Với thông điệp “Thay ống kính, đổi góc nhìn” – talkshow LOOK đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên từ các trường đại học tại TP. HCM vào chiều 24.4.2021, tại hội trường Nhà điều hành (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Đến với buổi nói chuyện, về phía các khách mời, có sự tham dự của chuyên gia tham vấn Tâm lý Mia Nguyễn và ông Đào Ngọc Ninh, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), trưởng Dự án Thanh Niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Về phía Khoa Báo chí và Truyền thông có ThS. Đoàn Hữu Hoàng Khuyên – Phó Trưởng khoa, thầy Nguyễn Minh Bằng – giảng viên khoa, đồng chí Lý Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Diễn giả Mia Nguyễn và MC Đặng Hồng Thắm (Ảnh: Đoàn hội BC-TT).
Talkshow LOOK được chia ra làm ba nội dung chính “Nhìn thẳng, nhìn sâu và nhìn xa”. Ở nội dung thứ nhất, diễn giả Mia Nguyễn lý giải những nguyên nhân xuất hiện định kiến giới trong truyền thông: người viết muốn có nhiều lượt xem, lượt tương tác để thu hút quảng cáo, tài trợ. Theo chuyên gia của công ty Ladies of Vietnam, truyền thông vốn là một nơi bình đẳng cho tất cả mọi người nhưng ở Việt Nam vẫn còn xuất hiện rất nhiều sự phân biệt về giới. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của một con người lẫn sự thiếu tử tế của một xã hội.
Do đó, để sản phẩm truyền thông mang tính khách quan nhất, người làm truyền thông nên trang bị kiến thức về định kiến giới, bất bình đẳng giới. “Điều quan trọng nhất là các bạn cần phải xác định rõ mục đích mình viết bài là gì và đặt mình vào vị trí người tiếp nhận bài báo đó – Diễn giả Mia Nguyễn nhấn mạnh.
Theo chị Mia Nguyễn, người làm truyền thông cần phải thay đổi trong tư duy đề tài cũng như có sự nhạy cảm về giới. (Ảnh: Đoàn hội BC-TT)
Chị còn cho rằng chính người đọc cũng phải thông minh trong việc tiếp nhận thông tin và hoàn toàn có thể nói không với những sản phẩm truyền thông độc hại.
Ở nội dung “Nhìn sâu, nhìn xa”, các bạn sinh viên được diễn giả Mia Nguyễn chia sẻ những mẹo nhỏ để vượt qua định kiến giới ở cả lĩnh vực truyền thông lẫn trong đời sống. Cụ thể, để trở thành một độc giả thông minh trước định kiến giới trong truyền thông, các bạn trẻ cũng cần phải xem xét mục đích sử dụng mạng xã hội là gì; tách biệt giữa thế giới ảo với đời sống thật. Để từ đó có trách nhiệm hơn trước những phát ngôn trên mạng xã hội. Quan trọng nhất, khi đọc một bản tin nào đó người đọc đừng nên vội phán xét mà nên đánh giá ở tất cả các khía cạnh của vấn đề.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia đến từ công ty Ladies of Vietnam, sinh viên cũng nên tạo ra một hệ miễn dịch trong tâm trí: tránh những ám thị tiêu cực, thay bằng những điều tích cực; đặt ra những giới hạn nhất định ở các mối quan hệ xung quanh để bảo vệ bản thân; cần có niềm tin vào chính mình.
Bên cạnh đó, buổi talkshow còn có hoạt động giao lưu như: Thay đổi nội dung, tít báo nhằm giúp các bạn sinh viên nhận diện được định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông.
__
Trong phần đối thoại với diễn giả, Hồ Ngọc Trúc Quân đặt vấn đề: “Tại sao mọi người lại quá thờ ơ trước những câu chuyện lạm dụng tình dục như vậy?” Nữ sinh viên khoa BC-TT cũng chia sẻ về trải nghiệm của bản thân trước thái độ của mọi người xung quanh với vấn đề định kiến giới. Bạn phải nhiều lần dừng lại giữa chừng và xin phép được thuật lại những từ ngữ khiếm nhã mình từng nghe.
Trước vấn đề của Trúc Quân, diễn giả Mia Nguyễn bày tỏ niềm vui khi dần có những người trẻ nói lên được quan điểm của mình về văn hóa đổ lỗi trong lạm dụng tình dục. “Xã hội không dạy chúng ta hiểu thế nào là đồng thuận trong tình dục, không dạy chúng ta biết những người đàn ông phải chịu trách nhiệm với hành vi quấy rối, lạm dụng của họ. Nó dẫn tới việc rất nhiều nạn nhân bị đổ lỗi vì không thể tự bảo vệ bản thân. Và đó chính là một vấn đề còn tồn tại dai dẳng trong xã hội này.” – chị Mia Nguyễn giải thích.
Phụ nữ, đàn ông hay bất kỳ một nhóm yếu thế nào trong xã hội này đều có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Và phụ nữ có quyền tự chủ về cơ thể cũng như nói không với tất cả những vấn đề liên quan đến định kiến giới.
Sinh viên trường Kinh tế – Luật, bạn Minh Đạt lại đặt câu hỏi về vấn đề các quy định xử phạt của Việt Nam trước những phát ngôn mang tính định kiến giới. Trả lời vấn đề của Minh Đạt, ông Đào Ngọc Ninh cho biết, trên bình diện thúc đẩy bảo vệ bình đẳng giới, Việt Nam đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong nước và phê chuẩn theo công ước quốc tế. Tuy nhiên, quá trình từ những nghị quyết chung để được cụ thể hóa vào các luật chuyên môn vẫn còn đang trong giai đoạn chưa hoàn thành. Đây cũng là một trong những vấn đề mà rất nhiều cơ quan nhà nước đang có biện pháp thúc đẩy, hoặc thông qua văn bản dưới luật để lồng ghép việc thực thi chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. “Bản thân chúng tôi những người làm công tác xã hội vẫn nhìn nhận vấn đề này là một nhu cầu cần phải làm. Chúng ta sẽ phải có những công cụ về mặt pháp luật để đảm bảo không gian về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của Việt Nam phải được đảm bảo an toàn cho các giới. Và những phát biểu, hành vi không chuẩn mực trên không gian mạng là một hành vi cần phải đưa vào chế tài thông qua luật pháp điều chỉnh.” – Ông Đào Ngọc Ninh nhấn mạnh.
SV Hồ Ngọc Trúc Quân chia sẻ quan điểm của mình về định kiến giới trong xã hội hiện nay. (Ảnh: Đoàn hội BC-TT)
Talkshow LOOK được tổ chức bởi Khoa Báo chí và Truyền thông và Viện Tư vấn Phát trển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) dưới sự tài trợ của tổ chức Oxfam và Liên Minh Châu Âu (EU), nhằm truyền tải đến cộng đồng trẻ góc nhìn đúng đắn về bình đẳng giới trong truyền thông.
LINH KHÁNH
ẢNH: ĐOÀN HỘI BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG