TTO – “Sức hút của phong trào tình nguyện, nhu cầu tham gia hoạt động tình nguyện trong thanh niên còn rất lớn. Với người thiết kế phong trào, đấy là bài toán không dễ khi vừa phải tiếp nối thành quả, vừa phải đổi mới sao chongày càng hấp dẫn hơn”.
Đó là chia sẻ của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn LÊ QUỐC PHONG với Tuổi Trẻ khi nhìn lại 20 năm chiến dịch thanh niên tình nguyện hè (2000-2019) và hoạch định hướng đi mới.
Tạo cảm hứng và thôi thúc
* Đâu là điểm sáng nhất mà tuổi trẻ Việt Nam đã tạo nên trong chặng đường 20 năm chiến dịch tình nguyện hè?
– Có thể nói chiến dịch thanh niên tình nguyện hè đã đạt hiệu quả việc thu hút, tập hợp, phát huy thanh niên và cả trong khẳng định vai trò xung kích, tính tiên phong, trách nhiệm của tuổi trẻ trước những vấn đề còn nhiều khó khăn của đất nước.
Đây là hoạt động đáp ứng được nguyện vọng của thanh niên trong việc khẳng định bản thân, trải nghiệm, cống hiến và thu hoạch được nhiều bài học thực tiễn quý giá để trưởng thành cả về nhận thức và hành động.
Thanh niên tình nguyện đã làm đẹp thêm hình ảnh thanh niên Việt Nam trong 20 năm qua. Với hơn 70 triệu lượt thanh niên tham gia trên phạm vi cả nước, giá trị mang lại cả về vật chất và tinh thần to lớn. Có thể nói hoạt động tình nguyện là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
* Đã xuất hiện các trào lưu, xu hướng tình nguyện mới, không ít câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện của giới trẻ tự hình thành và hoạt động hiệu quả. Làm sao để Đoàn vẫn giữ được vai trò định hướng, dẫn dắt phong trào tình nguyện chung sau 20 năm đạt nhiều thành quả lớn lao?
– Đoàn luôn cổ vũ và khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện. Bởi đó là môi trường thực tiễn sinh động để thanh niên chia sẻ, trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.
Tôi tin chính phong trào thanh niên tình nguyện của Đoàn với nhiều hoạt động hiệu quả như chiến dịch thanh niên tình nguyện hè đã lan tỏa, tạo cảm hứng và thôi thúc nhiều bạn trẻ tham gia tình nguyện hơn. Quan trọng nhất là nội dung hoạt động phải bắt nhịp kịp với những đòi hỏi của người dân, địa phương, phương thức cần phù hợp điều kiện cụ thể của các nhóm thanh niên.
Nhìn vào chặng đường 20 năm của chiến dịch tình nguyện hè, chúng ta có thể thấy rõ sự chuyển mình rất cụ thể.
Từ một chiến dịch chung đã hình thành một chương trình và bốn chiến dịch cho các nhóm đối tượng thanh niên khác nhau. Từ việc điều chỉnh mỗi năm một địa bàn đã xuất hiện ngày càng nhiều sự gắn bó 2-3 năm với một địa bàn để hoàn thành những công trình lớn hơn. Từ một đội hình làm nhiều nhiệm vụ đã ra đời nhiều đội hình chuyên.
Từ việc chủ yếu dựa vào thanh niên tình nguyện đã chuyển sang kết hợp và vận động thanh niên địa phương, người dân cùng làm, cùng gìn giữ công trình, thành quả đạt được…
Bám sát nhu cầu thực tế của địa phương
* Từng có phàn nàn về tính hình thức, cách làm “phong trào” trong quá trình hoạt động. Liệu đã cần nghĩ đến một phương thức nào khác thay cho phong trào, hoạt động tình nguyện hiện có, thưa anh?
– Đúng là trong triển khai, có lúc, có thời điểm, có đội hình chưa chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến hiệu quả, chất lượng chưa cao. Nhưng đó chỉ là thiểu số. Giá trị của phong trào thanh niên tình nguyện với sự trưởng thành của thanh niên Việt Nam đã được khẳng định, sự góp sức của thanh niên tình nguyện và phong trào thanh niên tình nguyện trong sự phát triển của đất nước cũng rất rõ nét.
Đó là sự đồng tình cao của dư luận, của xã hội, của các cấp lãnh đạo khi đánh giá về thanh niên, ghi nhận và kỳ vọng ở thanh niên. Đó cũng là lý do mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần XI xác định đưa phong trào thanh niên tình nguyện là một trong ba phong trào lớn của thanh niên cả nước giai đoạn 2017-2022.
* Anh cho rằng đâu là những thách thức đặt ra với phong trào và cả với người thiết kế hoạt động, chương trình tình nguyện? Có thể dự báo gì về xu hướng, cách tiếp cận, phương thức của phong trào tình nguyện trong thời gian tới?
– Thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra rất nhiều việc cần sự tham gia, tính xung kích của thanh niên, nhưng làm thế nào để khơi gợi, mời gọi thanh niên tham gia. Tôi cho rằng phương thức tổ chức trong giai đoạn này cần được điều chỉnh để đảm bảo diện rộng của phong trào nhưng cũng phải đảm bảo cả chiều sâu ở tính hiệu quả, thiết thực, chuyên nghiệp.
Phong trào thanh niên tình nguyện thời gian tới vẫn rất cần bám sát những nhu cầu mà thực tế xã hội của các địa phương đặt ra. Cùng với đó, cần nhân rộng việc gắn bó với một địa phương trong một thời gian đủ dài để tham gia chuyển biến hoặc tạo công trình, dấu ấn ý nghĩa, đặc biệt với những vùng khó khăn, biển đảo của quê hương, đất nước.