sung để tất cả người dùng có các nhà mạng viễn thông hợp pháp theo pháp luật Việt Nam đều có thể đăng ký Ứng dụng. Có thể tích hợp Cổng thông tin điện tử học tập, nghiên cứu lý luận chính trị tại địa chỉ hoclyluan.doanthanhnien.vn vào Ứng dụng để Đoàn viên thanh niên đã đăng ký Ứng dụng – trong trường hợp chưa đạt tiêu chuẩn về học tập các bài lý luận chính trị cơ bản – có thể dùng tài khoản Ứng dụng để đăng nhập vào trang web học tập, nghiên cứu lý luận chính trị này và tham gia kiểm tra trên trang web đó, khi đạt yêu cầu, kết quả và chứng nhận sẽ được tự động cập nhập vào hồ sơ Đoàn viên của Đoàn viên thanh niên trên Ứng dụng. Đồng thời, Ban Bí thư Trung ương Đoàn có thể nghiên cứu phát triển thêm việc ghi nhận thành tích của Đoàn viên thanh niên thông qua nền tảng Ứng dụng. Theo đó, Ứng dụng sẽ được cập nhật thêm chức năng để Đoàn viên thanh niên tự ghi rõ thành tích và minh chứng đính kèm là scan các hình thức khen thưởng đó. Từ chức năng này, Trung ương Đoàn có thể phát triển thêm phần mềm Quản lý Đoàn viên để hỗ trợ các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến địa phương trong việc xét tuyển sơ bộ lựa chọn các đồng chí cán bộ Đoàn, Đoàn viên thanh niên đủ tiêu chuẩn trao tặng các thành tích, danh hiệu do các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện.

            KẾT LUẬN

Quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn từ năm 2017 – 2018 đến năm 2022 của các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở với 03 nhóm nội dung, công việc là công tác tổ chức – xây dựng Đoàn, công tác tuyên truyền – giáo dục và công tác tổ chức các phong trào hành động cách mạng của thanh niên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy sự xuất hiện nhiều hoạt động, sáng kiến, mô hình, giải pháp cụ thể, góp phần xây dựng một không khí chuyển đổi số từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, từng bước thay đổi hoạt động Đoàn theo hướng hiện đại hơn, phù hợp hơn với xu thế chung của xã hội cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cấp cơ sở, tạo sự thuận lợi nhất định cho lực lượng cán bộ Đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện để tổ chức Đoàn đến gần hơn với Đoàn viên thanh niên. Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần suy nghĩ và thảo luận. Thông qua suy nghĩ, nghiên cứu và thảo luận những khó khăn và hạn chế cũng như những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện chuyển đổi số hoạt động Đoàn, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết và phương thức để vượt qua, từ đó rút ra được nhận thức về vai trò, sứ mệnh và phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn nhằm hướng đến quá trình chuyển đổi số hoạt động Đoàn trong giai đoạn 2023 – 2027 được thuận lợi và thành công.

Trên cơ sở những khó khăn và hạn chế cũng như những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện chuyển đổi số công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, tổ chức Đoàn cần có những biện pháp để khắc phục được những khó khăn và hạn chế cũng như đạt được những kết quả tốt nhất và hướng một tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 và năm 2045. Trong đó, tổ chức Đoàn cần đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng cơ chế để phát huy nhân tố con người trong quá trình thực hiện chuyển đổi số hoạt động Đoàn, thay đổi về tư tưởng, nhận thức, không chạy theo số lượng, chạy theo xu thế chung mà phải thực hiện từng bước, có mục đích, có chất lượng với tầm nhìn chiến lược dài hạn, mang tinh thần phát triển bền vững, tập trung khắc phục tất cả những hạn chế, khuyết điểm về lỗi kỹ thuật trong thời gian qua của các nền tảng số mà tổ chức Đoàn đã xây dựng trong thời gian qua.

Trong tương lai, cần tiếp tục thực hiện trao đổi, thảo luận, nghiên cứu về thực tiễn chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi để thúc đẩy quá trình này được tiếp tục thực hiện và phát triển theo đúng hướng mà tổ chức Đoàn mong muốn nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, cũng như xây dựng hệ thống lý luận nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đoàn và của các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam do tổ chức Đoàn làm nòng cốt chính trị ở tất cả các cấp từ Trung ương cho đến cấp cơ sở trong tình hình bối cảnh mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2019). Hướng dẫn số 27-HD/TWĐTN-BKT ngày 01/04/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về Quy trình đánh giá và phương thức minh chứng kết quả công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh trên ứng dụng công nghệ chatbot chấm điểm Bộ tiêu chí năm 2019. Hà Nội
  2. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2019). Thông báo số 198-TB/TWĐTN-VP ngày 16/09/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về chính thức áp dụng phần mềm Hệ thống Quản lý điều hành văn bản điện tử VNPT E-Office của Trung ương Đoàn. Hà Nội
  3. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2020). Kế hoạch số 230-KH/TWĐTN-BTG ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về Triển khai học tập các bài học lý luận dành cho Đoàn viên. Hà Nội
  4. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2021). Kế hoạch số 385 -KH/TWĐTN-VP ngày 25/05/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về Triển khai Ứng dụng Thanh niên Việt Nam (giai đoạn 02). Hà Nội
  5. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2021). Công văn số 7338-CV/TWĐTN-BKT ngày 16/06/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vận hành hệ thống chấm điểm Bộ tiêu chí năm 2021. Hà Nội
  6. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. (2022). Nghị quyết số 10-NQ/TWĐTN-BTC ngày 08/02/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về thí điểm tổ chức sinh hoạt chi Đoàn định kỳ, đại hội Đoàn bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp đặc biệt. Hà Nội
  7. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2022). Kế hoạch số 491-KH/TWĐTN-VP ngày 08/03/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về Triển khai Ứng dụng Thanh niên Việt Nam năm 2023. Hà Nội
  8. Ban Bí thư Trung ương Đoàn. (2022). Kế hoạch số 559-KH/TWĐTN-BTG ngày 10/05/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về Tuyên truyền về Ứng dụng Thanh niên Việt Nam năm 2022. Hà Nội
  9. Ban Bí thư Trung ương Đoàn & Bộ Thông tin và Truyền thông. (2022). Kế hoạch số 557-KH/TWĐTN-BTTTT ngày 26/07/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Hà Nội
  10. Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. (2021). Quy chế Giải thưởng Hồ Hảo Hớn (sửa đổi, bổ sung) năm 2021, được ban hành kèm theo Quyết định số 1262-QĐ/TĐTN-BTC ngày 03/02/2021 của Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh
  11. Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. (2021). Thông báo số 1888-TB/TĐTN-BTC ngày 18/03/2021 của Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh về kết quả xét trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2021. Hồ Chí Minh
  12. Ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn – Văn phòng Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. (2021). Báo cáo đề nghị trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2021. TP. Hồ Chí Minh
  13. Bộ Thông tin và Truyền thông. (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. (Tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung). Hà Nội: NXB Thông tin và Truyền thông
  14. Hồ Chí Minh. (2021). Toàn tập, Tập 5. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.
  15. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (2023). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2022 – 2027). Hà Nội: NXB Thanh niên
  16. Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ – Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ & Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. (2022). Kỷ yếu của Hội thảo khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”. TP. Hồ Chí Minh
  17. Bảo Anh. (2020). Trung ương Đoàn ra mắt ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”. Trang Thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đăng tải ngày 15/12/2020, truy cập ngày 28/02/2023. Truy xuất từ https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/hoi-lhtn-viet-nam/trung-uong-doan-ra-mat-ung-dung-di-dong-thanh-nien-viet-nam
  18. Minh Châu. (2022). Ra mắt phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng tải ngày 23/02/2022, truy cập ngày 31/03/2023, truy xuất từ https://dangcongsan.vn/thoi-su/ra-mat-phan-mem-quan-ly-nghiep-vu-cong-tac-doan-vien-604554.html
  19. Lưu Trinh. (2022). Ra mắt Phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên. Báo Tiền Phong online, đăng tải ngày 23/02/2022, truy cập ngày 31/03/2023, truy xuất từ https://tienphong.vn/ra-mat-phan-mem-quan-ly-nghiep-vu-cong-tac-doan-vien-post1418297.tpo

CHÚ THÍCH

[2] Thuật ngữ này bắt đầu được nhắc đến trên toàn thế giới vào khoảng năm 2015, trở thành thuật ngữ phổ biến vào năm 2017 và ở tại Việt Nam, thuật ngữ này bắt đầu được nhắc đến nhiều vào năm 2018.

[3] Bao gồm: kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toàn đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (Artificial Interlligencen – AI), chuỗi khối (Blockchain), tự động hóa, các phần mềm công nghệ khác.

[4] Cụm từ “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” được viết tắt là “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” hoặc “Đoàn”.

[5] Tiêu biểu: Hội thảo khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ trực thuộc Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 18/05/2022, Hội thảo khoa học “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức” do Viện Nghiên cứu Thanh niên trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 08/12/2022

[6] Cụm từ “Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII nhiệm kỳ 2022 – 2027” được viết tắt là “Đại hội XII”

[7] Ứng dụng được xây dựng nhằm phục vụ công tác tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 với tầm nhìn xa là thực hiện hiệu quả công tác quản lý dữ liệu Đoàn viên cũng như chuyển đổi số trong công tác Đoàn của TP. Hồ Chí Minh. Ứng dụng có các tính năng: cập nhật tin tức, mạng xã hội, các công cụ hỗ trợ tổ chức đại hội Đoàn các cấp, đặc biệt, các tính năng hỗ trợ Đại hội trực tuyến như điểm danh bằng FaceID, bầu cử và biểu quyết trực tuyến, điểm danh không chạm, đại hội không giấy.

[8] Thiết bị được bao bằng khung nhựa in 3D, thích hợp sử dụng với nhiều loại thùng phiếu khác nhau. Về nguyên tắc hoạt động, thiết bị được kết nối không dây về máy chủ thông qua sóng wifi, sử dụng bộ đếm, cảm biến Lazer hồng ngoại hai chiều nhằm làm tăng độ chính xác khi đại biểu bỏ phiếu bầu vào thùng phiếu, được lập trình đếm tuần tự tránh sai số. Mỗi khi đại biểu bỏ lá phiếu vào, thiết bị được gắn bên trong thùng phiếu bầu sẽ nhận diện và đếm số thứ tự, tổng số phiếu bầu sẽ hiển thị và cập nhật trên màn mình chiếu được kết nối với thiết bị

[9] Gồm: Đoàn Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Khối Cơ sở Bộ Công thương tại TP. Hồ Chí Minh, Quận Đoàn 12, Thành Đoàn Thủ Đức, Đoàn Trường Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre

[10] Gồm: Thành Đoàn Thành phố Hải Phòng, Thành Đoàn Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Đoàn Bến Tre, Tỉnh Đoàn Cà Mau

[11] Phần mềm được thiết kế dưới hình thức website, được liên kết với ứng dụng Thanh niên Việt Nam, được tích hợp công nghệ eKYC giúp định danh chuẩn xác các đoàn viên thanh niên và được tích hợp thêm một số tính năng phụ trợ để tăng tương tác giữa các tổ chức Đoàn như: chat nội bộ, văn bản chỉ đạo, mời họp. Phần mềm được xây dựng để thực hiện 12 nghiệp vụ công tác Đoàn viên trong hệ thống tổ chức Đoàn, bao gồm: kết nạp Đoàn viên mới, chuyển sinh hoạt Đoàn đi – đến, Trưởng thành Đoàn, xóa tên Đoàn viên, chương trình “Rèn luyện Đoàn viên”, đánh giá và xếp loại Đoàn viên, Đoàn viên danh dự, Đoàn viên ưu tú, công tác khen thưởng và kỷ luật của tổ chức Đoàn, Đoàn viên đi làm ăn xa, sinh hoạt Đoàn nơi cư trú, sinh hoạt Đoàn tạm thời.

[12] Tiêu biểu: Hoạt động sinh hoạt tập thể teambuilding trực tuyến với chủ đề “Đón đầu và Kết nối” của 467 đồng chí cán bộ Đoàn học sinh THPT, tìm hiểu các địa danh, di tích trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trên nền tảng thực tế ảo tại địa chỉ https://map3d.visithcmc.vn/ trong khuôn khổ Chương trình tập huấn cán bộ Đoàn trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên năm học 2021 – 2022 do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 16/10/2021 theo hình thức trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams; Giải pháp “Hành trình trải nghiệm trực tuyến dành cho Bí thư Chi Đoàn” với sự tham gia 72 học viên Chương trình tập huấn Bí thư Chi Đoàn cấp Trường năm học 2021 – 2022 trong khuôn khổ Chương trình tập huấn Bí thư Chi Đoàn năm học 2021 – 2022 do Đoàn trường THPT Marie Curie (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) thực hiện vào ngày 10/10/2021

[13] Năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đoàn bắt đầu triển khai thực hiện chấm điểm Bộ tiêu chí đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Đoàn trực thuộc trên nền tảng ứng dụng công nghệ chatbot. Đến năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai xây dựng website này với địa chỉ kết nối từ biểu tượng “Bộ Tiêu Chí” trên trang Thông tin điện tử Trung ương Đoàn, hoặc đường link https://btc.doanthanhnien.vn/login.

[14] Tiêu biểu là Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh

[15] Việc xét chọn các danh hiệu thi đua bằng hình thức trực tuyến theo mô hình này được thực hiện qua 03 bước: (1) Các cá nhân thực hiện đăng kí tài khoản, khai thông tin trên hệ thống qua website. (2) Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Việt Nam các đơn vị đăng nhập thực hiện việc đánh giá và thẩm định hồ sơ bước đầu, kiểm tra thông tin và các minh chứng liên quan. Đối với các hồ sơ được đánh giá đạt yêu cầu, thông qua hệ thống, các đơn vị gửi các hồ sơ cho cấp Thành xem xét xét chọn. (3) Dựa trên những hồ sơ bước đầu được các đơn vị đánh giá, Thành Đoàn – Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phân quyền cho các cán bộ phụ trách để cùng lúc xem xét, đánh giá các hồ sơ. Các hồ sơ được xem xét, đánh giá được thực hiện cùng lúc bởi nhiều người, đảm bảo tính khách quan và chính xác. Các hồ sơ sẽ được phân loại để trình Hội đồng đánh giá, cho kết quả sau cùng

[16] Giải thưởng Hồ Hảo Hớn được Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh thành lập năm 2001 nhằm khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh

[17] Vào ngày 24/02/2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã triển khai học tập các bài học lý luận dành cho Đoàn viên, trong đó triển khai việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị trên Cổng thông tin điện tử học tập, nghiên cứu lý luận chính trị tại địa chỉ hoclyluan.doanthanhnien.vn.

[18] Tiêu biểu: “Không gian truyền thống trực tuyến chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” trên nền tảng Artsteps tại địa chỉ https://bit.ly/KHGTT-2603 và không gian trực tuyến “Tự hào Đảng quang vinh” trên nền tảng Wix.com tại địa chỉ https://bit.ly/tuhaodangquangvinh của Đoàn trường THPT Củ Chi (Huyện Củ Chi); Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 – 26/03/2023) và công trình bản đồ điện tử “Theo bước Mậu Thân 1968” nhằm chào mừng 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968–2023) của Đoàn trường THPT Hùng Vương (Quận 5) tại địa chỉ https://doantncstruongthpt.wixsite.com/thpthvq5; “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của Đoàn trường THPT Linh Trung (Thành phố Thủ Đức) tại địa chỉ: https://tinyurl.com/dtthptlt-tltt-mh3d

[19] Tiêu biểu: Không gian triển lãm trực tuyến kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên khu vực trường học trực thuộc Quận – Huyện Đoàn, Thành Đoàn TP. Thủ Đức năm học 2020 – 2021 trong khoảng thời gian từ ngày 28/09/2021 đến ngày 03/10/2021; Không gian triển lãm trực tuyến kết quả hoạt động các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè năm 2021 và sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID – 19 trong tháng 10/2021.

[20] “Ứng dụng Thanh niên Việt Nam” được viết tắt là “Ứng dụng”.

[21] Ngày 25/05/2021, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Kế hoạch số 385 -KH/TWĐTN-VP về Triển khai Ứng dụng Thanh niên Việt Nam (giai đoạn 02) nhằm đẩy mạnh việc triển khai Ứng dụng với 05 nội dung, qua đó tạo thành công cụ quản lý hiệu quả của tổ chức Đoàn các cấp, môi trường kết nối, giao lưu, bổ ích dành cho Đoàn viên, thanh niên. Ngày 08/03/2022, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 491-KH/TWĐTN-VP về Triển khai Ứng dụng Thanh niên Việt Nam năm 2022, bổ sung 01 nội dung sẽ triển khai thực hiện trên nền tảng Ứng dụng là hỗ trợ tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, thực hiện cấp quyền cho tài khoản của Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện để xây dựng một thư mục tương tự như một ứng dụng của Đại hội của đơn vị, các đại biểu tham dự Đại hội sẽ được tài khoản chính của Đoàn cấp đó cấp quyền vào thư mục.

[22] Theo số liệu trong Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình tại Đại hội XII và được Đại hội XII thông qua.

[23] Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (2023). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2022 – 2027). Hà Nội: NXB Thanh niên, tr 94.

[24] Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (2023). Sđd, tr 69.

[25] Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (2023). Sđd, tr 122.

[26] Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (2023). Sđd, tr 146.

[27] Hồ Chí Minh. (2021). Toàn tập, Tập 5. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, tr 309.

 

[Lời Ban Biên tập Website]:

Bài viết là toàn văn tham luận của tác giả LÝ QUAN HỮU AN thuộc đơn vị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào ngày 20/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Có thể tham khảo tại: Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. (2024). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.119-120.

VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

“Chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 cấu phần chính, lần lượt là chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số, chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số” là khẳng định của Bộ Thông tin và Truyền thông trong “Cẩm nang Chuyển đổi số”. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các xây dựng các thiết chế nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″”.

1. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm:
(1) Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
(2) Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.
(3) Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số
Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chủ đề là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 có chủ đề là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

2. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được thành lập vào ngày 24/9/2021 trên cơ sở Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử”. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số gồm 15 thành viên do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch.
Thứ nhất, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Thứ hai, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có 06 nhiệm vụ cụ thể:
(1) Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
(2) Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(3) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều phối chung việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; theo dõi, điều phối thực hiện các nội dung liên quan của Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
(4) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; đôn đốc việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
(5) Sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
(6) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Cục Chuyển đổi số quốc gia

Thứ nhất, Cục Chuyển đổi số quốc gia là tổ chức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông,
Thứ hai, Cục Chuyển đổi số quốc gia thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; là đầu mối tổng hợp, tham mưu, điều phối, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, Cục Chuyển đổi số quốc gia có 12 nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể:
(1) Chuyển đổi số quốc gia.
(2) Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
(3) Công nghệ thông tin và truyền thông trong đô thị thông minh.
(4) Chủ trì thẩm định về mục tiêu, kỹ thuật, công nghệ, quy mô, giải pháp, kết quả dự án theo quy định của pháp luật đối với chủ trương đầu tư các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng; Chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở dự án theo quy định của pháp luật hiện hành và thẩm định, thẩm tra về mục tiêu, kỹ thuật, công nghệ, qui mô, giải pháp, kết quả dự án, đề án cho báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, các nhiệm vụ mua sắm, đề cương và dự toán chi tiết đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của Bộ, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng; tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động, kiểm tra và xác định mức độ chấp hành thiết kế cơ sở/sơ bộ, thiết kế thi công của các hệ thống thông tin, nền tảng số của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
(5) Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát triển kỹ năng số phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.
(6) Tham gia đề xuất, xây dựng, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật về chất lượng, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.
(7) Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia; nghiên cứu, xác định các rào cản pháp lý hiện hành đối với các công nghệ, nền tảng mới.
(8) Tổ chức thống kê, thu thập, tổng hợp số liệu, phân tích, dự báo về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số; xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
(9) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia theo phân cấp của Bộ trưởng và các quy chế, quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; cung cấp số liệu phục vụ việc đánh giá, xếp hạng định kỳ mức độ phát triển về Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam.
(10) Quản lý về tài chính, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và người lao động, tài sản, hồ sơ, tài liệu của Cục Chuyển đổi số quốc gia theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
(11) Được chủ động phát triển các hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo các quy định của Nhà nước và của Bộ Thông tin và Truyền thông; bảo toàn và phát triển các nguồn lực được giao.
(12) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

4. Cổng Thông tin điện tử Chuyển đổi số Quốc gia
Cơ quan thường trực: Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Địa chỉ: https://dx.gov.vn/
Vị trí, vai trò: Là điểm truy cập chính thức của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tham khảo:
1. Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử”
2. Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
3. Quyết định số 1925/QĐ-BTTTT ngày 19/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chuyển đổi số Quốc gia”
4. Bộ Thông tin và Truyền thông. (2021). Cẩm nang Chuyển đổi số. (Ấn bản lần thứ 02). Hà Nội: NXB Thông tin và Truyền thông
5. Cổng Thông tin điện tử Chuyển đổi số Quốc gia: https://dx.gov.vn/gioi-thieu.htm

Back To Top